11 tập phim Phượng Khấu - "bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam" - ra mắt khán giả trên ứng dụng giải trí trực tuyến POPS (vào 20 giờ thứ năm hằng tuần).
11 tập phim Phượng Khấu - “bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam” - ra mắt khán giả trên ứng dụng giải trí trực tuyến POPS (vào 20 giờ thứ năm hằng tuần).
Phượng khấu (có nghĩa là cúc áo hình chim phượng) được xây dựng sáng tạo trên những giai thoại hậu cung trong triều đại nhà Nguyễn. Phim tái hiện cuộc đời sóng gió của nhân vật Phạm Thị Hằng (còn gọi là Phạm Hiệu Nguyệt), tức Hoàng thái hậu Từ Dụ trong lịch sử Việt Nam - người đã sống qua 10 đời vua. Đó cũng là câu chuyện gắn với sự ra đời của vua Tự Đức và chúa Nhàn Yên...
* Giá trị văn hóa xưa
Series Phượng khấu (11 tập, mỗi tập 45 phút) do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cầm trịch, với sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu, nổi tiếng như: NSND Hồng Vân (vai Nhất giai Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm), NSƯT Lệ Thiện (vai Nhân Tuyên Hoàng thái hậu Trần Thị Đang), NSƯT Thành Lộc (vai vua Thiệu Trị), nghệ sĩ Hồng Đào (Từ Dụ thái hậu)… Hoa hậu hoàn vũ 2019 Khánh Vân cũng tham gia một vai trong phim. Sau khi 2 tập đầu lên sóng (ngày 5 và 12-3), Phượng khấu tạo làn sóng nhận xét đa chiều về một phim cổ trang lịch sử. |
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Tôi muốn đưa câu chuyện về một người phụ nữ mà cuộc đời của bà trải dài suốt một triều đại, thông qua đó, nói lên những vấn đề khác của văn hóa, lịch sử, giúp khán giả có cái nhìn đa chiều, toàn diện về những giá trị văn hóa, về cách ăn nếp ở của người xưa. Phượng khấu là một series nhiều tập nhưng tôi áp dụng cách kể mang chất điện ảnh vào các tập phim. Phượng khấu tránh việc “diễn giải kiến thức lịch sử” đến với khán giả mà là một góc nhìn, kiến giải riêng của chúng tôi về những nhân vật tiền nhân”.
Làm phim cổ trang tốn kém kinh phí (đầu tư 19 tỷ đồng), Phượng khấu lại phát ở nền tảng xem trực tuyến trên ứng dụng di động chứ không phải là tác phẩm điện ảnh chiếu rạp để mong thu hồi vốn nhanh. Huỳnh Tuấn Anh lý giải: “Công ty Ocean và các nhà đầu tư xác định Phượng khấu sẽ đi một con đường lâu dài, góp phần giúp cho các nhà sản xuất phát hành, nhà đầu tư phim… thấy được miếng bánh thị trường mới dù phải đi đường dài song có tiềm năng chứ không phải là không. Vấn đề là: Chúng ta có dám nghĩ khác, làm khác không để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
* “Không làm sẽ không có gì!”
“Phượng khấu dù sao đi nữa vẫn là một tác phẩm hư cấu thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh, không phải chính sử. Nhưng tôi mong và tin khán giả sẽ có thêm nhu cầu tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà sau khi theo dõi loạt phim” - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ. |
Thực tế, khán giả Việt Nam từng say mê các loạt phim dạng “cung đấu” của nước ngoài khá tương tự chủ đề với Phượng khấu, hiển nhiên có sự so sánh không thể tránh khỏi từ khán giả khi họ xem phim cổ trang “thuần Việt”. Vậy đâu là những lợi điểm của Phượng Khấu? Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tự tin nói: “Lợi thế lớn nhất đó là sau khi thể loại phim cung đấu được quan tâm, bất cứ khán giả Việt Nam nào cũng tự hỏi: Liệu Việt Nam có thể làm phim về chốn cung đình xưa không khi có lịch sử văn hóa trải dài hàng ngàn năm? Và chúng tôi đã trả lời câu hỏi này bằng tác phẩm của mình. Phượng khấu sẽ có rất nhiều thiếu sót, nhưng chúng tôi cứ phải làm đã. Thiếu sót sẽ khắc phục, còn sự gan dạ thì bắt buộc. Không làm sẽ không có gì!”.
Nghệ sĩ Hồng Đào (thứ hai từ trái sang) và NSƯT Tuyết Thu (thứ hai từ phải sang) diễn hay trong tập 1. |
Phượng khấu được xem là nỗ lực mang đến cho khán giả những tập phim có chất liệu lịch sử, với những nhân vật lịch sử và bối cảnh lịch sử được tái hiện thông qua hư cấu điện ảnh. “Tôi mong phim của mình góp phần cho khán giả hiểu thêm về nền lịch sử văn hóa giàu có, phong phú và độc đáo mà Phượng khấu chỉ là một lát cắt đề cập hết sức khiêm tốn bé nhỏ” - đạo diễn Tuấn Anh bày tỏ. Anh cho biết đoàn phim hết sức vui khi rất nhiều người trẻ đã tìm hiểu nhiều điều về quá trình làm phim, những họa tiết trên phục trang nhân vật, những vật dụng đạo cụ chốn thâm cung…
Sinh năm 1982 tại Hà Tiên, Huỳnh Tuấn Anh tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm (năm 2004) và đi dạy văn ở TP.HCM. Từng trở về quê nhà làm ngành văn hóa, Huỳnh Tuấn Anh lại quay lên Sài Gòn thi vào và tốt nghiệp đạo diễn ở Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM (năm 2009). Anh là biên kịch của nhiều bộ phim truyền hình như Cổng mặt trời, Thời gian để yêu…; biên kịch gần 20 vở diễn sân khấu trước khi làm đạo diễn bộ phim điện ảnh đầu tay Lô Tô (năm 2017), đồng đạo diễn Đời cho ta bao lần đôi mươi (năm 2017), đạo diễn Ngôi nhà bươm bướm (năm 2019) và Phượng Khấu (năm 2020). Dự án sắp tới của Huỳnh Tuấn Anh là các series Ỷ Lan và Trần Nhân Tông. |
T.Nghĩa