Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật ký và những lá thư mãi xanh

08:04, 25/04/2020

Giai đoạn đất nước còn chiến tranh, nhật ký và thư từ gần như là phương tiện duy nhất để ghi chép, chuyển thông tin từ tiền tuyến về hậu phương và ngược lại. Thời đó, những lá thư là "liều thuốc tinh thần" quý báu, tiếp thêm sức mạnh cho những người không được ở gần nhau.

Giai đoạn đất nước còn chiến tranh, nhật ký và thư từ gần như là phương tiện duy nhất để ghi chép, chuyển thông tin từ tiền tuyến về hậu phương và ngược lại. Thời đó, những lá thư là “liều thuốc tinh thần” quý báu, tiếp thêm sức mạnh cho những người không được ở gần nhau.

Ông Nguyễn Văn Chương bên cuốn nhật ký thời chiến tranh lưu giữ hơn 45 năm qua
Ông Nguyễn Văn Chương bên cuốn nhật ký thời chiến tranh lưu giữ hơn 45 năm qua

Nhật ký và thư từ được lưu giữ đến hôm nay không còn là câu chuyện riêng tư, không đơn thuần chỉ là tình cảm của một cá nhân mà ẩn chứa trong mỗi con chữ còn là tâm hồn, ý chí của cả một thế hệ. Nó là một minh chứng cho sức mạnh của tinh thần, của lý tưởng, niềm tin sắt son vào chiến thắng của chính nghĩa, của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

* Ký ức không thể nào quên

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm về KP.11A, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa tìm gặp ông Nguyễn Văn Chương - một trong những chiến sĩ đặc công tham gia trận đánh cuối cùng ngày 30-4-1975 tại cầu Ghềnh. Ở tuổi 67, ông Chương vẫn còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi chân và đôi tay vẫn còn rắn chắc. Có lẽ, những năm tháng tôi luyện ở chiến trường đã giúp ông có được nguồn sức lực dồi dào, sự dẻo dai ấy. Cầm trên tay cuốn nhật ký đã ố màu, ông hào hứng “khoe” rằng, những ngày trong quân ngũ, ông đã lưu lại nhiều kỷ niệm trong cuốn nhật ký thời chiến này.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hạnh Phúc (khu cư xá Phúc Hải, P.Tân Phong) cho biết: “Nhật ký và những lá thư thời chiến trở thành kỷ vật, di vật chân thật nhất về con người và bối cảnh một thời hào hùng. Nó không chỉ góp phần tái hiện lại một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt mà còn có lòng tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước”.

Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng xã Hậu Bồng, tỉnh Phú Thọ, 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chương “xếp bút nghiên” đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong suốt những năm tháng trên chiến trường, đơn vị của ông đóng quân ở nhiều nơi, từ Hà Tây (nay là Hà Nội), chiến đấu ở nước bạn Lào, Campuchia và sau đó hành quân trở lại miền Nam hoạt động ở Biên Hòa. Đó là quãng thời gian ông phải biền biệt xa gia đình. Ông chọn cách viết thư và viết nhật ký để ghi lại những bước chân hành quân.

“Là người lính đặc công, tôi được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng của C6 D29 Trung đoàn 62, Sư 305 đóng tại Ngọc Nhị, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1972, giữa lúc đế quốc Mỹ mở rộng Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đơn vị được lệnh chuyển vào Nam chiến đấu. Chúng tôi hành quân vượt qua dãy Trường Sơn, đi bộ suốt 3 tháng qua Lào rồi có mặt tại chiến trường Campuchia… Tháng 9-1973, sau một thời gian “hưởng thụ” sốt rét ở Cao Miên, đơn vị tôi lên đường về nước và đóng quân tại Biên Hòa. Tại đây, đơn vị thành lập tiểu đoàn mới là D23 E13 F27, đóng căn cứ nằm gần ngã ba sông Bé và sông Đồng Nai” - nhật ký ông Chương viết.

Hằng ngày phải đối mặt với quân thù, với cái chết cận kề nhưng tinh thần của người lính đặc công Nguyễn Văn Chương vẫn không hề xoay chuyển. Trong nhật ký, ông kể lại từng sự kiện và chi tiết, đặc biệt là sự kiện bảo vệ chốt cầu Ghềnh 30-4-1975: “Ngày kia, khi đất nước thống nhất, sợ rằng không còn cơ hội trở về quê hương. Tôi, Đát và Hải rủ nhau đi chôn đồ đạc và dặn còn sống về lấy, nếu chết thì thằng sống có trách nhiệm báo tin cho gia đình. Ánh mắt buồn lóe lên trong đêm tối, trận cuối cùng ai sẽ ngã xuống? Chúng tôi bắt tay nhau từ biệt mỗi thằng một ngả.

Đêm 29-4, Biên Hòa dậy lên trong ánh chớp. Pháo của quân ta dội vào, hướng Hố Nai súng rền sáng rực. Sư 15 Thiết kỵ của địch rung lên bần bật. Đơn vị của tôi triển khai đội hình còn lại đánh, địch rút chạy khỏi cầu Ghềnh. 12 giờ trưa 30-4-1975, những ổ địch cuối cùng tại Biên Hòa rút lui. Biên Hòa hoàn toàn giải phóng. Quân ta tiến về Sài Gòn”.

Rời quân ngũ năm 1976, ông Nguyễn Văn Chương trở về miền Bắc và tiếp tục theo học ngành Toán học tại Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ông được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Đoan Hùng, Phú Thọ, sau đó cùng gia đình chuyển vào Đồng Nai (năm 1995), dạy học tại Trường THPT Nguyễn Trãi cho đến khi nghỉ hưu. Nhiều năm nay, ông tích cực tham gia công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài tỉnh.  

* Xúc động những trang viết

Là người từng đi sưu tầm, tiếp nhận một số thư từ cũng như hiện vật của những người lính tham gia chiến trường năm xưa, gia đình các anh hùng, liệt sĩ… hiến tặng cho bảo tàng, cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Nguyễn Anh Đức nói rằng, mỗi bức thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về hậu phương đều mang thông điệp lớn. Nó cổ vũ tinh thần, cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hạnh Phúc (khu cư xá Phúc Hải, P.Tân Phong) xem lại những bức ảnh thời chiến
Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hạnh Phúc (khu cư xá Phúc Hải, P.Tân Phong) xem lại những bức ảnh thời chiến

Cố Nhà báo Võ Thế Ðại - một chiến sĩ cộng sản lão thành, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng có 16 năm sống trong lao tù Côn Ðảo. Mặc dù bọn địch khủng bố, tra tấn nhưng ông vẫn giữ được tấm lòng trung kiên với Đảng, với nhân dân. Trong thư gửi cho cháu Lan và gia đình, ông viết: “Cháu Lan! Chú ra đảo ngày 2-8-69 nghĩa là một ngày sau khi má cháu vô Chí Hòa thăm nuôi chú... Chú hiện nay ở phòng 1, trại 5, Trung tâm Côn Sơn. Chú mong mỏi cháu luôn luôn vui vẻ, khỏe mạnh, học hành tấn tới và luôn nghe lời ba má cháu trên bước đường xây dựng tương lai của cháu. Vì tương lai của cháu là tương lai của ba má cháu”.

Ngoài những hiểm nguy nơi mặt trận mà người lính phải đối mặt hằng ngày thì vẫn còn đó những trang thư phơi phới niềm lạc quan chiến thắng. “Em thương nhớ! Một điều rất tiếc là chiến cuộc chưa thanh bình, quê hương còn đắm chìm trong khói lửa bão táp, nhiều đứa trẻ phải xa cha, chồng cách vợ thì tình thương mình làm sao có được hạnh phúc hỡi em… Ngày này năm này trên quê hương đất mẹ tiếng súng quân thù còn vang nổ, đường kháng chiến còn đây, anh là người chiến sĩ còn phải trải thân mình ngoài mưa bom bão đạn, hy sinh và thương tật nó đã nằm trong quy luật của cuộc chiến” (Anh Trần Minh Hải gửi người yêu nơi xa, thư viết ngày 16-8-1972).

Những người lính đi chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái ở hậu phương cũng ngã xuống vì bom đạn. Nhiều bức thư đã ghi lại những câu chuyện tình đẹp, những lời tỏ tình dù thành công hay thất bại nhưng cũng đầy day dứt trong khói lửa chiến tranh. “Em! Thương em nhiều nhiều quá anh không biết nói gì để lại em trước lúc chia xa và vơi bớt đi những nỗi nhớ thương trong những ngày vắng xa sắp đến. Rồi mai đây khi em buồn, em khóc, ai sẽ lau từng giọt lệ? Ước gì quê hương thôi chinh chiến hỡi em, ngày đó anh sẽ sống kề cận bên em và sẽ dìu em đi trọn suốt quãng đời còn lại” (Thanh Dân gửi người yêu ở hậu phương trước ngày lên đường, thư viết tại An Hòa ngày 18-3-1974).

Có thể nói, những câu chuyện nhỏ từ nhật ký và thư từ đi cùng năm tháng thực sự là những tài liệu quý giá đối với người trẻ hôm nay - thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh và đang tìm hiểu về cội nguồn. Đọc nhật ký và thư từ thời chiến để thêm tự hào về một dân tộc kiên cường sinh ra những lớp lớp thanh niên làm rạng danh Tổ quốc.

Ly Na

 

Tin xem nhiều