Ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) trở thành địa chỉ được nhiều người biết đến bởi có nhiều triệu phú làm giàu từ hai bàn tay trắng. Họ đều xuất thân từ nông dân, nhờ giỏi tính toán, chịu khó làm lụng mà có được gia tài hàng chục tỷ đồng. Mỗi năm, có những gia đình thu lời từ đất lên đến vài tỷ đồng.
Ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) trở thành địa chỉ được nhiều người biết đến bởi có nhiều triệu phú làm giàu từ hai bàn tay trắng. Họ đều xuất thân từ nông dân, nhờ giỏi tính toán, chịu khó làm lụng mà có được gia tài hàng chục tỷ đồng. Mỗi năm, có những gia đình thu lời từ đất lên đến vài tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Ray, ấp Lạc Sơn trong căn biệt thự trị giá hơn 10 tỷ đồng |
Hiện nay, trên địa bàn ấp Lạc Sơn có khoảng 360 hộ dân đang sinh sống, trong đó số hộ có thu nhập khá trở lên chiếm hơn 30%. Dù trải qua những thăng trầm do giá cả nông sản lúc tăng, lúc giảm sâu, song những tỷ phú nơi này đều biết cách vượt qua, khai thác các lợi thế để vẫn đảm bảo thu nhập cao, tạo ra việc làm cho các lao động trên địa bàn.
* Lập nghiệp từ tay trắng
Hầu hết các ấp của xã Quang Trung đều nằm ven quốc lộ 20, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, dịch vụ, riêng ấp Lạc Sơn lại nằm sâu phía trong, bốn phía là cao su. Trước đây, đường vào ấp Lạc Sơn tương đối khó khăn, nhưng mấy năm gần đây, nhờ xây dựng nông thôn mới, người dân trong ấp cùng chung sức với chính quyền góp tiền, góp đất làm đường. Do đó, đường vào Lạc Sơn trải nhựa, thông thoáng, thuận lợi cho vận chuyển nông sản và giao thương hơn. Các triệu phú nơi này không chỉ làm giàu trên chính mảnh đất trong ấp mà còn vươn xa ra những nơi khác.
Điều đáng trân trọng của các tỷ phú ấp Lạc Sơn là họ đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn và trong số đó, có những bạn trẻ đã về tiếp quản lại gia sản và tiếp tục làm giàu từ nông nghiệp. Với đội ngũ trẻ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm tích lũy của cha mẹ truyền lại, họ sẽ là những nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đem lại hiệu quả cao trên cùng diện tích đất đang canh tác. |
Ông Phạm Quốc Thanh, ấp Lạc Sơn kể: “Tôi xuất thân từ gia đình làm nông, vì thế lớn lên tôi cũng theo nghiệp cha mẹ gắn bó với vườn rẫy. Thế nhưng, làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, đầu ra của nông sản, vụ được vụ mất. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm hiểu, tôi đã tự mình lặn lội đi đến các tỉnh, thành khác học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi và về áp dụng”.
Kết quả ông Thanh nhận được là năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao nên thu nhập của ông thường cao gấp 2-3 lần so với những hộ khác canh tác theo lối truyền thống. Từ vài sào đất ban đầu, nhờ lợi nhuận cao, ông đã tích lũy, mua thêm đất và dồn điền đổi thửa. Đến nay, ông đã có 50ha đất trồng cao su và chôm chôm, trong đó có 4ha tại ấp Lạc Sơn và 46ha ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc). Mấy năm trước, cao su có giá, trung bình mỗi tháng ông Thanh thu lời 400-500 triệu đồng. Sau này, khi mủ cao su rớt giá, ông đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ tươi thành mủ khô và tìm thị trường xuất khẩu để tăng giá trị. Hiện mỗi năm, nhà máy của ông Thanh xuất khoảng 4-5 ngàn tấn mủ cao su khô sang thị trường Malaysia và Indonesia. Do có sẵn nguồn nguyên liệu để chế biến rồi mới xuất khẩu nên giá mủ cao su xuống thấp, ông Thanh vẫn phát triển bền vững vì hình thành chuỗi sản xuất, xuất khẩu. Từ nông dân có vài sào đất, đến nay ông Thanh đã có trong tay tài sản gần 100 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm lên đến vài tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Thanh, ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng |
Tương tự, ông Trương Chí Kiên, ấp Lạc Sơn cũng bắt đầu từ việc làm thuê, làm mướn, nhưng đến nay ông đã có hơn 3ha đất chuyên trồng chôm chôm, sầu riêng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho năng suất, chất lượng cao, do đó lợi nhuận thu được hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ông Kiên chia sẻ: “Năm 1996, tôi về ấp Lạc Sơn sinh sống, lúc đó nơi này vắng vẻ, nằm sâu giữa những vườn cao su, đi lại không thuận lợi. Vợ chồng tôi phải làm thuê kiếm tiền sinh sống và dành dụm được chút nào tôi đầu tư mua đất. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm nông thì phải có đất, khi đã mua hơn 3ha đất tôi bắt đầu học hỏi, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất chôm chôm, sầu riêng theo hướng VietGAP. Mô hình sản xuất sạch này đã giúp gia đình tôi có thu nhập cao”. Cũng nhờ sản xuất sạch, xử lý cây cho trái sớm, chất lượng đảm bảo nên đầu ra sản phẩm trái cây của ông Kiên khá thuận lợi, thường bán được giá cao hơn so với nhiều hộ khác và tránh được tình trạng vào chính vụ trái cây bị dội hàng.
* Nhạy bén với thời cuộc
Bí quyết thành công của các triệu phú, tỷ phú ấp Lạc Sơn là họ rất nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt kịp thời những lợi thế của thị trường và biết cách vượt qua những rào cản, khó khăn. Vì thế, dù thị trường nông sản có khó khăn thì họ vẫn biết cách “né khó” để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và gia tăng tài sản tích lũy theo từng năm.
Ông Phạm Văn Ray, ấp Lạc Sơn bắt đầu xây dựng “cơ đồ” từ 1ha đất rẫy do cha mẹ chia lại khi ông lập gia đình. Từ mảnh đất này, ông đã gầy dựng được gia tài trị giá vài chục tỷ đồng.
Ông Trương Trí Kiên, ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) làm giàu từ trồng trọt |
Ông Ray cho biết: “Tôi chọn mô hình phối hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để phát triển kinh tế. Cách tôi chọn là đầu tư canh tác những cây trồng có lợi thế mà thị trường chưa sản xuất được nhiều, những vật nuôi như vịt, gà, bò đang ở thời điểm giá thấp, mọi người nản giảm đàn. Vì vậy, khi cây trồng, vật nuôi của tôi được thu hoạch cũng là lúc thị trường tăng giá, do sau một thời gian dài giá giảm sâu nhiều người bỏ không đầu tư, nguồn cung giảm không đáp ứng đủ cầu”. Hiện ông Ray đã có trong tay gần 30ha đất và trang trại nuôi vịt, bò, thu lời hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông cũng đã xây dựng căn biệt thự trị giá hơn 10 tỷ đồng tại Lạc Sơn và có trong tay vài chục tỷ đồng. Khi có điều kiện về kinh tế, ông góp sức cùng địa phương làm đường, hỗ trợ đất, xây dựng nhà tình thương cho một số hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong ấp, xã.
Ông Đỗ Văn Liệu, Trưởng ban công tác MTTQ ấp Lạc Sơn cho biết: “Ấp Lạc Sơn có gần 150 hộ có thu nhập cao, hầu hết các hộ này đều bắt đầu từ sản xuất nông nghiệp và vươn lên. Đến nay, hàng chục hộ đã có trong tay từ 20-30ha đất tại địa bàn H.Thống Nhất và các huyện lân cận để canh tác. Cũng từ làm nông mà nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang, sắm ô tô để đi lại, vận chuyển nông sản”.
Nhiều tỷ phú ấp Lạc Sơn không chỉ đầu tư trong tỉnh mà còn mua đất ở Bình Thuận, Bình Phước lập trang trại trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng nhà máy, xưởng chế biến nông sản để tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những ấp nổi danh trong tỉnh vì người dân chỉ từ làm nông với diện tích nhỏ, song biết cách tính toán, xoay xở đã vươn lên thành những hộ giàu có.
Phó chủ tịch UBND xã Quang Trung Trương Tuấn Đạt đánh giá, ấp Lạc Sơn về địa hình không thuận lợi bằng những ấp khác nhưng lại có nhiều hộ thu nhập cao nhất xã. Lạc Sơn từng được mệnh danh là ấp có nhiều triệu phú, tỷ phú xuất thân từ làm nông nghiệp. Ngoài giỏi tính toán trong sản xuất nông nghiệp để có những khoản thu cao, ổn định hằng năm thì các triệu phú còn có diện tích đất lớn trị giá vài chục tỷ đồng. |
Hương Giang