Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục… đều chịu tác động rất lớn. Tuy nhiên, đối lập với việc dịch bệnh đang tạo ra những hệ lụy đáng quan ngại thì hoạt động đọc sách của người dân lại có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục… đều chịu tác động rất lớn. Tuy nhiên, đối lập với việc dịch bệnh đang tạo ra những hệ lụy đáng quan ngại thì hoạt động đọc sách của người dân lại có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Thiếu nhi đến đọc báo tại Hội báo Xuân năm 2020 tại Khuê Văn Các - Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lâm Cón |
Đứa trẻ đến thư viện đọc và mượn sách, mua sách online hay tại các nhà sách… giúp người dân an tâm hơn trong thời gian con họ nghỉ học dài ngày. Đây cũng là cơ hội để các ngành và các đơn vị tiếp tục những giải pháp xây dựng “văn hóa đọc”, hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng.
* Đọc sách mùa dịch
Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở VH-TTDL yêu cầu các đơn vị trực thuộc tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí tập trung đông người. Riêng đối với Thư viện tỉnh và hệ thống các thư viện huyện, thành phố hoạt động phục vụ bạn đọc vẫn được duy trì khá hiệu quả.
Nếu như trước đây, thư viện TP.Biên Hòa tại khu vực công viên Biên Hùng có cơ sở vật chất chật hẹp, không gian đọc sách nóng nực thì nay thư viện của thành phố đã chuyển về trụ sở mới ở di tích Thành kèn Biên Hòa. Trong không gian rộng rãi, thoáng mát, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại hơn đã giúp thư viện lấy lại “niềm tin” từ bạn đọc, số lượng người đến đọc và mượn sách tăng lên đáng kể. |
Theo đó, Thư viện tỉnh đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân hiểu rõ hơn về loại dịch bệnh Covid-19 và cách phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro do dịch bệnh gây ra. Thư viện đã vệ sinh kho, phòng sạch sẽ, thoáng mát để phục vụ độc giả. Nhân viên thư viện được cấp phát đầy đủ khẩu trang y tế, đeo khẩu trang nghiêm túc nhằm bảo vệ cho độc giả cũng như bản thân và đồng nghiệp.
Phó giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thị Hồng cho biết: Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung hơn 2.700 bản sách, cấp phát hơn 3 ngàn thẻ đọc, lưu hành hơn 200 ngàn lượt sách báo, tạp chí, thu hút hơn 64 ngàn lượt độc giả. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, thư viện chủ động xây dựng tủ sách chuyên đề: Tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với hơn 95 bản sách; viết tin, bài tuyên truyền trên mạng xã hội, website của thư viện.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh Nguyễn Thị Thanh Uyên, trong tháng 2 và tháng 3 này, số lượng bạn đọc làm thẻ đọc mới và mượn sách về nhà cao hơn mọi năm. “Thời điểm này các năm trước, bạn đọc đến đọc sách và sử dụng internet tại thư viện TP.Long Khánh rất đông thì năm nay, họ chỉ đến mượn và trả sách hằng ngày. Nhu cầu đọc sách tại nhà của người dân tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi người mượn sách về nhà đọc vừa nâng cao kiến thức vừa đảm bảo an toàn. Ngoài việc tăng cường làm thẻ đọc mới, thư viện cũng chủ động theo dõi các văn bản chỉ đạo để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất” - bà Uyên chia sẻ.
Tại các thư viện trường học trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoạt động đọc sách cũng có phần trầm lắng hơn, đặc biệt với các cấp học từ mầm non đến THCS cũng đóng cửa do học sinh được nghỉ học. Cô Vũ Thị Ni Na, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện tại, thư viện của nhà trường, các tủ sách trong khuôn viên trường và tủ sách lớp học vẫn mở cửa cho học sinh đến mượn. Tuy nhiên, nhà trường chưa tổ chức hoạt động đọc (đọc sách dưới cờ, đọc sách 15 phút đầu giờ) mà đang tập trung vào công tác tuyên truyền vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19.
Bạn đọc thiếu nhi cùng cha mẹ đến đọc sách tại Thư viện tỉnh |
Là phụ huynh có 2 con học tiểu học và THCS, chị Nguyễn Thị Mai Liên (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể: “Thường vào cuối tuần, các con tôi đến thư viện tỉnh đọc sách. Vì tình hình bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các con tôi mượn sách thư viện về nhà đọc, thi thoảng mua sách online. Tôi rất ủng hộ việc đọc sách của các con, bởi thời gian này, ngoài học và làm bài tập cô giáo gửi thì để con bước vào thế giới của sách là rất hữu ích. Nó không chỉ gìn giữ thói quen đọc sách mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho con trong mùa dịch bệnh”.
Nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc, các đơn vị làm sách, nhà sách đã có nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” nhằm kích thích nhu cầu mua sách của bạn đọc. Vì thế, những trang web online của các hệ thống nhà sách Fahasa, Tiki, Đinh Tị Book hay NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp TP.HCM... trở thành những địa chỉ lý tưởng giúp những người yêu sách có thể tìm và mua sách bất kỳ lúc nào. Ở các địa chỉ này, mức giá giảm cao nhưng chất lượng các đầu sách mới vẫn được đảm bảo từ nội dung truyền tải đến hình thức thể hiện.
Theo nhiều thống kê, hiện nay sức mua của bạn đọc tại các nhà sách online đang tốt, chính tâm lý lo ngại đi đến các khu công cộng đã khiến cho kênh bán sách online tăng trưởng hơn. Cụ thể như: doanh số bán sách online của nhà sách Phương Nam trong tháng 2 tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng 1 trước đó cũng tăng 30%. Tỷ lệ tăng trưởng của ngành sách trên Tiki trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm của năm ngoái. Trong đó, các đầu sách y học tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Đây là loại sách tăng cao nhất trong tốp 5 loại sách dẫn đầu trong mùa dịch của Tiki.
* Nỗ lực nâng cao văn hóa đọc
Để nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là đối với học sinh, sinh viên, hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hội thi như: kể chuyện và vẽ tranh theo sách; đẩy mạnh trưng bày, triển lãm, giao lưu nói chuyện chuyên đề; trao tặng sách cho học sinh vùng sâu, vùng xa; luân chuyển sách đến các trường học, công ty. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 3 ngàn bản sách về cơ sở, cụ thể: Trường THCS Nguyễn Huệ (500 bản), Trường đại học Công nghệ Đồng Nai (1 ngàn bản), Trung tâm cai nghiện Xuân Lộc (1,5 ngàn bản).
Chị Đỗ Thị Ngọc Dung, người có trên 20 năm quản lý thư viện TP.Biên Hòa cho biết, mỗi năm thư viện đều luân chuyển hàng ngàn bản sách về các trường học, phường, xã, Thành đoàn Biên Hòa để trưng bày sách đầu Xuân và phục vụ hoạt động hè. “Từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, thư viện TP.Biên Hòa mở cửa để bạn đọc đến đọc sách báo và mượn sách. Trong định hướng sắp tới, thư viện sẽ có đề xuất lên UBND thành phố xin chủ trương xây dựng hệ thống thư viện điện tử. Thư viện điện tử này được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới trong nâng cao văn hóa đọc, giúp mọi người dễ dàng kết nối với sách báo của thư viện trên internet” - chị Dung cho hay.
Mới đây nhất, ngành Văn hóa đã có kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đồng Nai năm 2020. Cuộc thi dành cho đối tượng là học sinh tiểu học, THCS và THPT đều có thể tham gia. Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, học sinh tiểu học, THCS đang nghỉ học, việc triển khai cuộc thi đến từng học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
“Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc một khi được triển khai từ hệ thống Sở GD-ĐT xuống các phòng, trường học và thầy cô phổ biến cho học sinh từng lớp chắc chắn sẽ thu hút rất đông học sinh tham gia. Trong mùa dịch này, học sinh sẽ ở nhà đọc sách và viết bài cảm nhận từ những bộ câu hỏi mà Ban tổ chức đề ra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến cuộc thi qua các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Thành nói.
Phát triển văn hóa đọc đến năm 2030 đang đặt ra nhiều mục tiêu cho ngành Văn hóa. Do vậy trong thời gian tới, các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyên truyền với nhiều hình thức mới, hiện đại nhằm tăng tính hấp dẫn cho bạn đọc. Các địa phương chú trọng việc đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thư viện. Ngoài ra, các NXB, công ty phát hành sách cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các xuất bản phẩm; tổ chức thường xuyên những hội sách quy mô với sự tham gia của nhiều đơn vị kinh doanh. Việc bày bán nhiều đầu sách với giá ưu đãi giúp bạn đọc tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, những câu chuyện nhân văn. Và như thế sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh theo đúng giá trị của nó.
My Ny
Ông Nguyễn Ngọc Thành (Giám đốc Thư viện tỉnh):
Văn hóa đọc đang có sự chuyển biến tích cực
Trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều gia đình đã chú trọng hoạt động đọc bằng cách mua sách, mượn nhiều sách ở thư viện. Đây là tín hiệu vui cho thấy văn hóa đọc trong cộng đồng đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đọc diễn ra chưa đồng đều, phần lớn tập ở khu vực trung tâm, thành phố. Ở các vùng nông thôn, việc phát huy các nguồn lực để duy trì và tổ chức hoạt động đọc vẫn còn gặp khó khăn, mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, việc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn ở cơ sở, các trường học với những hoạt động thường xuyên và thiết thực hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Uyên (Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh):
Không để bạn đọc đi tìm sách
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thời gian qua luôn được UBND TP.Long Khánh quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hiện tại, thư viện có một CLB bạn đọc với hơn 40 hội viên sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần; có hơn 40 máy tính kết nối internet và hàng ngàn bản sách. Riêng tại các xã, phường, bệnh viện, trường học... do kinh phí để bổ sung sách chưa nhiều, số lượng sách vẫn còn rất ít nên thư viện thành phố đã tăng cường công tác luân chuyển sách về cơ sở (hỗ trợ hẳn hoặc cho mượn). Ngay tại phòng đọc sách của các phường, xã cũng tự luân chuyển sách đến tận từng tổ, ấp, khu phố. Việc luân chuyển này đã đáp ứng được số lượng sách phục vụ bạn đọc mà không phải ngồi đợi bạn đọc đi tìm sách.
Ông Nguyễn Văn Quyết (TS, giảng viên Trường đại học Đồng Nai):
Đưa đọc sách trở thành môn học trong nhà trường
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, đọc sách phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân và sự định hướng của gia đình, nhà trường. Khuyến khích đọc sách ở nhà là vô cùng quan trọng trong phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó, cần đưa đọc sách thực sự trở thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Chỉ khi đọc sách trở thành một môn học, cả thầy lẫn trò đều thực hành thì mới có thể tạo thành thói quen. Môn học này tùy vào điều kiện của từng trường mà xây dựng các tiết đọc sách. Qua đó giúp học sinh tiếp cận với kho báu sách của trường với nguồn sách, tài liệu chuẩn mực thay vì tìm đọc những cuốn sách “mì ăn liền” tràn ngập trên mạng xã hội.
Ông Trần Tiêm (KP.6, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa):
Đến thư viện đọc sách và tìm thấy niềm vui
Với những người cao tuổi thì sách ở thư viện luôn là lựa chọn số 1. Dù công nghệ có phát triển đến đâu nhưng người cao tuổi cũng không thể dùng để tìm kiếm thông tin, học hỏi trên điện thoại, trên máy tính như người trẻ được. Mắt đã kém mà tay lại yếu nên không thể thay việc đọc sách báo bằng đọc trên điện thoại. Chúng tôi đến thư viện không những nâng cao kiến thức mà nó còn như là một thú vui, nhất là được trò chuyện cùng những người bạn già. Có như vậy, chúng tôi mới thấy yêu đời hơn, vui vẻ hơn để sống vui, sống khỏe với con cháu.
Ly Na