Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn tấm vải ''đo lòng''cô gái Mạ

10:04, 30/04/2020

Bên cạnh văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Mạ ở xã Tà Lài, H.Tân Phú. Không chỉ chứa đựng giá trị về vật chất mà dệt thổ cẩm còn thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên, mang giá trị lịch sử của một nền văn hóa tồn tại lâu đời.

Bên cạnh văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Mạ ở xã Tà Lài, H.Tân Phú. Không chỉ chứa đựng giá trị về vật chất mà dệt thổ cẩm còn thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên, mang giá trị lịch sử của một nền văn hóa tồn tại lâu đời.

Cô dâu Ka Hương sử dụng vải thổ cẩm truyền thống làm trang phục trong đám cưới của mình
Cô dâu Ka Hương sử dụng vải thổ cẩm truyền thống làm trang phục trong đám cưới của mình

Đến với Tà Lài hôm nay, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cô gái Mạ ngồi dệt thổ cẩm trước hiên nhà hoặc dưới tán cây. Bàn tay nhịp nhàng, động tác khéo léo đưa thoi của họ khiến từng sợi màu cứ thế đan xen, kể biết bao câu chuyện trên từng tấm vải thổ cẩm.

* Biết dệt vải từ “tuổi trăng tròn”

Có dịp về Tà Lài, gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Ka Điều - một trong số những nghệ nhân Mạ gắn bó với dệt thổ cẩm hơn 30 năm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều đời dệt vải truyền thống, từ nhỏ chị đã quen với tiếng thoi đưa của khung cửi.

Chị kể, mỗi lần được bà nội dạy dệt thổ cẩm, chị học rất nhanh. 15 tuổi, chị Ka Điều đã thành thạo các kỹ năng, biết tạo nhiều hoa văn. Ngày về nhà chồng, chị tự may cho mình một bộ váy đẹp để dùng trong ngày cưới. “Đó cũng là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái Mạ” - chị Ka Điều nhấn mạnh.

Ở ấp 4, xã Tà Lài hiện có gần 30 hộ gia đình biết dệt thổ cẩm thành thạo. Sản phẩm thổ cẩm của nhiều chị em làm ra có kiểu dáng, hoa văn độc đáo, thường được trưng bày giới thiệu ở Nhà dài Tà Lài phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Không chỉ chính quyền địa phương khuyến khích đồng bào Mạ học nghề dệt thổ cẩm mà ngay cả trong mỗi gia đình, chúng tôi luôn ý thức rằng lưu giữ nghề dệt truyền thống chính là lưu giữ nét đẹp văn hóa Mạ cho thế hệ mai sau” - chị Ka Điều chia sẻ.

Không ai nhớ rõ dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, những cô gái Mạ lên 9, lên 10 tuổi đã được các bà, các mẹ truyền nghề, dạy cách dệt thổ cẩm. Họ chỉ sử dụng bộ khung dệt làm bằng thanh gỗ, thanh tre hay những ống lồ để tạo ra các sản phẩm nhiều màu sắc, họa tiết mộc mạc thể hiện đúng bản chất con người Mạ chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn. Ngoài sử dụng làm tấm đắp, khố, váy thì thổ cẩm Mạ còn dùng làm đồ dùng trang trí, túi xách, ví…

Theo chị Ka Điều, không có công thức nào cho dệt thổ cẩm của người Mạ. Tất cả được đúc kết từ kinh nghiệm của tổ tiên rồi truyền từ đời này qua đời khác. Màu sắc được bà con sử dụng nhiều là các màu đen, trắng, xanh, đỏ, nâu, vàng; trong đó, màu trắng là màu chủ đạo. Qua mỗi thế hệ, tùy theo điều kiện sinh hoạt mà người Mạ tùy biến sáng tạo thêm. Cũng chính nhờ sự kế thừa này mà thổ cẩm ở Tà Lài luôn ẩn chứa trong mình sức hấp dẫn riêng biệt, thu hút sự quan tâm của du khách.

Mặc dù đã hơn 50 mùa rẫy đi qua, nhưng đôi tay chị Ka Điều vẫn lướt thoăn thoắt trên khung dệt. Chị dành riêng một góc nhỏ trong nhà nâng niu và gìn giữ khung cửi của mẹ để lại ngày nào. Ngoài việc lên nương làm rẫy, chị Ka Điều dành nhiều thời gian để dệt vải. Sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ cho gia đình và những người thân. Thi thoảng, chị nhận được một số đơn hàng của các địa phương ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum... đặt mua. Chị cùng với các hội viên phụ nữ trong ấp cùng thực hiện để mọi người cùng có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Du khách học dệt vải thổ cẩm tại Nhà dài Tà Lài, H.Tân Phú
Du khách học dệt vải thổ cẩm tại Nhà dài Tà Lài, H.Tân Phú

Chị Ka Ngân năm nay 35 tuổi thì đã có 26 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Chị bảo, các cô gái Mạ lớn lên mà không biết dệt thổ cẩm thì xấu hổ lắm, phải học dệt thổ cẩm đẹp để may áo váy, chăn, gối, túi… cho mình và gia đình. Tuy chỉ là thợ dệt, chưa đạt đến “kỹ năng” của một nghệ nhân nhưng những sợi vải qua bàn tay khéo léo của chị Ka Ngân cũng tạo nên tấm vải hoa văn đẹp. Chị vừa dệt vừa thêu, dệt tới đâu thì thêu tới đấy. Cô con gái nhỏ của chị chưa đầy 7 tuổi ngồi sát khung dệt, học theo mẹ từng chi tiết.

Chị Ka Ngân chia sẻ: “Dệt thổ cẩm vất vả lắm. Nó đòi hỏi người dệt phải kiên nhẫn, có sức khỏe, đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. Phải tỉ mẩn ngồi nhặt sợi để tạo từng đường hoa. Trung bình một chiếc áo, váy phải dệt gần 1 tuần mới xong. Với những tấm vải rộng hoặc làm tấm chăn phải mất hơn nửa tháng. Vất vả là vậy nhưng đây là nghề truyền thống từ bao đời nay của người Mạ. Tổ tiên của chúng tôi luôn xem dệt vải là thước đo chuẩn mực, tiêu chí chọn vợ cho các chàng trai”.

Trong căn nhà sàn nhỏ ở ấp 4, xã Tà Lài, chị Ka Rỉn và con gái Ka Hương vẫn say sưa ngồi dệt vải. Mỗi người một góc, mỗi người mỗi việc. Yêu thổ cẩm, chị Ka Rỉn quyết tâm giữ nghề, truyền “bí kíp” của nghề cho con gái, giống như chị đã từng quanh quẩn học dệt bên bà và mẹ từ thời bé. Theo chị Ka Rỉn, trước đây nhà nào cũng có khung dệt, bộ váy áo thổ cẩm được coi như là của cải của người mẹ cho con gái đi lấy chồng. Mặc dù cuộc sống của hôm nay đã hiện đại hơn nhưng người Mạ ở Tà Lài vẫn luôn tự hào bởi những sản phẩm tự tay mình dệt nên.

* Phát huy nét đẹp văn hóa

Với mong muốn giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Mạ, mới đây trong đám cưới của mình, chị Ka Hương đã tự tay dệt và may trang phục truyền thống của người Mạ. Chị Ka Hương cho biết, đám cưới của chị được thực hiện với đầy đủ các nghi lễ của người Mạ. Ngoài may trang phục cưới bằng thổ cẩm Mạ, chị còn tự mình làm rượu cần, chế biến các món ăn đặc trưng của đồng bào, vừa để dâng cúng tổ tiên vừa để đón khách.

Nghệ nhân Ka Điều đang dệt vải dưới gốc cây trong sân nhà
Nghệ nhân Ka Điều đang dệt vải dưới gốc cây trong sân nhà

“Trong đám cưới, vợ chồng tôi mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để đón khách. Mặc dù bây giờ có rất nhiều mẫu váy cưới hiện đại nhưng Hương vẫn thích mặc đồ thổ cẩm, vì nó thoải mái và nhìn có sự khác biệt. Bởi nếu mặc váy cưới như hiện nay ai cũng như ai, còn đâu là nét đẹp riêng của đồng bào Mạ. Bên cạnh đó, Hương còn kêu gọi các bạn trẻ cùng mặc đồ thổ cẩm trong lễ ăn hỏi và trong tiệc cưới để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình” - chị Ka Hương chia sẻ.

Sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mạ trưng bày tại Nhà dài Tà Lài, H.Tân Phú
Sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mạ trưng bày tại Nhà dài Tà Lài, H.Tân Phú

Làm việc tại Nhà dài Tà Lài, Ka Hương cho biết chị thường xuyên mặc trang phục thổ cẩm để đón khách du lịch. Tuy nhiên, trong thâm tâm chị nhận thấy thổ cẩm của người Mạ đang dần bị mai một. Người trẻ biết dệt vải thổ cẩm đẹp không nhiều. Có nhiều lý do, nhưng theo chị, việc bán rất ít người mua nên chẳng mấy ai mặn mà. Điều mà chị mong là con em đồng bào Mạ lớn lên ở Tà Lài đều biết dệt vải như cha ông ta ngày xưa, sản phẩm có đầu ra ổn định để không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn có chỗ đứng đúng nghĩa trên thị trường...

Ngày nay, dù chỉ màu công nghiệp đã trở nên phổ biến nhưng đồng bào Mạ ở Tà Lài vẫn giữ cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống. Theo nghệ nhân dân gian Ka Bào, người trẻ hôm nay học được nghề dệt, gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống của dân tộc mình là vui lắm rồi. Dù thu nhập không nhiều nhưng đó cũng là niềm vui vì giữ gìn và phát huy được nghề của tổ tiên. Ở bất cứ nơi đâu, nếu nhìn hoa văn trên các tấm thổ cẩm, những người am hiểu về văn hóa vùng miền sẽ dễ dàng nhận ra đó là sản phẩm của đồng bào Mạ Tà Lài.    

Ly Na

Tin xem nhiều