Dịch bệnh khiến cuộc sống chúng ta có những khoảnh khắc khác thường và để qua được đại dịch, chúng ta cũng có nhiệm vụ cũng khác thường là: "Hãy ở yên một chỗ". Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi người cần tìm cho mình cách để giải tỏa năng lượng.
Dịch bệnh khiến cuộc sống chúng ta có những khoảnh khắc khác thường và để qua được đại dịch, chúng ta cũng có nhiệm vụ cũng khác thường là: “Hãy ở yên một chỗ”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi người cần tìm cho mình cách để giải tỏa năng lượng.
Chị Nguyễn Bảo Ngọc (xã Phước Thái, H.Long Thành) hạnh phúc khi con yêu thích món ăn, thức uống do chị chế biến |
Nhiều người đã tận dụng khoảng thời gian này để trải nghiệm nhiều điều tích cực như: yêu nấu nướng, nghiện trang trí nhà cửa, năng kết nối trên mạng xã hội… Từ đó góp phần giúp mỗi người kiên nhẫn hơn trong tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.
* Cách ly nhưng không xa cách
Hơn 2 tuần qua, từ khi Chính phủ ban hành quy định cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gia đình chị Bùi Thị Nghĩa (xã Phú Ngọc, H. Định Quán) thực hiện nghiêm túc, hạn chế ra đường khi không cần thiết. Dù nhà ba mẹ và bà con cách nhà không xa nhưng chị Nghĩa cũng luôn hạn chế đến thăm nom thường xuyên như mọi khi, trừ những lúc thật cấp thiết.
“Người ta thường nói Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Phụ nữ nên là người kết nối yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Theo tôi, những việc giúp kết nối các thành viên trong gia đình, thì phụ nữ nên làm tốt hơn một xíu, so với đàn ông” - chị Nguyễn Bảo Ngọc chia sẻ quan niệm. |
Quan niệm cuộc sống còn có nhiều dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau, chị Bùi Thị Nghĩa chia sẻ: “Nhà ai ở nhà nấy là trách nhiệm của mỗi người trong thời điểm hiện nay. Điều tôi cảm thấy rất may mắn là xã hội phát triển, công nghệ hiện đại nên tôi vẫn kết nối với người thân, bạn bè một cách thường xuyên. Thông qua mạng xã hội, chúng tôi vẫy chào, trò chuyện và chia sẻ với nhau qua camera điện thoại và cũng thấy ấm áp lắm!”.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc kết nối với nhau thông qua mạng xã hội, những cuộc gọi thăm hỏi, động viên nhau sẽ có tác dụng rất tích cực trong thời điểm giãn cách xã hội (social distancing) này. Và nếu đồng lòng thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, chúng ta sẽ sớm trở về guồng quay thường nhật của cuộc sống.
* Bếp nhà thêm “đỏ lửa”
Cách ly xã hội, một số dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn tạm dừng, mọi người hạn chế tối đa việc ra đường ăn uống. Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng tận nơi không phải trong mọi lúc đều có thể sử dụng, cộng thêm một số bất tiện như: phải đeo khẩu trang, sát khuẩn khi nhận hàng… Chính vì thế, việc ăn uống tại nhà trở nên phổ biến, gian bếp nhà của nhiều gia đình “đỏ lửa” thường xuyên hơn.
Trong đợt này, chị Nguyễn Bảo Ngọc (xã Phước Thái, H.Long Thành) có nhiều thời gian vào bếp hơn. Theo quan điểm của chị: “Nấu ăn là “kỹ năng cần có” của người phụ nữ để làm ấm hơn căn bếp của gia đình mình. Một bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng và được bày trí bắt mắt không chỉ góp phần tăng cường sức khỏe cho cả gia đình mà còn là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình cùng quây quần vui vẻ với nhau. Các con ăn uống rất thích thú làm tôi có thêm động lực nấu nướng, sáng tạo những cách trang trí món ăn” - chị Nguyễn Bảo Ngọc chia sẻ.
Không chỉ đảm đương các bữa chính trong ngày, nhiều chị em và ngay cả những người chồng cũng trổ tài bếp núc, cũng có khi lần đầu “thử nghiệm” những món ăn, thức uống yêu thích vốn trước đây thường mua hoặc sử dụng dịch vụ bên ngoài như: trà sữa, các món sinh tố giải nhiệt, nấu chè, làm bánh…
“Với công nghệ hiện đại, người nội trợ có thể học hỏi công thức nấu ăn từ nhiều kênh khác nhau: internet, truyền hình, tạp chí, hoặc cũng có thể bạn bè hướng dẫn cho nhau. Bản thân tôi những ngày này ở nhà phòng, chống dịch bệnh thường chia sẻ những món qua mạng xã hội, và nhiều chị em quan tâm, hỏi công thức. Góp phần lan tỏa tình yêu bếp núc cho nhiều người đối với tôi cũng là niềm vui. Tôi nghĩ, chị em đừng ngại bắt tay với món mới vì nếu nấu không ngon thì lần sau sẽ rút kinh nghiệm làm lại… chắc chắn “tay nghề” sẽ khá dần lên” - chị Nguyễn Bảo Ngọc cho hay.
Theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, Trường đại học Văn hóa TP.HCM, việc ở nhà phòng, chống dịch đem lại nhiều cái lợi gia đình. Đầu tiên là về mặt sức khỏe của các thành viên trong gia đình được đảm bảo, tiếp theo là các thành viên trong gia đình có nhiều cơ hội để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tùy theo từng lứa tuổi, vị trí trong gia đình.
“Qua theo dõi, tôi thấy, phổ biến nhất là các chị em nội trợ, và ngay cả các ông chồng, các bạn tuổi teen cũng năng nấu nướng hơn, các em gái cũng thường vào bếp học nữ công gia chánh hơn với các món ăn yêu thích. Một số gia đình còn gắn kết nhau thông qua các lĩnh vực thuộc năng khiếu, truyền thống gia đình, chẳng hạn như: hội họa, chơi các loại nhạc cụ, ca hát…” - TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.
* Giữ hòa khí trong gia đình
Ở nhà phòng, chống dịch Covid-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để “sống chậm” và dành thời gian nhiều hơn cho những người thân yêu. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, việc gần nhau quá trong một không gian gò bó, với những việc lặp đi lặp lại trong các khung giờ nhất định có thể dễ gây những mâu thuẫn trong gia đình. Mới đây, trong bài Ở nhà giãn cách xã hội thời Covid-19: Tăng đột biến bạo lực gia đình, Báo Tuổi Trẻ có thông tin ở một số nước trên thế giới, tình trạng bạo lực gia đình tăng một cách đáng báo động, đặc biệt từ sau khi các quốc gia áp dụng quy định cách ly tại nhà chống Covid-19.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Nguyệt nhận định, có thể do tiếp xúc với nhau nhiều, một số thành viên có thể sẽ xảy ra một số mâu thuẫn nhỏ, nhưng các mâu thuẫn đó chỉ là số ít và thực tế tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ở nông thôn có phần lớn nguyên nhân là do tệ nạn rượu chè. Nhưng từ khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tác động rất tích cực, ít còn tình trạng nhậu nhẹt “quá chén” dẫn đến bạo lực gia đình.
Hiện nay, xã hội Việt Nam đang hướng đến xây dựng giá trị gia đình tiến bộ, hạnh phúc và chính sách pháp luật của Nhà nước luôn bảo vệ những giá trị tốt đẹp, tích cực đó. Vì thế theo TS Nguyễn Thị Nguyệt: “Đối với các xung đột lớn thì thành viên là nạn nhân có thể liên hệ đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương can thiệp kịp thời. Còn đối với những mâu thuẫn nhỏ thì tôi cho rằng cách giải quyết tối ưu là trao đổi để các bên hiểu nhau hơn. Càng hiểu nhau thì tình cảm gia đình càng gắn bó và điều chỉnh cuộc sống gia đình cho phù hợp. Làm sao để giữ gìn hòa khí gia đình, gia đình luôn là nơi an toàn, yên tâm, từ đó phát huy những giá trị tích cực của gia đình là một trong những chức năng cơ bản của gia đình. Chính vì thế, kỹ năng sống chung, dung hòa các tính cách các thành viên trong gia đình… luôn là những điều phải được đặt lên hàng đầu, dựa trên nền tảng cốt lõi là tình yêu thương của vợ chồng - cha mẹ với các con”.
Lâm Viên