Cách đây khoảng 3 tháng, trước khi được Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến (đã được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương) đã có những "trải lòng" đầy xúc động trước khi rời ghế Bộ trưởng. Đó là những chia sẻ về những buồn vui sau 8 năm trên cương vị là "Tư lệnh" ngành Y tế và 1 nhiệm kỳ làm Thứ trưởng.
Cách đây khoảng 3 tháng, trước khi được Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến (đã được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương) đã có những “trải lòng” đầy xúc động trước khi rời ghế Bộ trưởng. Đó là những chia sẻ về những buồn vui sau 8 năm trên cương vị là “Tư lệnh” ngành Y tế và 1 nhiệm kỳ làm Thứ trưởng.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến |
Trong số những tâm sự ấy, tôi vẫn nhớ mãi lời của nguyên nữ Bộ trưởng khi bà nói về “bão dư luận”: “Có những lúc báo chí phản biện phải nói hết sức mạnh mẽ. Ví như chương trình Gặp nhau cuối năm có hình ảnh nhét đồng xu vào miệng Táo y tế. Thời điểm đó gần giao thừa, tôi biết có nhiều cán bộ đang trực trong bệnh viện, có bác sĩ đã khóc nói với tôi sao ngành mình bị đối đãi bạc bẽo vậy. Mọi người được xem và chuẩn bị đón giao thừa, còn chúng tôi vật lộn trong bệnh viện, nhiều bác sĩ đã nuốt nước mắt...”.
Với một lãnh đạo đầu ngành, lại là nữ, việc khen chê âu cũng là lẽ thường tình, nhất là khi trong ngành vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, những sự cố không dễ lường trước và không ai muốn trong quá trình chăm sóc, điều trị sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, như nữ Bộ trưởng đã trải lòng, trong quá trình đương nhiệm, cá nhân bà và toàn ngành đã rất tâm huyết, đưa ra nhiều chính sách đổi mới toàn diện để làm toàn dân hài lòng, đặc biệt bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo, người khó khăn; nhiều chính sách y tế được cán bộ toàn ngành hưởng ứng, thực hiện và đã có những kết quả đo đếm được; cơ sở vật chất bệnh viện các tuyến phát triển thấy rõ. Đó chính là những điều rất đáng ghi nhận, khâm phục đối với một nữ lãnh đạo ngành y, lĩnh vực mà nhà nhà, người người quan tâm theo sát.
Với bản tính điềm đạm của người phụ nữ, nguyên nữ Bộ trưởng luôn bình tĩnh trước những khen chê và thầm cảm ơn khi dư luận có những ý kiến trái chiều, phản biện sâu sắc để ngành Y nhìn nhận lại các dịch vụ mà ngành cung ứng, làm tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. “Lúc đó tôi đã nói với anh em không có bệnh nhân thì cán bộ y tế chả để làm gì. Vậy nên phải yêu lấy bệnh nhân, phải quay trở lại như vậy, yêu bệnh nhân trước rồi dần dần sẽ làm tốt hơn, kể cả những lúc bệnh nhân có bức xúc, xúc phạm thì đó cũng là động lực để mình phấn đấu” - nguyên nữ Bộ trưởng từng chia sẻ vậy.
Để trở thành bác sĩ đã khó, trong quá trình tác nghiệp đối với phụ nữ ngành Y lại càng cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để gắn bó, cống hiến với nghề. Trong những lần trao đổi, chia sẻ về nghề, về những vất vả, khó khăn mà nữ y bác sĩ đã, đang và sẽ trải qua trong chặng đường công tác, tôi đã bắt gặp những giọt nước mắt đầy xúc động của nhiều nữ y, bác sĩ, trong đó có những nữ bác sĩ lãnh đạo một số bệnh viện trong tỉnh. Ít ai biết rằng, đằng sau những nụ cười, ánh mắt thân tình, cởi mở, cử chỉ quan tâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân, là rất nhiều những áp lực với các nữ y, bác sĩ. Với ngành Y, kiến thức chuyên ngành chưa bao giờ dừng lại mà thay đổi từng ngày, từng giờ và cũng như các y, bác sĩ khác, họ phải không ngừng cập nhật để theo kịp và đáp ứng yêu cầu tác nghiệp. Với ngành Y, họ làm việc trực gác không kể ngành đêm, kể cả khi ra ca trực mà bệnh nhân đang cần thì họ cũng luôn sẵn sàng có mặt kịp thời. Với ngành y, họ không cho phép mình sai sót bất cứ điều gì, dù chỉ là chi tiết nhỏ, vì nó có liên quan mật thiết đến tính mạng, sức khỏe con người. Với ngành Y, ở đâu có bệnh là ở đó y, bác sĩ phải có mặt, cho dù đó là dịch bệnh dễ lây nhiễm và nguy hiểm đến mức nào. Với nữ y, bác sĩ, họ còn phải vẹn toàn thiên chức của người vợ, người mẹ trong điều kiện thời gian eo hẹp, khối lượng công việc thật nhiều. Rất nhiều nữa những áp lực, điều kiện đặt ra cho ngành Y nói chung và nữ y, bác sĩ nói riêng.
Khó thể đong đếm hết được những hy sinh thầm lặng của những nữ y, bác sĩ. Để gắn bó và cống hiến tận tâm với nghề, họ đã phải vượt qua tất cả mọi áp lực cuộc sống và những yêu cầu khắt khe trong nghiệp vụ, chuyên môn. Chất xúc tác lớn để họ dễ dàng bước qua tất cả những vất vả, nhọc nhằn đó là tấm lòng nhân văn sâu sắc, “lương y như từ mẫu”. Ngày qua ngày, những nữ y, bác sĩ vẫn lặng thầm tận tụy cứu chữa bệnh nhân, mang đến niềm vui sống cho bao người, bao nhà; góp sức cùng đồng nghiệp phát triển ngành Y lên tầm cao mới như sự kỳ vọng, mong mỏi của toàn xã hội.
Thảo Nhi