Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa làng Chơro Lý Lịch

09:03, 06/03/2020

Đây là tên sách được Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với NXB Đồng Nai phát hành vào cuối năm 2019. Sách bìa cứng, khổ 16x24cm, 396 trang, hình ảnh minh họa đa dạng, in 1 ngàn bản trong khuôn khổ Nhà nước đặt hàng. Nội dung sách tập trung phản ánh về văn hóa của vùng đất, con người Chơro tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Đây là tên sách được Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với NXB Đồng Nai phát hành vào cuối năm 2019. Sách bìa cứng, khổ 16x24cm, 396 trang, hình ảnh minh họa đa dạng, in 1 ngàn bản trong khuôn khổ Nhà nước đặt hàng. Nội dung sách tập trung phản ánh về văn hóa của vùng đất, con người Chơro tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai là tỉnh có số đồng bào dân tộc Chơro cao nhất nước. Người Chơro được xem là cư dân lâu đời trên vùng đất ở miền Đông Nam bộ của Việt Nam (cùng với tộc người Mạ, Xtiêng). Trước đây, có một số công trình nghiên cứu về người Chơro đã công bố với những góc độ tiếp cận đa dạng. Với công trình này, Bảo tàng Đồng Nai đã điền dã, thu thập tư liệu qua thời gian khá dài để chỉnh lý, biên soạn, về văn hóa của một làng cụ thể: làng Chơro Lý Lịch xã Phú Lý.

Công trình tập trung vào di sản văn hóa của cộng đồng Chơro ở Lý Lịch từ góc độ văn hóa vật chất đến tinh thần. Cấu trúc của sách gồm 4 phần, từng chương mục cụ thể với lượng kiến thức lớn về văn hóa tộc người Chơro được phản ánh: hình thức cư trú, trang phục trang sức, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, tập quán, tín ngưỡng đến nghi lễ của chu kỳ đời người, chu kỳ cây trồng, lễ hội, truyện kể…, thực trạng di sản và công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa địa phương.

Làng Lý Lịch có truyền thống kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ đất nước qua hai thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, gắn liền với Chiến khu Đ anh hùng. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều chính sách của Nhà nước đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát  triển kinh tế vùng miền núi Phú Lý nói chung, đối với cộng đồng Chơro tại đây nói riêng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, một số loại hình di sản văn hóa của người Chơro tại Lý Lịch mai một. Trong chính sách gìn giữ văn hóa cộng đồng tộc người, người Chơro tại Lý Lịch duy trì những nét văn hóa độc đáo như lễ hội, tri thức bản địa khai thác lâm sản ngoài gỗ, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân gian… cùng với những dự án án phục hồi, bảo tồn.

Nội dung sách có tính ứng dụng khi dành một phần đánh giá thực trạng và từ đó gợi mở các giải pháp bảo tồn và phát huy vốn quý di sản của cộng đồng Chơro tại làng Lý Lịch. Đây là công trình khoa học hữu ích đối với việc tìm hiểu về tính đa dạng về văn hóa của tộc người Chơro nói riêng cũng như văn hóa của Đồng Nai nói chung. Đồng thời, là nguồn tài liệu cơ sở thiết thực đối với các cấp chính quyền tham khảo trong đánh giá, hoạch định phát triển ở địa phương. Tuy nhiên, trong công trình này, nhóm tác giả chưa cập nhật được tình hình dân số của người Chơro nói chung, ở Lý Lịch nói riêng trong thời gian gần đây qua các số liệu thống kê đã công bố để có góc nhìn đối sánh.

Trong môi trường sinh thái của rừng miền Đông Nam bộ, làng Chơro Lý Lịch với truyền thống kiên cường, những giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, bên cạnh những thiết chế văn hóa, dân sinh cộng đồng (Nhà văn hóa cộng đồng, Nhà dài/Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đầu tư)… có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Một điều quan trọng công trình này nhấn mạnh vai trò của cộng đồng Chơro từ ý thức trách nhiệm trong bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả trong các chính sách của địa phương. Mong sao, sách di sản văn hóa này được phát hành đến chính cộng đồng tại chỗ cũng như các địa bàn người Chơro sinh sống ở Đồng Nai.         

Đinh Huyền Dũng

Tin xem nhiều