Suốt 9 năm gắn bó với môn thể thao cử tạ và điền kinh, người phụ nữ bị khuyết đôi chân (do di chứng từ căn bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi) Trần Thị Châu (xã Suối Nho, H.Định Quán) đã kiên trì tập luyện, mang về 20 huy chương vàng ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Suốt 9 năm gắn bó với môn thể thao cử tạ và điền kinh, người phụ nữ bị khuyết đôi chân (do di chứng từ căn bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi) Trần Thị Châu (xã Suối Nho, H.Định Quán) đã kiên trì tập luyện, mang về 20 huy chương vàng ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Chị Trần Thị Châu và những tấm huy chương từ sự khổ luyện |
Để có được những thành tích đáng khâm phục ấy, chị Châu đã trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình tập luyện, cùng với sự hỗ trợ của những người thân trong gia đình cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành thể thao tỉnh nhà.
* Cô thợ may khuyết tật nghèo
Từ quốc lộ 20, xã Phú Túc, H.Định Quán rẽ vào đường tỉnh 763 và đi tiếp khoảng 5km, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của gia đình chị Trần Thị Châu đúng lúc chị và chồng đang may quần áo để bán cho khách. Mỉm cười chào chúng tôi nhưng đôi tay chị vẫn thoăn thoắt lần theo mép vải để thực hiện những đường may một cách tỉ mỉ. Cửa tiệm rộng khoảng 20m2 còn khá mới lẫn trong không gian phòng khách của căn nhà cũ được bài trí khá đơn giản.
“Tôi hy vọng một ngày không xa, cuộc sống của gia đình tôi sẽ tốt đẹp hơn, chúng tôi không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Tôi tin mình sẽ làm được. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày để thực hiện mục tiêu đó” - chị Trần Thị Châu chia sẻ. |
Chị Châu cho biết, vợ chồng chị may mắn nhận được 45 triệu đồng tiền hỗ trợ từ chương trình truyền hình Thần tài gõ cửa dành cho người khuyết tật của Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long vào năm 2019 nên làm được cửa tiệm may này. Có được cửa tiệm, chị Châu mua thêm các loại máy vắt sổ, máy may cũ với giá rẻ để có thể may đa dạng quần áo bán cho khách. Người thợ duy nhất phụ giúp chị trong công việc này chính là người chồng cùng cảnh ngộ đã gắn bó với chị gần 20 năm nay. Miệt mài với nghề thợ may là vậy, nhưng khi hỏi về thu nhập hằng ngày từ công việc này, chị Châu lại ngập ngừng, bởi chị chỉ may đồ mặc ở nhà bằng vải rẻ tiền bán với giá 35 ngàn đồng/bộ và chỉ lời được vài ngàn đồng/bộ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chị Châu vẫn mơ ước sẽ được học một lớp chuyên thiết kế áo dài. Hiện tại, mọi chi phí trong gia đình và công việc chăm các con đều trông vào cửa tiệm may và con bò giống gia đình chị đang nuôi.
Chia sẻ về những khó khăn cũng như công việc của vợ, anh Lê Bảo Long, người chồng cũng bị khuyết tật của chị Châu lạc quan: “Ông trời không lấy hết của ai cái gì, gia đình tôi khó khăn về kinh tế nhưng luôn vững niềm tin và biết nhìn nhận để vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Mơ ước của vợ tôi là được đi học một lớp thiết kế áo dài, tôi sẽ cố gắng hỗ trợ cô ấy đạt được ước nguyện đó dù vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước”. Những khi rảnh rỗi, anh Long lại phụ vợ làm những công đoạn phụ may quần áo như: vắt sổ, cắt chỉ..., công việc nhà và chăm các con. Anh Long chia sẻ, luôn cố gắng đảm đương để vợ yên tâm làm công việc thợ may.
* Trở thành VĐV “mắn vàng”
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Điều hành khu liên hợp thể thao, Huấn luyện viên trưởng môn điền kinh của tỉnh cho hay, Trần Thị Châu là VĐV nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi thành tích thể thao xuất sắc nhiều năm liền và hiện đang là VĐV đội tuyển khuyết tật quốc gia chuẩn bị cho kỳ ASEAN Para Games. Ông Quang kỳ vọng, thời gian tới chị Châu sẽ tiếp tục mang về những tấm huy chương vàng, trở thành người truyền cảm hứng để những người không may mắn khác biết rằng, chỉ cần có sự cố gắng, niềm đam mê thì dẫu là người có khiếm khuyết như thế nào cũng đáng được trân trọng và tự hào, học hỏi. |
Công việc thợ may tưởng chừng sẽ là lựa chọn để chị Châu tập trung tâm trí với mong ước trở thành bà chủ tiệm may áo dài. Thế nhưng, cuộc sống vốn luôn có những thay đổi thú vị mà không ai biết trước. Với chị Châu, ngã rẽ đến với chị vào năm 2011, đây chính là bước ngoặt mới khiến chị bén duyên với thể thao. Cơ duyên đưa chị Châu gắn bó với thể thao trong một dịp rất tình cờ, khi đó chị được Trung tâm thể dục thể thao H.Định Quán động viên tham gia phong trào thể thao của người khuyết tật do tỉnh tổ chức với bộ môn đua xe lắc. Lần cọ xát đầu tiên với thể thao, chị Châu đã mang về chiếc huy chương vàng cấp tỉnh môn đua xe lắc và nhận được sự chú ý từ Ban HLV Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh.
Phát hiện được tiềm năng nơi cô thợ may khuyết tật không chỉ ở môn đua xe lắc, các HLV môn cử tạ của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã khuyến khích chị tập luyện để đại diện tỉnh đi thi quốc gia. Sau 3 tháng miệt mài với bộ môn thể thao mới, chị Châu xuất sắc đoạt luôn huy chương vàng môn cử tạ dành cho người khuyết tật cấp quốc gia ở hạng cân 67kg.
Có được động lực từ sau tấm huy chương vàng đầu tiên, 8 năm liên tiếp sau đó, chị Châu không ngừng tập luyện và trở thành VĐV “mắn vàng” vì luôn đoạt huy chương vàng tại các kỳ thử thách. Đến nay, chị Châu đã có 8 huy chương vàng và 1 huy chương bạc môn cử tạ toàn quốc. Ở Giải điền kinh cấp tỉnh, chị cũng mang về tổng cộng 12 huy chương vàng môn xe lắc ở cả hai nội dung 100m và 200m và 1 huy chương vàng môn cử tạ cấp tỉnh năm 2019.
Chị Trần Thị Châu cần mẫn với nghề may |
Thành tích xuất sắc là vậy nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những tấm huy chương ấy của người VĐV khuyết tật là cả một quá trình phấn đấu, vượt lên chính mình của chị. Anh Long kể lại, những năm đầu khu vực xã Suối Nho chưa có phòng tập, trong khi nhà thì cách quá xa TP.Biên Hòa nên Ban HLV môn cử tạ của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ một bàn tập tại nhà cho chị Châu, đồng thời tận tình hướng dẫn kỹ thuật tập luyện cũng như theo dõi sát kết quả tập luyện của chị qua các bài kiểm tra hằng tuần. “Hồi đó kinh tế gia đình tôi còn khó khăn lắm, nhưng thấy vợ có ý chí tập luyện nên cũng ráng động viên. Đáng nhớ nhất thời điểm vợ mới sinh con thứ hai được 4 tháng vẫn đi thi cử tạ, vì chiều vợ nên tôi phải bồng con đi theo lên TP.HCM để thuê nhà trọ, vừa chăm con vừa chăm vợ thi đấu” - anh Long chia sẻ.
Câu chuyện “luyện vàng” của người VĐV khuyết tật môn đua xe lắc và cử tạ của thể thao Đồng Nai khép lại bằng những hình ảnh chị Châu tập luyện tại phòng tập cách nhà 5km. Chứng kiến cách tập luyện chăm chỉ của chị Châu mới thấu hiểu vì sao những năm qua chị luôn đứng vị trí số 1 trong các cuộc thi. “Càng khó khăn thì càng phải cố gắng, khi đạt được những kết quả sẽ giúp mình tự tin và có niềm đam mê để theo đuổi. Mục tiêu trước mắt của tôi là tấm huy chương vàng môn cử tạ tại ASEAN Para Games 2020 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) tại Philippines” - chị Châu chia sẻ quyết tâm.
Ngọc Liên