Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho con không phải là đề tài mới, nhưng vẫn luôn là vấn đề thời sự của từng gia đình và xã hội. Nhất là khi đối diện một số bất trắc, khủng hoảng trong cuộc sống, một số bạn trẻ vẫn không dễ thích nghi hay có hướng giải quyết tích cực cho những vấn đề của chính mình.
Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho con không phải là đề tài mới, nhưng vẫn luôn là vấn đề thời sự của từng gia đình và xã hội. Nhất là khi đối diện một số bất trắc, khủng hoảng trong cuộc sống, một số bạn trẻ vẫn không dễ thích nghi hay có hướng giải quyết tích cực cho những vấn đề của chính mình.
Học sinh tham gia các CLB ngoài giờ, phát triển kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh: L.V |
* Thiếu kỹ năng, khó thích nghi với hoàn cảnh
Giữa những ngày cả nước “căng mình” phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có hai hình ảnh đối lập khiến nhiều người suy ngẫm và liên hệ đến việc giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ trong mỗi gia đình.
Một là hình ảnh những cộng tác viên, dân quân tự vệ, lực lượng quân đội… trong các khu cách ly tình nguyện trắng đêm dọn dẹp, gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ hàng chục ngàn người cách ly từ các nơi tập trung về. Những bữa cơm đơn giản vội vàng và những chỗ ngả lưng là bìa carton của những người làm việc vì cộng đồng đã truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Anh Dương Bá Thông, phụ trách Phòng Phương pháp công tác Đội Nhà thiếu nhi Đồng Nai: Cha mẹ hãy là người thầy dạy kỹ năng sống cho con Trong đợt dịch Covid-19 này, cha mẹ hãy là người thầy hướng dẫn kỹ năng sống cho các em tại nhà, và nên chăng bắt đầu từ việc xây dựng thời khóa biểu mỗi ngày và kiểm tra quá trình thực hiện thời khóa biểu của trẻ. Thời khóa biểu đảm bảo các khung giờ học, chơi, rèn luyện sức khỏe… hợp lý. Theo đó, ngoài việc ôn tập, cha mẹ cần hướng dẫn các em có thói quen có ích như: dậy sớm tập thể dục, chơi môn thể thao yêu thích tại nhà, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách… |
Đối lập với hình ảnh tạo sự xúc động ấy, dư luận bức xúc khi một số ít người cách ly chê bai điều kiện nơi cách ly: “kinh khủng khiếp thật sự”, “không dám đụng vào bất cứ cái gì” hay “không giống review (đánh giá) trên YouTube”...
Hai hình ảnh nhưng lại gợi đến một câu chuyện về giáo dục kỹ năng sống cho con trong mỗi gia đình. Đành rằng mỗi gia đình có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và cũng không có một công thức chung nào trong việc giáo dục con, nhưng chung quy lại việc giáo dục một mầm non đến lúc trưởng thành đều phải hướng đến các kỹ năng tự phục vụ, có trách nhiệm để thích nghi với các điều kiện sống.
Chị Nguyễn Thị My (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết chị chứng kiến có trường hợp trẻ dù đã ở tuổi học sinh tiểu học, quen ngủ có máy lạnh từ nhỏ nên mỗi khi chẳng may có sự cố cúp điện hoặc về quê không có máy lạnh là không thể ngủ được; hoặc khi ăn món ăn không đúng khẩu vị thì trẻ không ăn được, người lớn lúc đó lại làm suất ăn riêng cho trẻ ấy.
“Theo tôi, việc trẻ được “bảo bọc” quá mức dần dần khiến trẻ mất dần khả năng tự phục vụ, vì luôn có người đáp ứng, phục vụ nhu cầu của mình, đồng thời khi rời xa môi trường sống quen thuộc thì khó hòa đồng và thích nghi” - chị My cho hay.
* Các lớp dạy kỹ năng sống không phải là “chiếc đũa thần”
Thực tế, câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ được toàn xã hội, ngành giáo dục cho đến mỗi gia đình quan tâm định hướng từ nhiều năm nhằm để hình thành một lớp trẻ trưởng thành, tự tin, thích nghi được với hoàn cảnh và sống có trách nhiệm. Vì thế, hiện nay chương trình học chính khóa đều có lồng ghép nhiều bài giảng về kỹ năng sống; các khóa học kỹ năng sống cũng được mở ra đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là một số phụ huynh vẫn còn đặt nặng chuyện trang bị kiến thức mà chưa chú trọng và quan tâm đúng mức cho việc giáo dục kỹ năng nhân cách. Một số bậc cha mẹ vì quá bận rộn trong chuyện mưu sinh mà giao phó hoặc “khoán trắng” việc giáo dục kiến thức và nhân cách của con trẻ cho nhà trường. Một số phụ huynh tìm đến các khóa học kỹ năng sống như là “cứu cánh” có thể mang lại “phép màu” cho con họ trở nên có nhiều kỹ năng, song về bản chất những lớp học, khóa học kỹ năng sống chỉ mang tính tạm thời, hướng dẫn và gợi mở. Trẻ sẽ khó có thể sống tự lập và có trách nhiệm với chính mình khi sau những khóa học kỹ năng nếu không được tiếp tục trao cơ hội rèn luyện, trải nghiệm tại gia đình.
Trẻ phụ giúp cha mẹ làm những công việc vừa sức |
Có khoảng 10 năm kinh nghiệm tham gia, tổ chức các khóa học kỹ năng sống cho trẻ, anh Dương Bá Thông, phụ trách Phòng Phương pháp công tác Đội Nhà thiếu nhi Đồng Nai, phân tích: “Ở trong môi trường rèn luyện “Học kỳ quân đội” hay “Trải nghiệm để lớn khôn”… với mệnh lệnh, chỉ huy đúng giờ giấc, không thiết bị công nghệ, các bạn nhỏ buộc phải chấp hành kỷ luật, tuân thủ các hoạt động tập thể nên nâng cao tính tự giác, chủ động và có trách nhiệm với bản thân. Khi quay về môi trường gia đình, trở lại nếp sống thường nhật, gia đình cần phải phối hợp để duy trì thói quen tích cực vừa mới manh nha hình thành”.
“Vì thế, trước và đặc biệt là khi kết thúc mỗi khóa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tôi luôn tổ chức họp phụ huynh để nhắn nhủ một điều: để khóa học thành công thì mỗi phụ huynh cần làm gương cho con trẻ và trao cho con cơ hội để rèn luyện. Không thể khuyến khích trẻ dậy sớm tập thể dục nếu cha mẹ vẫn còn “ngủ nướng”; không thể hình thành thói quen sống ngăn nắp, biết giặt đồ cá nhân nếu mẹ bảo: để mẹ làm cho, hoặc để người giúp việc làm…” - anh Dương Bá Thông nêu dẫn chứng.
* Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ gia đình
Theo các chuyên gia về giáo dục, kỹ năng sống không thể hình thành được trong ngày một ngày hai, mà đó chính là quá trình rèn giũa của chính mỗi trẻ. Việc giáo dục những kỹ năng cơ bản, tối thiểu như: vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin, tự học, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, thích nghi với điều kiện sống, kỹ năng sử dụng quản lý tiền… là những công việc mà các bậc cha mẹ phải đảm đương tại nhà từng ngày, trong suốt quá trình lớn lên của trẻ.
Chẳng hạn chỉ trong việc dạy con nếp ăn uống cũng lắm công phu và chỉ có ông bà, cha mẹ, những người gần gũi theo sát trẻ thì mới có thể dạy bảo kỹ càng được. Ông bà ta có câu Học ăn, học nói, học gói, học mở, nên việc dạy con kỹ năng khi ăn uống rất được chú ý, được xem là bài học quan trọng hàng đầu. Do vậy, khi ngồi vào mâm cơm phải biết mời chào vì Lời chào cao hơn mâm cỗ. Lúc ăn phải có ý tứ, phải biết Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, Liệu cơm gắp mắm; hoặc khi ăn cơm khách, một mặt phải ăn sao cho thật ngon miệng để tỏ lòng biết ơn chủ nhà, nhưng mặt khác cũng phải chừa lại một ít trong các đĩa đồ ăn để tỏ rằng mình không tham ăn, vì vậy mà tục ngữ có câu Ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ…
Dĩ nhiên, đối với những kỹ năng phức tạp hơn như: Biết vượt qua thất bại, vượt qua những áp lực thi cử, kỹ năng sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn, kỹ năng phòng, chống xâm hại, kỹ năng nói chuyện trước đám đông... thì phụ huynh cần nhờ đến, những lớp học ngoại khóa và thầy cô là những người có chuyên môn trong từng lĩnh vực.
Có một nghịch lý là ai cũng hiểu gia đình chính là “cái nôi”, là trường học đầu tiên và cha mẹ, ông bà chính là những người thầy của con trẻ nhưng một số gia đình vẫn gặp khó khăn trong dạy con. Song thiết nghĩ, với tình yêu thương, thấu hiểu và trách nhiệm, cha mẹ sẽ trở thành tấm gương tốt, đồng hành, trang bị cho con mình những kỹ năng cần thiết để con tự tin bước ra “biển lớn”.
Lâm Viên