Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối tình người

10:04, 11/04/2020

Dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Chính trong những lúc mà khó khăn đang hiện diện khắp nơi thì sự đồng cảm và lòng tốt của nhiều tập thể, cá nhân lại một lần nữa được khẳng định và lan tỏa.

Dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Chính trong những lúc mà khó khăn đang hiện diện khắp nơi thì sự đồng cảm và lòng tốt của nhiều tập thể, cá nhân lại một lần nữa được khẳng định và lan tỏa.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn

* Gồng gánh trả lương cho nhân viên

Trước khi thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, bắt đầu từ ngày 27-3, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động giải trí, nhà hàng, sân golf… phục vụ từ 20 người trở lên. Ngay khi ấy, quán sinh tố, nước trái cây của anh Phạm Hoàng Kha trên đường Phan Trung, TP.Biên Hòa đã xếp hết bàn ghế, không tiếp khách và chỉ bán cho khách mang đi.

Anh Kha cho hay, trước khi có dịch Covid-19, quán bán rất đông với vài trăm lượt khách/ngày, quán thuê gần 10 nhân viên phụ bán. Nhưng khi có dịch Covid-19, quán vắng khách dần và đã ngưng nhận khách uống tại quán từ khi có chỉ đạo của UBND tỉnh. “Doanh thu giảm rất nhiều. Trong khi tiền mặt bằng, nhân viên mình vẫn phải cố gắng gồng gánh vì ai cũng khó trong đợt dịch này” - anh Kha tâm sự.

Vì “ai cũng khó” nên quán của anh vẫn chi trả lương cho nhân viên gắn bó với quán dù doanh thu của quán giảm hẳn. Theo anh Kha, tình hình dịch bệnh phức tạp thì: “Hơn bao giờ hết, mình cũng phải chia sẻ với những người khó khăn hơn. Do đó, tôi vẫn trả lương cho những nhân viên của quán để họ duy trì cuộc sống dù công việc kinh doanh đang rất khó khăn”.

Hơn 3 tháng nay, khu vui chơi giải trí phức hợp Papa for Me rộng hàng ngàn mét vuông tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa đã vắng bóng người do dịch Covid-19.

Tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên là bài toán khó đối với chủ đầu tư. Suốt những tháng qua, anh Nguyễn Thành Nam, quản lý khu vui chơi Papa for Me cũng chật vật với những khoản tiền mặt bằng và trả lương nhân viên. Dù khó khăn suốt nhiều tháng liền, nhưng lương nhân viên anh Nam vẫn trả đều đặn. “Họ đã làm việc cho mình suốt thời gian dài, giờ không thể vì tạm thời đóng cửa mà cắt hết lương của họ, nhất là thời dịch bệnh này. Họ không có việc làm, chắc chắn cũng rất khó khăn để trang trải cuộc sống” - anh Nam tâm sự.

Anh Nam cùng vài người bạn đã góp vốn để mở khu vui chơi này. Số tiền đầu tư ban đầu vào khoảng hơn 3 tỷ đồng. Khi chưa có dịch Covid-19, khu vui chơi giải trí của anh Nam thu hút khoảng 500 trẻ đến chơi mỗi ngày. Khi ấy, nhân viên của anh đã tận tâm với công việc nên giờ đây anh cố gắng cùng họ vượt qua khó khăn. “Nếu không như vậy, khi dịch bệnh qua đi, còn ai làm việc cho mình nữa” - anh Nam tâm sự.

* Cho đi là… nhận lại

Dù khó khăn nhưng anh Nam vẫn trả lương cho nhân viên của mình. Đáp lại, chủ cho thuê mặt bằng đã đồng ý giảm 50% tiền thuê mặt bằng cho anh Nam từ tháng 3 đến tháng 6, đợi đợt dịch qua đi.

Tăng lương cho nhân viên là chuyện hiếm trong thời điểm này, nhưng 2 tháng nay, chị Đinh Thị Nga, tạm trú tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa lại được tăng lương. Suốt 6 năm qua, vợ chồng chị Nga đã rời quê ở Thanh Hóa vào Đồng Nai lập nghiệp. Chồng lái xe cho một công ty ở Khu công nghiệp Amata, còn chị Nga bán hàng cho một cửa hàng chuyên bán đặc sản Việt. Mỗi tháng, chị Nga được trả lương 5 triệu đồng. Dù vợ chồng chị chăm chỉ làm việc và có nguồn thu nhập ổn định nhưng hiện tại 2 con còn nhỏ, chi phí nhiều nên kinh tế vẫn eo hẹp.

Cán bộ lãnh đạo, đoàn viên Chi đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn
Cán bộ lãnh đạo, đoàn viên Chi đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn

“Lúc xảy ra dịch bệnh, tôi cũng lo không có việc làm. Nhưng ngược lại, tôi lại được tăng lương thêm 1 triệu đồng/tháng. Mùa dịch, có việc làm không dễ, giờ lại được tăng lương nên tôi khá yên tâm” - chị Nga chia sẻ.

Ngoài tăng lương, chị Nga còn được chủ cửa hàng “tặng kèm” thêm các loại trái cây, đồ ăn mỗi ngày. Theo chia sẻ của chủ cửa hàng, dù không bị đóng cửa trong đợt dịch vì kinh doanh thực phẩm, nhưng các loại thực phẩm của cửa hàng đều là đặc sản khắp các vùng miền và thường được chuyển bằng xe khách. Nhiều tuần nay, các chuyến xe Bắc - Nam hoặc các nơi khác đến Đồng Nai ít hơn nên hàng hóa cũng khan hiếm. “Dịch bệnh ai cũng thắt chặt chi tiêu. Do đó, tôi cũng phải bán hàng giảm giá dù hàng khan hiếm. Đây cũng là cách mà tôi muốn chia sẻ với mọi người để cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Còn việc tăng lương cho nhân viên là điều nên làm để vừa “giữ chân” họ lâu dài, vừa chia sẻ khó khăn với họ” - chị Lê Thị Yến, chủ cửa hàng đặc sản Việt chia sẻ.

* Những câu chuyện đẹp

Công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao, số người mắc ngày càng giảm, số người khỏi bệnh ngày càng tăng. Điều này có được một phần nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân đều thực hiện một vai trò trong cuộc chiến chống dịch.

Hơn 1 tuần nay, thầy giáo Vũ Ngọc Hoàn, Trường THCS Phú Bình, H.Tân Phú cùng những người bạn đã huy động được hơn 3 tấn gạo, hàng ngàn gói mì và 100 chai nước mắm để trao tặng người nghèo. “300 phần quà đã được chuyển đến những người già, người nghèo. Có người đến tận nơi để lấy quà, nhưng những người già không đến lấy quà được, tôi cùng nhiều người bạn đã chở đến tận nơi ở của họ” - thầy Hoàn chia sẻ.

Cán bộ lãnh đạo, đoàn viên Chi đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn
Cán bộ lãnh đạo, đoàn viên Chi đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho người lao động khó khăn

Ngoài trao quà cho gia đình khó khăn tại H.Tân Phú, mới đây, thầy Hoàn đã chở gần 1 tấn gạo lên H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để trao tặng người dân. Những ngày qua, nhiều người ở tận TP.HCM hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gọi điện nhờ giúp đỡ. “Tôi không làm việc này một mình mà có sự góp sức của nhiều người. Người góp công, người góp của để cùng nhau chia sẻ với những người khó khăn hơn mình” - thầy Hoàn chia sẻ.

Mới đây, Chi đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã vận động trao tặng nhiều phần quà gồm: gạo, mì, nước tương, nước mắm, khẩu trang cho những người làm nghề bán vé số, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những phần quà tuy nhỏ nhưng thiết thực ấy đã làm cho nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn cảm thấy ấm lòng cùng cố gắng để vượt qua đại dịch.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đã đăng tải, lan tỏa những hành động đẹp về sự sẻ chia trong đợt dịch. Có thể kể đến như chiếc máy “ATM gạo” tại đường Vườn Lài, Q.Tân Phú, TP.HCM hoạt động 24/24 giờ do một mạnh thường quân làm ra để phát gạo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày chiếc máy phát 500kg gạo do chủ nhân chiếc máy bỏ tiền ra mua và một số mạnh thường quân khác mang gạo đến ủng hộ. Tại điểm máy phát gạo cũng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, có người hướng dẫn 24/24 cho những ai đến nhận gạo, vị trí đứng cách nhau 2m, trước khi nhận gạo mọi người đều được khử trùng bằng nước rửa tay khô để sẵn. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - nhiều người lao động thiếu hụt thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh đã bày tỏ xúc động trước cử chỉ nhân văn của chủ máy ATM gạo và những tấm lòng gần xa đã giúp họ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Câu chuyện về người đàn ông nhặt ve chai từ chối món quà là bao gạo và bịch khẩu trang của một người dân mang tặng khi người đàn ông này đi ngang qua nhà với lý do “hôm qua chú nhận rồi, con cho người khác nghen” là một câu chuyện rất đẹp về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Trong khó khăn, người nhặt ve chai sẵn lòng nhường phần quà cho người khác vì chính họ cũng muốn sự sẻ chia đến được với nhiều người để nhân thêm ý nghĩa, để nhiều người cùng vơi bớt khó khăn.

B.Nhàn - L.Quân

 

 

 


 

Tin xem nhiều