Báo Đồng Nai điện tử
En

MẠC CAN: Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn

11:03, 27/03/2020

Gần 30 ngàn bản in sách từ nhiều tác phẩm của ảo thuật gia, nhà văn Mạc Can được phát hành trong những năm qua. Trong đó tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của ông vừa tái bản lần thứ 4, tập truyện ngắn Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn vừa tái bản lần thứ hai để cả hai cuốn sách này chung đợt tái ngộ bạn đọc trong tháng 3-2020.

Gần 30 ngàn bản in sách từ nhiều tác phẩm của ảo thuật gia, nhà văn Mạc Can được phát hành trong những năm qua. Trong đó tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của ông vừa tái bản lần thứ 4, tập truyện ngắn Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn vừa tái bản lần thứ hai để cả hai cuốn sách này chung đợt tái ngộ bạn đọc trong tháng 3-2020.

“Hề xiếc đam mê chữ nghĩa”

Nghệ sĩ Mạc Can ở tuổi “thất thập cổ lai hy” (tròn 74 và bước sang 75) có nụ cười thường trực trên môi khi tiếp xúc với những người đối diện, có lẽ do nghề nghiệp nhiều năm diễn hề, ảo thuật mua vui cho trẻ em lẫn người lớn nên ông khó mà ít tiếng cười. Mạc Can tiếp chuyện vẫn đầy minh mẫn, trí nhớ đáng nể, duyên dáng và hóm hỉnh (ví dụ như ông luôn nói mình mới… 47 tuổi!). Phần đông khán giả thấy Mạc Can đóng vai phụ trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh, nhưng thật ra ông nổi tiếng với nghề diễn hài và về sau này là tác giả nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết. Viết khá muộn, in sách khá muộn, nhưng tác phẩm Mạc Can lại nhanh chóng được bạn đọc đón nhận và đoạt cả giải thưởng văn đàn: Tấm ván phóng dao nhận giải A Cuộc thi viết tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004 lẫn Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 2003-2004.

Mạc Can như “một anh hề xiếc đam mê chữ nghĩa” (từ của nhà văn Mai Ninh), viết ra những câu chuyện đời, chuyện thế thái nhân tình sống động đó mà cũng cười đau thấm thía đó. Những suy tư chiêm nghiệm vừa thể hiện sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, vừa có sự tỉnh táo của một người bình thường thích quan sát, lang thang, và thuật chuyện. Lối viết của Mạc-Can-nhà-văn lúc thì ông viết theo chất bình dân hồn hậu, giản dị mộc mạc, đôi chút dí dỏm và “duyên ngầm”. Lúc Mạc Can để lại ẩn ý nhẹ nhàng qua các lớp nghĩa ưu tư, đủ khiến cho bạn đọc phải suy nghiệm nhiều hồi.

Có thể dẫn chứng điều này thể hiện cụ thể qua những câu chuyện lấy bối cảnh từ nước Mỹ đậm chất đời sống và quan hệ liên đới giữa những con người khác biệt mà Mạc Can tập họp trong cuốn Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn. Ông từng đi lang thang nhiều tiểu bang và thành phố trên đất Mỹ (Texas, Atlanta, Colorado, Dallas, San Jose…), gặp gỡ những mảnh đời người Việt tha hương đến cộng đồng các dân tộc khác cũng tha hương (Mễ - Mexico, Hàn…), hay chuyện ông già người Mỹ da trắng Dave qua đời rồi dường như vẫn “ám” cô vợ Việt. “Tôi đóng phim nhiều nên chắc cũng “bệnh nghề nghiệp” chút khi viết văn. Tôi viết tựa tựa theo dạng… phân cảnh điện ảnh, chuyện dù không ly kỳ nhưng tôi phân đoạn ra và hễ cao trào thì tôi… ngừng cho hấp dẫn” - Mạc Can thật thà tiết lộ “bí quyết” viết truyện của ông.

* Hồi ở Mỹ gần 3 năm theo lời mời của cô con gái sinh sống bên đó - để viết nên tập truyện ngắn Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn này, thế rồi ông lại quay về ở hẳn Việt Nam. Ông có thể cho biết lý do?

- Vì tui nhớ nhà. Tui muốn về nơi sinh ra. Tui muốn sống ở nơi mà tui gọi là nhà (tui không gọi là “quê hương” nghe to tát). Nhà của tui là ly trà đá, là anh em bằng hữu, là đường phố Sài Gòn, là xe gắn máy và tô hủ tiếu gõ. Tui đã đi nhiều nơi quá rồi. Cả đời tui đều đi. Hầu như ai cũng tử tế với tui, có người tử tế nhiều, có người tử tế ít. Có lẽ cũng phần nhờ tên thật tui là Lê Trung Cang, nghĩa là nghĩa khí, trung thành, dũng cảm nữa. Tên cặp với tánh mà (cười).

“Viết văn giúp tôi đỡ buồn”

* Người ta nghĩ và khen rằng ông đọc rất nhiều để viết được văn chương cho mình. Thực hư ra sao?

- Đúng. Tui rất thích đọc sách. Rất nhiều sách tui muốn đọc vì có nhiều kiến thức tôi không biết. Ví dụ tui muốn viết về chuyện nam nữ “say nắng” và yêu nhau thì tìm sách nào viết và giải thích một cách khoa học việc con người ta gặp và “say nắng” với nhau như thế nào để tham khảo thêm. Nguồn vui của tui là đọc sách, không tiền mua thì mượn “đọc chút” và trả chứ đừng lấy luôn (cười). Tui rất mến người đọc sách và cũng rất quý người chịu bỏ tiền mua sách. Bởi vậy mỗi lần ra sách hay tái bản tui rất vui. Có những chuyện lúc viết tui chỉ viết thôi, không hẳn thấy thích. Nhưng về sau này đọc kỹ lại thì thấy khác.

* Hiện ông thường viết văn vào khi nào?

- Hằng ngày tui thức dậy viết. Rồi lại nằm ngủ chút. Xong dậy lại viết tiếp. Tui thích tự nấu ăn và thích ăn ngon nên khi viết bị “bí” (ngừng) thì lại quay ra bếp nấu ăn. Tui thấy viết văn cũng như nấu ăn: viết cần nhiều chi tiết, nấu cần nhiều gia vị. Tui nấu và nêm nếm theo kiểu của mình, thích món cà ri, bỏ nhiều gia vị. Có khi tui bỏ nhiều gia vị quá đến mức tui ăn không được luôn! (cười). Nói chung viết văn giúp tui đỡ buồn. Hơn nữa tui sống một mình thì biết buồn với ai.

Tôi đã viết xong và gửi NXB Trẻ hồi ký Chuyện đời tôi Truyện ma gánh hát để gộp in chung trong một cuốn sách kế tiếp trong năm nay. Trong cuốn này, tôi viết có chuyện thiệt, có chuyện “hơi thiệt thiệt” và cũng có chuyện “không thiệt thiệt”. Hiện tôi đang tiếp tục viết một chuyện tình cảm, chuyện tui bị “say nắng”!

* Nghĩa là ông đang yêu - ở tuổi 74, à, tuổi “47” chứ?

- Ờ, tui đang uống cà phê với bạn bè quay qua bỗng thấy một cô gái trẻ không quá đẹp nhưng rất có duyên. Thế là tui bị “say nắng”. Tui nghĩ tui và cổ “hình như tụi mình đã gặp nhau từ kiếp trước”. Trái tim tui bỗng nhảy đùng đùng, từ “say nắng” trở thành tương tư luôn. Về nhà lúc ngủ thì không sao, nhưng khi thức dậy là tui nhớ cổ. Tui hay thương những người phụ nữ có hoàn cảnh riêng và quý trọng con người họ. Mỗi lần gặp nhau xong, cổ chia tay và hồi sau nhắn tin “Về nhà rồi” thì lúc đó tui mới yên lòng và ngủ được.

* Cảm ơn ông và mong chờ tác phẩm mới viết về chuyện “say nắng” của ông!

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều