Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn chương nhắc nhở về cái đẹp giữa cuộc đời

10:03, 14/03/2020

Tạo được tiếng vang từ giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần IV với tác phẩm Đứa con gái ngỗ ngược (NXB Trẻ, năm 2010), Võ Diệu Thanh đã liên tục ra mắt những tác phẩm mới. Mỗi sáng tác của nữ nhà văn từ miền sông nước Tây Nam bộ luôn ghi đậm sắc thái, thân phận con người của vùng đất nơi đây.

Tạo được tiếng vang từ giải nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần IV với tác phẩm Đứa con gái ngỗ ngược (NXB Trẻ, năm 2010), Võ Diệu Thanh đã liên tục ra mắt những tác phẩm mới. Mỗi sáng tác của nữ nhà văn từ miền sông nước Tây Nam bộ luôn ghi đậm sắc thái, thân phận con người của vùng đất nơi đây.

Nhà văn Võ Diệu Thanh
Nhà văn Võ Diệu Thanh

Với Võ Diệu Thanh, nghề viết đã mang lại cho chị những chiêm nghiệm cuộc sống, nghị lực để vượt qua mỗi khoảnh khắc khó khăn của cuộc đời. Qua từng dòng chữ, mục đích lớn lao của văn chương là dẫn con người đến với chân - thiện - mỹ.

Mỹ thuật là bản năng, văn chương là đam mê

* Chị là cô giáo dạy mỹ thuật, cơ duyên nào đưa chị đến với văn chương? Hai công việc ấy có mối liên hệ gì với nhau không?

- Với tôi, văn chương và mỹ thuật song hành. Nếu tôi đến với mỹ thuật là bản năng thì văn chương đến là nhờ tôi đọc nhiều sách từ nhỏ. Thời tôi còn là học sinh tiểu học, môn mỹ thuật và nhiều môn nghệ thuật khác không được dạy ở nhà trường, màu sắc cực kỳ hiếm. Nhưng tôi vẫn vẽ bằng tất cả yêu thích của mình và vẽ bằng bất cứ phương tiện gì có được, có khi chỉ là những cái que vạch lên đất.

Song hành với vẽ là đọc sách. Những năm học lớp 6, lớp 7 tôi đã có suy nghĩ tại sao đoạn này đọc có hồn, tại sao nhà văn kia lại sinh ra trên những vùng đất kỳ lạ như vậy, vùng đất mình đang sống có gì khác biệt không. Những câu hỏi đó đã dẫn tôi đến từng trang văn sau này. Văn học và mỹ thuật đều là nghệ thuật, đều cần những hình dung tường tận, những phương cách thể hiện khác biệt, nắm bắt những chi tiết bản chất... Do đó, học viết văn sẽ hiểu thêm về vẽ và ngược lại.

* Đọc qua bản “sơ yếu lý lịch” công việc viết của chị, thấy chị đã đạt khá nhiều giải thưởng về văn học. Đâu là bước ngoặt đáng nhớ nhất trong quãng thời gian viết văn đã qua của chị?

- Ngay từ nhỏ tôi đã thích những kỳ thi. Bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời là giải Văn học tuổi 20. Bởi tính quy mô của giải, 5 năm mới có một lần, bởi sự công tâm của những giám khảo như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà báo Thúy Nga… đều là những người tôi thần tượng từ xa. Sau những năm tháng bệnh tật tưởng không phương cách gì trụ được, tôi đã nhận ra được điều thiết yếu bản thân mình cần là gì. Giải thưởng như một lời động viên kịp thời và thiết thực nhất.

* Các sáng tác của chị đậm chất Nam bộ, đậm chất miền Tây. Mỗi một phận người trong sáng tác của Võ Diệu Thanh dường như ẩn chứa một thông điệp nào đó? Có khi nào là do chị hóa thân vào nhân vật?

- Cuộc sống là người thầy lớn và mỗi ngày qua đi thì bao nhiêu thông điệp cũng qua đi. Tiếp nhận được bao nhiêu là tùy duyên mỗi người. Tôi chỉ chuyển tải những gì mình tiếp nhận được và dùng văn để nó dễ đến với mọi người. Thân phận người kỳ lạ cũng là cách để thông điệp được khắc sâu. Bản thân tôi gặp nhiều trắc trở nên hẳn là có nhiều thứ tôi thấy được từ cuộc sống của mình. Nhưng tôi chỉ lấy một nét gì đó mình có phù hợp để nhân vật trở nên sinh động hơn chứ ít khi nào tôi hóa thân trọn vẹn. Với tiểu thuyết Viên đạn về trời, tôi “phân thân” ra nhiều nhân vật khác nhau đối thoại nhau, gây gổ nhau hay tha thứ cho nhau.

* Chị vừa viết văn cho thiếu nhi nhưng cũng có nhiều tác phẩm văn học của người lớn. Sự thử thách đối với mỗi nhà văn ở các địa hạt này ra sao?

- Tôi viết cho người lớn là chính vì tôi bị ám ảnh bởi những thể loại tâm lý hỗn tạp của người lớn nên muốn giải mã từng món một. Nhưng khi đã nghiên cứu nhiều về tâm lý, tôi lại thương học trò mình hơn.  Người lớn chúng ta hiểu trẻ con quá ít mà người ngộ nhận là mình hiểu trẻ con lại quá nhiều. Sự hiểu nửa vời đã đẩy những đứa trẻ rơi vào bi kịch và nó chống đối.

Văn tôi viết cho người lớn là nhìn thẳng vào thực trạng, chấp nhận những khốc liệt đang tồn tại và đi tận cùng những cơn biến động vô thường của dòng sông luôn cuộn quyết liệt.

Văn cho trẻ con lại là một con đường khác. Người viết phải dẹp hết mọi định kiến đúng sai, phải bước ra ngoài mọi quy luật để đi tìm một con đường mới mẻ cho vạn vật. Đôi khi phi lý với quy luật thường tình nhưng nó có lý ở một quy luật khác hợp với trẻ con.

Đưa cái đẹp gần gũi hơn với độc giả

 * Năm 2018, chị ra mắt cuốn Về từ hành tinh ký ức, nói về chiến tranh và hậu quả chiến tranh, cuốn sách có thể nói đã trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Viết về một lĩnh vực khá khó và kén người viết nhưng khá thành công. Chị có mong những người nối tiếp ở thế hệ sau vẫn tìm tòi ở mảng đề tài này?

- Về từ hành tinh ký ức là một dạng ký sự, lịch sử được kể lại thông qua phận người có thật. Lịch sử sẽ được tái hiện gần gũi hơn, đời hơn chứ không khô khan như lịch sử được viết bằng ngôn ngữ khoa học. Từng con người, từng thân phận dưới bánh xe thời cuộc. Qua cuốn sách của tôi, một số bạn trẻ cũng thích viết lịch sử theo con đường ký sự. Đó là cách để văn học không còn bị coi là hư cấu.

* Chị thấy, các tác giả trẻ hiện nay, họ có lãng quên với thời cuộc, với những vấn đề gai góc của xã hội mà đi sâu vào cá nhân hóa cuộc sống không? Trách nhiệm của người viết, nhất là những nhà văn trẻ với xã hội hiện nay?

- Đa số nhà văn là những người nhạy cảm, là những người dễ bị tổn thương. Và vết thương của người nhạy cảm thì khó lành hơn những người bình thường. Họ cứ phải đi “giải mã” chính họ. Nó được đồng cảm bởi những hoàn cảnh tương tự nên họ cũng có độc giả. Và rồi khi họ lớn cũng sẽ thấy buồn cười cho một thời mình loay hoay với những thương giận quá cá nhân. Trách nhiệm của tuổi trẻ là cứ trải nghiệm và sớm thoát khỏi “vũng lầy” cá nhân để nói thay xã hội tiếng nói mới, đưa ra một góc nhìn trẻ trung, mạnh mẽ.

* Cái đẹp của văn chương chính là cái đẹp của cuộc sống mà chúng ta hằng ao ước, bởi suy cho cùng trong mỗi con người, chân, thiện, mỹ vẫn là đích cao nhất. Chị nghĩ gì về điều này?

- Vốn dĩ cái đẹp vẫn tồn tại đâu đó trong cuộc sống mà đôi khi chúng ta quên không tôn vinh nó, để nó bị lẩn khuất trong những mớ lộn xộn khác. Nhà văn “moi” nó ra, sắp đặt cho nó có hình hài đẹp nhất, đặt nó lên vị trí trang trọng để mọi người dễ nhìn thấy, dễ chiêm ngưỡng và cũng dễ có điểm tựa khi chông chênh, lệch lạc. Đời sống càng phong phú, dòng chảy càng quyết liệt, chúng ta càng dễ bị lãng quên những gì tốt đẹp đã nhận được và văn chương nhắc nhở người ta về những cái đẹp của cuộc đời.

* Xin cảm ơn chị!

Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học “C” Chợ Vàm (H.Phú Tân, tỉnh An Giang). Bắt đầu viết từ năm 18 tuổi, đoạt giải nhất Văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội Văn học nghệ thuật An Giang kết hợp Sở GD-ĐT An Giang tổ chức năm 1994. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 do Hội Nhà văn TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ đồng tổ chức.

Đến nay, chị đã ra mắt nhiều tác phẩm sách dành cho thiếu nhi và người lớn, được độc giả quan tâm. Năm 2018, cuốn ký sự Về từ hành tinh ký ức có thể coi là dấu ấn của văn học Việt Nam năm đó. Tháng 4 sắp tới, chị tiếp tục cho ra mắt song song 2 cuốn sách viết cho lứa tuổi thiếu nhi và người lớn.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều