Cao Bằng là tỉnh miền núi, thuộc vùng Đông Bắc của nước ta. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch bởi phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những cung đường quyến rũ mà còn ghi dấu bởi những địa danh lịch sử, khơi gợi lòng tự hào dân tộc…
Cao Bằng là tỉnh miền núi, thuộc vùng Đông Bắc của nước ta. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch bởi phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những cung đường quyến rũ mà còn ghi dấu bởi những địa danh lịch sử, khơi gợi lòng tự hào dân tộc…
Trải nghiệm “trekking” tại khu vực hồ Thang Hen (H.Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) |
* Vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 240km, Cao Bằng là miền đất yên bình, tĩnh lặng nhưng nổi tiếng với những địa danh đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Cao Bằng vào mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, mang đến cho du khách những cảm nhận mới mẻ và vô cùng khác biệt.
Bà Trần Thị Thơm, người quản lý của Khu du lịch hồ Thang Hen chia sẻ: “Thời điểm đẹp nhất để ghé ngang hồ có lẽ là vào mùa xuân - hè, khi các loại hoa đủ màu sắc nở rộ ven hồ, dòng nước dâng cao mênh mông tô điểm thêm bóng thuyền neo đậu yên bình trên mặt hồ. Tất cả đều vừa đủ tạo nên một khung cảnh thơ mộng, trữ tình khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phải ngẩn ngơ. Hơn thế nữa, trong quần thể hồ còn có động Ghì Rằng, một địa điểm khá phù hợp với những người mê “phượt”, thích mạo hiểm, khám phá, nhất là các bạn trẻ”. |
Mở màn cho hành trình khám phá vùng đất này, du khách có thể đến tham quan Khu di tích Pác Bó. Đây là khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Nhắc đến Pác Bó, mọi người thường liên tưởng đến một quần thể di tích đầu nguồn cách mạng nổi tiếng. Nơi đây còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo, khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc.
Sau khi băng qua những cung đường với hai bên là cánh đồng mênh mông, thôn xóm yên bình, du khách sẽ đến với khu di tích Pác Bó. Tại đây, du khách có thể đi xe điện để tham quan các cụm của khu di tích. Một trong những cụm di tích đáng chú ý là dòng suối màu xanh ngọc với dòng chữ lớn: “Suối Lê Nin”. Nhìn lên phía trên cao, núi Các Mác hai ngọn xanh thẳm cây rừng, sừng sững như thành đồng kiên cố, hiên ngang cùng năm tháng.
Men theo con đường đá rêu phong dọc dòng suối Lê Nin, leo qua nhiều bậc tam cấp, du khách sẽ đứng trước một cửa hang nhỏ nằm giữa sườn núi đá cheo leo, đó chính là hang Cốc Bó (còn gọi là hang Pác Bó - tiếng Nùng nghĩa là “đầu nguồn”) - nơi Bác Hồ từng sinh sống, làm việc. Trong lòng hang chỉ rộng độ mươi mét, không khí ẩm ướt và hơi lạnh do nước từ vách đá rỉ ra. Nhà trưng bày bổ sung của Khu di tích Pác Bó còn có những hiện vật thân quen năm xưa Bác dùng, sinh hoạt.
Ông Trần Quang Chương, một du khách đến từ Q.8, TP.HCM chia sẻ: “Trên suốt chặng đường men theo bờ suối, băng qua những cây cổ thụ xum xuê hay đoạn đá sỏi lởm chởm… đều ghi lại đầy đủ các chứng tích về sự hiện diện của Bác ngày ấy. Điều này khiến cho tôi có cảm giác tự hào khi lần đầu được đặt chân đến vùng biên của Tổ quốc, nơi gắn liền với những kỷ niệm đáng trân trọng về Bác”.
Chiếc “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” - nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc |
Tiếp đó là khu vực đầu nguồn với chiếc bàn đá có lẽ là nơi sơn thủy hữu tình, lãng mạn nhất của dòng suối với non xanh nước biếc ẩn hiện trong sương khiến lòng người bâng khuâng, lưu luyến. Và cho dù là mùa nào, dòng suối cũng ôm ấp trong lòng dòng chảy xanh trong hiền hòa, mát rượi. Tại đây hiện vẫn còn chiếc “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” nơi Bác thường ngồi làm việc…, khiến mỗi người dừng chân cảm nhận được những giá trị lịch sử hiện diện ngay lúc này, chân thật và gần gũi hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, quần thể khu di tích còn bao gồm nhiều địa điểm tham quan khác như: nhà tưởng niệm Bác Hồ; các hang Lũng Lạn, Ngườm Vài; nền nhà ông Lý Quốc Súng, ông La Thành… Du khách có thể tự do khám phá và lưu lại cho mình những khoảnh khắc ý nghĩa, không thể lẫn với bất cứ đâu.
* “Trekking” vùng biên giới
Cao Bằng không chỉ là vùng đất chứng nhân lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam mà còn là món quà vô giá thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta. Về với Cao Bằng - mảnh đất biên cương Tổ quốc, vừa có thể chinh phục thắng cảnh kỳ vĩ, vừa bồi đắp thêm tình yêu văn hóa - lịch sử, niềm tự hào dân tộc, hẳn sẽ là một hành trình mãn nhãn, thỏa lòng mong đợi của những trái tim đam mê xê dịch…
Một địa điểm còn khá hoang sơ, không nên bỏ lỡ khi đến với Cao Bằng là Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen (ở gần khu vực đèo Mã Phục, H.Trà Lĩnh).
Trong tiếng Tày, Thang Hen có nhiều nghĩa là đuôi ong hay cái chum. Hồ nằm ở vùng núi cao hơn 1 ngàn m so với mực nước biển, bao gồm 36 hồ nước ngọt tự nhiên, mỗi hồ cách nhau từ vài chục đến vài trăm mét. Trong khi vào mỗi mùa khác nhau, các hồ khác bị vẩn đục hay chuyển sang màu đỏ lựng thì quần thể hồ Thang Hen đặc biệt vẫn giữ nguyên một màu xanh biếc như ngọc. Quanh năm nước hồ không cạn, vì thế mặt hồ lúc nào cũng trông như tấm gương long lanh phản chiếu, nằm lọt thỏm gọn gàng giữa những tán rừng phủ xanh triền núi.
Du khách tham quan danh thắng thác Bản Giốc (H.Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) |
Trên suốt hành trình chinh phục động Ghì Rằng dài khoảng 8km, du khách sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ men theo những con đường rừng trơn trượt, những dốc đá lởm chởm đến hành trình khám phá lòng động, phải luồn qua khe, hốc trong động, thậm chí có những hốc chỉ đủ cho một người qua. Đặc biệt, một số đoạn du khách sẽ phải đu dây men theo những vách đá để có thể đến lối ra của động…
Một địa điểm đã nổi tiếng từ lâu, được nhiều “phượt thủ” đưa vào danh sách “cần phải đến” trong hành trình chinh phục những cảnh đẹp của các tỉnh miền núi phía Bắc là thác Bản Giốc. Bản Giốc được mệnh danh là thác nước hùng vĩ và đẹp nhất nước ta với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng đến cả trăm mét.
Ngay từ xa, du khách đã nghe tiếng thác nước ồ ạt réo vang, để rồi khi đến gần hơn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những khối nước lớn liên tục đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi từ độ cao hơn 70m. Giữa thác có một mô đá rộng, xung quanh phủ đầy hàng cây xanh mướt, xẻ dòng nước thành ba luồng như những dải lụa trắng mềm mại rủ xuống, hơi nước hình thành những khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mang đến khung cảnh thật sự huyền ảo.
Anh Trần Thông Huy, nhân viên ngân hàng ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi may mắn khi đến tham quan Cao Bằng vào đúng thời điểm tiết trời đang xuân, được tận hưởng cảm giác se lạnh của đất trời phía Bắc, trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ, mờ mờ ảo ảo trong màn sương của thác Bản Giốc; được ngắm nhìn dòng suối xanh biếc uốn lượn ở Pác Bó và mặt hồ phẳng lặng, trong xanh điểm xuyến những nhánh hoa dại ven đường tại Thang Hen… Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với sự niềm nở, thân thiện của người dân bản xứ và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày rất đỗi giản dị của họ. Tất cả như tạo nên một khoảng trời riêng đầy thi vị và để lại thương nhớ trong lòng mỗi lữ khách”…
Hải Hà