Anh Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm ở ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) chia sẻ: "Cái tên Dốc Mơ được chọn vì vừa là tên địa danh ở vùng đất này nhưng cũng vì nó thể hiện được giấc mơ của chúng tôi là làm nông nghiệp sạch với lối canh tác thuận theo tự nhiên và đích đến là xây dựng được những giá trị văn hóa với con người sống tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường".
Anh Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm ở ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Cái tên Dốc Mơ được chọn vì vừa là tên địa danh ở vùng đất này nhưng cũng vì nó thể hiện được giấc mơ của chúng tôi là làm nông nghiệp sạch với lối canh tác thuận theo tự nhiên và đích đến là xây dựng được những giá trị văn hóa với con người sống tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường”. Đến với Dốc Mơ Farm, bạn sẽ được tận hưởng những khoảnh khắc sống chậm nơi làng quê yên bình, xanh, sạch…
Anh Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ, người khởi xướng và gắn bó với Dốc Mơ Farm trong suốt thời gian qua. Ảnh: N.T |
* Về làng “sống chậm”
Theo anh Thọ, những vùng quê trù phú như trong câu chuyện Đất rừng phương Nam giờ đã quá xa xôi. Bây giờ nông dân đua nhau chạy theo năng suất, đổ phân, thuốc hóa học ra đồng khiến môi trường nông nghiệp ngày càng bị nhiễm độc, cua cá không sống nổi. Nông dân giờ không mặn mà với nghề nông nữa, có người cả đời gắn với đồng ruộng mà không giàu lên được vì mãi loay hoay với câu chuyện chất lượng và đầu ra. Những người trẻ đều rời quê đi làm công nhân, công chức, viên chức.
Anh Phạm Ngọc Thọ khoe: “Sản phẩm chúng tôi chắt chiu làm ra được khách hàng rất trân trọng, sẵn sàng trả giá cao nhưng không hề băn khoăn, so sánh. Chúng tôi cũng muốn lan tỏa cho họ nhận thức hiện nay vẫn có cách làm nông, có những người làm nông như vậy”. |
Dốc Mơ Farm có 5 thành viên góp vốn. Họ đều là chủ doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề như: kiến trúc sư, truyền thông, chế biến thực phẩm… Câu chuyện khởi nghiệp làm nông trại xanh của họ rất nhẹ nhàng. Họ đang làm giàu được ở đô thị nhưng nhận thấy cuộc sống quá nhanh và nhiều giá trị đang bị mai một nên quyết tâm làm nông trại này để tạo một sự thay đổi. Mong muốn của họ là xây dựng được nông trại xanh với một cộng đồng cùng chung tấm lòng phát triển nông nghiệp sạch với lối sống trân trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường. “Trước tiên, chúng tôi xây dựng nông trại xanh này cho một cộng đồng nhỏ gồm gia đình và con cái của mình, cho những nhân viên và gia đình họ. Rồi những giá trị từ cộng đồng nhỏ này sẽ lan truyền ra xung quanh” - anh Thọ nói.
Theo anh Thọ, trong cuộc sống hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Trẻ em thành phố bây giờ chỉ toàn chơi đồ chơi nhựa, máy tính. Dốc Mơ Farm tổ chức nhiều hoạt động dạy trẻ em làm kem chuối, làm bánh in, bánh khọt, bánh xèo; chơi trò chơi dân gian, được vui đùa trên đồng cỏ thiên nhiên, lội suối bắt ốc… Đó không chỉ là hoạt động vui chơi của trẻ mà qua đó dạy trẻ về cách sống giữa con người với nhau, quan niệm về lao động, giá trị của lao động, từ đó góp phần hình thành cả một giá trị về cách sống, cách làm việc. Mô hình du lịch cộng đồng Dốc Mơ Farm phát triển cũng để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình nơi phố thị mong muốn con cái họ được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa làng quê xưa vẫn được họ giữ gìn trong ký ức. Tạo môi trường làng quê xanh, nơi trẻ em được khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của làng quê thanh bình để học những bài học biết yêu thiên nhiên, học làm người. “Khởi đầu chúng tôi đi từ một nông trại nhưng đích cuối của chúng tôi muốn góp phần bồi đắp văn hóa truyền thống” - anh Thọ khẳng định.
* Học làm bạn với thiên nhiên
Từ khi đi vào hoạt động, Dốc Mơ Farm hoàn toàn tự cung tự cấp từ thịt, rau quả, trái cây, các loại dược liệu… Theo anh Thọ, gần 20 nhân viên của nông trại đều là người trẻ, tốt nghiệp đại học nông lâm, thú y, kế toán, luật… Cuộc sống của những người trẻ ở đây đúng nghĩa là làm nông dân với công việc hằng ngày là đi trồng cây, trồng rau, chăn nuôi… Sống ở đây ai cũng vui vẻ, nhẹ nhàng như trở về vùng quê an bình của thời đã xa.
Với mong muốn mở rộng, nối dài những làng nông nghiệp xanh về khắp các vùng quê; Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ luôn sẵn sàng kết nạp xã viên mới, đặc biệt là nông dân trong vùng để cùng nhân rộng mô hình canh tác theo tự nhiên, không hóa chất. |
Nông trại làm nông theo phương pháp thuận tự nhiên, không hóa chất, tự ủ phân xanh để cải tạo đất, bón cho cây trồng; nuôi heo, gà, vịt bằng cám, bắp, rau vườn. Trong sinh hoạt hằng ngày, con người ở nông trại đều sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như: hoàn toàn sử dụng chai thủy tinh, túi giấy thay cho đồ nhựa; từ nước tắm, nước gội đều làm từ cây cỏ, thảo dược trong vườn… Khách đến thấy cách sống, ứng xử, lao động ở Dốc Mơ Farm, họ tin vào con người làm ra sản phẩm rồi mới tin tưởng lựa chọn nó.
Anh Thọ cho biết thêm, nếu nông dân làm nông nghiệp thuận tự nhiên một cách riêng lẻ, chỉ dựa vào bán nông sản là không hiệu quả vì chi phí rất cao, nhất là công lao động. Nông trại Dốc Mơ muốn xây dựng hình mẫu chuỗi liên kết từ sản xuất nông nghiệp, chế biến kết hợp với du lịch cộng đồng để nâng cao giá trị nông sản.
Các em nhỏ tham gia làm bánh, chế biến món ăn dân gian tại Dốc Mơ Farm |
Anh Thọ khẳng định, 10 năm, 20 năm nữa, Dốc Mơ Farm sẽ trở thành khu vườn rừng có rất nhiều cây rừng, môi trường sinh quyển đa dạng thu hút chim về làm tổ, nơi bươm bướm, chuồn chuồn, đom đóm, côn trùng sinh sống… Sản xuất không hóa chất của nông trại không đơn thuần là làm ra bó rau, trái cây sạch để bán mà còn mang lại nhiều giá trị vô hình khác. Đến nông trại, du khách có nhiều trải nghiệm thú vị như: tham quan khu vườn đẹp được trải những thảm hoa dại; được hít thở không khí trong lành; tối cắm trại lều, có thể ngắm đàn đom đóm bay... “Tham vọng của chúng tôi là xây dựng khu vườn trăm năm cho lớp con, cháu sau này” - anh Thọ mơ ước.
Hiện mỗi cuối tuần, nông trại chỉ nhận tối đa khoảng 80 khách đặt trước để chuẩn bị phục vụ được tốt nhất. Nông trại cũng không nhận tổ chức các buổi tiệc tùng, liên hoan để giữ không gian làng quê yên bình. Mục tiêu chính của nông trại vẫn là làm nông nghiệp. Khách đến để thấy cách làm và những giá trị văn hóa ở đây. Từ đó, những nông sản tươi hoặc qua chế biến của nông trại có một cộng đồng tiêu thụ chính là những người, những gia đình đã đến nông trại, biết và yêu quý, tin tưởng sản phẩm của Dốc Mơ Farm.
Dốc Mơ Farm còn đầu tư xưởng chế biến ra các loại nông sản từ nguyên liệu sạch của nông trại. Hiện nhiều đặc sản do nông trại chế biến được khách hàng ưa chuộng như: xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, thịt lên men làm theo phương pháp truyền thống của Đức; một số sản phẩm trà thảo dược…
Bình Nguyên