Báo Đồng Nai điện tử
En

Mướt xanh những vườn hom tràm

08:03, 20/03/2020

Những ai đi trên tuyến đường tỉnh 768 qua khu vực TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) vào buổi sáng sớm sẽ dễ dàng bắt gặp những đồi hom tràm (cây tràm giống) xanh mướt. Trong những đồi hom tràm ấy có những nhân công cần mẫn cắt hom tràm, cắt ngọn để ươm thành cây tràm con.

Những ai đi trên tuyến đường tỉnh 768 qua khu vực TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) vào buổi sáng sớm sẽ dễ dàng bắt gặp những đồi hom tràm (cây tràm giống) xanh mướt. Trong những đồi hom tràm ấy có những nhân công cần mẫn cắt hom tràm, cắt ngọn để ươm thành cây tràm con.

Người lao động cắt hom tràm thuê
Người lao động cắt hom tràm thuê

Vùng trồng hom tràm tại TT.Vĩnh An có diện tích 74ha, tập trung chủ yếu tại KP.4, nằm ven đường tỉnh 768. Nghề trồng hom tràm nơi đây đã hình thành từ gần 20 năm nay, trở thành vùng chuyên sản xuất nguyên liệu cây tràm giống để cung cấp cho thị trường cả nước.

* Xanh mướt những vườn tràm giống

Ông Nguyễn Đình Đà cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sông của bà con trong khu vực đã có nhiều sự đổi thay từ nghề trồng và cắt hom tràm. “Những gia đình có vườn tràm trung bình cho thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên đối với 1ha tràm giống. Người cắt hom cũng tầm 200 ngàn đồng/ngày. Do đó, những năm gần đây, cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi, khấm khá hơn, nhà cửa được xây dựng mới, các nhu cầu về vật chất và tinh thần cũng được nâng lên đáng kể”- ông Đà chia sẻ.

Chỉ cần đặt chân đến khu dân cư KP.4, TT.Vĩnh An, hầu hết ai cũng có thể biết ngay nghề chính của bà con nơi đây khi thấy những vườn hom tràm nối dài từ nhà này sang nhà khác. Xen lẫn giữa những “tấm thảm” màu xanh là những ngôi nhà nhỏ của người dân, khiến cho người nơi khác tới đây lần đầu sẽ có cảm giác như đang lạc vào những đồi chè quen thuộc từng thấy ở vùng Tây nguyên.

Mỗi gốc tràm hom giống như một bụi cây nhỏ vì có rất nhiều ngọn, chỉ cao ngang hông người lớn và được trồng theo từng luống. Tuy nhiên, nếu không bước chân vào vườn tràm sẽ không ai biết được ranh giới từng luống tràm do ngọn tràm phía trên xòe ra xung quanh san sát với nhau thành một thảm xanh đẹp mắt.

Theo ông Hoàng Ngọc Phức, nông dân trồng tràm tại KP.4, TT. Vĩnh An, vùng làm hom tràm này ra đời cách đây khoảng 20 năm, khi ấy nơi đây vẫn còn khá nghèo nàn, vốn là vùng đất cằn nên không thích hợp với nhiều loại trái cây cho năng suất cao. Thời đó, cả 2ha đất nhà ông Phức cũng như nhiều gia đình khác chủ yếu trồng khoai mì nên thu nhập rất thấp.

Học sinh tranh thủ đi cắt hom tràm phụ gia đình
Học sinh tranh thủ đi cắt hom tràm phụ gia đình

Khoảng đầu những năm 2000, phong trào trồng tràm để phủ xanh đất trống phát triển mạnh khắp cả nước. Do đó, nhu cầu cây giống tăng cao. TT.Vĩnh An khi đó có diện tích đất trồng tràm khá lớn nhưng cũng không mấy ai trồng tràm giống. Khi thương lái đổ xô đi tìm mua tràm giống, một số bà con nơi đây mới bắt đầu làm để cung cấp giống cho các nơi khác. Nhận thấy thu nhập từ nghề trồng tràm giống khá hơn nên nhiều nông dân thay cây mì chuyển sang làm tràm giống. Đến nay, khu vực TT.Vĩnh An có khoảng 100 gia đình làm nghề này với tổng diện tích khoảng 74ha, mỗi gia đình làm diện tích từ 5 sào đến vài ha đất.

* Ươm mầm xanh trên mảnh đất cằn

Vùng nguyên liệu tràm giống hình thành, đời sống của bà con đổi thay do thu nhập từ nghề này cao hơn. Ông Nguyễn Đình Đà, Trưởng KP.4 chia sẻ, khi thấy nghề trồng tràm ở đây phát triển mạnh, nhiều người đã đến tìm hiểu và mua giống mang về trồng tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, hom tràm không đạt do nguyên nhân chính là đất những vùng khác... quá tốt. Ông Đà giải thích, do đất có nhiều dinh dưỡng nên ngọn tràm lúc nào cũng xanh nõn, cắt ra khỏi cành là héo úa nhanh. Trong khi đó, tràm là cây có khả năng chịu đựng rất cao, được trồng chủ yếu trên đất cằn để cây có khả năng tự sống. Do đó, thổ nhưỡng tại Vĩnh An rất phù hợp để làm nghề này vì hơi khô cằn.

Hom tràm sau khi cắt được tập kết để mang tới H.Trảng Bom làm tràm ươm
Hom tràm sau khi cắt được tập kết để mang tới H.Trảng Bom làm tràm ươm

Ông Lương Văn Đoàn, chủ vườn tràm giống 1ha cho biết, do thổ nhưỡng phù hợp với cây tràm nên việc trồng tràm không quá khó khăn, chi phí đầu tư ban đầu cho vườn tràm giống cũng không quá cao và nhanh cho thu hoạch nên bà con an tâm đầu tư, ít nhất từ 5 sào.

Thời gian cắt hom tràm cho mỗi vườn cây trung bình cách nhau từ 13-15 ngày, mỗi khi tới đợt căt hom tràm là cả vườn tấp nập người làm. Ông Đoàn cho biết, hom tràm sau khi cắt sẽ được đưa sang vùng Trảng Bom, Thống Nhất, nơi đây có khu vực chuyên làm nghề ươm hom (ươm vào bầu cho phát triển thành cây để trồng trên đất). “Mỗi cây tràm hom cho thu hoạch được khoảng 4 năm, sau đó sẽ phải thay cây mới. Điều khiến tôi an tâm nhất là hơn 10 năm làm tràm hom đến nay, bà con chưa phải đối mặt với biến động thị trường. Tràm hom có giá ổn định và tăng dần mỗi năm tuy không nhiều, do đó thu nhập của người dân ổn định” - ông Đoàn cho biết thêm.

* “Rộ” nghề cắt hom tràm thuê

Cùng với sự phát triển của nghề trồng tràm hom, nghề cắt hom tràm cũng phát triển không hề kém cạnh. Hiện nay khu vực trồng tràm hom có đội cắt hom tràm với cả trăm nhân công, chưa tính những thời điểm như dịp học sinh nghỉ hè, ngày cuối tuần. Nghề này chỉ cần đầu tư một cây kéo cắt hom là đủ, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tham gia.

Ông Lương Ngọc Đoàn cho biết, nghề cắt hom không tính công theo ngày, giờ mà tính theo số lượng bó hom cắt được nên ai cắt được bao nhiêu thì được trả công bấy nhiêu, ngay sau khi kết thúc công việc trong ngày. Mỗi bó hom khoảng 100 ngọn tràm sẽ được trả công 3-4 ngàn đồng/bó. Đối với người chuyên đi cắt hom trung bình mỗi ngày cắt được từ 80-100 bó.

Dù đã 70 tuổi nhưng ngày nào bà Nguyễn Thị Toán (ngụ KP.4, TT.Vĩnh An) cũng theo chân đội cắt hom đến các vườn trong thị trấn, mỗi ngày bà Toán cắt được từ 30-40 bó hom. Bà Toán cho biết, bà chỉ cắt từ sáng sớm đến 9 giờ và buổi chiều từ 15 giờ đến tầm 17 giờ. Công việc cắt hom đã gắn bó với bà nhiều năm nay, vừa giúp bà kiếm được tiền khi về già vừa vận động tay chân để duy trì sức khỏe nên bà không đòi hỏi phải làm được nhiều. “Đi làm còn gặp nhiều người nói chuyện vui tuổi già vừa có tiền nên tôi sẽ làm cho đến khi không thể đi nổi nữa mới nghỉ” - bà Toán vui vẻ chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Thu Minh, học sinh lớp 4 (ngụ tại TT.Vĩnh An) cũng vui vẻ cho biết, do đang trong đợt được nghỉ phòng dịch Covid-19 nên cả 3 chị em trong nhà đều đi cắt hom tràm. Mỗi ngày chỉ tiêu Minh đưa ra phải cắt được 20 bó hom. Minh cho biết, ở đây có nhiều bạn thường hay theo cha mẹ đi phụ cắt hom vào những ngày được nghỉ học; em cũng rất vui khi tham gia làm công việc này.

Là một trong những người có năng suất cắt hom tràm cao từ 80-100 bó/ngày, chị Trần Thị An chia sẻ, không chỉ người dân địa phương mà trên địa bàn còn có một số người từ miền Tây lên đây làm nghề này. Do không kén người, kén thời gian nên công việc này đã giúp bà con trong vùng có việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng phát triển hơn.

Ngọc Liên

 

 

Tin xem nhiều