Hướng dẫn viên chuyên phục vụ cho việc du lịch xuyên rừng được xem là một công việc vất vả và mạo hiểm. Họ là những người kể những câu chuyện rừng xanh, kết nối du khách với những trải nghiệm thú vị trên hành trình khám phá thiên nhiên…
Hướng dẫn viên chuyên phục vụ cho việc du lịch xuyên rừng được xem là một công việc vất vả và mạo hiểm. Họ là những người kể những câu chuyện rừng xanh, kết nối du khách với những trải nghiệm thú vị trên hành trình khám phá thiên nhiên…
Anh Bùi Quốc Vị, hướng dẫn viên của Vườn quốc gia Cát Tiên giới thiệu cho du khách tham quan, tìm hiểu những địa điểm tại đây. Ảnh: H.Quân |
* Gắn bó với rừng già
“Đây là cây tung cổ thụ hàng trăm năm tuổi có thân cây khổng lồ 20 người ôm không xuể. Đây là cây bằng lăng một gốc nhưng có tới 5 ngọn cao vút lên không trung. Trước đây cây bằng lăng này có tới 6 ngọn nhưng sau này 1 ngọn bị mục nên đã ngã đổ…
Chúng ta đang đứng ở cây gõ to hơn 700 năm tuổi cao gần 40m, vốn được biết đến với cái tên “cây gõ Bác Đồng”. Bởi, vào tháng 2-1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đại thụ này. Sau này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên là cây gõ Bác Đồng để kỷ niệm và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn.
Còn đây là Bàu Sấu được mệnh danh là “quê nhà” của cá sấu xiêm - một loài cá sấu của Việt Nam tưởng chừng như đã tuyệt chủng trước đây”…
Đó là những lời giới thiệu, dẫn giải trên suốt cuộc hành trình tìm hiểu thảm thực vật, hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Cát Tiên của hướng dẫn viên Bùi Quốc Vị - người đã có gần 20 năm gắn bó với công việc của một local guide (tạm dịch: hướng dẫn viên địa phương) ở Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Cát Tiên).
Anh Vị chia sẻ: “Tôi gắn bó với Cát Tiên từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Lâm nghiệp - cơ sở 2 (H.Trảng Bom) tôi trở về làm việc tại UBND xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú). Sau đó, tôi vào Vườn quốc gia Cát Tiên để làm công tác tuyên truyền bảo vệ rừng cũng như hướng dẫn du khách tham quan ở đây vào năm 2002. Từ đó đến nay, công việc này trở thành một phần không thể thiếu đối với tôi”.
Cũng như anh Vị, anh Huỳnh Công Tài đã gắn bó với công việc hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên hơn 10 năm nay. Anh Tài cho hay: “Lúc đầu bỡ ngỡ, chưa thông thạo đường đi, ngoại ngữ nên công việc gặp nhiều khó khăn. Sau này, càng làm càng cảm thấy yêu nghề, yêu thiên nhiên nên tôi càng gắn bó với công việc này”.
* Nhiều kỷ niệm khó quên
Hiện nay, có khá nhiều lựa chọn khi du khách muốn tham quan, tìm hiểu Vườn quốc gia Cát Tiên như: tour đi trong ngày, tour dài ngày, tour trải nghiệm cùng kiểm lâm viên… Trước mỗi chuyến đi, du khách đều được hướng dẫn, phổ biến những kinh nghiệm, kỹ năng đi rừng để đảm bảo an toàn, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ các thảm thực vật, môi trường sinh thái…
Anh Vị kể: “Có rất nhiều kỷ niệm thú vị qua mỗi chuyến đi rừng như thế. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là lần hướng dẫn một gia đình doanh nhân ở TP.HCM về Cát Tiên tham quan, tìm hiểu Bàu Sấu cách đây khoảng 5 năm. Ý định ban đầu của người cha là mong muốn cho những đứa trẻ của gia đình đến với thiên nhiên để trải nghiệm, có thêm kinh nghiệm sống thay vì ở nhà cắm cúi chơi game.
Thật ngạc nhiên là tụi nhỏ có thể tự mình đi bộ gần 5km đường rừng để vào đến Bàu Sấu. Tuy nhiên khi đến nơi, tụi nhỏ lại đòi ra vì trong này gần như không kết nối được với điện thoại, wifi… Lúc đó, tôi trở thành người dẫn chuyện kết nối tụi nhỏ với những câu chuyện về rừng già để chúng quên đi mệt mỏi, quên đi sự thiếu thốn về công nghệ.
Tưởng như, mọi chuyện đã ổn thì trên đường về, một đứa bé không thể đi bộ được nữa vì quá “đuối”. Lúc đó, trong đoàn ai cũng thấm mệt nên tôi đã cõng bé gần 5km để về đến điểm tập kết ban đầu ở bìa rừng. Ra tới nơi, toàn thân tôi như rệu rã. Đó là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ đối với tôi. Và đến bây giờ, gia đình đó năm nào cũng ghé về đây đôi ba lần để thăm tôi cũng như cùng tôi tìm hiểu vẻ đẹp của thiên nhiên”.
Anh Bùi Quốc Vị, hướng dẫn viên của Vườn quốc gia Cát Tiên giới thiệu cho du khách tham quan, tìm hiểu những địa điểm tại đây |
Công việc này thường có thời gian không cố định, có những tour phải đi cùng du khách dài ngày. Ngoài việc phải có kinh nghiệm và thông thuộc từng đặc điểm nhỏ của địa hình thì những hướng dẫn viên xuyên rừng có khả năng dự báo thời tiết và dự đoán được mọi biến động bất thường xảy ra để đối phó với những rủi ro có thể gặp phải, luôn phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối dành cho du khách.
Trên thực tế, hành trình tuy quen thuộc đối với các hướng dẫn viên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rình rập trong suốt chuyến đi như: bệnh tật, cây ngã đổ, bị lạc đường khi đi thực tế những điểm, tuyến mới…
Anh Tài chia sẻ: “Trong nhiều chuyến đi dài ngày vào sâu trong rừng, tôi phải mắc võng ngủ lại dưới những tán cây rừng. Trong một lần như thế, vào năm 2013, tôi bị sốt xuất huyết do muỗi rừng chích, phải nằm viện gần 1 tháng. Có những lúc bản thân tôi nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Sau khi may mắn hồi phục, nhiều lần tôi có ý định sẽ bỏ nghề nhưng vì tình yêu đối với thiên nhiên nên tôi vẫn quyết định gắn bó với nghề, coi đó là một phần của cuộc sống”.
* Lan tỏa tình yêu rừng, yêu thiên nhiên
Theo các hướng dẫn viên, trước đây, các tour xuyên rừng thường phục vụ du khách nước ngoài. Khoảng vài năm trở lại đây, trào lưu này bắt đầu được người Việt đặt tour nhiều, chủ yếu là các gia đình hay các bạn trẻ quan tâm đến thiên nhiên.
Anh Vị cho hay: “Trong những chuyến đi như thế này, tôi luôn cố gắng lồng ghép những câu chuyện về rừng với những thông tin, nét văn hóa của cộng đồng người dân tộc bản địa đã gắn bó với rừng từ lâu như: Mạ, S’tiêng… Từ đó, hướng tới truyền đạt cho du khách thông điệp về bảo tồn những giá trị tốt đẹp về thiên nhiên và con người ở đây”.
Chị Trần Thanh Tuyền, một du khách đến từ Q.Bình Thạnh, TP.HCM bày tỏ: “Tôi từng tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên. Từ những thông tin thú vị và bổ ích của các hướng dẫn viên địa phương trên suốt hành trình đi bộ xuyên rừng, tôi có nhiều điều kiện để hiểu thêm về thảm thực vật, đa dạng sinh học tại đây, cũng như biết thêm những thông tin, chi tiết thú vị về cuộc sống của người dân bản địa”.
Ông Vũ Ðức Cường, giảng viên về quản trị du lịch - lữ hành tại Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Thông qua những hướng dẫn viên địa phương, du khách có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa, góp phần lan tỏa thông điệp trân trọng các giá trị văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống đến mọi người”.
Ông Nguyễn Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Cát Tiên) cho hay, tiêu chí đối với các hướng dẫn viên tại đây là hiểu biết về du lịch sinh thái về rừng, đa dạng sinh học của địa phương, cũng như có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn, ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ du khách khi đi rừng. Hơn thế nữa, các hướng dẫn viên còn thường xuyên được trau dồi, nâng cao kiến thức về văn hóa địa phương, cung cấp sổ tay du lịch sinh thái… để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh các hướng dẫn viên cơ hữu, trong nhiều trường hợp, trung tâm còn kết hợp với các kiểm lâm viên tham gia hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu tại Vườn quốc gia Cát Tiên. |
Hải Quân