Chị Trần Mai Anh trở thành mẹ của "chú lính chì Thiện Nhân" - em bé bị bỏ rơi trong rừng, bị thú hoang ăn mất một chân và bộ phận sinh dục - vào 13 năm trước. Từ một người mẹ tìm mọi cách phẫu thuật cho con, chị trở thành người sáng lập Chương trình Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F).
Chị Trần Mai Anh |
Chị Trần Mai Anh trở thành mẹ của “chú lính chì Thiện Nhân” - em bé bị bỏ rơi trong rừng, bị thú hoang ăn mất một chân và bộ phận sinh dục - vào 13 năm trước. Từ một người mẹ tìm mọi cách phẫu thuật cho con, chị trở thành người sáng lập Chương trình Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F). Cùng với ông Greig Craft (nhà hảo tâm người Mỹ) và bác sĩ Roberto De Castro, chị lập chương trình để phẫu thuật và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhi khác không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do bẩm sinh hoặc do tai nạn. TN&F quy tụ hàng chục bác sĩ chuyên ngành niệu, nhi khắp thế giới tình nguyện tham gia, tổ chức phẫu thuật tại nhiều bệnh viện trong và ngoài nước.
Hành trình sống độc đáo của Thiện Nhân còn được ví là “hành trình trái tim” vì nó không dừng lại ở phạm vi một gia đình nhỏ bé với người mẹ và 3 cậu con trai, nó đã trở thành một hành trình truyền cảm hứng mạnh mẽ khi rất nhiều người âm thầm đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ cho TN&F chữa trị cho các bệnh nhi một cách tự nguyện và thanh thản.
Mổ thì làm sao mà không đau được?
* Được biết, Thiện Nhân vẫn chưa kết thúc quá trình phẫu thuật và điều trị của mình. “Chú lính chì” đối diện với sự đau đớn và các ca phẫu thuật của mình ra sao?
- Từ lúc bé xíu tới giờ, mỗi khi trở trời là Thiện Nhân đau vật vã vì Nhân sinh ra với tỷ lệ thương tật 75%, có khác gì một chú thương binh bé đâu. Khi trở trời, chỗ xương cụt gây nhức mỏi như giòi bò trong xương. Mỗi đêm đau đớn là “chú thương binh nhỏ” úp gối vào mặt, cắn gối chịu đau để cố không phát ra tiếng rên rỉ vì sợ mẹ mất ngủ.
Nhưng Nhân chưa bao giờ sợ mổ, cũng chưa bao giờ sợ đau. Tôi cố gắng không khóc trước mặt con, nói với con rằng mổ thì phải đau chứ mổ làm sao không đau được? Nhân hiểu và chấp nhận nên nó chỉ sợ mất thời gian của mấy mẹ con và vì Nhân còn nhỏ nên sợ mất ăn, mất chơi hơn. Tôi không bao giờ muốn thể hiện sự yếu đuối với con, tôi cố gắng làm cho con hiểu rằng cái đau đó không ai chịu giùm con được cả và chấp nhận nó thì nhẹ nhàng hơn là sợ hãi.
“Mẹ Còi” Trần Mai Anh và “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân. Ảnh: TN&F |
* Với một người mẹ suốt ngày đi gây quỹ, kết nối bác sĩ, lo lắng mọi thứ để phẫu thuật cho các bệnh nhi thì cuộc sống thường nhật sẽ ra sao?
- Bốn mẹ con tôi sống với nhau nhẹ nhàng, thoải mái. Các con tôi rất yêu nhau và là những đứa trẻ tử tế. Tôi không muốn chúng ngoan, tôi muốn chúng tử tế, hiểu chuyện và biết điều và sợ nhất là con cái ích kỷ.
Nhà tôi không phân công việc nhà, ai thấy thích thì làm. Nếu tất cả những người khác đang rửa chén, lau nhà mà có đứa nào vẫn ngồi ăn ngon được thì tùy con. Thích thì đứng lên đi làm, không thì cứ ngồi mãi đấy cũng được. Hôm nào một trong 3 đứa lười thì chúng nó phải “nịnh” nhau để làm giúp. Tôi cũng kệ các con với nhau. Nhưng tôi nghĩ, để mọi thứ nhẹ nhàng như thế thì chúng tôi phải thân nhau, phải chia sẻ với nhau nhiều đến mức không thể “kệ” nhau, để từng người phải thấy “ngứa mắt” nếu mình cứ ngồi chơi trong lúc người khác làm việc nhà. Và sự chia sẻ này không phải ngày một ngày hai. Từng chút một, các con tôi hiểu rằng không phải con ốm là mẹ phải chăm mà vì là gia đình, nên chúng mình phải chăm sóc lẫn nhau.
* Chị có lúc nào cảm thấy mình bất lực trước những biến cố của cuộc sống, trước những số phận bất hạnh mà mình “va chạm”?
- Tôi không có lúc nào cảm thấy bất lực trong cuộc đời mình vì tôi nghĩ đã sống trên đời thì khó khăn là chuyện đương nhiên. Đời tôi không thuận lợi, cũng không may mắn gì quá mức nên nếu cho tôi mỗi ngày sống sung sướng thì có lẽ tôi… buồn chết mất.
Trước mỗi việc gì mình thấy khó khăn, tôi cũng gắng hết sức để giải quyết và nếu không giải quyết được thì tôi chấp nhận, kiểu “à, việc nó là như thế rồi”. Tôi chỉ ghi nhớ một điều là dù mình có làm gì thì cũng “không bao giờ giết ai và không để ai giết mình” vì chỉ hai điều này theo tôi là không thể cứu vãn. Còn lại thì bình thường.
* Bố mẹ chị có từng ngăn cản chị khi một phụ nữ đang nuôi 2 con lại nhận thêm một em bé đặc biệt như Thiện Nhân? Và bản thân chị đã một lần nào thiếu tự tin trong suốt hành trình yêu thương, chữa trị và trưởng thành cùng Thiện Nhân, cùng TN&F?
- Không, bố mẹ tôi chưa từng ngăn cản bất cứ điều gì tôi muốn làm, vì gia đình tôi có một nguyên tắc là ai đã quyết định một việc gì rồi thì tất cả những người trong gia đình chỉ còn mỗi một cách là ủng hộ. Ủng hộ thì người thân của mình sẽ đỡ vất vả hơn, thế thôi.
Chưa bao giờ tôi thiếu tự tin trong hành trình với Thiện Nhân. Tôi chưa bao giờ nghĩ kiểu “liệu mình có làm cho Nhân hạnh phúc và hành trình mười mấy năm qua là đúng hay sai”. Tôi là người không nhìn lại quá khứ, tôi chỉ nhìn về phía trước. Vì nhìn lại làm gì khi khả năng lúc đấy của tôi chỉ có thế? Dù với bất cứ lý do gì, mục đích gì thì thực tế rõ ràng là tôi đã làm một đứa trẻ được mặc ấm khi mùa đông về, một mái nhà ấm áp để ở và một môi trường học tập tốt. Nhìn Nhân tôi biết, tôi chẳng việc gì phải băn khoăn vì không một đứa trẻ nào rạng rỡ tươi cười suốt như Nhân, nếu nó không hạnh phúc.
Sống là không “để lại những vết mờ xấu xí”
* Chị có nghĩ mình có “sứ mệnh” sống trên đời để làm người tốt không?
- Tôi không nghĩ mình ra đời để làm việc tốt vì nghĩ như thế thì thành ra lại nặng nề. Tôi nghĩ tất cả những gì tôi đã và đang làm là do tôi thích và may mắn là những gì “tôi thích” lại có thể góp phần làm cho người khác tốt đẹp và vui vẻ hơn. Cho nên với các con tôi cũng vậy, tôi không bảo các con phải làm những gì tôi đang làm, phải sống tốt hay làm điều tốt vì mỗi người sinh ra được lựa chọn cách sống mà người ta muốn.
* Với chị, khó nhất là gì khi làm điều tốt?
- Lòng tốt, khó nhất là phải đều đặn, phải làm mỗi ngày, mỗi ngày, đều đặn đến mức có thể gây nhàm chán, như chú lạc đà đi qua sa mạc vậy. Và tôi nghĩ nếu mình sống theo kiểu cố gắng tự nhủ “đây là việc tốt, mình nên làm” thì chắc tôi đã sớm bỏ cuộc. Thực tế, tôi làm vì tôi rất thích làm, sau một ca mổ, sau một việc gì đó có thể giúp đỡ cho những đứa trẻ thì tôi thấy mình được tiếp thêm năng lượng. Mọi người nhìn tôi bảo tôi nhỏ bé gầy gò, nhưng không bao giờ bảo tôi thiếu năng lượng cả.
* Chị có kế hoạch gì cho TN&F, cho bản thân chị?
- Với TN&F, tôi không đặt ra kế hoạch nào. Với bốn mẹ con cũng thế. Tôi làm mọi thứ bằng bản năng của mình vì tin rằng nếu sống đúng bản năng thì mọi thứ sẽ tốt đẹp, vui vẻ. Tôi là một người sống bình thường, không rào trước đón sau, không xây dựng bất kỳ một “hàng rào bảo vệ” nào cho mình trước người khác cả.
Tôi thích câu nói “ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất”. Không có gì có thể giấu đi dưới ánh mặt trời. Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình, nhưng sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác. Tôi bảo các con: Chúng ta không đánh giá ai, phán xét ai và cũng phải hiểu rằng chúng ta hoàn toàn được quyền sống và hành xử đúng theo tiêu chuẩn của chính mình đặt ra, miễn là đừng để lại trên đời dấu vết của sự dối, nguy hại, xấu xí, dù chỉ là một vết mờ nhỏ nhất.
Xin cảm ơn chị!
“Đêm muộn lắm rồi, mẹ đã nằm cuốn chăn mỏi nhừ, ông Nhân bảo: “Con muốn dọn cái phòng kho, mẹ còn sức không?”. Nhân bảo thế nên mẹ đành dậy làm cùng Nhân. “Ông con” bảo việc này con muốn làm mà cả năm chưa làm được. Bảo thế rồi “ông con” lôi từng thứ ra soạn, cái bỏ luôn, cái để nhỡ ai cần thì cho. Quá 12 giờ đêm, Thiện Nhân vẫn lụi hụi soạn xếp gọn gàng, gọn ghẽ từng chút một. Đồ của anh, của mẹ, của Nhân, đồ dùng gia đình... người nào vật nào chỗ nấy. Mẹ Còi thích lắm chứ, thích nhất lâu lâu “ông ý” lại hỏi, mẹ mặc áo khoác đỏ này của con không, con chật rồi, mẹ đi giày trắng này của con không, con chật rồi... Chật rồi... vì người đàn ông bé đang lớn”. Trần Mai Anh |
Kim Ngân (thực hiện)