Khi nói về sách và văn hóa đọc, người ta thường truyền tai nhau câu chuyện của người Do Thái. Theo đó, với quan niệm coi sách là tài sản vô giá và quý nhất, người Do Thái thường răn dạy con họ nếu lỡ xảy ra sự cố cháy nhà thì cùng với việc tự cứu mình, thứ tài sản nếu có thể mang theo không phải là của cải vật chất, mà đó chính là sách.
Khi nói về sách và văn hóa đọc, người ta thường truyền tai nhau câu chuyện của người Do Thái. Theo đó, với quan niệm coi sách là tài sản vô giá và quý nhất, người Do Thái thường răn dạy con họ nếu lỡ xảy ra sự cố cháy nhà thì cùng với việc tự cứu mình, thứ tài sản nếu có thể mang theo không phải là của cải vật chất, mà đó chính là sách.
Với họ, sách mang đến kiến thức, trí tuệ, những giá trị sống, rèn giũa sự thông minh và phát huy tính sáng tạo. Và do vậy, sách, tri thức, trí tuệ (một loại vốn đặc biệt mà không ai có thể cướp đoạt được) cũng sẽ mang đến cho họ tất cả, những giá trị tâm hồn đến của cải vật chất.
Xưa nay khi nhắc đến người Do Thái, người ta thường nghĩ ngay đến một dân tộc có nhiều người thông minh, kiệt xuất trên các lĩnh vực. Một trong những điều tạo nên thành công đó chính là cách họ giáo dục con cái trong từng gia đình. Người Do Thái dạy con cách yêu sách và đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Họ có một tập tục phổ biến đó là lễ nghi “hôn sách ngọt”. Với ngày lễ này, ngay lần đầu tiếp xúc với sách, cha mẹ người Do Thái sẽ nhỏ một giọt mật ong vào sách và cho những đứa trẻ ngửi và nếm nó. Bằng cách này, họ dạy con rằng sách rất ngọt ngào, giúp con trẻ cảm nhận được sự thơm ngọt của sách qua những giọt mật và ấn tượng ngọt ngào ban đầu ấy sẽ theo con họ cho đến suốt cuộc đời. Cũng từ đó, tình yêu với sách bắt đầu và sẽ lớn dần lên cùng con họ theo năm tháng. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao tỷ lệ đọc sách của người Do Thái thường đứng đầu thế giới qua các nghiên cứu, thống kê của giới chuyên môn quốc tế.
Trong bối cảnh internet và các phương tiện truyền thông điện tử phát triển như hiện nay, tỷ lệ người dân đọc sách ở nhiều quốc gia trên thế giới đang có xu hướng giảm đáng kể. Ở Việt Nam, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam do Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) tổ chức năm 2019, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi.
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% người dân thỉnh thoảng mới đọc sách và có 26% người dân hoàn toàn không đọc sách. Cũng theo kết quả khảo sát này, người Ấn Độ đọc trung bình gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, người Hàn Quốc đọc 3 giờ/tuần... trong khi người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra là cần phải có những cơ chế chính sách mới để chấn hưng văn hóa đọc, làm cho văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ công chức, viên chức, học sinh sinh viên, thanh thiếu niên cho đến công nhân, nông dân. “Ham đọc sách để chấn hưng văn hóa đọc của người dân Việt Nam, để mỗi người dân Việt Nam đều học cả đời, đọc sách cả đời... Chấn hưng văn hóa đọc cũng chính là chấn hưng cái gốc của một dân tộc” - Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh.
Nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án ngày 15-3-2017) đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để từng bước huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển văn hóa đọc. Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, Mọt sách Mogu, các CLB Sách và Hành động, Đọc báo Đảng… với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đang tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, đã mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, giúp phát triển kỹ năng đọc cho trẻ em và chia sẻ, kết nối hàng triệu người Việt Nam thông qua xây dựng thói quen đọc sách.
Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động văn hóa nhằm bổ sung cơ sở hạ tầng, mở rộng các không gian đọc cho cộng đồng đã được triển khai thời gian qua; các hoạt động triển lãm sách và xuất bản, giới thiệu sách mới, luân chuyển sách, tặng sách đến bạn đọc thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa... đã thiết thực góp phần làm lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.
Thực tiễn cho thấy, niềm trăn trở, lo lắng về sự mai một, giảm sút của văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin là có cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn cũng luôn khẳng định tầm quan trọng, sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của sách và văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng. Với việc tạo thêm nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cùng với những động thái tích cực từ các cấp, ngành chức năng, các tổ chức cá nhân, tin rằng công cuộc chấn hưng văn hóa đọc trong xã hội sẽ gặt hái được kết quả đáng phấn khởi. Tới đây, khi Luật Thư viện có hiệu lực (từ ngày 1-7-2020) sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi hơn.
Thanh An