Cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nông dân đậm chất "Hai lúa" đã chế tạo ra nhiều máy móc, thiết bị hữu dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động, tăng hiệu quả làm việc, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nông dân đậm chất “Hai lúa” đã chế tạo ra nhiều máy móc, thiết bị hữu dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động, tăng hiệu quả làm việc, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Quang (bìa trái) chụp hình cùng các kỹ sư, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM tham quan mô hình máy phun thuốc trừ sâu |
* “Chân đất” làm “trực thăng” phun thuốc trừ sâu
Từ những thiết bị điện tử đã qua sử dụng, nông dân Trần Quang (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đã chế tạo xe phun thuốc trừ sâu điều khiển tự động giúp công việc của người nông dân nhanh hơn gấp 10 lần, giúp việc xịt thuốc trừ sâu phần nào an toàn và tiện lợi cho nông dân. “Lão nông” này hiện đang chế tạo “trực thăng” phun thuốc trừ sâu.
Ông Trần Quang là nông dân “nòi”, từ miền Trung vào Đồng Nai làm nông nghiệp. Không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy nhưng những nông cụ mà ông Quang chế tạo không thua kém máy móc nhập khẩu. Ông Quang cho biết, quá trình làm việc, ông luôn trăn trở với những khó khăn của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đó là: thiếu hụt nhân công, chi phí đầu tư cho sản xuất cao, giá cả nông sản bấp bênh và nhiều mối lo khác. Từ mối quan tâm đó, ông Quang mày mò nghiên cứu và chế tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, đáp ứng thực tiễn nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Thấy việc gieo bắp, lúa mất nhiều công, ông Quang nghĩ cách gắn thêm chi tiết vào máy cày để gieo hạt tự động. Tương tự với thu hoạch, từ máy tuốt lúa, ông gắn thêm vài chi tiết, cải tiến động cơ để tách hạt bắp ngay trên cánh đồng. Như vậy, cùng một loại máy nhưng có thể linh hoạt thực hiện các công việc khác nhau, giúp tiết kiệm được chi phí cơ giới hóa, tiết kiệm nhân công làm việc.
Từ thực tế nhà nông phải đeo bình xịt vừa nặng vừa dễ bị thuốc trừ sâu ngấm vào người, ảnh hưởng sức khỏe, ông Quang nghiên cứu chế tạo xe phun thuốc bảo vệ thực vật có thể di chuyển tiện lợi ở mọi địa hình, giảm sức lao động và chi phí. Xe phun thuốc của ông gồm một động cơ xăng kết nối với cần phun sương, bộ điều khiển từ xa được gắn trực tiếp lên máy với 4 chức năng là đóng, mở van nước, tăng, giảm ga cho động cơ xe. Điểm đặc biệt ở xe phun thuốc do ông Quang sáng chế là không cần người lái mà dùng thiết bị điều khiển từ xa, do đó hạn chế tác động của thuốc trừ sâu đến sức khỏe người làm.
Ông Nguyễn Thanh Cường hướng dẫn bộ điều khiển “vòi rồng” |
Theo tính toán của ông Quang, một người dùng bình phun thuốc trừ sâu truyền thống trung bình mỗi giờ thực hiện được khoảng 0,5ha, nhưng dùng xe phun do ông chế tạo thì mỗi giờ thực hiện được 2ha. Như vậy, cùng một khoảng thời gian nhưng máy phun tự động làm được diện tích gấp 4 lần, đồng thời tiết kiệm được 3 nhân công.
Ông Trần Quang “bật mí” đang chế tạo thiết bị bay không người lái hay còn gọi “trực thăng” để phun thuốc trừ sâu. Ưu điểm của “trực thăng” là không làm tác động đến cây lúa, năng suất bay gấp khoảng 20 lần so với xe di chuyển. “Tôi tìm hiểu được biết, nhiều nước trên thế giới đã dùng trực thăng để phun thuốc, tưới nước. Hiện tại, một số nông dân ở miền Tây cũng đang thử nghiệm, tuy nhiên chi phí cho thiết bị này là tiền tỷ và chỉ thực hiện được trên ruộng lúa. Tôi chế tạo “trực thăng” từ những động cơ nội địa, có thể áp dụng phun xịt cho tất cả các loại cây trồng, kể cả cây ăn trái cao hàng chục mét. Ban đầu sẽ phục vụ nhu cầu HTX, sau đó có thể đi phun xịt thuê cho các cánh đồng khác” - ông Quang cho hay.
* “Vòi rồng” 3 trong 1
Đến “thủ phủ” sầu riêng sạch xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ hỏi ông “Cường sầu riêng” (tên thật là Nguyễn Thanh Cường) ai cũng biết. Không chỉ nổi tiếng là người làm sầu riêng với quy mô lớn nhất nhì vùng, năng suất cao hơn bình thường, ông Cường còn là người tiên phong thí điểm mô hình “vòi rồng 3 trong 1”, vừa tưới nước, xịt thuốc trên tán cây sầu riêng cao 20-30m vừa có hệ thống bón phân tự động dưới gốc. Tất cả thao tác đều được thực hiện bằng remote. Remote được kết nối với điện thoại thông minh nên chủ nhà vườn đi vắng vài ngày cũng không phải lo.
Theo đánh giá của các hộ nông dân, mô hình này giúp giảm nhân công, tiết kiệm nước và thuốc trừ sâu. Hiện tại, mô hình này đã được nhân rộng ra toàn xã và nhiều vùng trồng cây ăn trái lớn trong tỉnh.
Ông Cường cho biết, ông học tập mô hình này từ những kỹ sư nông nghiệp ở miền Tây và đất nước Thái Lan. Ông vẽ sơ đồ và thuê thợ cơ khí cải tiến hệ thống tưới tiết kiệm trên vườn sầu riêng thành hệ thống “3 trong 1”. “Trước đây, 1ha sầu riêng trên 10 năm tuổi cần 2 nhân công xịt thuốc trong 1,5 ngày và tiêu tốn 6m3 nước, nhưng khi áp dụng hệ thống phun tưới đa năng, chỉ cần ấn nút trong tích tắc, khi hết nước, hệ thống sẽ tự động tắt, mỗi ha tiết kiệm được 2m3 nước. Chi phí đầu tư hệ thống ban đầu khoảng 80-100 triệu đồng/ha” - ông Cường cho hay.
Hiện tại, mô hình này đang được nhiều nông dân ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu đến học tập. Việc ứng dụng công nghệ tự động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và hệ thống phun tưới tự động trên cây thân cao nói riêng đã giúp nhiều nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, tăng tuổi thọ cho cây trồng.
Không chỉ ông Quang, ông Cường, còn rất nhiều nông dân, từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mình đã và đang góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Quá trình sửa chữa máy nông nghiệp cho bà con nông dân, ông Nguyễn Văn Hồng (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) đã chế tạo ra thiết bị tách hạt tiêu ra khỏi chuỗi giúp tiết kiệm nhân công, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất công việc gấp 3 lần máy bán trên thị trường. Ông Hồng chia sẻ, thời điểm ông chế tạo thiết bị này, trên thị trường đã có bán máy tách hạt tiêu, nhưng chi phí khá cao, khoảng 3-4 triệu đồng/cái và chỉ chuyên dụng cho tách hạt tiêu. Ông nghiên cứu và chế tạo ra thiết bị có cấu tạo đơn giản hơn, bao gồm thùng nhôm, bên trong có lõi gắn dao, một sàng để hạt tiêu lọt ra ngoài. Thiết bị này đồng thời tách được các loại đậu mà chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng. “Máy mua mới phải phơi héo chuỗi tiêu mới đưa vào máy hoặc phải thực hiện 2-3 lần mới sạch. Thiết bị tôi chế tạo ra tiêu thu hoạch xong tách hạt ngay ngoài ruộng. Do đó, tiết kiệm được chi phí điện, nhân công. Tôi đã chế tạo được hơn 30 thiết bị tách hạt tiêu mới, sửa chữa lại khoảng 20 máy cho bà con” - ông Hồng nói. |
Lê An