Báo Đồng Nai điện tử
En

Phong cách Barcelona giải mã nền văn hóa chiến thắng

10:04, 24/04/2020

Giữa đại dịch Covid-19, CLB Barcelona lại rơi vào cảnh rối như tơ vò khi "trò chơi vương quyền" trong dàn lãnh đạo và quản trị đội bóng khét tiếng này bung bét những bê bối. Niềm tự hào về thanh danh của một CLB có bề dày truyền thống 121 năm (ra đời từ 1899) bị hoen ố.

Giữa đại dịch Covid-19, CLB Barcelona lại rơi vào cảnh rối như tơ vò khi “trò chơi vương quyền” trong dàn lãnh đạo và quản trị đội bóng khét tiếng này bung bét những bê bối. Niềm tự hào về thanh danh của một CLB có bề dày truyền thống 121 năm (ra đời từ 1899) bị hoen ố.

Barcelona FC sở hữu 26 danh hiệu vô địch quốc gia (La Liga), 5 chức vô địch Cúp C1 châu Âu (UEFA Champions League), 5 Siêu cúp châu Âu cùng 3 Cúp thế giới các CLB (FIFA Club World Cup)
Barcelona FC sở hữu 26 danh hiệu vô địch quốc gia (La Liga), 5 chức vô địch Cúp C1 châu Âu (UEFA Champions League), 5 Siêu cúp châu Âu cùng 3 Cúp thế giới các CLB (FIFA Club World Cup)

“Tháng Tư đen tối” của CLB Barcelona bắt đầu với sự kiện 6 quan chức chủ chốt trong Ban lãnh đạo bất ngờ từ chức, trong đó có 2 phó chủ tịch (Emili Rousaud, Enrique Tombas) và 3 giám đốc, do họ bất mãn với ngài Chủ tịch CLB - ông Josep Maria Bartomeu. Trước đó, nội bộ Barcelona đã như mớ bòng bong khi mâu thuẫn giữa siêu sao số 1 đội bóng Lionel Messi và giám đốc thể thao Eric Abidal bùng lên như sóng dữ cuộn trào.

* Bản sắc văn hóa CLB

Những tin tức thể hiện sự khủng hoảng về quản trị khiến những ai hâm mộ CLB Barcelona lấy làm lo lắng. Bởi nền tảng văn hóa quản trị nội bộ chính là sức mạnh làm nên truyền thống và phong cách chiến thắng của Barcelona. Chuyên gia tư vấn lĩnh vực kinh doanh, giáo dục và thể thao Damian Hughes - tác giả của cuốn sách The Barcelona Way: Unlocking the DNA of a Winning Culture (Phong cách Barcelona: Giải mã DNA của nền văn hóa chiến thắng) trích dẫn lời của Pep Guardiola, vị HLV từng đưa Barcelona trở thành đội bóng đầu tiên trên thế giới và duy nhất cho đến nay giành được “cú ăn 6” - tức đoạt cả 6 danh hiệu chính ở cả 6 giải đấu tham gia trong cùng một mùa giải (2008-2009) gồm: Champions League, La Liga, Cúp Nhà vua, Siêu cúp Tây Ban Nha, Siêu cúp châu Âu và FIFA Club World Cup: “Văn hóa của một tập thể là vấn đề đạo đức và cách cư xử của tất cả mọi người có liên quan, là làm việc cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung. Do đó, văn hóa là một phần bản sắc của tập thể, phần mà người ta có thể nhận thấy ngay lập tức”.

Bản sắc văn hóa chính là điều làm cho người hâm mộ Barcelona có thể an tâm phần nào rằng cuộc “nội chiến” đấu đá nội bộ gần đây của CLB sẽ trôi qua và mọi việc rồi sẽ ổn thỏa. Trong lịch sử, Barcelona đã từng nhiều lần đánh mất sự huy hoàng cả trên sân cỏ lẫn nội tình quản trị (như năm 2008). Nhưng rồi Barcelona lại giành được một phần thưởng mà bất kỳ CLB nào trên thế giới cũng mơ ước: trở thành thương hiệu toàn cầu và sự ngưỡng mộ của toàn bộ giới thể thao. Đội bóng đã làm một cuộc cách mạng trong môn túc cầu. Câu chuyện thành công này bắt đầu từ đâu?

* Đội bóng là nhà hàng, HLV là đầu bếp

Tác giả Damian Hughes viết trong sách The Barcelona Way của ông rằng nếu hình dung đội Barcelona như một nhà hàng thì họ sẽ tìm kiếm một bếp trưởng hội đủ 9 tiêu chuẩn cần phải đáp ứng. Đáng chú ý là trong danh sách này chỉ có 2 tiêu chí liên quan đến khía cạnh bóng đá (phong cách chơi bóng kỹ thuật và có  kinh nghiệm phong phú về bóng đá châu Âu). Các tiêu chí còn lại đều tập trung vào môi trường mà các cầu thủ phát triển và hoạt động, bao gồm sự phù hợp với các giá trị của CLB, khả năng phát triển các thủ lĩnh và các hành vi được chấp nhận. Đây cũng tương đồng với các yếu tố quan trọng nhất của một nền văn hóa hiệu suất cao (high-performing culture).

Các nhà nghiên cứu ở Thung lũng Silicon nước Mỹ đã đề ra một kết luận rằng hầu hết văn hóa của các công ty đều nằm trong 5 loại hình văn hóa sau: mô hình “ngôi sao” với đội ngũ nhân sự giỏi được trao quyền tự chủ cao; mô hình lấy “kiến tạo” cùng một nền tảng và tư duy làm trọng tâm; mô hình 3 và 4 được hiểu là thuộc “chế độ chuyên quyền” tuân thủ theo những mong muốn và mục tiêu của một người, thường là người sáng lập hoặc CEO; cuối cùng là mô hình 5: sự “tận tâm, cam kết” giúp mọi người vui vẻ làm việc chăm chỉ cho một công ty trong suốt cuộc đời. Đây chính là nền văn hóa duy nhất đem lại các tổ chức chiến thắng ổn định. “Theo một cách thức khá đơn giản và hoàn toàn trực giác, ban quản trị Barcelona cũng tìm ra câu trả lời gần như tương tự” - Damian Hughes kết luận.

* Văn hóa “tận tâm” trong bóng đá

Từ thời Johan Cruyff, tư tưởng bóng đá tổng lực Hà Lan - phong cách bóng đá đẹp đầy cảm hứng đã mê hoặc thế giới tại World Cup 1974 - đã thấm nhuần mọi cấp bậc của Barcelona, cắm rễ sâu vào ADN của CLB này. Sự quyến rũ của phong cách chơi bóng Cruyff làm mê hoặc người hâm mộ, báo chí vùng Catalonia và các cầu thủ trẻ. Nhưng làm thế nào “sợi chỉ” triết lý cốt lõi của Cruyff đan xen và gắn kết với nhau để tạo ra một nền văn hóa tận tâm ở Barcelona? Theo Damian Hughes, có 5 nguyên tắc bao quát này là:

Bức tranh tổng thể: Barcelona muốn trở thành một CLB thoải mái chơi bóng để đem lại niềm vui cho mọi người, đối lập và khác biệt với việc chỉ chăm chăm tìm kiếm chiến thắng với tỷ số tối thiểu.

Hành trình thay đổi: La Masia (tức “trang trại, nông trại”) là một trong những lò đào tạo mang tính biểu tượng giúp cho thành công của Barcelona với nhiều làn sóng các tài năng trẻ trưởng thành từ học viện này từ Josep Guardiola đến Lionel Messi, Xavi Hernandez hay Andres Iniesta.

Liên tục lặp lại làm cho mọi người hiểu rõ và ghi nhớ thông điệp cốt lõi như văn hóa đúng giờ tại CLB, bài tập rondo (trò chơi chuyền bóng ma một chạm, đòi hỏi tốc độ cao, khéo léo và nhanh trí)…

Người kiến tạo văn hóa là những “cá nhân ảnh hưởng đến tập thể nhiều hơn những người khác” được chú trọng vì “họ có thể tháo dỡ các rào cản, họ có tầm nhìn xa. Họ tự tin và có thể truyền sự tự tin đến các cầu thủ khác”.

Năng lực lãnh đạo đích thực: “Những nhà lãnh đạo giỏi nhất thể hiện rõ ràng những gì họ đại diện, họ không ngừng củng cố điều đó với những gì họ làm và những gì họ lựa chọn không làm”. Một tinh thần sẵn sàng tập luyện chăm chỉ, với sự khiêm tốn, siêng năng và chú ý đến từng chi tiết, là những giá trị tập thể được thiết lập tại Barcelona. Khi tận tâm và cam kết, các cầu thủ hoàn toàn tập trung vào những gì mình đang cố gắng để đạt được. Điều này sẽ giải phóng họ khỏi sự xao nhãng, đồng thời kiến tạo một văn hóa chiến thắng cho CLB.

Ngày 22-4 mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử Barcelona tuyên bố sẽ “bán tên” sân Camp Nou - sân bóng lớn nhất châu Âu với sức chứa 99.354 chỗ ngồi - để gây quỹ hỗ trợ đội ngũ y tế phòng, chống đại dịch Covid-19, cũng như khắc phục hậu quả mà dịch bệnh này gây ra. Hành động vì cộng đồng này được đánh giá cao, cho thấy dù có khủng hoảng tạm thời song bản sắc văn hóa sẽ luôn là kim chỉ nam giúp Barcelona trụ vững vị thế của mình.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều