Trước đây trong xã hội vẫn thường có quan niệm công việc nhà, bếp núc là chuyện của phụ nữ và mặc nhiên giao trách nhiệm ấy cho chị em lo toan, quán xuyến. Thời nay trong cuộc sống hiện đại, quan niệm đã khác trước rất nhiều, việc nhà được xem là việc chung của các thành viên trong gia đình, cùng chung tay chia sẻ, gánh vác.
Trước đây trong xã hội vẫn thường có quan niệm công việc nhà, bếp núc là chuyện của phụ nữ và mặc nhiên giao trách nhiệm ấy cho chị em lo toan, quán xuyến. Thời nay trong cuộc sống hiện đại, quan niệm đã khác trước rất nhiều, việc nhà được xem là việc chung của các thành viên trong gia đình, cùng chung tay chia sẻ, gánh vác. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những gia đình chưa thoát hẳn được cách nghĩ xưa, vẫn phó thác việc “cơm nước” cho chị em.
Các phóng viên, nhân viên tham gia hội thi “Khi đàn ông vào bếp”, hoạt động chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam |
* Những đàn ông chưa bao giờ “vào bếp”
Gia đình chị L.T.H.N ở xã Ngọc Định (H.Định Quán) trước nay vốn được tiếng là “trong ấm, ngoài êm”, gia phong nền nếp, kinh tế khá giả. Chồng chị là anh H. làm việc ở doanh nghiệp, thu nhập ổn định; chị H. ở nhà nội trợ và mở tiệm bán đồ chơi trẻ em cũng có thêm “đồng vào” tương đối; hai con của anh chị học hành chăm ngoan. Người ngoài nhìn vào ai cũng thầm mong “ước gì được như cô ấy”, thế nhưng ít ai biết rằng bên trong “tổ ấm” dường như lý tưởng ấy đã có những lúc chị phải nhẫn nhịn “nuốt nước mắt vào trong”.
Trong xã hội hiện đại, sau giờ tan sở, tan ca, trong sinh hoạt của nhiều gia đình, số đông là các gia đình hạt nhân (gia đình có hai thế hệ cùng sinh sống) không còn cảnh vợ tất bật làm việc nhà, nấu nướng, chồng ngồi “vắt chân chữ ngũ” đọc báo, xem tivi; mà cả vợ chồng thường cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu nướng. Sau đó cả nhà cùng ăn bữa cơm tối vui vẻ, đầm ấm sau một ngày làm việc vất vả, tiếp thêm năng lượng vật chất và tinh thần cho ngày mới lao động sáng tạo hiệu quả hơn. |
Chị N. kể, chồng chị không rượu chè, cờ bạc, đàn đúm, không tham gia thú vui gì tiêu cực nhưng sau giờ làm ở công ty, về nhà tuyệt nhiên anh không phụ chị bất cứ việc gì, từ nấu cơm, lau nhà, đi chợ… Chị thì “đầu tắt mặt tối”, bận rộn không ngơi tay với việc bán hàng và biết bao công việc không tên đã đành, ngay cả đến việc dọn cơm lên bàn ăn, anh cũng không bao giờ chịu làm. Những ngày chị phải lên TP.HCM lấy hàng về bán là ngày trước đó chị phải chuẩn bị cơm nước sẵn sàng cho cả 2 ngày, nếu không ở nhà 3 cha con anh H. “chỉ có nước” ăn mì tôm.
Chị kể trong nấc nghẹn, một lần chị bị tai nạn giao thông khi băng qua đường khiến phải bó một chân thời gian dài. Trong khoảng thời gian ấy, việc chợ búa chị nhờ bà con, hàng xóm; riêng nấu cơm, chị phải kê nạng đứng nấu; còn việc lau nhà có khi chị phải lết từ nhà trong ra nhà ngoài để lau; cũng may giặt giũ đã có máy làm thay. Chị tâm sự, cái số chị nó vậy nên ráng chịu, bao lần khóc thầm mà anh H. không hề biết đến để quan tâm sẻ chia công việc nhà với chị.
Câu chuyện của chị N. có thể là trường hợp hơi “cá biệt”; tuy nhiên trong thực tế, chuyện đàn ông chưa bao giờ “vào bếp” không phải là hiếm. Đó là chuyện của anh N.H.T làm việc ở cơ quan nhà nước, sau 8 tiếng ở công sở, về nhà anh cũng phụ vợ làm một số việc như: đưa rước con đi học, lau nhà, sửa sang các vật dụng trong gia đình… Riêng việc nấu nướng anh chưa bao giờ động đến, ngay cả khi vợ vào viện sinh con, anh “cầu cứu” sự trợ giúp của người thân, “bấn quá” thì thuê người làm chứ nhất định anh không “vào bếp”, đơn giản chỉ vì anh không biết nấu nướng, thế thôi.
“Truyền thống” đại gia đình anh lâu nay đã thế rồi, trong nhà đàn ông, con trai chỉ chuyên lo những việc được cho là hệ trọng, đại loại như: kiếm tiền, xây nhà, mua sắm những thứ quan trọng… Còn việc nhà, cơm nước, chăm con là chuyện của phụ nữ. Tranh thủ phụ giúp vợ được một số việc như anh T. đã là “xé rào” lắm, những thành viên trong đại gia đình phong cho anh chức “sợ vợ” rồi, chứ đừng nói đến việc cơm nước. Anh T. tâm sự, không biết nấu nướng cũng bất tiện lắm, khi vợ đi công tác, mấy cha con cứ “cơm hàng, cháo chợ” không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà ăn riết cũng chán nhưng thôi kệ “nấu nướng là việc của phụ nữ” - anh chốt lại.
* Đàn ông vào bếp, vui mà!
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nam giới hay phụ nữ cũng đều phải lo toan, gánh vác công việc ngoài xã hội, sự bình đẳng giới đã được hiện thực hóa trong đời sống thực tiễn dẫu nơi này, nơi kia trong những góc khuất của cuộc sống vẫn còn tồn tại bất bình đẳng giới do định kiến “trọng nam, khinh nữ” ăn sâu bám rễ. Trong phần lớn gia đình Việt, nhất là các gia đình có cả vợ và chồng đi làm ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công việc nhà không phân định rạch ròi cho chồng hay cho vợ, con mà thường được thực hiện trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Lâu nay, anh Lê Hoàng Chương, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (là giảng viên một trường đại học tại TP.Biên Hòa) luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi sau giờ đến trường để cùng vợ làm mọi việc nhà, chăm sóc, kèm cặp các con học bài. “Vào bếp” riết thành quen, “tay nghề” nâng dần và giờ đây anh trở thành “đầu bếp chính” của gia đình, anh biết làm tất cả các món từ chiên, xào, kho, nấu lẩu…; đặc biệt, các con và vợ rất thích cách chế biến của anh, ăn ngon miệng và tấm tắc khen mãi. Điều đó càng làm cho anh có thêm động lực lên mạng tìm hiểu cách chế biến những món ăn mới để thay đổi thực đơn hằng ngày, làm cho những bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn, kích thích sự ngon miệng của các thành viên.
Thời chưa xảy ra dịch Covid-19, cứ mỗi cuối tuần, anh lại lên thực đơn mời toàn thể đại gia đình tụ họp dùng cơm và chia sẻ những niềm vui, tâm sự trong cuộc sống thường nhật, góp phần nhân lên tình thân gia đình.
Anh Chương cho biết: “Không thể nói rằng chuyện bếp núc là của phụ nữ được. Thực tế, chị em bây giờ cũng vất vả nhiều, cũng gánh vác công việc ngoài xã hội; nếu về nhà phải lo toan khối lượng lớn công việc không tên thì sức lực đâu chịu nổi. Cho nên, đàn ông yêu thương vợ thì cần phải chia sẻ mọi công việc ở nhà, đừng bao giờ phân biệt việc lớn, việc nhỏ. Sự chia sẻ ấy được đền đáp xứng đáng bằng không khí vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc trong gia đình. Bạn hãy thử nấu một bữa cơm và nhìn vợ con thưởng thức một cách vui vẻ, ngon miệng, bạn sẽ hiểu thế nào là niềm vui giản dị của gia đình…”.
Gần tháng nay, anh Hoàng Hiếu Trung, ngụ KP.4, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tạm nghỉ việc do công ty nơi anh làm chưa có đơn đặt hàng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi vợ anh vẫn đi làm đều ở một doanh nghiệp khác. Do vậy, thời gian qua, anh “thầu” luôn mọi việc, từ chăm con (trường học cũng nghỉ phòng dịch), đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa mà không một chút nề hà. Anh Trung chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng cùng lo việc nhà nhưng nay mình nghỉ ở nhà suốt nên “bao thầu” hết. Vợ đi làm về cơm nước đã chuẩn bị xong, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, thấy vợ vui mình cũng vui lây. Mai mốt hết dịch mình lại đi làm, nhịp sống trở lại bình thường, lúc đó cả vợ chồng và các con lại tất bật. Cho nên, tranh thủ thời gian này để cả gia đình cùng “sống chậm”, nhân lên tình yêu thương trong gia đình”.
Đã xa rồi quan niệm “bếp núc là việc của phụ nữ”, đàn ông thời nay không phân biệt địa vị, chức tước ngoài xã hội, nhiều người vẫn vào bếp, chia sẻ việc nhà với mọi thành viên trong gia đình và vẫn là những người thành đạt, mẫu mực, càng được vợ con, gia đình thương yêu nhiều hơn. Đàn ông vào bếp chưa bao giờ và không hề làm giảm đi, nhỏ lại vai trò, vị trí của họ trong gia đình; ngược lại điều đó càng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, tình yêu thương của người chồng đối với vợ, con. Đó cũng là cách thiết thực nhất để góp sức xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, là tổ ấm của mọi thành viên.
Vâng, đàn ông vào bếp, vui mà!
Đình Văn
Hình trên: