Nghe và hưởng thụ âm nhạc đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu hiện nay với các bạn trẻ. Không chỉ cầu kỳ ở công cụ nghe, mà sự xuất hiện và phổ biến các nền tảng nghe nhạc trên internet làm cho thế giới âm nhạc càng trở nên phong phú.
Nghe và hưởng thụ âm nhạc đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu hiện nay với các bạn trẻ. Không chỉ cầu kỳ ở công cụ nghe, mà sự xuất hiện và phổ biến các nền tảng nghe nhạc trên internet làm cho thế giới âm nhạc càng trở nên phong phú.
Vũ là cái tên được nhiều người biết đến bước ra từ thế giới âm nhạc Soundcloud. Ảnh: Thanh Huyền |
* Sự trở lại của băng cassette
Những chiếc máy nghe cassette cầm tay được nhiều bạn trẻ ngày nay săn đón không phải một điều ngẫu nhiên. Đó không chỉ là phương tiện để các bạn trẻ thưởng thức những sản phẩm âm nhạc từ các nghệ sĩ yêu thích mà còn hòa mình vào một trải nghiệm “cũ mà mới” do chiếc băng cassette tạo ra. Với các nghệ sĩ indie, việc người trẻ mua và ủng hộ các sản phẩm âm nhạc của họ chính là cách để duy trì niềm đam mê và tiếp tục cho ra đời các sản phẩm chất lượng hơn.
Nghệ sĩ nổi tiếng Ariana Grande từng gây bất ngờ khi phát hành album nhạc cá nhân trên định dạng băng cassette. Tuy nhiên, cô lại nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ người hâm mộ. Album Thank U, Next (phát hành năm 2019) của Ariana Grande chiếm vị trí đứng đầu bảng xếp hạng băng đĩa (với 540 băng cassette bán ra ở tuần đầu). Không chỉ thế, hai cái tên nổi tiếng The 1975 & Billie Eilish cũng giúp cho doanh số bán băng cassette trong năm 2019 chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (kể từ năm 2004).
Tại Việt Nam, nắm bắt được xu thế đó, một số nghệ sĩ hay ban nhạc cũng cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc dưới định dạng này. Ban nhạc Cá Hồi Hoang từng cho ra mắt phiên bản cassette cho các album của mình với: Giấc mơ giấy, Gấp, Hiệu ứng trốn chạy. Ngoài Cá Hồi Hoang, có thể kể tới một số nghệ sĩ khác như: Nguyên Hà, Hoàng Thùy Linh, Hà Vân… cũng cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc tương tự.
Năm 2011, từ điển Oxford từng loại từ “cassette player” ra khỏi mọi ấn bản từ điển. Nhưng chỉ vài năm sau, họ đã phải thêm lại vào từ điển do sự hồi sinh mạnh mẽ của những chiếc băng cassette. |
Khi được hỏi về vấn đề trên, một người bạn chơi nhạc lâu năm có chia sẻ với người viết một quan điểm thú vị: “Xu hướng tương lai vẫn sẽ thuộc về các ứng dụng trực tuyến. Các band ở Việt Nam sẽ tập trung đưa nhạc của họ lên các ứng dụng như Spotify, còn dưới dạng băng cassette sẽ hạn chế. Điều chúng ta cần làm là phải bảo vệ thú chơi này như một thứ di sản như cách người trẻ tìm lại thú chơi ảnh phim vậy. Không quá phụ thuộc vào các ứng dụng nghe nhạc mà thưởng thức nhạc dưới nhiều hình thức để có sự công tâm nhất có thể”.
Bên cạnh băng cassette, thú chơi đĩa than (vynil) cũng manh nha xuất hiện trong giới nghe nhạc vài năm gần đây. Tuy nhiên, để theo đuổi thú chơi này đòi hỏi sự đầu tư lớn đến từ người sử dụng. Từ những chiếc đĩa than, đầu đọc cho đến hệ thống âm thanh đều có giá thành cao và đây được xem như phân khúc cao cấp cho những bạn trẻ có nhu cầu chơi và thưởng nhạc.
* Sự xuất hiện của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến
Bên cạnh các món đồ mang tính hoài niệm trên, các bạn trẻ ngày nay cũng lựa chọn nghe nhạc trực tuyến tại những ứng dụng, nền tảng nghe nhạc đang thịnh hành. Chúng ta có thể kể đến như: Soundcloud, Spotify, Apple Music, Zing Mp3…
Một ứng dụng nghe nhạc khá phổ biến như Soundcloud cho phép người dùng có thể vừa nghe nhạc, đăng tải bài hát, tải lên và phát sóng các podcast tùy vào mục đích sử dụng. Đây cũng là mảnh đất “màu mỡ” cho các nghệ sĩ mới nổi thể nghiệm âm nhạc của mình và nhận được sự tương tác trực tiếp từ người nghe thông qua tính năng bình luận.
Sự cầu kỳ và vẻ đẹp đến từ những chiếc đĩa than. Ảnh: Fanpage Hãng Đĩa Thời Đại |
Soundcloud cho phép người dùng sử dụng được trên các nền tảng phổ biến như: web (soundcloud.com), iOS, Android, Window 10. Với một người nghe nhạc đơn thuần, Soundcloud hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. Còn với các nghệ sĩ có nhu cầu đăng tải nhạc thường xuyên sẽ phải chi trả một khoản phí để mở rộng các chức năng hỗ trợ. Ứng dụng này được sử dụng bởi đông đảo các bạn trẻ bởi tính thông dụng của nó.
Với Spotify và Apple Music, hai ứng dụng này được coi như các ứng dụng phát nhạc trực tuyến đang thịnh hành ở thời điểm hiện tại. “Đổ bộ” vào Việt Nam từ năm 2018, Spotify tạo ra một làn sóng mới trong việc nghe nhạc streaming (trực tuyến). Với thư viện gồm hơn 50 triệu bài nhạc, nền tảng này cho phép người dùng có nhiều sự lựa chọn khi tự đề xuất thêm các playlist phù hợp với xu hướng người nghe.
Cả Apple Music và Spotify đều có sẵn trên iOS và Android, đồng thời có ứng dụng máy tính để bàn độc lập cho cả Window và Mac. Về mặt cước phí, hai ứng dụng này có các gói cước đa dạng từ gói cá nhân cho đến gói gia đình. Với Spotify, người dùng muốn nghe nhạc miễn phí sẽ phải phát các album ở chế độ ngẫu nhiên và chỉ được chuyển bài 6 lần trong một giờ. Apple Music có gói dùng thử miễn phí, nơi người nghe có thể nghe nhạc miễn phí trong vòng 3 tháng đầu tiên.
Có thể thấy, sự trở lại của băng cassette, đĩa than hay sự thịnh hành của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến đồng thời phản ánh những nhu cầu ngày càng đa dạng của giới trẻ ngày nay trong việc nghe và thưởng nhạc. Đó cũng được xem là nguồn động lực to lớn để các nghệ sĩ cho ra đời những sáng tác ngày một chất lượng và công phu hơn.
Minh Khôi