Báo Đồng Nai điện tử
En

Phía sau lời ru chia hai

11:04, 11/04/2020

Trong lần trao học bổng "Vượt khó vì tương lai" của Báo Đồng Nai tặng những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong học tập rèn luyện vừa qua, những người tham dự đã thực sự thấu cảm trước không ít hoàn cảnh rất đáng chia sẻ, giúp đỡ của các em học sinh.

Trong lần trao học bổng “Vượt khó vì tương lai” của Báo Đồng Nai tặng những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong học tập rèn luyện vừa qua, những người tham dự đã thực sự thấu cảm trước không ít hoàn cảnh rất đáng chia sẻ, giúp đỡ của các em học sinh. Trong đó, câu chuyện của một học sinh ở xã vùng xa của huyện miền núi đã làm nhiều người không thể cầm được nước mắt.

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia giao lưu tại buổi trao học bổng lần thứ 17
Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia giao lưu tại buổi trao học bổng lần thứ 17

Dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, em bước lên sân khấu giao lưu với mọi người với vẻ mặt rụt rè, ngại ngùng dù em có cả bề dày thành tích học tập đáng để bạn bè đồng trang thán phục. Chỉ nhìn em thôi cũng dễ đoán định được phần nào sự thiệt thòi, thiếu thốn trong cuộc sống thường ngày.

Em sống với bà nội đã già yếu cùng đứa em đang học tiểu học, đơn giản vì ba mẹ em đã chia tay nhau, cả hai người đều đi làm ăn xứ khác, thi thoảng mới về thăm và để lại ít tiền để mấy bà cháu cũng gọi là có “đồng vào” lo cơm mắm qua ngày. Để san sẻ bớt gánh nặng vật chất trên đôi vai gầy của người bà đã quá tuổi lao động, hằng ngày em theo bà ra vườn làm lagim (trồng rau), nuôi đàn gà và phụ bà làm nhiều việc khác. Nắng gió, vất vả em đâu có nề hà gì, em vẫn là đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi, biết cảm thương trước chi chít những vết chân chim trên khóe mắt đã quá già nua của bà, biết xót xa khi nắm đôi bàn tay gầy guộc thô ráp như chở cả nhọc nhằn gian lao cuộc đời của nội. Điều mà em mong mỏi, khát khao từng ngày, cả trong giấc mơ cũng thấy, đó là “ba mẹ trở về với nhau để anh em con có ba, có mẹ, có một gia đình yên ấm như ngày xưa. Con chỉ có một mong ước vậy thôi”. Cả hội trường như lặng đi vì xúc động trước câu trả lời về “mong ước lớn nhất của em là gì”. Giá như cha mẹ em nghe được, hiểu hơn về những thiệt thòi và khát khao của em về hơi ấm của tình mẹ, tình cha…

Từ câu chuyện của em lại liên tưởng đến nhiều trường hợp khác có hoàn cảnh tương tự. Một tờ báo điện tử hồi tháng 6-2019 đưa thông tin rất đáng giật mình: “Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn”. Gần hơn, thông tin từ Long An, một tỉnh thuộc ĐBSCL, trong bài phóng sự về tình trạng ly hôn cũng rất đáng báo động về mối quan hệ gia đình: trung bình một ngày, các TAND 2 cấp nơi đây phải thụ lý gần 20 vụ ly hôn. So với 10 năm trước, số vụ ly hôn tại Long An tăng gấp 4 lần và đang tăng đều qua các năm.

Cuộc sống công nghiệp, hiện đại, càng ngày nhiều người càng xem việc kết hôn sống với nhau không hợp ly hôn là chuyện bình thường. Họ có rất nhiều lý do để đi đến quyết định “đường ai nấy đi”, có những mâu thuẫn không thể điều hòa được như bạo lực gia đình xuất phát từ kinh tế, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình…; nhưng cũng có khi lý do chỉ từ những xích mích nhỏ nhặt thường ngày giữa vợ chồng, ghen tuông bóng gió, mẹ chồng nàng dâu, tính cách khác nhau… là họ đã sẵn sàng xách giấy đưa nhau ra tòa mặc cho những hệ lụy khó lường sau khi hôn nhân đổ vỡ. Độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa và có những cuộc hôn nhân diễn ra rất chóng vánh, chỉ một vài năm, có trường hợp chỉ sau một tháng, thậm chí là một tuần, khi mà giấy đăng ký kết hôn còn chưa ráo mực thì họ đã kịp ký vào một tờ giấy khác để “đường ai nấy đi”.

Đành rằng, trong nhiều trường hợp, ly hôn là giải pháp cuối cùng, là lối thoát hợp lý cho những người trong cuộc khi mà cuộc sống vợ chồng không mang đến cho họ hạnh phúc mà chỉ là chuỗi ngày sống trong sự bí bách, dằn vặt, khổ đau, hằn học, nghi kỵ. Và, trong những trường hợp ấy, ly hôn là cần thiết để đảm bảo quyền tự do trong hôn nhân, củng cố hôn nhân tự nguyện cũng như để người trong cuộc có được cuộc sống tích cực hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp việc ly hôn diễn ra quá dễ dàng theo kiểu “thích thì ở, không thích thì thôi”, xuất phát từ nhận thức về hôn nhân và giá trị của gia đình từ người trong cuộc còn quá hạn chế; ý thức trách nhiệm về hôn nhân, gia đình và xã hội còn nhiều bất cập. Có những cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ vì người trong cuộc không biết hy sinh vì nhau, không cùng nhau chia sẻ, không có ý thức cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống vợ chồng để tạo dựng một mái ấm hạnh phúc.

Và, cho dù xuất phát từ bất cứ lý do nào, có đáng hay không, thì ly hôn vẫn luôn là câu chuyện buồn, càng buồn hơn đối với những đứa trẻ phải lớn lên trong hoàn cảnh chịu sự tổn thương, thiếu vắng tình cảm, sự yêu thương bảo bọc của mẹ, cha; trừ những trường hợp sau ly hôn họ vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với con cái. Do vậy, điều quan trọng trước khi quyết định tiến tới hôn nhân là cần tìm hiểu thật kỹ để thực sự hiểu về nhau, thực sự là mảnh ghép của nhau, biết hy sinh vì nhau và hôn nhân ấy phải được xây dựng trên cái nền của một tình yêu đích thực. Có như vậy thì hôn nhân mới vững bền, tổ ấm mới hạnh phúc, để không còn những giọt nước mắt lăn dài trong cả giấc mơ của những đứa trẻ khi lời ru chia hai.

Thanh An

 

Tin xem nhiều