Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều còn lại

01:04, 30/04/2020

Cứ mỗi lần chạy xe đến con đường Lê Duẩn ở Q.1 (TP.HCM) chẳng hiểu sao mắt tôi không thể rời được hai cánh cửa của dinh Độc Lập. Đã đôi lần tôi vào thăm dinh và lần nào cũng bồi hồi nhìn ngắm không gian nơi đây. Đã 45 năm trôi qua kể từ khi đất nước được giải phóng, tôi như vẫn nghe được tiếng xe tăng của bộ đội mình húc tung cổng phụ và cổng chính trung tâm đầu não cuối cùng của chính  quyền Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phi nghĩa chia cắt dân tộc ta suốt 20 năm...

Nhà văn Hoàng Văn Bổn
Nhà văn Hoàng Văn Bổn

Cứ mỗi lần chạy xe đến con đường Lê Duẩn ở Q.1 (TP.HCM) chẳng hiểu sao mắt tôi không thể rời được hai cánh cửa của dinh Độc Lập. Đã đôi lần tôi vào thăm dinh và lần nào cũng bồi hồi nhìn ngắm không gian nơi đây. Đã 45 năm trôi qua kể từ khi đất nước được giải phóng, tôi như vẫn nghe được tiếng xe tăng của bộ đội mình húc tung cổng phụ và cổng chính trung tâm đầu não cuối cùng của chính  quyền Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phi nghĩa chia cắt dân tộc ta suốt 20 năm. Rồi hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập do đại tá quân đội nhân dân Việt Nam Bùi Quang Thận cắm vẫn cứ làm tôi bồi hồi xúc động.

* “Huyền thoại” về nhà văn - nhà báo - chiến sĩ

Lúc ấy, ba tôi - nhà văn, nhà báo quân đội Hoàng Văn Bổn cũng đang cùng một cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau đó, ông đã có mặt tại dinh Độc Lập để cùng đồng đội ghi lại những thước phim tư liệu quý giá về những ngày tháng lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là những thước phim trong bộ phim Chiến thắng Xuân 1975 lịch sử.

Tấm hình mà gia đình tôi còn lưu giữ là thiếu tá Hoàng Văn Bổn trong bộ quân phục màu xanh đang đứng trên nóc của dinh Độc Lập. Lúc ấy ông tròn 45 tuổi. Chàng trai của xứ Biên Hòa, Đồng Nai sau 20 năm chinh chiến khắp các chiến trường đau đáu hướng mắt về quê hương nhưng còn nhiệm vụ nên đành giấu nỗi niềm thương nhớ vào trong tim.

Đã quen với gian khổ, với bao phen cái chết kề bên khi bị bom vùi, bị phục kích ở chiến trường phía Bắc, ở Đường Chín Nam Lào, ở chiến trường Campuchia nhưng lần này, cảm xúc về gia đình nơi làng Bình Long, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cứ làm cay xè mắt. Sau này, ba kể lại với tôi là ông vừa quay phim mà như vừa thì thầm với người mẹ già đã 90 tuổi rằng: “Ráng đợi con nha má”. Hẳn bà nội tôi cũng không thể ngờ rằng người con trai thứ chín của mình ra đi từ mảnh đất nghèo khoai với củ lại có thể trở thành nhà văn với hơn 50 đầu sách, 21 bộ phim đã từng đoạt giải quốc gia, quốc tế và sau này là giải thưởng nhà nước vinh dự  như thế.

Ông xa nhà qua Chiến khu Đ tham gia kháng chiến từ năm 18 tuổi rồi sau đó tập kết ra Bắc, trở thành một người lính Cụ Hồ. Cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc đã chắp cho ông đôi cánh đến với văn chương. Những hồi ức về quê hương xứ sở, gia đình, tuổi thơ với những đau thương, mất mát trong chiến tranh khốc liệt vẫn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong những trang truyện ngắn, tiểu thuyết của ông.

Ngoài ngòi bút của một nhà văn - chiến sĩ, ông còn có thêm vũ khí sắc bén là ống kính điện ảnh. Khi về xưởng phim quân đội, ông đã có hơn 21 bộ phim với 9 giải Bông sen vàng, Bông sen bạc và giải thưởng quốc tế Giorio Ivens. Mảnh đất Đồng Nai gian lao mà anh dũng tự hào ghi tên ông vào lịch sử của Đảng bộ thành phố bằng việc lấy tên ông đặt cho tên của một con đường ở TP.Biên Hòa...

* Hằn lại những “vết chân”

Có một danh ngôn đã triết lý rằng: Khi người ta trở về với cát bụi thì vẫn hằn lại những vết chân. Vâng, ba tôi đã về với đất mẹ 14 năm nhưng đâu đó trong cuộc đời, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh của ông qua những trang sách, trong những câu chuyện, những kỷ niệm của bạn bè, người thân.

Ngày Tết, con của cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ, nhà văn xuất thân từ nhà giáo chuyên bắt cua đồng trong những ngày cơ cực khốn khó (trích Hoàng Văn Bổn - thao thức dòng Đồng Nai của Nguyễn Đúc Thọ) vẫn đến thắp nhang cho ba tôi đều đặn.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội trong Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.  Ảnh: TL gia đình
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội trong Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: TL gia đình

Rồi nhà thơ Đàm Chu Văn tự nhận là học trò của ông vẫn đến thắp nhang như những ngày xưa cùng ông đàm đạo. Trong chuyến về quê nội tôi, nhà thơ xin đi cùng để gặp ông Sáu Dịp, bạn thân của ba tôi từ thuở còn thơ. Hơn 2 tiếng đồng hồ, ông già Sáu Dịp đã 90 tuổi hào hứng kể lại bao kỷ niệm về tuổi thơ của ba. Từ những chuyện đi cúng đình, đi cắt lúa, nhổ đậu cho đến những trò chơi đánh đáo của tuổi thơ, ba tôi đều am hiểu về văn hóa và làm rất giỏi. Chất văn nghệ đã có từ tuổi thơ khi ông say mê coi cúng đình rồi dành dụm tiền dẫn cả đám con nít hồi đó bơi xuồng qua Tân Uyên coi hát. Giọng ông Sáu vẫn rổn rảng với nụ cười hào sảng của người nông dân miền Đông Nam bộ. Chúng tôi men theo con đường làng ngát hương hoa bưởi đi thăm lại đình làng, con đường mà ngày xưa ông vẫn đi đến “trung tâm văn hóa” của làng.

Sắp đến ngày giỗ thứ 14 của ba tôi, những ký ức về ba vẫn luôn là niềm tự hào dẫn dắt chúng con giữa cuộc đời. Ba đã sống và cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân với một cuộc đời thật đẹp. Ba đã thực thi trách nhiệm làm người trên trái đất một cách đầy kiêu hãnh theo cách nói của M.Gorki “Cao cả thay chức vị làm người trên trái đất”. Chúng con luôn nhớ về ba, một ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời với tất cả tình yêu thương và niềm tự hào. 

Tôi như nghe giọng nói đượm buồn của ba mỗi khi về thăm quê rằng: quê mình còn nghèo quá, vùng trắng trong kháng chiến mà. Chúng tôi bồi hồi đứng ở bến sông nhìn qua Chiến khu Đ, nơi mà năm xưa ba tôi đã xa gia đình đi kháng chiến. Ngày ra đi, ba tôi chỉ thì thầm nói với ông Sáu Dịp rằng: “Chuyến này đi chắc lâu mới về, mày coi chừng giùm má tao nha. Khi nào tao về được thì sẽ bí mật gặp mày ở bến sông này”. Và đôi bạn già ấy đã gặp nhau trong ngày đất nước giải phóng. Ngày ba tôi mất, ông Sáu không khóc mà đôi mắt đỏ hoe. Ông vẫn cười vui mà đùa rằng: Nếu sau này gặp lại ba nơi chín suối, câu đầu tiên phải khoe là quê mình giờ ngon lành rồi nha Chín.

Trong những ngày cách ly vì đại dịch Covid-19, tôi lang thang trên mạng và bất chợt bắt gặp những tấm ảnh chụp về sông Đồng Nai, về cây cầu Hóa An, cầu Ghềnh, về đình Tân Lân. Những tấm ảnh chụp thành phố vắng lặng trong đợt đại dịch nhưng lại đánh thức bao kỷ niệm về tuổi thơ của tôi. Tôi vào bình luận thì nhận được những dòng chữ thật cảm động: “Đây là con đường mà tôi đã gặp chú Chín Bổn vẫn hay đi xe đạp về nhà. Dáng ông gầy gò nhưng nụ cười thì thật ấm. Biết mình giỏi về ngoại ngữ, ông đã ân cần động viên mình dịch sách. Chú Chín luôn thương và ưu ái lớp trẻ lắm. Hồi đó mình hay ghé Hội Văn nghệ chơi. Anh Cao Xuân Sơn nói lâu mày không ghé, ông Chín nhắc mày hoài luôn đó. Nhớ năm 1984, có một lớp bồi dưỡng cho những người viết trẻ, ông ký giấy kêu mình về dự. Hồi đó được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ lớn thật hay. Chớp mắt mà đã mấy chục năm rồi...”.

Thì ra đây là trang của một giảng viên Trường đại học Đồng Nai. Anh đã từng gặp và trò chuyện thân thiết với ba tôi. Điều còn lại sau mấy chục năm là sự trân quý với những kỷ niệm mà anh có được với ba tôi. Anh không biết rằng chỉ có mấy dòng chữ ấy thôi đã đem lại cho tôi bao xúc động. Những người con đã ra đi từ vườn ươm là Hội Văn nghệ Đồng Nai mà ba tôi được mệnh danh là “người ươm mầm” nay đã thành danh.

Nói như nhà văn Thu Trân trong bài viết tham dự hội thảo khoa học mà tỉnh Đồng Nai tổ chức tại Trấn Biên năm 2016, kỷ niệm 10 năm ngày mất của ba tôi là: “Thưa lão nhà văn, chúng con đã bay cao, bay xa. Ở nơi chín suối, chắc ông đang mỉm cười hài lòng về lớp lớp hậu sinh của Đồng Nai đang bay cao, bay xa như các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Thái Hải, Cao Xuân Sơn, Đàm Chu Văn, Thu Trân, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng...”.

Hoàng Mai Quyên

Tháng 5-2020

 

 

 

 

Tin xem nhiều