Báo Đồng Nai điện tử
En

Thống nhất đất nước tái hiện lịch sử từ góc nhìn mới

01:04, 30/04/2020

Con đường đã chọn là đề án phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân, kể về hành trình đất nước từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến giai đoạn hiện nay. Trong đó, 5 tập phim (từ tập 15-19) về Chiến dịch Hồ Chí Minh được công chiếu đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020).

PGS-TS, đạo diễn Bùi Chí Trung
PGS-TS, đạo diễn Bùi Chí Trung

Con đường đã chọn là đề án phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân, kể về hành trình đất nước từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến giai đoạn hiện nay. Trong đó, 5 tập phim (từ tập 15-19) về Chiến dịch Hồ Chí Minh được công chiếu đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020). Không chỉ có cái nhìn khách quan, đa chiều với góc nhìn lịch sử của ngày hôm nay, phim còn sử dụng hình ảnh tư liệu 16mm thu được của Quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.

PGS-TS.Bùi Chí Trung (Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) - đạo diễn tập 19 Thống nhất đất nước chia sẻ, cái khó nhất khi làm phim tài liệu lịch sử là tái hiện những vấn đề cũ theo một góc nhìn mới. Đó là những góc nhìn chân thực, đa chiều của người chép sử, làm nổi bật thông điệp về thống nhất đất nước.

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ về nội dung 5 tập phim được công chiếu dịp này trong Con đường đã chọn?

- Dự án phim Con đường đã chọn gồm 22 tập, xoay quanh bối cảnh từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại hiện nay. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 5 tập phim tiếp theo của dự án (từ tập 15-19) tập trung kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh được công chiếu đúng vào dịp này.

Trong đó, tập 19 có tên Thống nhất đất nước là câu chuyện về quá trình quân giải phóng đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến công thẳng vào Sài Gòn - Gia Định. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc hơn 100 năm đô hộ của chế độ thực dân cũ và mới trên toàn bộ đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối, Nam - Bắc một nhà.

* Tập 19 Thống nhất đất nước có những điểm mới nào so với những phim tài liệu về chiến thắng 30-4 từng được công chiếu trước đây?

- Có thể nói đề tài về Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến thắng lịch sử 30-4 đã được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế thực hiện, trong đó có không ít những bậc “cây đa cây đề” về phim tài liệu. Do đó các tập phim của Con đường đã chọn, trong đó có Thống nhất đất nước đã cố gắng khai thác vấn đề cũ theo góc nhìn mới. Ban lãnh đạo Điện ảnh Quân đội nhân dân đã thống nhất quan điểm làm cả 22 tập phim không phải là phim tụng ca, một chiều mà là những góc nhìn chân thực của người chép sử.

Vì thế, tập phim không đơn thuần là chiến thắng với thế tấn công như thác đổ của ta mà có cả những màn phản công rất quyết liệt phía địch, thậm chí dùng cả loại bom mà Mỹ chưa dùng có sức công phá sát thương rất cao. Phim cũng thể hiện ở những góc nhìn như những tổn thất và hy sinh của bộ đội ta, khai thác những tư liệu mới về những trận đấu tăng khốc liệt vùng ven Sài Gòn. Lần đầu tiên, phim cũng nhấn mạnh nghệ thuật tấn công quân sự của Việt Nam, không đánh kiểu cuốn chiếu mà đánh theo kiểu chia cắt đội hình, giam chân địch không cho chúng co cụm phòng thủ.

Tập phim cũng cho thấy hình ảnh về chính quyền Sài Gòn sáng 30-4, tư liệu phía bên kia của một số tướng lĩnh Sài Gòn cũ... những hình ảnh quyết định thế trận ngày hôm đó mà các phim tài liệu trước đây không có.

Hình ảnh người dân chào đón đoàn quân giải phóng trong phim Con đường đã chọn
Hình ảnh người dân chào đón đoàn quân giải phóng trong phim Con đường đã chọn

Một điều được “giải mã” trong tập phim nữa là vì sao người dân không lo ngại có cuộc “tắm máu” hay “trả thù” của cộng sản do bị tuyên truyền sai lạc trước đó, mà ào ra ngoài đường đón đoàn quân giải phóng. Và cuối cùng, việc đánh giá ý nghĩa chiến thắng 30-4 cũng được nhìn nhận đa chiều hơn, không chỉ là chiến thắng 100 năm chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mà cũng đặt ra hàng loạt khó khăn thời hậu chiến... Tập 19 chỉ là một móc nối, nhịp dẫn nhỏ kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai trong tổng thể một dự án phim có góc nhìn biện chứng, khách quan, đa chiều về lịch sử.

* Vậy đâu là những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện một bộ phim tài liệu về lịch sử mang những góc nhìn mới, thưa ông?

- Cái khó nhất vẫn là cách nghĩ không cũ về những vấn đề không mới, gắn với lợi ích và nhu cầu của khán giả. Trước đây, chúng ta chỉ hay nhìn hình ảnh những cánh quân giải phóng tiến quân vào Sài Gòn còn bây giờ có thêm những góc nhìn đa chiều như những tư liệu về phía bên kia, những can thiệp của các cường quốc vào phút cuối hay bối cảnh chính trị thế giới lúc bấy giờ. Những góc nhìn đa chiều đó đã cho thấy chúng ta phải vượt qua vô vàn thách thức và chiến thắng 30-4 quả thực rất vĩ đại.

Thứ hai là cách kể chuyện hấp dẫn, bởi muốn kể chuyện hay phải có cách kể chuyện hay, có cao trào, điểm lắng và cảm xúc. Phim tài liệu đang chuyển từ truyền thông tin sang truyền cảm xúc, đó là làm sao những sự kiện, nhân vật lịch sử có thể lan tỏa cảm xúc, đạt độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh lịch sử.

Bên cạnh đó, độ lùi 45 năm giúp cho người làm phim có cái nhìn toàn diện, rõ ràng hơn về lịch sử song cũng gặp khó khăn khi những nhân chứng quan trọng đã thưa vắng dần. Sau gần nửa thế kỷ, chiến tranh đã qua đi, nhiều tài liệu mật đã được giải mã, nhiều công trình đã được công bố, đó cũng là nguồn tư liệu bổ sung trong quá trình làm phim. Chúng ta có thể mua bản quyền về âm nhạc, hình ảnh từ quốc tế để nâng cao chất lượng bộ phim về mặt hình ảnh lẫn thông tin...

* Dưới góc độ truyền thông, những bộ phim tài liệu lịch sử có cái nhìn mới, đa chiều có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Có thể nói, phim tài liệu là những bản nháp lịch sử, giúp người xem hình dung bức tranh lịch sử dưới những góc nhìn đa chiều, khách quan. Các bộ phim tài liệu về lịch sử thường thu hút những người lớn tuổi hoặc trung niên, tuy nhiên đáng mừng hiện nay là giới trẻ cũng rất thích khám phá, tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh. Họ bàn luận và thể hiện quan điểm, chính kiến khá sôi nổi về sự kiện, nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, lịch sử là vô tận, như những lớp sóng mà chúng ta cần khám phá, tìm hiểu sâu để có những hiểu biết, góc nhìn chân thực nhất trong bối cảnh lúc bấy giờ.

Với những tập phim có sự đầu tư, tâm huyết, chúng tôi mong muốn tái hiện và lan tỏa những “lát cắt” lịch sử trong đó có chiến thắng 30-4 dưới cái nhìn đa chiều, từ ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử... Từ đó góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

* Xin cảm ơn ông!

Đạo diễn Bùi Chí Trung tâm sự, để có những tập phim ấn tượng, ê-kíp đã có những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhân vật, nhân chứng lịch sử. Có nhiều cuộc gặp gỡ để lại những dư vị như cuộc phỏng vấn trung tướng Nguyễn Quốc Thước năm nay đã 94 tuổi tại Bệnh viện 108. Ông ốm nhưng vẫn trả lời về chiến thắng 30-4 và nói xong thì mất giọng luôn...

Thảo Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều