Ông Paul Le sinh ra tại Việt Nam nhưng chủ yếu sống tại châu Âu. Hiện ông là Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan chuyên doanh về bán lẻ.
Ông Paul Le |
Ông Paul Le sinh ra tại Việt Nam nhưng chủ yếu sống tại châu Âu. Hiện ông là Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan chuyên doanh về bán lẻ. Central Retail là chủ đầu tư của hệ thống siêu thị Big C và thông qua các thương vụ mua bán khác, tập đoàn này còn làm chủ một số thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản tại Việt Nam, trong đó có chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Ngoài ra, ông Paul Le còn là Tổng thư ký Hiệp hội Disciple of Escoffier chi nhánh Việt Nam – một tổ chức đầu bếp quốc tế với mục tiêu cổ vũ và quảng bá ẩm thực cao cấp của thế giới cũng như chuyển giao kiến thức nấu ăn lại cho các đầu bếp trẻ. Ông Paul Le đã chia sẻ về câu chuyện trở về và gắn bó với Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ, nhất là quảng bá thương hiệu cho trái cây, nông sản Việt.
Về Việt Nam tôi mới hiểu chính mình
* Điều gì khiến ông trở về và gắn bó với Việt Nam?
- Tôi là người gốc Việt nhưng vì ba tôi là bác sĩ của Liên hợp quốc nên từ lúc 3 tuổi, tôi đã theo gia đình đi nhiều nước trên thế giới. Tôi sống chủ yếu ở Pháp nhưng làm việc ở nhiều nơi như: châu Phi, Nhật Bản...
Năm 1994, khi 32 tuổi tôi về Việt Nam để tìm hiểu về cội nguồn của mình. Tôi về Việt Nam thì mới hiểu được tất cả những gì mà ba má tôi kể đều ở đất nước này. Ở đâu cũng không có cái sang như gốc Việt Nam mình. Cái sang đó từ nề nếp, từ văn hóa, phép tắc của truyền thống dân tộc.
Về nước, tôi mới hiểu văn hóa Việt Nam ở đâu, giá trị truyền thống của mình ở đâu và những cực khổ của người Việt Nam sau chiến tranh. Từ đó, tôi hiểu tình yêu của mình với con người và đất nước này. Năm 1997, tôi về Việt Nam xin con nuôi. Dù sinh sống ở Pháp nhưng tôi đặt tên con trai là Quảng Bình, tên quê hương tôi. Năm 2004, tôi mới thực sự về Việt Nam sinh sống.
* Tại sao ông lại chọn ngành bán lẻ khi về Việt Nam?
- Tôi từng là giám đốc bán hàng của một công ty thuộc tốp đầu châu Âu về ngành bao bì. Nhờ nghề này, tôi hiểu tương lai của Việt Nam, nhất là nền nông nghiệp sẽ lớn mạnh.
Tôi biết rất rõ ai là người giỏi nhất về rau, quả ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng hiểu rõ về sản phẩm mình bán trước khi giới thiệu với người mua, từ khâu cây giống, vùng đất nào phù hợp, quy trình sản xuất đến đóng gói, bảo quản. Sản phẩm phải tốt cho người tiêu dùng nhưng cũng phải trúng sản phẩm, trúng giá.
* Là Tổng thư ký của Hiệp hội Disciple of Escoffier, ông có những ấn tượng gì về món ngon, đặc sản Việt Nam?
- Ngoài tham gia Hiệp hội Disciple of Escoffier, trước đây, tôi còn là giám khảo của chương trình Chiếc thìa vàng, tôi đi và biết nhiều đặc sản, món ngon ở các vùng quê. Việt Nam có rất nhiều trái cây ngon. Tôi rất mê trái vải, nếu có cơ sở, doanh nghiệp làm tốt khâu đóng gói, bảo quản lạnh được trái này thì chúng tôi sẽ mua ngay để xuất khẩu đi các nước. Mỗi lần tôi ăn khoai tây Đà Lạt là tôi nhớ lại khoai tây ăn bên Pháp 50 năm trước, điều này quý lắm.
Phải đầu tư cho bao bì, thương hiệu
* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng rau, trái Việt Nam?
- Điểm cộng cho rau, trái Việt Nam là người nông dân rất biết trồng ra sản phẩm ngon, an toàn. Nhưng họ cần phải xây dựng câu chuyện cho sản phẩm từ vùng đất, cách làm đến tình yêu sản phẩm của mình thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng. Trong sản xuất, nông dân cần tính chuyện lâu dài và phải nhớ nằm lòng là sản phẩm phải an toàn, đừng nghĩ trồng cho thiệt nhiều, thiệt rẻ, như thế sẽ nguy hiểm.
Nông sản Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dịch Covid-19 làm tình hình xuất khẩu bị tê liệt. Hạn chế lớn nhất là nông dân Việt Nam chưa biết cách bán hàng. Thực tế, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất đi Trung Quốc nhưng Việt Nam đâu phải là người bán mà Trung Quốc họ đang đi mua. Họ đến tận nhà vườn tổ chức thu hoạch, đóng gói nên nông dân đâu nắm rõ quy trình đóng gói, bảo quản. Họ không mua là mình chết.
Ông Paul Le gặp gỡ các đối tác muốn chào bán nông sản vào hệ thống siêu thị Big C tại hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam) vừa diễn ra tại TP.HCM |
Điểm yếu khác là nông dân chưa quan tâm làm nhãn hiệu, thương hiệu, đầu tư cho bao bì cũng rất sơ sài. Hiện nhiều mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam chỉ đóng gói vào thùng carton rồi chất lên xe hàng chở đi tiêu thụ. Tôi ví dụ, trái vải đóng gói kiểu này chở từ Bắc vào Nam chỉ một ngày đã mất độ tươi ngon, tỷ lệ hư hao cao.
Tôi luôn nhấn mạnh phải làm bao bì, đặt tên cho sản phẩm. Mỗi khi có khách hàng chào sản phẩm, tôi luôn yêu cầu họ cho tôi xem bao bì. Bao bì, nhãn hàng hóa như hộ chiếu với người xuất nhập cảnh, nông sản cũng vậy, không có tên, không bao bì làm sao xuất khẩu?
* Lời khuyên của ông cho nông dân để trở thành người bán hàng?
- Nông dân nên tìm hiểu, nhìn vào nhu cầu của người tiêu dùng khi sản xuất và cả khi bán hàng. Sản phẩm từ đầu vụ đến cuối vụ chất lượng đồng đều, ngon như nhau thì mới dễ vào kênh siêu thị. Để trở thành đối tác của siêu thị với sản lượng tiêu thụ tăng đều hằng năm, nông dân phải đảm bảo là dù người mua có nhắm mắt chọn thì sản phẩm của họ vẫn ngon. Và khi nông dân chắc chắn là sản phẩm của mình ngon thì đừng quên đầu tư bao bì, nhãn hiệu.
Ngoài ra, trước khi sản xuất, nông dân cũng phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh, mục tiêu sẽ bán cho rất nhiều người hay chỉ bán cho số ít. Tôi lấy ví dụ, hiện ai cũng nói sản phẩm organic. Bản thân bạn phải tự hỏi trong 20 người thân quen nhất của bạn hiện ai là người mua sản phẩm này để có câu trả lời trước khi quyết định đầu tư.
* Ông có thể cho ý kiến về cơ hội xuất khẩu cho rau, trái cây Việt Nam?
- Thanh long, vải, xoài, bơ... đều có cơ hội xuất khẩu tốt. Trong đó, tôi rất tin tưởng vào trái vải vì có thể nói trái vải Việt Nam ngon nhất thế giới. Tôi mua 10kg vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) về cắt bỏ hạt cất vào tủ lạnh, khi ăn càng ngon. Nông dân mình trồng ra trái cây rất ngon nhưng nếu họ chưa biết bán thì ai mà mua được. Yêu cầu đầu tiên chắc chắn phải trồng cho thiệt ngon, thứ nhì là biết cách bán hàng.
Chúng tôi cũng quan tâm về mặt hàng chuối xuất khẩu. Tôi chưa biết nhiều về chuối nên đang học về sản phẩm này. Với những khách hàng chỉ trồng được khoảng 40ha chuối lại nhắm đến xuất khẩu, tôi đều cho họ lời khuyên với quy mô này, xuất khẩu khó và lãng phí. Nếu các bạn trồng được 400ha hay 4 ngàn ha thì lại là câu chuyện khác. Nhưng khởi đầu với quy mô này là điều rất tốt để mở rộng cơ hội xuất khẩu vì nông dân đã bắt đầu chuyển sang sản xuất lớn, cho thấy nông nghiệp Việt Nam đang thay đổi so với cách làm manh mún, nhỏ lẻ, mỗi người làm một kiểu như trước đây.
* Xin cảm ơn ông!
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Paul Le nhấn mạnh, các bạn muốn xuất khẩu phải giỏi tiếng nước ngoài, phải đầu tư vào bao bì, thương hiệu. “Các bạn nên đi học, tìm hiểu văn hóa nước ngoài nhưng đừng bao giờ quên cái gốc của mình. Khi ra nước ngoài, họ muốn nghe các bạn kể câu chuyện của Việt Nam. Các bạn muốn truyền cảm hứng, sự hiểu biết cho người khác về Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam thì chính bản thân bạn phải mê, phải hiểu lịch sử và xem trọng văn hóa của mình” - ông Paul Le chia sẻ. |
Bình Nguyên (thực hiện)