Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao phát hiện ra ảnh giả

05:03, 20/03/2020

Với báo chí hiện đại, hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Một hình ảnh đúng lúc, đúng chỗ nói lên nhiều nội dung và tác động hơn hẳn bài viết hàng ngàn chữ. Chính vì vậy, việc phát hiện kịp thời các hình ảnh không trung thực trước khi đưa lên trang báo vô cùng cần thiết.

Với báo chí hiện đại, hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Một hình ảnh đúng lúc, đúng chỗ nói lên nhiều nội dung và tác động hơn hẳn bài viết hàng ngàn chữ. Chính vì vậy, việc phát hiện kịp thời các hình ảnh không trung thực trước khi đưa lên trang báo vô cùng cần thiết.

Hình ảnh không trung thực là thách thức lớn cho nhà biên tập

Một ví dụ về hình ảnh sai: Tuần trước, một số báo Việt Nam đăng tin Nhà Trắng gặp các công ty công nghệ lớn để bàn về việc kiểm soát dịch Covid-19. Tin đăng kèm với ảnh này và chú thích là ảnh chụp cuộc gặp, với lần lượt từ trái qua phải là: CEO Tim Cook của Apple, Tổng thống Donald Trump, CEO Satya Nadella của Microsoft và CEO Jeff Bezos của Amazon (ảnh). Ảnh chụp là thật và đúng là chụp ở Nhà Trắng, nhưng không phải trong cuộc họp nói trên mà là cuộc gặp ngày 19-6-2017.

Hình ảnh không trung thực - hay gọi tắt là ảnh giả - có nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là một bức ảnh được chỉnh sửa và/hoặc lắp ghép bằng các phần mềm đồ họa. Đó có thể là bức ảnh thật 100%, không chỉnh sửa hay lắp ghép, nhưng không phải chụp tại địa điểm xảy ra nguồn tin nêu trong bài báo. Cũng có thể đó là ảnh thật 100%, chụp đúng tại địa điểm xảy ra sự kiện nhưng chụp tại một thời điểm khác. Và phức tạp hơn nữa, khi bức ảnh không trung thực được tạo nên bằng cách kết hợp các thứ giả tạo nêu trên với nhau.

Một lượng tin khá lớn được lấy từ nguồn là các phương tiện truyền thông xã hội. Các tin này rất cần thẩm định cẩn trọng, cả ngôn từ lẫn hình ảnh đi kèm. Đây là công việc không hề dễ dàng. Theo thống kê, ở châu Á số người dùng phương tiện truyền thông xã hội nhiều gấp 8 lần so với Bắc Mỹ, do đó sự khó khăn trong việc thẩm định càng tăng lên gấp bội.

Đã có công cụ gì để kiểm tra hình ảnh chưa?

Hiện nay đã có một số công cụ mà các nhà báo châu Á có thể sử dụng để khám phá nguồn gốc và độ tin cậy của hình ảnh đi kèm tin tức, nhưng chúng lại tương đối cũ, không chuẩn mực và phần lớn đó là các phần mềm chạy trên máy tính để bàn. Đây là một rào cản đối với người kiểm tra tính xác thực và nhà báo ở các quốc gia nơi hầu hết mọi người kết nối với internet trên điện thoại di động của họ.

Storyful kết hợp cùng Google tạo nên ứng dụng kiểm tra hình ảnh

Trong 2 năm qua, chương trình Sáng kiến Tin tức Google (Google News Initiative, GNI) đã làm việc với các nhà báo để xác định các hình ảnh bị thao túng bằng công nghệ. Tại Hội nghị thượng đỉnh về Truyền thông đáng tin cậy năm 2018 tại Singapore, một nhóm các chuyên gia từ Google, Storyful cùng các đơn vị trong ngành công nghiệp tin tức đã cùng nỗ lực thiết kế để phát triển một công cụ mới phát hiện ảnh bị thao túng bằng công nghệ.

Đặc điểm nổi bật của ứng dụng này là tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và tối ưu hóa cho thiết bị di động. Với sự hỗ trợ từ GNI, chương trình Đám mây GNI và các kỹ sư tình nguyện của Google, đầu năm 2020 công trình này đã được phát triển thành một ứng dụng mang tên Source, do Storyful cung cấp.

Tìm hiểu về ứng dụng Source thông qua giám đốc sản phẩm của Storyful

Hiện nay, ứng dụng Source đang được một số nhà báo ở châu Á sử dụng. Dưới đây là phỏng vấn của Google với Eamonn Kennedy, Giám đốc sản phẩm Storyful, để rõ hơn về ứng dụng này.

Google News Initiative là một chương trình của Google hoạt động trong kỹ nghệ báo chí với mục đích hỗ trợ cho các nhà báo phát triển tốt hơn trong thời đại số.

Storyful là một cơ quan thông tin về truyền thông xã hội, là công ty con của Tập đoàn truyền thông News Corp. Storyful cung cấp các dịch vụ như giám sát thông tin trên mạng xã hội và tạo nên các công cụ để quản trị rủi ro cho khách hàng của mình.

* Storyful xem đâu là những thách thức đối với các nhà báo và người kiểm tra trên toàn thế giới và ở châu Á nói riêng?

- Eamonn Kennedy (EK): Chia sẻ trên mạng xã hội thường xảy ra dựa trên sự thúc đẩy muốn chia sẻ hơn là phân tích đầy đủ. Bất cứ ai cũng có thể chia sẻ một câu chuyện với hàng ngàn người trước cả khi họ đọc xong những gì đang có. Kẻ xấu biết rõ điều này và biết rằng con người dựa vào cảm xúc hơn là sự nhận định chính xác. Họ sẵn sàng khai thác đặc điểm của mạng xã hội là tiếp cận miễn phí để gieo rắc các nội dung xấu với các sự kiện và tường thuật sai lệch, kể cả nội dung cực đoan. Điều đó có nghĩa là bất kỳ cuộc trò chuyện cụ thể nào cũng dễ bị lừa dối và thao túng từ bất cứ nơi nào trên thế giới, bất cứ lúc nào.

* Ông có thể cho chúng tôi biết một chút về quy trình phát triển ứng dụng Source và AI đã giúp giải quyết một số vấn đề như thế nào không?

- EK: Tại Storyful, chúng tôi thấy những hình ảnh cũ (không đúng thời gian), không chính xác (không đúng địa điểm hay tình huống) hoặc được sửa đổi (không đúng sự thật) đang được định hình lại để đẩy một câu chuyện sai lệch phát triển lên.

Cách phổ biến để giải quyết vấn đề này cho các nhà báo là sử dụng tìm kiếm hình ảnh ngược để chứng minh rằng hình ảnh đó đã cũ và đã được sử dụng lại nhưng điều đó có một vài thách thức. Đầu tiên, những hình ảnh được sử dụng lại này thường xuyên bị chỉnh sửa và nhà báo cần có khả năng xác định thao tác để họ có cơ hội tìm thấy bản gốc tốt nhất. Thứ hai, các kết quả tìm kiếm được hiện ra theo thứ tự cái nào mới nhất sẽ hiện lên trước, trong khi các nhà báo lại quan tâm đến kết quả cũ nhất, bởi vì cái cũ nhất mới đúng là bản gốc. Như vậy phải thao tác cuộn màn hình rất nhiều lần để tìm bản gốc.

Ứng dụng Source sử dụng công nghệ AI của Google để cấp quyền truy cập tức thì vào lịch sử công khai của hình ảnh, cho phép bạn sắp xếp, phân tích và hiểu nguồn gốc của nó, bao gồm mọi thao tác. Điều đó đã hữu ích nhưng nó còn làm được hơn như thế. Source còn giúp phát hiện và dịch văn bản trong hình ảnh, điều này đặc biệt hữu ích cho các nhà báo lập danh mục hoặc phân tích các memes trực tuyến.

Ứng dụng Source cải thiện khả năng của các nhà báo trong việc xác minh nguồn gốc hoặc tính xác thực của một hình ảnh cụ thể và nguồn gốc của một meme phát triển như thế nào.

[Chú thích: Trong các hình ảnh thường có chứa nhiều thông tin như các thông số chụp, địa điểm chụp... ngoài ra còn có thể có các văn bản chú thích ảnh, các thông tin này không hiện ra khi ta xem hình ảnh bằng cách bình thường. Meme là một chuỗi các hình ảnh được phát triển từ hình ảnh ban đầu và lan truyền trên internet].

* Các phòng tin tức sử dụng Source như thế nào và kế hoạch cho nó vào năm 2020 là gì?

- EK: Cho đến nay, 130 người từ 17 quốc gia khác nhau đã sử dụng ứng dụng này để kiểm tra nguồn gốc hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội, ứng dụng nhắn tin và trang web tin tức. Có 30% người dùng Source đang truy cập web trên điện thoại di động của họ và lượng người dùng lớn nhất của chúng tôi là ở Ấn Độ, nơi các thành viên của Hiệp hội NXB Tin tức kỹ thuật số (Digital News Publishers Association) - liên minh các công ty truyền thông hàng đầu chuyên chống lại thông tin sai lệch - cung cấp thông tin phản hồi quan trọng.

Hướng sắp tới, chúng tôi lắng nghe những người sử dụng để tiếp tục xây dựng phiên bản 2 của ứng dụng. Source đã được sử dụng để kiểm tra các khung hình từ một video, điều này cho thấy tiềm năng của Source vượt ra ngoài văn bản và hình ảnh. Mục đích cuối cùng sẽ là xây dựng một hộp công cụ của Google, bao gồm các công cụ kiểm tra thực tế được phổ biến công cộng, với Source ở trung tâm, sử dụng công nghệ AI của Google để hỗ trợ các nhà báo trên toàn thế giới.

Phạm Hoài Nhân

 

Tin xem nhiều