Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư chế biến để rau, trái thành nông sản thế mạnh

10:04, 04/04/2020

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ông còn là Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, từng ở vị trí lãnh đạo của các viện nghiên cứu về giống, thị trường nông sản...

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ông còn là Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, từng ở vị trí lãnh đạo của các viện nghiên cứu về giống, thị trường nông sản...

 

GS-TS Nguyễn Hồng Sơn đã chia sẻ về câu chuyện triển vọng phát triển về ngành rau, trái của Việt Nam và định hướng phát triển để cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Trồng theo đơn đặt hàng

* Xuất khẩu nông sản nói chung, rau, trái tươi nói riêng đang gặp khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quan điểm của GS như thế nào về vấn đề này?

- Thời gian đầu, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống sang Trung Quốc có tạm đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sau này đã dần khôi phục lại. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ có nhiều rủi ro. Thời gian tới, chúng ta phải nỗ lực mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Người tiêu dùng trong nước hiện rất quan tâm đến thực phẩm an toàn qua việc họ sẵn sàng trả giá cao mua rau, trái nhập khẩu. Các doanh nghiệp (DN) đổ xô đi mở thị trường xuất khẩu và dường như ít quan tâm đến thị trường trong nước. DN nên chăm chút hơn cho thị trường nội địa và phải có chiến lược trong tuyên truyền, quảng bá cho nông sản chất lượng cao để người tiêu dùng thay đổi quan niệm là sản phẩm trong nước kém an toàn hơn so với hàng ngoại nhập, từ đó tích cực ủng hộ nông sản nội.

* Theo GS, nguyên nhân của thực trạng phải “giải cứu” nông sản là ở đâu?

- Chúng ta khá lạm dụng từ “giải cứu” vì thực tế tình trạng ế đọng nông sản chỉ xảy ra cục bộ chứ không phải quá thường xuyên. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do sản lượng nông sản của chúng ta tăng rất nhanh. Diện tích bình quân của rau, trái tăng 4,2%/năm nhưng sản lượng lại tăng 9,2%/năm. Mặt khác, các loại rau, trái có tính thời vụ rất cao.

Trong khi đó, quan hệ sản xuất của chúng ta lại chậm thay đổi, đặc biệt là trong tổ chức liên kết, sản xuất vẫn trên nền tảng manh mún, nhỏ lẻ; nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác làm hiệu quả là đầu tư vào trồng, rất ít suy nghĩ đến việc trồng xong bán đi đâu. Để không xảy ra tình trạng rớt giá, tồn hàng khi rộ mùa thu hoạch, nông dân phải nghĩ đến việc tham gia chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Đồng Nai có lợi thế hơn những địa phương khác trong phát triển ngành chế biến nông sản vì là tỉnh công nghiệp, thuận lợi về giao thông… Tỉnh nên tập trung thu hút DN đầu tư chế biến nông sản gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho chế biến. 

* Vậy theo GS, lời giải cho bài toán khó này là gì?

- Nhà nước có quy hoạch phát triển cây trồng nhưng nông dân lại không quan tâm mà thấy cây gì có lợi là trồng. Sản xuất chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường hiện đang là điểm rất yếu của nông dân. Mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch và nông dân cần tôn trọng quy hoạch đó vì nó được tính toán trên cơ sở khoa học.

Trên 80% rau quả Việt Nam vẫn xuất khẩu đi Trung Quốc và thị trường này hay có các “mệnh lệnh hành chính” không theo thỏa thuận về thương mại giữa 2 nước. Tôi lấy ví dụ, Trung Quốc và Việt Nam có 5 cửa khẩu nhưng có ngày họ chỉ mở 1 cửa khẩu cũng là nguyên nhân gây dồn ứ nông sản. Biện pháp là chúng ta phải xây dựng được những kho ngoại quan ở biên giới để khi xảy ra ùn ứ, DN có nơi tạm trữ hàng. Ngoài ra, DN phải chuyển hướng xuất khẩu theo đường chính ngạch, tránh tình trạng xuất khẩu nông sản luôn nằm ở “kèo” dưới, dễ dàng bị ép giá.

Cuối cùng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông để giảm giá thành xuất khẩu nông sản. Việt Nam có lợi thế về đường sông, đường biển nhưng hiện vận tải đường thủy còn rất kém nên phần lớn hàng xuất khẩu dựa vào đường bộ khiến chi phí đội lên cao, kém lợi thế cạnh tranh về giá.

* Lời khuyên riêng của GS cho tỉnh Đồng Nai trong định hướng phát triển cây ăn trái?

- Đồng Nai là vùng có nhiều lợi thế về đất đai, giao thông và gần các cảng biển nên thu hút nhiều DN đầu tư, trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp, mà mạnh nhất là cây công nghiệp và cây ăn trái.

Tuy nhiên, tỉnh nên căn cứ vào khả năng phát triển thị trường và tập trung vào những sản phẩm ưu thế truyền thống của địa phương vì nhiều tỉnh, thành lân cận cũng đang phát triển rất mạnh diện tích cây ăn trái. Nếu cứ phát triển một cách tự phát quá nhanh diện tích những cây trồng không có lợi thế, Đồng Nai sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn với các tỉnh, thành và khu vực xung quanh.

Chế biến là khâu đột phá

* Mặt hàng rau, trái hiện nay chủ yếu xuất khẩu tươi nên đầu ra còn bấp bênh. Theo GS cần có giải pháp gì để phát triển bền vững các ngành hàng trên?

- Nhà nước quan tâm kêu gọi liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng. Nhưng hiện việc xây dựng liên kết giữa DN và nông dân còn nhiều bất cập, hợp đồng dễ dàng bị phá vỡ. Rất nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng sau đó họ rút lui vì liên kết yếu, rủi ro đầu tư lớn.

Trong đó, đầu tư chế biến là khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của nông sản nói chung, rau, trái nói riêng. Nhà nước có nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến qua những hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thuế, mặt bằng sản xuất…

Những mặt hàng trái cây có tiềm năng xuất khẩu được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: B.Nguyên
Những mặt hàng trái cây có tiềm năng xuất khẩu được giới thiệu tại Hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: B.Nguyên

* Hiện đầu tư cho chế biến của Việt Nam ra sao, thưa GS?

- Về công nghệ, phần lớn dây chuyền chế biến, nhất là chế biến sâu, chúng ta đều nhập từ các nước tiên tiến có công nghệ hiện đại nên không lo thua kém.

Khó khăn là ngành chế biến của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công suất chỉ đạt 800 ngàn tấn sản phẩm rau, trái tươi/năm. Hầu hết các nhà máy chế biến chưa hoạt động hết công suất do tính chất thời vụ của các loại rau, trái.

Gần đây, một số tập đoàn, DN lớn đầu tư vào chế biến đã nâng công suất chế biến lên 1,2 triệu tấn vào năm 2020, nhưng con số này vẫn rất thấp so với tổng sản lượng 25 triệu tấn rau trái tươi/năm. Muốn nông nghiệp phát triển bền vững, tôi cho rằng công suất chế biến này phải đạt từ 20-25% trên tổng sản lượng, tương đương mỗi năm chế biến từ 5-6 triệu tấn rau, trái tươi.

* Giải pháp nào để đẩy mạnh đầu tư cho chế biến, thưa GS?

 - Các nhà máy chế biến cần tiếp tục được đầu tư mở rộng; bên cạnh đó cần có giải pháp cho các nhà máy hoạt động hiệu quả hơn. Trong nền sản xuất nhỏ, phân tán, DN đầu tư nhà máy chế biến phải tính toán gần vùng nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào.

Chế biến phải có khả năng đa dạng chủng loại nhưng cũng phải chọn lọc, tập trung cho những mặt hàng có lợi thế là vừa có thị trường nhưng vừa có thời vụ sản xuất rộng. Không nên chọn những sản phẩm chỉ thu hoạch vào một thời điểm ngắn trong năm khiến công suất hoạt động của nhà máy thấp, chi phí duy trì và khấu hao máy móc, thiết bị cao.

Yếu tố khác cần lưu ý là cần đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến để khắc phục tính chất thời vụ của nông sản.

* Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều