Từ ngã tư Dầu Giây theo quốc lộ 20 lên Đà Lạt, quốc lộ 1 ra miền Trung và tỉnh lộ 2 từ Long Khánh đi Bà Rịa, du khách sẽ nhìn thấy những cụm núi và các ngọn núi độc lập phủ màu xanh của cây rừng.
Từ ngã tư Dầu Giây theo quốc lộ 20 lên Đà Lạt, quốc lộ 1 ra miền Trung và tỉnh lộ 2 từ Long Khánh đi Bà Rịa, du khách sẽ nhìn thấy những cụm núi và các ngọn núi độc lập phủ màu xanh của cây rừng.
Đá Ba Chồng Định Quán. Ảnh: Phạm Lê Dũng |
Trên một số ngọn núi, phần đỉnh không nhô cao mà lõm xuống hoặc vát nghiêng rất lạ một bên. Những ngọn núi ấy chính là tàn tích của những miệng núi lửa từng phun trào các dòng dung nham hàng triệu năm trước đây tạo nên nhiều loại đá, đất góp phần hình thành địa mạo, trong đó có đất bazan khá nổi tiếng ở Đông Nam bộ, thích hợp với các loại cây công nghiệp.
* Từ dấu tích núi lửa vùng Gia Kiệm...
Tư liệu về địa chất cho biết, phía Bắc và đông bắc của Đồng Nai từng là cao nguyên, đồng bằng núi lửa. Qua nhiều thời kỳ, tạo thành cảnh quan khá độc đáo mà hiện nay để lại dấu vết của những ngọn núi lửa với độ cao từ 100m đến dưới 500m. Những địa danh có dấu tích núi lửa tập trung như Cẩm Tiêm, Gia Kiệm, Xuân Lộc, Phú Hòa, Định Quán hay đứng riêng Núi Quy, Núi Đất, Võ Dõng, Sóc Lu, núi Be Bác, núi phía bắc Chứa Chan…, trong đó “núi lửa” lớn, cao nhất là Sóc Lu với 418m, đường kính 5,5m.
Đầu thế kỷ XX, rừng và các ngọn núi còn rậm rạp. Người dân từ các nơi đến khai khẩn đã dần chọn sườn núi để trồng trọt. Từ đó, mở rộng diện tích, tiến lên phía đỉnh các ngọn núi. Chính những người dân ở địa phương từ buổi đầu khai khẩn đã biến những ngọn “núi lửa” thành đất rẫy, trồng nhiều loại cây ăn trái. Từ phía dưới nhìn lên, ít ai có thể hình dung những lõm núi trên đỉnh núi lại sâu, vát theo hình chiếc phễu với các loại đá, đất bị phong hóa; đặc biệt phần đá xám nâu xốp, nhẹ, nhiều kích cỡ, hình dáng.
Từ cảnh quan thiên nhiên với các núi lửa cổ, danh thắng đá Ba Chồng, dấu tích hệ thống hang động dung nham được phát hiện năm 2013, các điểm du lịch đã được đầu tư khai thác như thác Mai, Đa Tôn, sông La Ngà, làng người Mạ, lễ hội người Hoa… và các loại đặc sản địa phương, vùng Tân Phú, Định Quán của Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó cần quan tâm đến nguồn lực của xã hội đối với việc đầu tư, chất lượng dịch vụ, lợi nhuận chia sẻ cho cộng đồng và đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa tộc người. |
Tôi cùng nhóm bạn đã từng tò mò xem lõm núi lửa (tàn tích) thế nào khi vượt con đường đất, đá ngoằn ngoèo qua nhiều rẫy của người dân địa phương tiến lên phía đỉnh “núi lửa” vùng Gia Kiệm.
“Phượt” lên miệng núi lửa (tàn tích) với cung đường không khó, độ cao vừa phải nhưng đòi hỏi sự bền bỉ. Khi đi xuống thì cần chăm chú, giữ độ bám của chân và thăng bằng khi trọng lực của cơ thể cứ muốn nhào xuống theo độ dốc sườn núi.
Quá trình và cung đường lên “miệng núi lửa” là một trải nghiệm của thử thách khám phá. Khi lên đỉnh núi, bạn có thể bao quát “miệng núi lửa” hình cái phễu rộng lớn hay chiếc nón lá để ngược khá độc đáo. Trên bờ gờ của vành đai phần lõm xuống đến điểm sâu nhất tùy thuộc nơi, có những nơi sâu ước khoảng 100m. Nơi thấp nhấp đó chính là tâm của dòng dung nham được phun trào với dạng miệng loe rộng phía trên cho đến khi ngừng hẳn thì bị một lượng vật chất bề mặt chảy ngược, lấp, bịt dần lại, võng xuống. Gió mưa và thời gian, phần lõm sâu nhất cứ đón nhận các loại cây cối, đất đá phía trên trôi xuống.
Dù màu xanh của cây rừng thứ sinh và cây ăn trái đã phủ khắp nhưng lõm rộng, sâu tạo nên một thung vát giữa đỉnh núi khá độc đáo. Trong phần lõm của diện tích này, người dân trồng nhiều loại cây như: mít, điều, tiêu, chuối, đậu nành… xen trong màu đất nâu xám, có những gờ đá xù xì, phong hóa chen nhau. Cùng với hành trình lên và xuống núi là một trải nghiệm thú vị bởi nơi đây từng là nơi phun trào được ví như những cơn giận dữ của thiên nhiên với dòng nham thạch mà bây giờ chỉ nhìn thấy qua những thước phim tư liệu.
* ...đến núi đá Ba Chồng
Một quần thể đá khá độc đáo được hình thành từ hàng triệu năm trước trên vùng đất Đồng Nai, mặc cho sương gió và thời gian, tạo dáng kỳ vĩ ven quốc lộ 20 và giữa khu thị tứ của Định Quán. Cảnh quan thiên nhiên này với những giá trị đã được xếp hạng di tích danh thắng quốc gia vào năm 1998 với tên gọi Danh thắng Đá Chồng.
Cả một diện tích rộng của quần thế đá này có nhiều điều thú vị, những hòn đá với dáng vẻ khác nhau, chen lẫn với dây, hoa lá trong những ngách và cây rừng. Tiêu biểu trong quần thể là các cụm đá: hòn Ba Chồng, hòn Dĩa và hòn Tượng - những cái tên dân dã mà người dân gọi theo cách liên tưởng về hình ảnh thực của chúng.
Ba tảng đá công kênh nằm sát lộ với độ cao 36m làm ngạc nhiên biết bao khách tham quan, nguồn cảm hứng sáng tác cho những nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia. Hòn trên cùng chìa ra một cách chông chênh như muốn chực đổ xuống bất cứ lúc nào, thế nhưng vẫn mãi thế đứng dù cảnh quan chung quanh thay đổi quá nhiều, từ thời hoang sơ cho đến dân cư đông đúc. Chính đặc điểm của ba tảng đá này đã được lấy tên chung cho cả khu danh thắng. Hòn Dĩa to và lớn, chìa ra trên độ cao 46m trên những tảng đá nhỏ như chêm nhau giữ thăng bằng. Chỗ tựa của hòn Dĩa tạo nên vách, ngàm tạo khoảng không nhìn trời xanh, cây cối và đá thú vị - nơi nhiều bạn trẻ tìm đến “check in” cho sở thích khám phá của mình.
Dấu tích núi lửa vùng Gia Kiệm. Ảnh: TL mapio.net |
Cụm núi Tượng có hình thù như một đôi vợ chồng voi đứng bên cạnh nhau phía sau chùa Thiện Chơn. Trên đỉnh hòn Voi đực có tượng Phật Thích Ca khổng lồ nhìn về hướng đông được tạo tác vào những năm đầu của thập niên 70 (thế kỷ XX). Dưới chân cụm đá có hang Bạch Hổ với tích truyện dân gian kỳ thú về đôi cọp trắng hung dữ ở rừng núi Định Quán bị cảm hóa bởi tiếng kinh thiện lành của nhà Phật trong thời khai khẩn. Từ hang Bạch Hổ, bàn tay con người tạo nên một hành lang tam cấp uốn theo giữa hai tảng đá để đến đỉnh đặt tượng Phật.
Đá và đá và cây xanh - đó là đặc điểm của núi đá này. Những con đường đến các cụm đá thuận lợi nhưng không phải ai cũng có thể lên trên đỉnh đá. Trong quần thể đá Ba Chồng các nhà khoa học phát hiện nhiều công cụ sản xuất như rìu bằng đá, đồng, những mảnh gốm, gạch của cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn năm. Khu vực này cũng là nơi diễn ra những trận đánh trong cuộc kháng chiến vệ quốc trước mùa Xuân năm 1975.
Lang thang những cung bậc với đá để đến các cụm đá lớn. Khi lên đỉnh của núi Tượng, bạn có thể phóng tầm nhìn rộng ra phía dưới và chung quanh. Một khung cảnh hữu tình với cánh đồng rộng lớn, khu dân cư nhiều màu sắc và làng người Mạ dưới chân núi Deang Kear - nơi đã từng có lễ cúng thần Núi giờ chỉ còn là ký ức trong trí nhớ dân làng.
* Tiềm năng phát triển du lịch
Sự độc đáo của các ngọn núi lửa, vẻ đẹp kỳ thú của quần thể đá Ba Chồng là một lợi thế độc đáo về tiềm năng trong phát triển du lịch của Đồng Nai khi kết hợp cảnh quan thiên nhiên và văn hóa tộc người Mạ. Bên cạnh các khu du lịch đã được đầu tư tại Định Quán, gắn kết với các điểm tham quan của thác Mai (Lâm trường Tân Phú), hồ Đa Tôn, làng Mạ Hiệp Nghĩa…, du khách mong muốn các điểm trong quần thể đá Ba Chồng được khai thác.
Các điểm này có thể thu hút bởi các sản phẩm du lịch hợp lý: những chuyến thám hiểm miệng núi lửa, chinh phục các tảng đá với độ an toàn, thông tin đầy đủ; tìm hiểu làng Mạ với nghề dệt thổ cẩm cùng những tập quán, nhà trưng bày văn hóa cộng đồng; là điểm nghỉ ngơi ngắn hạn với sản phẩm đặc thù ở địa phương trong quần thể đá này.
Một du khách cho biết, thật thú vị khi bạn được “selfie” ở điểm đến này, thưởng ngoạn cảnh quan từ trên cao và thưởng thức những đặc sản địa phương (cà phê, ca cao, các loại trái cây…) giữa công viên với bộ bàn đá, ghế đá trong quần thể đá dưới chân núi… Một gợi mở trong du lịch khá thú vị khi có thể quy hoạch khu đá Ba Chồng là điểm dừng chân trên chặng đường giữa TP.HCM và Đà Lạt theo quốc lộ 20.
Đình Huyền Dũng