Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng góp sức phòng, chống dịch Covid-19

09:03, 14/03/2020

Làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ trưa là thực trạng chung của nhiều nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ trưa là thực trạng chung của nhiều nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Đinh Huỳnh Như Ngọc hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách. Ảnh: B. Nhàn
Bác sĩ Đinh Huỳnh Như Ngọc hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách. Ảnh: B. Nhàn

Ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, bác sĩ Đinh Huỳnh Như Ngọc, Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch) phải làm thêm việc giám sát cộng đồng cho những người trở về từ vùng dịch.

* Làm việc bất kể ngày đêm

Ngày nào chị Ngọc và đồng nghiệp cũng đi đến tận các hộ gia đình trở về từ vùng dịch để lấy thông tin, hướng dẫn họ tự cách ly, không được tiếp xúc với người khác hoặc đi ra ngoài.

“Không chỉ mình mà mọi người trong khoa ngày nào cũng phải cập nhật sớm nhất về tình hình dịch bệnh. Khi người dân gọi điện báo khu vực họ có người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… thì mình phải xuống ngay để giám sát, có thông tin nhanh để người dân không hoang mang” - bác sĩ Ngọc tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trai, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa tâm sự: “Có những chuyến bay về rất khuya, chúng tôi cũng phải đưa xe lên đón người dân và đưa họ về tận nhà (khi còn chủ trương giám sát tại cộng đồng). Kể cả thứ bảy, chủ nhật, khi nhận được thông tin là đội phản ứng nhanh đi liền, không chần chừ”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Lý, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch chia sẻ, trong mùa dịch Covid-19 này, khoa anh có nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”. Khoảng giữa tháng 2-2019, ngoài Trung Quốc, một số địa phương như Thanh Hóa, Nha Trang, Vĩnh Phúc của nước ta cũng được coi là vùng dịch. Thời điểm này, những người dân đi từ vùng dịch về Đồng Nai đều phải được cách ly tại cộng đồng hoặc đưa vào khu cách ly của 4 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Trong đó, số người cách ly tại cộng đồng chiếm đa số. Họ cách ly dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

“Đang ăn cơm trưa, tôi nhận được điện thoại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đi đón một gia đình 4 người từ Thanh Hóa về. Trong đó, cháu bé N.H.A (10 tháng tuổi) bị sốt cao và đưa đến Bệnh viện nhiệt đới TP.HCM khám, xét nghiệm Covid-19. Nhưng khi chúng tôi đưa xe cấp cứu lên sân bay, người nhà lại trốn mất. Chúng tôi liên hệ nhiều lần, họ không nghe máy và mình phải đi xe về không” - bác sĩ Lý tâm sự.

May mắn, bé A. chỉ bị sốt siêu vi và gia đình tự bắt xe về. Ngày hôm sau, nhân viên y tế của trung tâm cũng khá vất vả để tìm bằng được địa chỉ và đến gia đình này kiểm tra tình hình sức khỏe chung của cả gia đình họ và hướng dẫn cách ly tại cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều lần bác sĩ Lý nhận điện thoại từ đường dây nóng báo tin giả người đến từ vùng dịch. Khi các nhân viên y tế, công an xuống xác minh khu vực người dân báo thì phát hiện không có thật. “Hoặc nhiều trường hợp các bậc phụ huynh khi thấy con sốt, ho đã báo cho nhà trường sợ bị nhiễm Covid-19. Đang trong mùa dịch, ai cũng lo lắng mình bị nhiễm loại bệnh dịch này. Chúng tôi phải đến tận nơi để xác minh, tốn nhiều công sức” - bác sĩ Lý nói.

Theo bác sĩ Lý, bất cứ loại dịch bệnh nào, nhân viên y tế hệ dự phòng luôn phải trực chiến và đi làm bất kể ngày đêm. Vì vậy, thông tin không chính xác từ người dân sẽ khiến ngành Y tế lãng phí thời gian, công sức rất nhiều.

* Đằng sau khu cách ly

Không chỉ y, bác sĩ mà những người ở tuyến sau của đại dịch này cũng phải làm việc vất vả. Nhà cách bệnh viện 18km, gần đây cứ 5 giờ sáng hằng ngày, chị Trần Thị Lệ Thủy, làm việc tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện phổi Đồng Nai lại đi chợ để nấu ăn phục vụ những người đang cách ly tại khu tập trung. Khi chưa có dịch, chị Thủy cùng 2 đồng nghiệp chỉ nấu 30 suất ăn cho nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, họ phải nấu gần gấp đôi suất ăn, 54 suất/ngày.

Mỗi ngày, các chị nấu đều đặn 3 bữa và chỉ gói gọn trong 20 ngàn đồng/suất. “Gần 2 tháng nay, tôi phải dậy sớm hơn trước 30 phút để đi chợ. Đi chợ sớm, tôi cố gắng mua đồ tươi sống để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho mọi người” - chị Thủy nói.

Theo chị Thủy, để có bữa ăn đảm bảo với giá rẻ, chỉ 20 ngàn đồng/suất, chị Thủy và các đồng nghiệp phải “cân, đo, đong, đếm” kỹ lưỡng. Các chị còn phải tính toán lên thực đơn 3 bữa trong ngày phải là các món ăn khác nhau. Chị Thủy cho hay: “Việc lên thực đơn thay đổi mỗi bữa không hề dễ dàng. Trong đợt dịch này, nhiều chuyến xe đưa người từ vùng dịch về bệnh viện ban đêm, chúng tôi phải chuẩn bị đồ ăn nhanh cho họ”.

Ở nhà bếp, những người như chị Thủy phải luôn tay mới kịp giờ cơm cho cả nhân viên lẫn người đến cách ly. Dù chế độ thưởng hay phụ cấp chưa được đề cập khi phải làm thêm giờ, trực đêm nhưng chị Thủy vẫn nhiệt tình với công việc của mình. “Công việc nhiều hơn, vất vả hơn nhưng tôi vui vì đóng góp một phần công sức cho cuộc chiến chống dịch này” - chị Thủy tâm sự.

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện phổi Đồng Nai cho biết thêm, khẩu phần ăn của những người trong khu cách ly giống như khẩu phần dành cho nhân viên bệnh viện. Đặc biệt, những em nhỏ sẽ ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng như cháo hoặc cơm với thịt xay.

Ở khu cách ly tập trung, UBND tỉnh hỗ trợ tiền ăn cho mỗi người vào cách ly là 60 ngàn đồng/ngày. Họ không được ra khỏi vùng hàng rào cách ly. Mọi nhu cầu sinh hoạt đều do các y, bác sĩ của bệnh viện phục vụ.

* Đón người về từ vùng dịch

Nhiều ngày nay, xe cấp cứu của các cơ sở y tế được huy động liên tục để đón người từ vùng dịch là Trung Quốc, Hàn Quốc… trở về. Mục đích của ngành Y tế tỉnh là cố gắng kiểm soát hành khách ngay từ sân bay. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 7-3, CDC đã đưa ra phương án những người đi về từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran sẽ được cách ly tập trung.

Chị Trần Thị Lệ Thủy đang nấu ăn cho những người trong Khu cách ly tại Bệnh viện phổi Đồng Nai
Chị Trần Thị Lệ Thủy đang nấu ăn cho những người trong Khu cách ly tại Bệnh viện phổi Đồng Nai

Ngay khi nhận thông tin từ sân bay Tân Sơn Nhất, CDC sẽ đón người dân về khu cách ly của Bệnh viện phổi. Tại đây, họ được khám sàng lọc sức khỏe thêm một lần nữa. Sau đó, họ mới được chuyển vào khu cách ly tập trung.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trai, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa cho biết, trung tâm thành lập một đội phản ứng nhanh với một xe cấp cứu chuyên dụng. Từ đầu mùa dịch đến nay, nhân viên của trung tâm luôn hoạt động bất định do phụ thuộc vào các chuyến bay.

“Gần đây, số người trở về từ Hàn Quốc, Trung Quốc phải đáp xuống sân bay Cần Thơ, Vân Đồn và cách ly tại đó nên công việc đưa đón có phần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, những hành khách lẻ về từ vùng dịch xuống sân bay, chúng tôi vẫn tiếp tục đón khi có thông báo của CDC” - bác sĩ Trai chia sẻ. 

Bích Nhàn

Tin xem nhiều