Từ Singapore - vùng tâm điểm dịch bệnh Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á hiện nay - chị Hà Lâm Tú Quỳnh (Giám đốc Truyền thông và quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam của Google châu Á - Thái Bình Dương), gửi riêng cho Đồng Nai Cuối tuần các ghi nhận "mắt thấy tai nghe" tại chỗ mới nhất.
Từ Singapore - vùng tâm điểm dịch bệnh Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á hiện nay - chị Hà Lâm Tú Quỳnh (Giám đốc Truyền thông và quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam của Google châu Á - Thái Bình Dương), gửi riêng cho Đồng Nai Cuối tuần các ghi nhận “mắt thấy tai nghe” tại chỗ mới nhất.
Các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau thời Covid-19 |
* “Cúp cầu dao điện”
Gia đình nhỏ của tôi đang sống những ngày đặc biệt nhất mà sau 5 năm sống, học tập và làm việc tại đảo quốc Sư Tử Biển chúng tôi chưa từng trải qua. Tất cả là tại “con” virus Covid-19!
Hơn 1 tháng trước (từ ngày 18-3), chồng và tôi bắt đầu làm việc tại nhà rồi tập làm quen, đối diện với bao điều kiện sinh hoạt mới. Singapore nổi tiếng sạch đẹp, có hệ thống giáo dục, y tế tiên tiến hiện đại bậc nhất. Chính vì vậy, khi dịch bệnh bắt đầu ở các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, đa số hơn 5,6 triệu dân Singapore vẫn yên tâm, tin tưởng đảo quốc sẽ kiểm soát dịch bệnh tốt. Cuộc sống thường nhật tại đây duy trì sự ổn định, phụ huynh rảnh tay hơn, trẻ em đều đặn đến trường.
Thế nhưng sự “yên ả” chẳng kéo dài được lâu. Số ca lây nhiễm Covid-19 tại Singapore tăng cao dần. Chính sách kiểm soát dịch bệnh phải điều chỉnh cập nhật liên tục. Cuộc sống bắt đầu xáo trộn mạnh khi vợ chồng tôi nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm từ cô giáo của con mình, rằng trường sẽ phải đóng cửa khẩn cấp ngay sáng hôm sau! Chúng tôi thật sự hoảng hốt. Về sau này biết tin có đến 26 ca bị lây nhiễm Covid-19 là nhân viên, giáo viên và kể cả hiệu trưởng tại hệ thống trường mầm non con mình đang học.
“Con” virus khiến Singapore chuyển cực rất nhanh. Chính phủ áp dụng một loạt biện pháp triệt để và siết chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chủ yếu tập trung ở việc giãn/giảm tiếp xúc xã hội với tên gọi CB (tức Circuit Breaker - được hiểu theo đúng nghĩa đen của cụm từ này là “Cúp cầu dao điện”). Dân chúng bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, không được tụ tập, gặp gỡ bất kỳ ai ngoài thành viên cùng gia đình chung sống với nhau… Gia đình chúng tôi sau phút “dở khóc dở cười” phải thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Mỗi ngày cả nhà nghĩ ra nhiều hoạt động, mục tiêu khác nhau để bớt âu lo. Hai cô cậu con nhỏ trong nhà vốn tràn đầy năng lượng lại nhiều thời gian thừa nên gần như không ngừng tiếng ồn ầm ĩ. Vợ chồng tôi ngồi họp truyền hình trực tiếp (video call) từ xa với đồng nghiệp sở làm lắm lúc phải lật đật nhấn nút tắt hình lẫn tiếng khi các con bất ngờ kéo đến cậy đòi bố mẹ phân tranh chuyện cãi nhau hay giành đồ chơi... Nhiều đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới của chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự và phải học cách “chung sống hòa bình” với đàn con hiếu động. Bọn trẻ chơi với nhau chán chê lại kéo đến tết tóc cho mẹ lẫn bố, tạo nên những giây phút vui đùa sảng khoái cho cả nhà.
* Phong tỏa đến ngày 1-6
Sau khi số ca nhiễm ở Singapore tăng vọt bất ngờ (có ngày kỷ lục gần 1.500 bệnh nhân dương tính), tập trung ở khối cộng đồng những người lao động nhập cư phổ thông sống chung trong các ký túc xá, Thủ tướng Lý Hiển Long lại lên sóng truyền hình tuyên bố kéo dài lệnh “Cúp cầu dao điện” đến tận ngày 1-6. Xem như Singapore sẽ có ít nhất 2 tháng ròng giãn cách tiếp xúc xã hội liên tục, chưa kể các biện pháp còn siết chặt hơn trước.
Chúng tôi lại không tránh khỏi lo âu, nhưng tiếp tục tập trung nghĩ ra nhiều hoạt động bổ ích trong gia đình. Bà ngoại đám trẻ đảm nhiệm thêm việc dạy kèm tiếng Việt cho bé gái hơn 5 tuổi nhỏ nhất nhà. Bà còn trồng rau mầm, giá đỗ cho bữa ăn tại gia phong phú hơn.Chồng tôi đảm nhiệm việc mua sắm hàng online cho gia đình. Tôi liên lạc các phụ huynh khác tạo nhóm trò chuyện qua video call cho lũ trẻ “tám” với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Mỗi ngày các bé được những người mẹ chỉ dẫn và cùng vẽ, viết các tấm thiệp xinh xắn. Các tranh, thiệp ngộ nghĩnh này được phụ huynh chụp hình và trao qua gửi lại trong nhóm. Cậu con trai lớn (hơn 9 tuổi) thích chơi cờ nên tôi cũng lập hội chơi cờ online cho con thách đấu cờ cùng các bạn nhỏ ở những gia đình khác.
Lũ trẻ được phép thức khuya hơn thường lệ, cùng bố mẹ xem phim chung hay chơi trò “cắm trại tại gia”. Bọn trẻ vẫn học online đầy đủ và nghiêm túc ở nhà với 4 tiếng đồng hồ/ngày. Đó cũng chính là thời gian quý giá bố mẹ được… rảnh rang không bị quấy rầy gì. Tôi chỉ hơi “điên đầu” khi ngày nào cũng nghe các con hỏi ba lần đều đặn như kim đồng hồ: “Ăn gì mẹ ơi?”. Kỳ thực, việc tập trung chế biến nhiều món ăn Việt trong thời gian ở nhà cũng tạo nguồn năng lượng tích cực, vui vẻ cho gia đình.
* Âu lo qua ô cửa xanh
Căn hộ chúng tôi đang ở có một ban công to. Từ ban công này và từ tất cả cửa sổ trong nhà mở ra đều thấy không gian ngập tràn màu xanh tươi mơn mởn của cây cối, thảm cỏ quanh khu vực và trên các ngả đường. Những mảng xanh quý báu của Singapore có được là nhờ chính phủ giỏi quy hoạch lẫn bàn tay của các lao động phổ thông nhập cư. Chính họ là những người đã và đang góp nhiều công sức xây dựng nên một Singapore xanh sạch hôm nay. Hằng ngày qua ô cửa nhà mình thời Covid-19, tôi càng có thời gian để chú ý hơn bóng dáng những lao động nhập cư lặng lẽ quét lá cây, cắt cỏ, chăm sóc vườn hoa, làm vệ sinh các tòa nhà. Ở một quốc gia có quy trình vận hành và kiểm soát rất tốt như Singapore, lao động công nhật, nhập cư vẫn thuộc nhóm nhiều rủi ro dịch bệnh nhất do điều kiện sống chưa tốt. Thế nên chúng tôi rất quan tâm dõi theo tin tức những ai đang là bệnh nhân chiến đấu với virus và cầu mong họ sẽ bình phục sớm nhất.
Singapore từ một điển hình chống dịch ban đầu giờ phải vất vả vì virus bùng phát hơn chục ngàn ca nhiễm. Dù vậy, cũng như đại đa số các gia đình khác đang sinh sống tại Singapore, chúng tôi vẫn thấy Chính phủ điều hành dập dịch khá tốt. Khẩu trang vải loại sử dụng nhiều lần và nước rửa tay sát khuẩn được phát miễn phí cho từng người dân. Các nhu yếu phẩm được điều phối, bày bán không có gì thiếu cả. Đặc biệt không có tình trạng giá cả leo thang bòn rút túi tiền người mua. Bốn khu chợ truyền thống lớn nhất ở Singapore hạn chế khách vào bằng cách phân ngày chẵn lẻ thay phiên dựa trên số cuối cùng của thẻ căn cước hoặc thẻ cư trú của người vào chợ. Mỗi gia đình được cử một người đi ra đường để mua đồ thiết yếu...
Những người sống xa xứ như chúng tôi thường động viên nhau và kết nối với nhiều bạn bè, gia đình khác để chia sẻ những buồn vui, những chuyện cười ra nước mắt, nhằm cùng vượt qua đợt dịch này một cách nhẹ nhàng nhất. Cô giúp việc quê ở Miến Điện vừa được tôi dạy nấu các món ăn Việt Nam từ phi hành đến đổ bánh cuốn, nấu bún bò, phở. Tôi cũng mới làm ổ bánh mì Việt Nam thật ngon gửi dịch vụ vận chuyển mang đến tặng cho cô bạn đồng nghiệp Philippines rất mê ẩm thực Việt. Còn Virginie, cô bạn đồng nghiệp người Pháp của tôi, bật mí trong group chat của công ty rằng cô ấy “phải nhanh đi gom thêm bia rượu đủ loại” vì thiên hạ giờ chả ai bấn loạn đi trữ giấy vệ sinh nữa mà đã chuyển sang mua nhiều thức uống để “Uống cho vơi dịu nỗi sầu đi em” trong mùa dịch này.
Hà Lâm Tú Quỳnh