Báo Đồng Nai điện tử
En

Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa bậc anh thư của đất Biên Hòa

07:04, 19/04/2020

Trong Biên Hòa sử lược toàn biên, tác giả Lương Văn Lựu đã viết: Có phải chăng, nhờ nước Đồng Nai đã được thấm nhuần hồn thiêng anh dũng của liệt sĩ ngàn xưa? Mà nay, nước Đồng Nai có đủ phẩm chất thanh khiết của một nguồn nước thiêng liêng để con sông Đồng Nai được làm nơi danh thắng, tượng trưng cho tất cả lãnh thổ miền Nam Việt?

Trong Biên Hòa sử lược toàn biên, tác giả Lương Văn Lựu đã viết: Có phải chăng, nhờ nước Đồng Nai đã được thấm nhuần hồn thiêng anh dũng của liệt sĩ ngàn xưa? Mà nay, nước Đồng Nai có đủ phẩm chất thanh khiết của một nguồn nước thiêng liêng để con sông Đồng Nai được làm nơi danh thắng, tượng trưng cho tất cả lãnh thổ miền Nam Việt?

Mà nay:

Đồng Nai nước ngọt gió hiền,

Biên Hùng muôn thuở đây miền an vui.

Mà nay, Biên Hòa được mệnh danh là Phật địa, có:

Non Châu, núi Bửu, sông Đồng,

Chan hòa nguồn sống hào hùng oai linh.

Người hiền, cảnh đẹp, gió lành,

Trái ngon, nước ngọt, đượm tình thân yêu. (Lương Văn Lựu - Biên Hòa sử lược toàn biên).

Một trong những “anh thư, liệt nữ” của đất Biên Hòa xưa là Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Trong Biên Hòa sử lược toàn biên, Lương Văn Lựu xếp bà đứng ở vị trí thứ 2 sau bà Ngọc Vạn, người có công đầu trong khai mở vùng đất Nam bộ của nước Việt.

Nhà Nguyễn xuất phát từ Gia Miêu ngoại trang, Hà Trung, Thanh Hóa, nhưng đến đời con cháu, nhất là từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa trở đi, nhà Nguyễn gắn chặt với vùng đất Nam bộ. Rất nhiều vua chúa nhà Nguyễn không chỉ lấy đất Đồng Nai, đất Nam bộ làm nơi dung thân, làm “bàn đạp” để mở mang cơ nghiệp mà nhiều vị còn lấy vợ vùng Nam bộ.

Tá Thiên Nhân hoàng hậu sinh năm 1791 trong gia tộc họ Hồ nổi tiếng ở đất Biên Hòa xưa. Năm 1806, khi 15 tuổi, vì là con của đại thần, bà được Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu tuyển vào cung để làm nguyên phối cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Đảm, sau này là Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng. Một năm sau, bà sinh Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này) và mất sau đó 13 ngày. Dù chỉ làm vợ chồng với vua Minh Mạng hơn một năm nhưng mối tình của bà và vua Minh Mạng vô cùng sâu đậm. Vì vậy, 21 năm ở trên ngai vàng “trong cung vẫn để trống ngôi chính, há chẳng phải là để tưởng nhớ người vợ hiền lương chăng?” (Đại Nam liệt truyện - Quốc sử quán triều Nguyễn). Năm 1841, dưới triều vua Thiệu Trị, nhà vua đã sách phong mẹ mình là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân hoàng hậu.

Biên Hòa sử lược toàn biên cho biết vì tên bà là “Hoa” nên ở trong Nam có sự kỵ húy, từ quan lại đến thứ dân đều kiêng chữ “Hoa” và đọc trại thành “huê” hoặc “bông”. Các trường hợp điển hình như cầu “Hoa”, đổi thành cầu “Bông”; các từ thông dụng như “hoa viên”, “hoa lợi”… đều được đổi thành “huê viên”, “huê lợi”. Vì kỵ húy bà nên năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), tỉnh Thanh Hoa đã được đổi tên thành tỉnh Thanh Hóa (trước đó Thanh Hóa cũng đã có thời kỳ mang tên này, nhưng việc đổi tên năm 1841 vì kỵ húy này). Ngoài ra, vì bà còn có tên khác là Hồ Thị Thực, nên người dân Nam bộ cũng nói trật đi là “thật” để thay cho thực và dần dần đọc trại đi thành “thiệt” như “thiệt sự”, “thiệt lòng"...                                                                               

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều