Năm qua, trong bộ phim truyền hình Về nhà đi con do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thực hiện đã thu hút khá đông khán giả xem và được nhiều giải thưởng, nhân vật Ánh Dương có một câu thoại trở thành "hot trend" trên mạng: "Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân".
Năm qua, trong bộ phim truyền hình Về nhà đi con do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thực hiện đã thu hút khá đông khán giả xem và được nhiều giải thưởng, nhân vật Ánh Dương có một câu thoại trở thành “hot trend” trên mạng: “Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân”. Câu lục trong cặp lục bát này (Thanh xuân như một ly trà) như một vế thả thơ với vần a, dễ được “cư dân mạng” khai thác để chế tiếp câu bát với những phiên bản hài hước!
Sau khi MV Để Mị nói cho mà nghe của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt vào tháng 6-2019, tên của bài hit này cũng thành một hiện tượng ngôn ngữ trên mạng |
Đời sống truyền thông thời mạng xã hội bùng nổ tạo điều kiện cho những hiện tượng ngôn ngữ mau chóng thành xu hướng. Những năm gần đây, nhiều từ, cụm từ, thành ngữ mới xuất hiện và phổ biến được giới trẻ sử dụng như phong cách thời thượng trên mạng…
* Tựa ca khúc cũng thành “hot trend”
Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, từ - cụm từ - thành ngữ mới… lúc nào, thời nào cũng có xuất phát từ những hoạt động phong phú của đời sống xã hội. Nhưng khi internet và công nghệ truyền thông mạng phát triển, tốc độ hình thành và lan truyền những hiện tượng ngôn ngữ này khá nhanh do tâm lý đám đông. Nhiều phát ngôn độc đáo hay ngớ ngẩn đều dễ thành “trend ngôn ngữ”, được cộng đồng góp tay phổ biến kiểu như “500 anh em”, “ông chú Viettel”, “để Mị nói cho mà nghe”, “liêm sỉ gì tầm này”, “cục xì lầu ông bê lắp”, “tiền nhiều để làm gì?”, “thanh xuân như một ly trà”, “toang rồi ông giáo ạ”... |
Vào ngày 19-6-2019, nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh ra mắt một ca khúc mới. Bài hát phổ biến trên YouTube. Tựa đề bản hit ấy có tên là Để Mị nói cho mà nghe (do nhóm nhạc sĩ trẻ DTAP sáng tác). Nội dung bài hit kể về giấc mơ của một cô học trò đang ngủ gật trong giờ văn lúc thầy dạy bài Vợ chồng A Phủ. Trong giấc mơ, cô học trò ấy hóa thân thành nhân vật Mị và bắt đầu chuyến phiêu lưu kỳ thú - với sự hội tụ của hàng loạt nhân vật văn học khác như: Chị Dậu, Chí Phèo - Thị Nở, anh Tràng, lão Hạc - cậu Vàng… Ngôn ngữ hình ảnh và sự cách điệu về giấc mơ đã góp phần xây dựng nhân vật Mị trong album này là một cô gái có tính cách quyết đoán, tự do, trẻ trung, dám cởi dây trói, thỏa sức múa hát và đánh pao bằng vợt tennis với chúng bạn. Âm nhạc vừa đậm chất dân tộc, vừa sôi nổi, trẻ trung nên ngay từ khi ra mắt Để Mị nói cho mà nghe dễ dàng tạo thành bài hát gây chú ý. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác đã hát lại bài này với những phiên bản hài hước hay mang nội dung mới và cũng rất nhanh chóng, tiêu đề ca khúc thành một cụm từ mới, đi vào báo chí, sân khấu và đặc biệt, phổ biến trên mạng xã hội.
Để Mị nói cho mà nghe giờ đây mang nét nghĩa“để tôi nói cho mà nghe”/ “để tao nói cho mà nghe” hoặc “để chị nói cho mà nghe”… Sắc thái của thành ngữ này là cái tôi và tính cách của người nói sẽ được đề cao hơn, thể hiện nữ quyền hơn.
Một cụm từ cũng mới xuất hiện trong năm qua và hiện có sức sống khá mạnh trong đời sống ngôn ngữ sinh hoạt: “nhà bao việc”. “Nhà bao việc” là kiểu nói có tính chất thành ngữ rất nhanh chóng từ phim ảnh đi vào đời sống và sau đó còn đi vào thơ, vào kịch nói, tấu hài. Trong chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV mới đây, thành ngữ “nhà bao việc” vào kịch bản thành “làng bao việc”. “Nhà bao việc” xuất phát từ lời thoại của nhân vật Thịnh Ngựa trong phim Mê cung ở phân cảnh Thịnh Ngựa bị thẩm vấn, nhân vật này đã nói: “Nhà em còn bao việc”...
Thực tế, cụm từ “nhà bao việc” khi được sử dụng như thành ngữ hiện nay, nó không đứng độc lập, phải thường đi kèm với một phát ngôn nào đấy. Xét ở nghĩa tường minh, “nhà bao việc” là cách nói gọn của “nhà tôi hiện giờ còn nhiều việc lắm” hoặc “nhà tôi bây giờ còn bao nhiêu là việc”. Nhưng ở khía cạnh thành ngữ dùng trong văn cảnh ấy, nó còn có nét nghĩa khác, “cà khịa” hơn: “Nhà chẳng có việc gì, nhưng tôi thích lấy cái cớ đó có được không?”.
Nhân vật cô gái út Ánh Dương (diễn viên Bảo Hân đóng) trong phim truyền hình Về nhà đi con có phát ngôn trở thành hot trend trên mạng năm qua: “Thanh xuân như một ly trà...“. |
Có một số hiện tượng ngôn ngữ mạng không giải thích được và lý do xuất hiện cũng thật khó hiểu (như kiểu những năm trước đây có “500 anh em”, “ông chú Viettel”, “cục xì lầu ông bê lắp”…). Có một số hiện tượng ngôn ngữ “trend” xuất phát từ những chuyện thời sự, có tác giả hẳn hoi. Ví dụ: “Tiền nhiều để làm gì?”, “Đấm không trượt phát nào”, “Mày biết tao là ai không?”. Đa phần các hiện tượng ngôn ngữ bám thời sự này không kéo dài được lâu, chỉ như một trò a dua của cộng đồng trong sinh hoạt. Thế nhưng cũng có những cụm từ hay thành ngữ ban đầu hình thành trong các sinh hoạt nhỏ, nhưng với sức sáng tạo dân gian, nó trở thành kho tàng ngôn ngữ chung. Câu chuyện về “hổng dám đâu” là một ví dụ.
* “Hổng dám đâu” ra đời thời chưa có mạng
Thành ngữ “nhà bao việc” gợi nhớ thành ngữ “không dám đâu”/“hổng dám đâu” hoặc “biết chết liền” phổ biến cách nay trên 30 năm, từng đi vào thơ (thơ Trương Nam Hương), vào lời ca khúc (bài Hổng dám đâu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên) mà thế hệ trẻ hiện nay có người không biết. Không dám đâu”/ “hổng dám đâu” có khi được dùng với nghĩa đen “tôi không dám” nhưng trong hầu hết trường hợp, nó mang nghĩa hàm ẩn, không phải tường minh như thế:
- Tôi nói tôi không có khả năng (làm việc đó) nhưng thực ra là có đấy!
- Tôi nói tôi không nghĩ như anh (chị) nói nhưng thực ra tôi cũng nghĩ như thế đấy!
Có thể đưa ra vài tình huống giao tiếp:
- Công nhận cây mai Tết nhà anh khó ai có được!
- Hổng dám đâu!
hoặc:
- Cây mai nhà anh nếu mua chắc tiền tỷ!
- Hổng dám đâu!
“Hổng dám đâu” thoạt nghe có vẻ như phủ nhận nhưng chẳng phải phủ nhận. “Hổng dám đâu” cũng chưa chắc là một sự khẳng định được nói một cách khiêm tốn. Điều thú vị là thành ngữ này tồn tại khá lâu trong đời sống ngôn ngữ Việt, gần nửa thế kỷ rồi và nó như một bằng chứng về sự sáng tạo cộng đồng được cộng đồng xây dựng và chọn lọc.
Câu chuyện ngôn ngữ mạng kiểu như “nhà bao việc” có trở thành sản phẩm ngôn ngữ toàn dân sau này hay không còn tùy thuộc vào sự sàng lọc của thời gian. Nhưng có thể nói, sự hình thành các sản phẩm ngôn ngữ mới như thế là hiện tượng có tính quy luật của đời sống ngôn ngữ.
Khó ai có thể lý giải vì sao một từ, một cụm từ lại trở thành xu hướng (trend, thậm chí hot trend) trong cộng đồng vì nó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Nhưng có thể nói, nếu không có số đông cùng hưởng ứng một hiện tượng ngôn ngữ thì nó không trở thành xu hướng.
* Sau hot trend thì còn gì?
Khi doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ với câu nói “Tiền nhiều để làm gì?” trong một phiên tòa trở thành hot trend ngôn ngữ mạng, khi một vị cán bộ cậy thế dọa nạt nhân viên hàng không: “Mày biết tao là ai không?” cũng trở thành hot trend ngôn ngữ mạng… thì đó bước đầu là hiện tượng có tính tâm lý xã hội. Tâm lý hòa đồng cùng số đông trong mối quan tâm chung. Nhưng ở góc độ ngôn ngữ, cái gì tồn tại phải có lý. Mạng xã hội đôi lúc quá nhanh, quá nguy hiểm vì đây là môi trường truyền thông không quy chuẩn.
Các hiện tượng ngôn ngữ mạng cũng luôn có tính chất hai mặt, không phải mọi sự tìm tòi nào cũng có thể chấp nhận được. Đôi lúc đôi chỗ, những “sáng tạo” quá đà có thể làm cho tiếng Việt bị vẩn đục, thiếu sự trong sáng. Vì thế, trong quá trình hòa đồng cùng số đông trên mạng, mong mọi thành viên cần tỉnh táo để tránh những xu hướng cực đoan!
Phan Văn Tú