Bánh mì vốn là món ăn dân dã nhưng lại là nét đặc trưng của ẩm thực Việt, có mặt trên khắp mọi con phố của đất nước. Với hai bạn trẻ Lưu Quý Đồng và Lưu Thị Thu Hương (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), bánh mì không chỉ đơn thuần là món ăn ngon mà còn là hồi ức đẹp về gia đình, động lực để họ bắt tay khởi nghiệp với khát vọng "nâng cấp" thương hiệu bánh mì đường phố.
Bánh mì vốn là món ăn dân dã nhưng lại là nét đặc trưng của ẩm thực Việt, có mặt trên khắp mọi con phố của đất nước. Với hai bạn trẻ Lưu Quý Đồng và Lưu Thị Thu Hương (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), bánh mì không chỉ đơn thuần là món ăn ngon mà còn là hồi ức đẹp về gia đình, động lực để họ bắt tay khởi nghiệp với khát vọng “nâng cấp” thương hiệu bánh mì đường phố.
Chị Lưu Thu Hương tham gia khóa học về thực phẩm |
* Khởi nghiệp từ hương vị của yêu thương…
Năm 2018, khi đang làm việc tại một công ty nước ngoài có thu nhập khá ở TP.HCM, Lưu Thị Thu Hương (sinh năm 1990) quyết định nghỉ việc về Biên Hòa khởi nghiệp với xe bánh mì “gia truyền”. Đây cũng là quyết định khá khó khăn của cô gái trẻ khi bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức với một lĩnh vực mới mẻ. Tuy nhiên, với Thu Hương, nỗi nhớ về bà nội chính là động lực để cô mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp với thương hiệu bánh mì Grandma Lu: “Nội tôi có xe bán bánh mì ở Bửu Long từ cách đây mấy chục năm, chúng tôi ăn bánh mì từ nhỏ và được nuôi lớn nhờ đó. Năm 2018, nội tôi mất để lại cho tôi những khoảng trống lớn. Tôi quyết định nghỉ việc để về Biên Hòa cùng anh trai gầy dựng lại xe bánh mì của nội như một cách để tưởng nhớ bà, để được sống và khởi nghiệp với hương vị bánh mì mà tôi yêu thương”.
Cô chủ trẻ Thu Hương cho biết, Grandma Lu ra đời từ chính tình yêu thương, do đó cô mong muốn dự án khởi nghiệp của mình có thể lan tỏa thông điệp, cảm hứng về tình yêu thương trong cuộc sống. Trong mỗi chiếc bánh mì đến tay người dùng đều kèm theo bức thư về câu chuyện thương hiệu Grandma Lu. Cô mong rằng những chiếc xe bánh mì Grandma Lu không còn đứng yên một chỗ mà có thể “lăn bánh” đến nhiều nơi trong cả nước cũng như nước ngoài. |
Để chuẩn bị cho việc ra đời “đứa con tinh thần” của mình, Thu Hương dành thời gian tham gia các khóa học ngắn hạn về chế biến thực phẩm, thiết kế đồ họa và marketing tại TP.HCM. Trong đó mẫu dự án nhận diện thương hiệu bánh mì Grandma Lu của cô cũng là đồ án tốt nghiệp khóa học ngắn hạn được đánh giá cao tại Trường đại học Hoa Sen. Với số vốn cùng những kiến thức, kỹ năng tích lũy được từ quá trình học hỏi, khảo sát thị trường, Thu Hương cùng anh trai Quý Đồng bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp của mình.
Quý Đồng cho biết, anh quyết định giữ nguyên thiết kế xe bánh mì truyền thống như của bà mình nhiều năm về trước nhằm tiết kiệm chi phí mặt bằng cũng như giữ nét mộc mạc, tiện lợi của thức ăn đường phố này. Tuy nhiên, chất lượng những xe bánh mì này được nâng cấp rõ rệt từ nguồn thực phẩm đầu vào đến đội ngũ bán hàng được đào tạo bài bản, nhận diện thương hiệu qua mũ, tạp dề và phong cách phục vụ. Các món ăn kèm bánh mì như: pate, xá xíu, xíu mại… đều do tự tay hai anh em chế biến để có thể kiểm soát được nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bánh mì Grandma Lu chuyển qua hình thức bán hàng take away và online thông qua các app gọi món phổ biến hiện nay như: Now, Grabfood…
Ngoài bánh mì với nhiều hương vị đi kèm, Grandma Lu còn kết hợp cung cấp nước quýt, thứ nước uống khá bổ dưỡng và lạ miệng. Đặc biệt, những người trẻ cũng ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường trong quá trình kinh doanh. Quý Đồng cho biết, mọi vật dụng mang đi của Grandma Lu như giấy gói bánh mì, dây buộc, túi đựng đều làm bằng giấy, nước quýt cũng được đựng trong chai thủy tinh, có tay xách mang đi bằng tre thay cho nhựa và ny-lông. Tuy nhiên điều này cũng khiến cho chi phí tăng lên đáng kể. Thế nhưng, họ vẫn lựa chọn sử dụng túi giấy với mong muốn thương hiệu bánh mì của mình được nhìn nhận dưới những nỗ lực của giới trẻ trong việc chung tay chống rác thải nhựa.
* Và khát vọng “nâng cấp” bánh mì đường phố
Với cách bài trí, nhận diện thương hiệu bắt mắt cùng thiết kế mới mẻ, trẻ trung cho xe bánh mì đường phố, 2 xe bánh mì Grandma Lu tại TP.Biên Hòa nhanh chóng thu hút khách hàng. Trung bình mỗi ngày Grandma Lu cung cấp đến khách hàng 100-150 ổ bánh mì, có thời điểm 200 ổ/ngày.
Theo anh Quý Đồng, mức giá 15-30 ngàn đồng/ổ tùy món đi kèm mà Grandma Lu đang áp dụng khá phù hợp với nhu cầu của người dân đô thị hiện nay. “An toàn thực phẩm đang là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay, từ những món ăn sang trọng đến những thức ăn đường phố. Do đó, họ cũng có nhu cầu thưởng thức những món ăn bình dân nhưng đảm bảo chất lượng. Tôi mong muốn Grandma Lu không chỉ giữ được hương vị bánh mì truyền thống Việt mà còn nâng cấp hơn về chất lượng và phong cách phục vụ” - anh Đồng cho biết.
Anh Lưu Quý Đồng bên xe bánh mì Grandma Lu |
Còn theo chị Thu Hương, hương vị bánh mì chính là yếu tố quyết định đến doanh số, do đó cô luôn chăm chút cho từng loại nguyên liệu đầu vào. Hiện tại, Grandma Lu đang tập trung phát triển những hương vị truyền thống bởi đây là nguyên bản của bánh mì Việt Nam cần được gìn giữ. Tuy nhiên, cô cũng không ngừng học hỏi, sáng tạo thêm nhiều hương vị mới, làm đa dạng món ăn cho khách hàng của mình. “Trước đây những chiếc xe bánh mì lăn bánh trên phố thường khá đơn giản trong cách thức phục vụ, không menu, khách ăn gì bán đó, ăn bao nhiêu bán giá bấy nhiêu và quan trọng là nguồn nguyên liệu đôi khi chưa đảm bảo… Đó là những điều mà chúng tôi mong muốn khắc phục để xây dựng văn hóa bánh mì đường phố theo đẳng cấp khác, văn minh, lịch sự và an toàn hơn” - chị Thu Hương bộc bạch.
Hiện tại, ngoài hai xe bánh mì cho doanh thu khá ổn định tại TP.Biên Hòa, hai anh em Quý Đồng và Thu Hương đã quyết định vay thêm vốn để đầu tư cửa hàng bánh mì phục vụ tại chỗ ở Q.1, TP.HCM. Cửa hàng này được thiết kế theo phong cảnh thuần Việt với đèn lồng, bàn ghế mây tre… nhằm mang đến không gian gần gũi nhưng cũng mới lạ cho những thực khách yêu bánh mì.
Anh Quý Đồng cho biết, cửa hàng là hướng đi mới để thương hiệu Grandma Lu đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn, nhất là người nước ngoài yêu thích ẩm thực Việt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát. Cả Quý Đồng và Thu Hương đang tập trung định hình lại phong cách kinh doanh cũng như vạch ra hướng đi mới cho Grandma Lu sau khi hoạt động trở lại. Đặc biệt, để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những người trẻ 9X này đã tổ chức trao tặng 1 ngàn ổ bánh mì cùng khẩu trang đến người có nhu cầu kèm theo thông điệp rửa tay và giữ khoảng cách an toàn.
Nói về những dự định tương lai, Quý Đồng và Thu Hương đều cho biết còn rất nhiều trở ngại, thách thức mà họ phải vượt qua trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều mà họ hài lòng chính là vượt qua vùng an toàn của bản thân để đón nhận những thử thách mới, để có thể lưu giữ và phát triển hương vị bánh mì của tuổi thơ.
Thảo Nguyên