Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ Trần Chí Lý và cuộc dạo chơi với nghệ thuật

09:04, 10/04/2020

Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa nhưng giảng viên Trần Chí Lý (Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) lại có niềm đam mê đặc biệt với hội họa.

Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa nhưng giảng viên Trần Chí Lý (Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) lại có niềm đam mê đặc biệt với hội họa.

Họa sĩ Trần Chí Lý bên những tác phẩm sắp đặt trên chất liệu gốm
Họa sĩ Trần Chí Lý bên những tác phẩm sắp đặt trên chất liệu gốm. Ảnh: L.Na

Ngoài công việc giảng dạy và thiết kế, thời gian còn lại họa sĩ Trần Chí Lý dành để tìm tòi thể nghiệm nhiều chất liệu, từ giấy dó, sơn mài, acrylic đến việc sắp đặt tác phẩm trên gốm, gỗ… tạo ra chất riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

* Biến tấu với giấy dó

Ngôi nhà của họa sĩ Trần Chí Lý nằm sâu trong một ngõ nhỏ thuộc P.Bình An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Những ngày nghỉ phòng dịch Covid-19 này, họa sĩ Lý ở nhà làm bạn với hội họa, vẽ tranh trên nhiều chất liệu, trong đó đáng chú ý là tranh trên giấy dó - loại giấy được cha ông ta dùng để lưu lại tri thức bằng chữ viết thông qua việc ghi chép lịch sử, văn học. Cũng nhờ có độ bền cao, loại giấy này được các triều đại phong kiến lựa chọn để viết sắc phong, đến nay còn lưu lại trong nhiều đình, chùa.

Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai Phạm Công Hoàng cho biết: “Lâu lắm rồi, mới lại thấy một họa sĩ làm việc thận trọng, nghiêm túc và chuyên nghiệp như Trần Chí Lý. Ông là một trong những họa sĩ tài năng và tâm huyết của mỹ thuật Đồng Nai. Đam mê và theo đuổi mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau để không ngừng làm mới bản thân, những tác phẩm của họa sĩ Chí Lý không chỉ tạo được dấu ấn cho mỹ thuật trong và ngoài tỉnh mà còn mang đến nhiều ấn tượng, quảng bá đến với bạn bè và du khách gần xa”.

Họa sĩ Trần Chí Lý kể, ông đến với hội họa từ rất sớm. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ông thường xuyên sử dụng giấy dó làm chất liệu chính và là nguồn cảm hứng trong sáng tác nghệ thuật. Điểm đặc biệt của giấy dó là cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện. Họa sĩ phải vừa vẽ vừa tìm kiếm cái đẹp, khắc phục những khó khăn để có thể nói chuyện và “tìm được tiếng nói chung” với chất liệu. Ngoài vẽ bằng mực nho, tác phẩm trên giấy dó của ông còn sử dụng bột màu nhằm tạo thêm những đường nét, màu sắc độc đáo.

Mỗi một tác phẩm là một biến tấu bất ngờ, đầy ngẫu hứng và đôi khi ngoài ý tưởng của họa sĩ Chí Lý. Trong sáng tác, ông sử dụng đường nét là chính, chắt lọc hình tượng, khái quát bố cục. Xem tranh của ông, điều mà người xem cảm nhận rõ nhất là sắc thái liêu trai, sự điềm tĩnh, tự tin trong cách kể chuyện. Chẳng hạn như, diễn tả vẻ đẹp của người phụ nữ, bút vẽ phải hư ảo nhưng gợi nên những suy tư về thân phận mong manh, cô đơn, yếu đuối; hay bóng nhà sàn ẩn khuất sau rặng lá, một vạt váy hoa xòe ngơ ngẩn giữa làn sương nhẹ buông...

Có thời điểm, tranh giấy dó của Trần Chí Lý thu hút được sự quan tâm của những người yêu thích nghệ thuật, thương gia, thậm chí cả giới quan chức, chính khách. Ông đã bán được hàng ngàn bức cho khách hàng trong và ngoài nước. Ông cặm cụi, duy trì sự nghiêm túc với cảm xúc để mỗi nét bút lên tranh đều hàm chứa sự biểu đạt, thứ biểu đạt xuyên suốt, chân thật như “ghi chép” và đầy đặn như trải nghiệm của chính mình. Tất cả nương vào nhau, dìu nhau qua sự uyển chuyển của từng nhịp điệu, tiết tấu của tranh. Điều này cũng giúp ông phần nào khẳng định một phong cách nghệ thuật riêng.

* Yêu thích nghệ thuật sắp đặt

Ngoài giấy dó, họa sĩ Trần Chí Lý cũng vẽ nhiều tranh sơn mài, acrylic. Yêu thích nghệ thuật sắp đặt, ông đã thử nghiệm và thành công trên chất liệu gốm, gỗ. Hàng trăm tác phẩm mang hình hài con người, theo từng khối vuông, tròn… được sắp đặt một cách tự nhiên. Ông trưng bày chúng trong mọi không gian của ngôi nhà, từ trên tường, ngoài sân, bên chậu cây cảnh. Nhiều tác phẩm đã đi sâu phản ánh những vấn đề của đời sống thực tế, những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại: thân phận con người, sự cô đơn, trách nhiệm, đam mê, tâm linh…

“Một tác phẩm sắp đặt thành công không phải để người xem nhìn vào là hiểu tác giả muốn nói gì mà nó thành công khi người xem có những trăn trở, tự đặt ra những câu hỏi và trả lời theo ý của mình. Ngoài cá tính sáng tạo riêng thì các yếu tố tác động ngoại cảnh như: đặc tính văn hóa của vùng đất, yếu tố cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên cũng tác động không nhỏ đến sự định hình ý niệm trong tác phẩm của người nghệ sĩ” - họa sĩ Chí Lý bày tỏ.

Họa sĩ Trần Chí Lý và những sáng tác trên chất liệu giấy dó của mình
Họa sĩ Trần Chí Lý và những sáng tác trên chất liệu giấy dó của mình

Họa sĩ Trần Chí Lý (sinh năm 1966), quê Bến Tre. Năm 1986, ông lên Biên Hòa, theo học cao đẳng, chuyên ngành Thiết kế đồ họa, sau đó tiếp tục học hội họa tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Từ năm 1996 đến nay, ông công tác tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ông bảo, con đường ngắn nhất để mỹ thuật đến với công chúng là bản thân họa sĩ phải không ngừng rèn luyện. Đi nhiều, lấy cảm hứng để thực hiện tác phẩm, thường xuyên tổ chức các triển lãm. Chỉ có nghề dạy nghề thì mới nhanh tiến bộ.

Trên 30 năm lặng lẽ làm việc, suy ngẫm, kiếm tìm, đến thời điểm này, họa sĩ Chí Lý có một vị trí nhất định trong giới mỹ thuật đương đại. Những tác phẩm của ông theo thời gian ngày một già dặn, trưởng thành hơn, nhưng vẫn toát ra sự trong trẻo, ngọt ngào và bay bổng của một tâm hồn tài hoa. Hiện ông đang sinh hoạt tại Ban Mỹ thuật Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. Ông thường xuyên tham gia các trại sáng tác mỹ thuật trong và ngoài tỉnh, các trại quốc tế; làm giám khảo cho các cuộc thi, liên hoan mỹ thuật uy tín do khu vực và Trung ương tổ chức.

Bề ngoài họa sĩ Chí Lý không có vẻ gì bụi bặm, phong trần của “dân” mỹ thuật nhưng thực ra ông là người khá cá tính và thoáng trong suy nghĩ và quan điểm. Ông vừa giảng dạy, vừa sáng tạo nghệ thuật, không ngừng nghiên cứu và hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 2017. Ông không ngần ngại nói rằng, nhờ những chuyến đi thực tế, nhất là các trại sáng tác quốc tế đã giúp ông học hỏi thêm nhiều từ những họa sĩ tên tuổi, tài danh.

“Ngoài việc truyền dạy kiến thức cho sinh viên, tôi còn ấp ủ rất nhiều dự định như: tham gia triển lãm nhóm, mở triển lãm cá nhân riêng tại TP.HCM… Tôi hy vọng qua những triển lãm, những tác phẩm mỹ thuật sẽ đến gần hơn với công chúng” - họa sĩ Chí Lý cho biết.

Người ta thường nói, các họa sĩ đều có những bức chân dung tự họa riêng mình nhưng Trần Chí Lý thì chưa cho chúng tôi xem một bức tự họa nào. Nhưng chúng tôi thấy, cách mà các họa sĩ tự họa chân dung mình chính xác nhất không phải là một bức họa cụ thể mà chính là cả sự nghiệp của họ. Ngắm một tác phẩm, xem có thể gọi tên họa sĩ, đấy là cách khắc họa chân dung xuất sắc nhất trong cuộc dạo chơi với màu sắc, đường nét, hình khối. Chân dung Trần Chí Lý nằm ở các tác phẩm của ông. Chính là như vậy!

Ly Na

Tin xem nhiều