Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi ''hoa hồng'' khởi nghiệp

10:03, 07/03/2020

Trước đây, khởi nghiệp với phụ nữ là điều thật lớn lao, nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng trong xã hội hiện nay, có không ít chị em đã thành công với dự án riêng của mình nhờ khát vọng, nỗ lực trong sự nghiệp và cuộc sống. Điều này đã góp phần lan tỏa tinh thần "quốc gia khởi nghiệp" đến nhiều người.

Trước đây, khởi nghiệp với phụ nữ là điều thật lớn lao, nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng trong xã hội hiện nay, có không ít chị em đã thành công với dự án riêng của mình nhờ khát vọng, nỗ lực trong sự nghiệp và cuộc sống. Điều này đã góp phần lan tỏa tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đến nhiều người.

Chị Phạm Phương Thảo, chủ chuỗi cửa hàng Organica  (có trang trại rau Organic tại H.Long Thành)
Chị Phạm Phương Thảo, chủ chuỗi cửa hàng Organica (có trang trại rau Organic tại H.Long Thành)

* “Ước mơ” mang thực phẩm organic đến người dùng Việt

Xuất thân là một kỹ sư, bôn ba nhiều năm và cũng kiếm được khá nhiều tiền từ nghề marketing, nhưng năm 2013, chị Phạm Phương Thảo (ngụ TP.HCM) đột ngột rẽ sang một con đường mà bản thân chưa từng va chạm: làm và bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

“Con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng”, đó là chia sẻ của nhiều người trong hành trình kinh doanh đầy cạnh tranh. Với những người nặng gánh hơn với gia đình, con đường ấy càng trở nên gập ghềnh và rủi ro hơn. Nhưng với ý chí, sự quyết tâm và khát vọng của mình, nhiều chị đã vượt lên chính mình, trở thành động lực cho nhiều chị em.

Chuỗi cửa hàng hữu cơ Organica ra đời bắt nguồn từ những cơn nghén của người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ của chị Thảo với những băn khoăn rất “thời sự”: Ăn gì an toàn và tốt cho con? Mua thực phẩm ở đâu? Rồi chị quyết định bán thực phẩm sạch. Quá trình tìm nguồn thực phẩm sạch để kinh doanh của chị Thảo gặp vô vàn khó khăn khiến chị nảy sinh ý tưởng tự trồng rau hữu cơ bán. Được một người bạn ở H.Long Thành cho mượn gần 2ha đất, chị Thảo bắt tay vào trồng rau.

Nhưng “nói dễ, làm khó”, 2 năm sau ngày khởi đầu, chị Thảo kiệt sức. Vốn hết, nhân sự lần lượt xin nghỉ, vườn rau đến kỳ thu hoạch bị mưa xuống làm giập nát, trong khi chứng nhận sản phẩm hữu cơ làm mãi vẫn chưa xong; chị ngồi khóc giữa vườn rau. Thế rồi, nghĩ mình không thể dừng lại được nữa, chị Thảo quyết định bán căn nhà duy nhất tại TP.HCM lấy tiền đầu tư tiếp. Chị dùng số tiền bán nhà thuê công ty nước ngoài tư vấn cho mình toàn bộ quy trình, tiêu chuẩn, giải pháp... và cả hồ sơ, giấy tờ, thủ tục để có thể có một trang trại rau hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Sau nhiều tháng ngày dày công, trang trại Organica Long Thành được Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chứng nhận rau đạt chuẩn organic theo tiêu chuẩn của họ, chị Thảo như “sống” lại. Khách hàng, doanh thu dần tăng, chị có tiền để thanh toán công nợ, đầu tư thêm vườn, hợp tác với các trang trại có chứng nhận hữu cơ khác để
mở rộng mạng lưới và tạo dựng thương hiệu. Liên tiếp các năm từ 2016-2019, trang trại Organica Long Thành của chị Thảo đều đạt chuẩn hữu cơ của USDA và EU Organic Farming.

Hiện tại, trong giới kinh doanh và người quan tâm đến thực phẩm hữu cơ, sản phẩm Organica Long Thành đã trở thành cái tên uy tín, quen thuộc với chuỗi cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Mục tiêu của chị Thảo là mở rộng liên kết với các trang trại canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế ở nhiều vùng miền trên cả nước, mở chuỗi cửa hàng đưa thực phẩm Organic đến tay nhiều người dùng Việt với giá cả hợp lý.

* Đưa hương sen Nhơn Trạch bay xa

Trước đây, ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) được biết đến là vùng đầm lầy chiêm trũng, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa với năng suất thấp. Năm 2000, một doanh nghiệp Đài Loan có trụ sở tại TP.HCM đến đặt vấn đề hợp tác với người nông dân trồng sen xuất khẩu, bà con nông dân rất phấn khởi. Họ hăng hái cải tạo ruộng đồng, trồng sen. Chưa đầy 2 năm, xã Long Tân, xã Phú Hội đã phát triển được hơn 100ha sen. Thế nhưng, công ty không bao tiêu sản phẩm như cam kết, họ chỉ chọn mua những hạt sen đủ độ dẻo, sáng và đúng kích thước, còn lại bỏ hết. Có những người chờ đợi từ sáng đến tối khuya mới đến lượt bán hạt sen tươi nhưng sau khi sàng, người ta chỉ mua được 1/3. Sen đổ gốc cây, sen khô ngoài đồng. Chị Nguyễn Thị Bích Lệ cũng trong tình cảnh đó.

Tiếc công, tiếc của, chị Lệ đưa số sen loại ra chợ bán. Về sau, bạn hàng nhiều, chị Lệ bán sỉ cho tiểu thương, đồng thời mua thêm sen của các hộ lân cận, thuê công bóc bỏ mối sỉ ở chợ đêm Long Thành. Năm 2005, chị thành lập Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát và tự mày mò cách chế biến ra các sản phẩm hữu ích cho sức khỏe từ các bộ phận của cây sen.

Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch)
Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch)

Từ chỗ chỉ bán được một sản phẩm duy nhất là hạt sen vừa độ dẻo, đúng kích cỡ, những người trồng sen ở Nhơn Trạch cùng lúc bán được tất cả các bộ phận của cây sen cho cơ sở chế biến ngay tại địa phương, ai cũng phấn khởi. Trên đà thành công, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát phối hợp với một số hộ nông dân địa phương “nghiên cứu” phương án chuyển trồng lúa sang trồng sen ở vụ đông - xuân, mở rộng thêm vùng nguyên liệu ở xã Phú Lâm (H.Tân Phú), vùng Trị An (H.Vĩnh Cửu) và một số địa phương thuộc tỉnh Long An.

Hiện tại, cơ sở sen của chị Lệ phát triển được 10 sản phẩm: trà lá và tim sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy, bột sen dinh dưỡng, mứt sen... Trong đó, 8/10 sản phẩm được công bố sản phẩm, 3/10 sản phẩm được UBND tỉnh cấp bằng chứng nhận Sản phẩm nông thôn tiêu biểu. “Tôi đang nghiên cứu xay vỏ gương sen làm bột nhang và làm tinh bột củ sen. Đây có thể là 2 sản phẩm mới sẽ ra mắt trong năm nay”  - chị Lệ cho biết.

Chị Lệ tâm sự, niềm đam mê với sen như một nguồn động lực cứ thôi thúc chị phải nỗ lực gắn bó với vùng đất đầm lầy chiêm trũng, với loài cây có hương thơm dìu dịu, thanh khiết này.

* Người “làm” mật từ hoa chôm chôm

Tại cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo lần thứ I-2019, Ban giám khảo lẫn những người tham dự đều bị thuyết phục bởi ý tưởng Xây dựng thương hiệu mật ong hoa chôm chôm Long Khánh của chị Nguyễn Thị Đào, xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh). Ý tưởng khởi nghiệp của chị Đào xuất phát từ việc tận dụng lợi thế đặc sản địa phương để phát triển dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ý tưởng kinh doanh của chị Đào có thể nhân rộng ra nhiều gia đình, nhiều địa phương bởi ong mật thích nghi được ở nhiều môi trường và có tác động tích cực đến ngành nông nghiệp, làm tăng khả năng thụ phấn, đậu trái.

Chị Nguyễn Thị Đào (phải), chủ Cơ sở mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh)
Chị Nguyễn Thị Đào (phải), chủ Cơ sở mật ong Minh Đào (TP.Long Khánh)

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Đào cho biết, hành trình từ công nhân làm thuê đến chủ của 2 cơ sở ong mật Minh Đào và dịch vụ nấu ăn Minh Đào của chị vô vàn khó khăn. Năm 1996, chị từ quê nghèo Hà Tĩnh vào Đồng Nai làm xí nghiệp. Nhìn những vườn chôm chôm xanh tốt quanh nhà trổ bông, ong đến làm tổ chị tự nhủ “người ta nuôi ong lấy mật được, mình tại sao không?”. Chị bắt đầu với 10 thùng ong, 80 thùng, 100 thùng rồi tăng lên 150 thùng ong với sản lượng hơn 5 tấn mật/năm. Giai đoạn đầu, chị bán mật ong nguyên chất, về sau tự phát triển thêm nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe của người lớn, trẻ nhỏ như: mật ong ngâm chanh đào, mật ong ngâm dâu tằm, tinh bột nghệ, bột ca cao…

“Tôi muốn những sản phẩm mật ong mình làm ra phải thật sự tự nhiên nên không cho ong ăn đường, không dùng phụ gia để xử lý màu. Sản phẩm lúc chưa có tên tuổi cũng bị ép giá dữ lắm. Tôi tham gia rất nhiều sự kiện, hội chợ, triển lãm lớn nhỏ, xa gần chỉ với mục đích để người dùng biết đến mật ong hoa chôm chôm Long Khánh” - chị Đào nhớ lại.

Thành công với mô hình nuôi ong lấy mật, chị Đào với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hàng Gòn đã giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn trong xã bằng cách hỗ trợ giống, cách chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sau này, khi số lượng hộ nuôi ong tăng, chị Đào thành lập Tổ hợp tác nuôi ong xã Hàng Gòn. Cùng với đó, chị Đào mở cơ sở nấu ăn Minh Đào để tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho bà con ở địa phương. “Tôi từng trải qua nhiều khó khăn, có lúc bế tắc trong cuộc sống nên muốn chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong với bạn bè, những người xung quanh khi họ cần. Cơ sở nấu ăn của tôi cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống” - chị Đào chia sẻ.

Một điểm đáng khâm phục ở người phụ nữ giàu nghị lực Nguyễn Thị Đào đó là, từ một người đam mê hoạt động phong trào, chị đã tự đi học cao đẳng, đại học trong suốt thời gian gần 10 năm vừa làm kinh tế, vừa công tác tại xã.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích