Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên miền Tiên cảnh nhân gian

09:03, 07/03/2020

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam. Hà Giang không còn là cái tên xa lạ với những trái tim "đam mê xê dịch", muốn khám phá vẻ đẹp của Tổ quốc. Chẳng thế mà nơi đây được cộng đồng du khách trong và ngoài nước mệnh danh là "tiên cảnh nhân gian".

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam. Hà Giang không còn là cái tên xa lạ với những trái tim “đam mê xê dịch”, muốn khám phá vẻ đẹp của Tổ quốc. Chẳng thế mà nơi đây được cộng đồng du khách trong và ngoài nước mệnh danh là “tiên cảnh nhân gian”.

Dốc Chín Khoanh - một trong những cung đường “đặc sản” ở Hà Giang
Dốc Chín Khoanh - một trong những cung đường “đặc sản” ở Hà Giang

* Băng qua cao nguyên đá “nở hoa”

Khi chinh phục hành trình Hà Giang, có lẽ chúng ta phải tiếc thay cho sự hữu hạn của những lens kính. Thật sự đáng giá vô cùng khi được bắt trọn vào tầm mắt hết thảy những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đến choáng ngợp của Hà Giang. Cảnh sắc ấy không một chiếc máy ảnh hay điện thoại nào ghi lại được, chỉ bằng đôi mắt với độ phân giải 576 megapixels của mỗi người mới có thể đủ rộng và chân thực để thu vào bằng hết “tiên cảnh nhân gian” đó.

Chị Đặng Thúy Hồng, một du khách ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Kỳ vĩ nhất là lúc thuyền băng qua hẻm vực Tu Sản, nơi được mệnh danh là một trong những hẻm vực sâu và hùng vĩ bậc nhất Đông Nam Á với chiều cao vách đá khoảng 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km. Đây thật sự là một cảnh tượng ngoạn mục đến ngẩn ngơ khi tự mình trải nghiệm một kỳ quan độc đáo đến kỳ diệu của vùng cao nguyên đá đã được kiến tạo từ hàng triệu năm trước”.

Có nhiều lựa chọn an toàn để đến với Hà Giang, nhưng với những lữ khách trẻ, sẽ vô cùng thú vị nếu được một lần thử thách tay lái vượt hơn 400km bằng xe máy trên cung đường đẹp nhất và có lẽ cũng hiểm trở nhất Việt Nam khi chỉ toàn những “đặc sản” thứ thiệt.

“Đặc sản” của vùng cao nguyên đá cực Bắc ấy chính là những cung đường toàn dốc và đèo quanh co, uốn lượn tiếp nối nhau. Một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách đá cheo leo, mỗi đoạn băng qua đều đủ hình lắm dạng, có một không hai, chẳng đoạn nào giống đoạn nào làm cho bất cứ ai trải nghiệm cũng phải thót tim.

Từ TP.Hà Giang rời cột mốc số 0, theo quốc lộ 4C để chinh phục vùng biên viễn này, du khách sẽ đặt chân đến dốc Bắc Sum đầu tiên. Đứng nơi đây nhìn xuống những triền dốc nhỏ, du khách sẽ cảm nhận được sự khác biệt của thời tiết se lạnh, của thiên nhiên xanh mướt. Vượt hết đèo Bắc Sum, sẽ đến ngay với núi đôi Cô Tiên (hay còn gọi là núi đôi Quản Bạ). Nơi đây bao gồm hai ngọn núi mang hình dáng tròn trịa, nằm liền kề nhau tại thung lũng Quản Bạ, nhìn rất độc đáo.

Kế đến, du khách băng qua rừng thông Yên Minh dài với vẻ đẹp hoang sơ của những cây thông xanh rì, vươn cao vút trời giữa núi đồi lộng gió để đến với dốc Chín Khoanh. Con dốc này khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, đòi hỏi phải có một tay lái thật vững mới có thể tự tin vượt qua nhưng khi lên đến đỉnh dốc, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ của cung đường “đặc sản”.

Nét trong trẻo của những em bé vùng cao ở làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)   Ảnh: H.Hà
Nét trong trẻo của những em bé vùng cao ở làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) Ảnh: H.Hà

Chị Lê Thanh Hiền, một du khách ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trên đỉnh dốc, tôi bắt gặp những đứa trẻ vùng cao mặc trang phục dân tộc, vai đeo chiếc gùi hoa, cầm những bó hoa dại, bán thạch hay thổi khèn để kiếm thêm thu nhập... Nhìn ánh mắt, gương mặt mướt mồ hôi phụ giúp gia đình của các em khiến du khách quên hết mệt mỏi trên suốt chặng đường dài. Nụ cười các em hồn nhiên, vô tư như chính nét giản dị, hiền hòa vốn có từ những người con vùng cao...”.

* Nơi để thương, để nhớ

Những cung đường ở Hà Giang tựa như bức tranh trải dài, ở đó, mỗi điểm dừng chân đều để lại cho du khách những cảm xúc ngạc nhiên, rung động và bồi hồi xuyến xao.

Đôi lần giữa đất trời rộng lớn, người ta phải lặng người trước sự kỳ diệu của thiên nhiên tạo hóa. Đó là hình ảnh những cánh đồng hoa tam giác mạch khiến lữ khách nhận ra rằng, vùng cao nguyên đá này không chỉ đồ sộ giữa đất trời mà còn là nơi gieo mầm cho một loài hoa mộc mạc, giản đơn, rất nên thơ và tươi đẹp. Hoa tam giác mạch có màu hồng tím, mỏng mảnh mơ
màng trong gió, bắt đầu chớm nở vào lúc tiết trời se lạnh sang thu, để rồi lay động và “nở rộ” trong những dòng thơ, bài hát của những tâm hồn yêu cái đẹp.

Ngoài ra, du khách còn có thể ghé ngang thị trấn ngủ quên Phó Bảng, làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, Nhà của Pao, dinh thự họ Vương, phố cổ Đồng Văn... để tìm hiểu thêm về cuộc sống thường nhật, phong tục, văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.

Du lịch Hà Giang, chắc chắn không thể bỏ qua điểm đến cột cờ quốc gia Lũng Cú. Cột cờ có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, là bức tranh núi non trùng điệp ngăn cách biên giới hai nước Việt - Trung.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, một giáo viên đến từ quận 2, TP.HCM bày tỏ: “Lần đầu tôi được đến nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, muốn chinh phục “đỉnh chóp nón” còn phải leo lên một đoạn dài trong không gian gió lộng cùng tiếng cờ bay phần phật giữa trời cao. Đó là một cảm xúc vô cùng khó tả, vừa tự hào vừa xen lẫn chút vui sướng khi chinh phục được vùng đất kỳ vĩ, đáng mơ ước của một trái tim trẻ mê xê dịch”.

Dòng sông Nho Quế xanh biếc dưới góc nhìn từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng thuộc con đường Hạnh Phúc nối TP.Hà Giang với huyện Đồng Văn. Ảnh: Hải Hà
Dòng sông Nho Quế xanh biếc dưới góc nhìn từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng thuộc con đường Hạnh Phúc nối TP.Hà Giang với huyện Đồng Văn. Ảnh: Hải Hà

Giữa điệp trùng đá xám tai mèo, du khách phải băng qua Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, sau đó đến con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ TP.Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn gắn với nhiều ý nghĩa lịch sử. Con đường này còn được biết đến với một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại Việt Nam: đèo Mã Pì Lèng. Đứng ở điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng phóng tầm mắt xuống, bạn sẽ vỡ òa trước không gian hùng vĩ và chiêm ngưỡng sông Nho Quế như dải lụa mềm mại màu ngọc bích vắt ngang lưng chừng đồi núi - biểu tượng bất di bất dịch của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Một trong những trải nghiệm để hành trình khám phá mảnh đất cuối trời khép lại với nét vẽ trọn vẹn và ý nghĩa chính là chèo thuyền dọc sông Nho Quế. Dòng sông Nho Quế xanh trong dịu êm, nhẹ nhàng phản chiếu núi non trùng điệp, tráng lệ như vẽ nên bức tranh thủy mặc quyến rũ. Ngồi trên thuyền, xuôi theo dòng nước, cứ mỗi nhịp chuyển động là thiên nhiên lại hiện ra với những cảnh sắc khác nhau khiến trái tim người lữ hành chệch nhịp.

Có thể nói rằng, Hà Giang là một vùng đất vô cùng đặc biệt, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng rộng mở, mà còn đọng lại những hình ảnh dung dị của cuộc sống bình yên nơi đây. Làm sao có thể dửng dưng, không bồi hồi, không quý mến sự đáng yêu, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy ắp nguồn sống của con người vùng cao. Cuộc sống còn khó khăn, thời tiết còn khắc nghiệt đó nhưng đồng bào vẫn từng ngày vui sống, truyền cảm hứng cho những du khách ghé ngang. Đến Hà Giang, đến để khám phá và chiêm ngưỡng những ô trời tuyệt tác của vùng địa đầu đất nước, hẳn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời, khó quên không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu...      

Hải Hà

Tin xem nhiều