Bộ phim ca nhạc từng đoạt 6 giải Oscar La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) của đạo diễn Damien Chazelle sẽ chiếu miễn phí trên YouTube tối 1-5-2020, theo ý tưởng "chiêu đãi" công chúng toàn thế giới của nhà sản xuất và phát hành Lionsgate.
Bộ phim ca nhạc từng đoạt 6 giải Oscar La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) của đạo diễn Damien Chazelle sẽ chiếu miễn phí trên YouTube tối 1-5-2020, theo ý tưởng “chiêu đãi” công chúng toàn thế giới của nhà sản xuất và phát hành Lionsgate.
Đoạn quay dài 6 phút cảnh Seb và Mia khiêu vũ quay đúng “giờ vàng” (magic hour) hoàng hôn Los Angeles gợi cảm là một trong những cảnh quay đáng nhớ nhất của La La Land |
Mục đích phát La La Land chính thức và rộng rãi qua YouTube của Lionsgate nhằm “nuôi dưỡng” tình yêu xem phim chiếu rạp cũng như giúp người mê điện ảnh chia sẻ kỷ niệm sau khi họ đã và đang trải qua thời gian trú ngụ ở nhà là chính và không thể đi xem phim ngoài rạp do dịch bệnh Covid-19.
* Một thời hoa mộng
Một bộ phim hay - đối với những moviegoers (người đi xem phim) luôn luôn và đầu tiên là phải khơi gợi được xúc cảm khi xem. La La Land khiến bạn bần thần khôn nguôi sau khi trải qua 128 phút say đắm nhìn vào màn hình. Đạo diễn chắp đôi cánh cho bạn bay bổng lên tận những vì sao xanh, rồi bất thình lình đẩy bạn rơi vào một khoảng không sâu thẳm, sâu thẳm đến thẫn thờ. Khoảng không đó không gì khác hơn chính là “năm tháng tuổi xuân chúng ta cùng theo đuổi”; là “tình yêu như mật ngọt trên cao, để lòng ta luôn khát khao”; là những ước mơ thời hoa mộng chông chênh nhất, song đẹp đẽ nhất nên rất xứng đáng để ta dấn bước - như câu nói của Steve Jobs: “Stay hungry. Stay foolish” (Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ).
Với cơ hội xem lại chính thức La La Land miễn phí, khán giả lần nữa được nhìn lại bộ phim cực kỳ thành công và được yêu thích này. Kinh phí sản xuất chỉ 30 triệu USD song bộ phim gặt hái 446 triệu USD doanh thu toàn cầu khi ra rạp hồi cuối năm 2016. Năm đó, trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh lẫn khán giả cần những tác phẩm chạm cảm xúc dòng đời cũng như tôn vinh giá trị nghệ thuật xưa tinh tuyền, La La Land như một cơn mưa lãng mạn mát lành rơi đúng lúc khán giả cần “giải hạn”. |
Sebastian (Ryan Gosling đóng) và Mia (Emma Stone - cô đoạt Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất nhờ vai diễn này), hai nhân vật chính trong phim, không chỉ khát khao và dại khờ mà còn là những “losers” (kẻ thất bại) trong một thành phố “rất Mỹ” như Los Angeles. Thủ phủ của Hollywood rõ ràng là bối cảnh không thể phù hợp hơn cho La La Land - xét về tất cả những gì bộ phim này ẩn chứa và gửi gắm - bởi Los Angeles là thành phố của những vì sao (City of Stars, cũng chính là tựa một ca khúc chủ đạo trong phim), thành phố của những giấc mơ (City of Dreams), thành phố của những thiên thần (City of Angels), và trên hết là một thành phố với đủ đầy ánh sáng và bóng tối, sự nghiệt ngã và phũ phàng song hành với những phù hoa và những giấc mộng điên rồ nhất.
Nhân vật trong phim phải đấu tranh ra trò với những khó khăn lắm lúc nghiền nát giấc mơ của họ. Khiến họ đắn đo giữa việc bỏ cuộc và tìm cách giải quyết cân bằng giữa “ước mơ và đời thực” cho cuộc sống lẫn bước đường nghệ thuật. La La Land không chỉ cho Sebastian và Mia vật lộn ra trò, vấp phải thực tế cuộc sống ê chề và khắc nghiệt khi theo đuổi những giấc mơ của họ mà ngay cả cái cách mà đôi bạn trẻ đến với nhau cũng rất “trái gió trở trời”. Phim khiến người xem phải thót tim chờ cả hai đến với nhau thế nào, để vỡ ra ý nghĩa chúng ta cần tìm thấy nhau và có tình yêu để nương tựa trong đời này - như lời một ca khúc mà Mia hát: “Chờ một người trong đám đông giúp bạn bay lên khi bạn sẵn sàng”.
* “Ước mơ của anh đâu rồi?”
La La Land có rất nhiều cảnh quay cực kỳ đắt giá và tuyệt đẹp. Mở màn phim là đoạn chủ ý quay dài (long shot) dài 5 phút hoan ca trên đường cao tốc mở màn phim. Nếu như cảnh Seb và Mia bay lên bồng bềnh dưới nền trời đêm đầy sao ở Đài quan sát Griffith thật mộng mơ thì đoạn Sebastian và Mia ngồi đấu khẩu nhau dữ dội bên bàn ăn nhỏ trong nhà lại rất thực tế.
Cuộc tranh cãi đó cho thấy họ thương nhau như thế nào, họ tôn thờ giấc mơ nghệ thuật nguyên bản tinh khiết của họ ra sao. Và cho thấy một điều quan trọng nhất: rằng trong tình yêu, người này hoàn toàn có thể vực dậy tinh thần của người kia, người kia có thể thúc đẩy người này đừng từ bỏ ước mơ mà hãy đủ niềm tin lẫn bền chí đạt được ước mơ đó.
Cái cách mà Mia quát lên với Seb, nhắc cho anh nhớ ý muốn mở CLB nhạc jazz phục vụ người yêu nhạc thay vì định buông xuôi thỏa hiệp với đám đông thị trường, mới nhức nhối làm sao: “Ước mơ của anh đâu rồi? Ước mơ anh từng theo đuổi ấy? Mọi người sẽ đến khi thấy được niềm đam mê của anh. Người ta sẽ yêu quý điều mà anh hết lòng đam mê”.
Những lời “vỡ tung” đó của Mia không chỉ tràn ngập nỗi yêu thương mà còn là liều thuốc quý rất kịp thời giúp “một người bệnh” như Seb kịp tỉnh lại. Và như một sự cân xứng rất đáng yêu và ngọt ngào, Seb cũng rất biết cách “nổi điên” trong màn bấm còi xe dài quyết liệt của anh nhằm kéo Mia ra khỏi u sầu, giúp cô một lần nữa chấp nhận đương đầu với số phận khi vượt qua sự sợ hãi từ bao lần tổn thương để đi thử vai diễn một lần nữa.
* Lãng mạn khó quên
La La Land là một bộ phim nhạc kịch lãng mạn với tỷ lệ màn hình 2,52x1. Nhiều người trầm trồ phim nhắc nhớ đến The Umbrellas of Cherbourg của bậc thầy làm phim người Pháp Jacques Demy. Phim còn nhắc nhớ đến Singin’ in the Rain, Top Hat, The Young Girls of Rochefort (1967, cũng của Jacques Demy và nữ chính là Catherine Deneuve), hay cả Boogie Nights (1997, phim của Paul Thomas Anderson). La La Land có nhiều cảnh quay rất đẹp và rõ là tri ân cổ điển nhưng nó không đi theo hướng hoành tráng mà thể loại musical rất chuộng. Với những khán giả trẻ, La La Land gần hơn với nhóm phim ca nhạc dạt dào cảm xúc và trẻ trung như Once (2007) hay Begin Again (2013).
Đoạn kết trong La La Land, trước tiên khiến bạn cảm động đến mềm lòng như xem cảnh quay chậm (slow motion) nàng Rose hồi tưởng lại thời khắc bước vào sảnh tàu Titanic, nơi có chàng Jack đẹp trai như một hoàng tử trong cổ tích đứng đợi ở cầu thang. Bạn cũng nhớ đến phim Sliding Doors (1998) - một phim có cấu trúc diễn tiến dòng đời vòng lặp song song với câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu…”. Những tình huống khác nhau trong tích tắc đều khiến cuộc đời bạn rẽ hẳn sang một hướng khác - có thể hạnh phúc hơn, có thể bất hạnh hơn, hoặc giả có thể không đo được hạnh phúc hay bất hạnh, mà chỉ đơn giản là “không thể nào quên”.
Ngoài việc gây bất ngờ nghẹt thở khiến bạn thẫn thờ một hồi lâu sau khi màn hình chạy lên chữ “The End” (Hết phim) kiểu các phim cổ điển ngày xưa, đoạn kết La La Land đơn giản là khiến bạn day dứt như một câu thơ của Phong Việt: “Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?”.
Trung Nghĩa