"Alo! Chị ơi đồ ăn của chị 15 phút nữa có ạ, chị giữ máy giùm em nhé". Sau cú điện thoại cho khách hàng, Hoàng Phương - một shipper (người giao hàng) của dịch vụ đặt món ăn trực tuyến hối hả lên đường đến cửa hàng bán đồ ăn. Sau khi mua đồ, anh tiếp tục chặng đường giao đồ ăn đến khách hàng tại địa chỉ hiện trên ứng dụng.
“Alo! Chị ơi đồ ăn của chị 15 phút nữa có ạ, chị giữ máy giùm em nhé”. Sau cú điện thoại cho khách hàng, Hoàng Phương - một shipper (người giao hàng) của dịch vụ đặt món ăn trực tuyến hối hả lên đường đến cửa hàng bán đồ ăn. Sau khi mua đồ, anh tiếp tục chặng đường giao đồ ăn đến khách hàng tại địa chỉ hiện trên ứng dụng. Trên những con đường của TP.Biên Hòa, nhiều đồng nghiệp của anh trong những bộ trang phục đặc trưng cũng đang hối hả với những đơn hàng. Chưa bao giờ shipper lại thịnh hành đến thế!
Một shipper tranh thủ dừng nghỉ ngơi để kiểm tra đơn hàng qua điện thoại |
* Ai cũng có thể trở thành shipper
Những năm gần đây thị trường mua sắm online (trực tuyến) bùng nổ đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ shipper. Trên một con hẻm nhỏ của TP.Biên Hòa, đôi khi có thể bắt gặp 4-5 shipper của các hãng dịch vụ khác nhau cùng “vi vu” trên đường. Họ ở mọi lứa tuổi, có người chọn đây là nghề chính, cũng có cả sinh viên, xe ôm, công nhân… tranh thủ làm thêm. Tìm bóng mát trên đường Cách Mạng Tháng Tám để nghỉ ngơi, kiểm tra lại đơn hàng, anh Võ Văn Hiếu, shipper của dịch vụ G.H.T.K bộc bạch: “Tôi cũng làm búa xua nghề rồi nhưng thấy shipper cực xíu nhưng được cái thoải mái, không phải gò bó thời gian như làm công ty. Nghề này đâu đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng nhiều đâu. Ai cũng có thể làm được khi có xe máy, điện thoại thông minh. Chỉ cần chịu khó xíu thì thu nhập cũng tạm ổn”.
“Làm shipper lúc nào cũng phải tỉnh, phải tính toán lộ trình hợp lý để tiết kiệm công sức và xăng xe, phải liên tục trả lời điện thoại, kiểm tra đơn hàng và giữ thái độ vui vẻ, niềm nở với khách dù khách không hài lòng, cáu gắt với mình” - shipper Hiếu bộc bạch. |
Thu nhập tạm ổn theo lời anh Hiếu là từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Những shipper nhanh nhạy, thạo đường và giao được càng nhiều đơn thì thu nhập càng cao. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các dịch vụ giao hàng trực tuyến về giá thành và cả tốc độ giao hàng, đội ngũ shipper cũng có cơ hội tăng thu nhập khi vượt số lượng đơn hàng quy định mỗi ngày. Tùy vào đơn vị cung cấp dịch vụ, shipper sẽ được hưởng từ 8-10 ngàn đồng/đơn hàng giao thành công và còn được thưởng một khoản nhất định vì giao vượt số đơn hàng. Một số dịch vụ còn có khoản bồi dưỡng của khách hàng để khuyến khích các shipper giao hàng nhanh hơn.
Với Thu Trân, nữ shipper của một hãng đồ ăn nhanh thì nghề này khá thú vị. Sau khi lấy đồ ăn giao cho khách từ chiếc thùng chở phía sau, nữ shipper tươi cười cảm ơn rồi nhanh chóng hòa mình vào dòng người trên phố. Trân chia sẻ, ban đầu cô cũng ngại đăng ký làm shipper vì nghĩ con gái chạy xe vất vả, lúc nào thùng đồ cũng cồng kềnh phía sau. Thế nhưng sau một thời gian làm ổn định thì cô thấy nghề này cũng thú vị, phù hợp với điều kiện thời gian cũng như tính cách thích tự do, đi đây đó của mình.
* Tiện cả đôi bên
Thương mại điện tử đang ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Và shipper chính là cầu nối giữa người bán và người mua. Không chỉ giao hàng, đồ ăn, hoa, shipper còn đi chợ thay cho khách hàng. Đặc biệt, những ngày gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người ngại ra đường để mua sắm và chuyển dần sang mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm các shipper “tăng tốc” để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chỉ cần lướt web, khách hàng có thể đặt quần áo, đồ dùng, thức ăn mà không cần quan tâm đến khoảng cách, thời tiết, bởi tất cả đã có shipper lo. Chị Lê Phương Nhung (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), một “tín đồ” mua sắm online cho biết: “Mình làm văn phòng nên không có nhiều thời gian đi mua sắm quần áo, đa phần là đặt mua qua mạng những shop uy tín. Buổi trưa ở lại cơ quan lại ngại đi ra ngoài vì trời nắng nên thường đặt đồ ăn qua ứng dụng trực tuyến. Thích ăn gì cũng có, không phải đợi lâu và nhất là không phải ra ngoài bởi có shipper giao tận nơi, rất tiện lợi”.
Không chỉ khách hàng, với những chủ shop bán hàng online thì shipper cũng là “cánh tay nối dài” đắc lực của họ. Chị Đỗ Thị Thảo, chủ shop thời trang online ở TP.Biên Hòa cho biết, mặc dù không có cửa hàng, chỉ bán online song chị có lượng khách hàng thân thiết với lượng đơn đặt mỗi ngày đều đặn từ 10-60 đơn. “Do khách hàng phần lớn ở TP.Biên Hòa nên tôi không gửi hàng qua các dịch vụ giao hàng trực tuyến mà thuê shipper riêng, chủ yếu là sinh viên làm bán thời gian. Nhờ có họ mà đơn hàng được đẩy đi liên tục, cứ có đơn hàng là họ có mặt, rất nhanh và chuyên nghiệp”.
* Nỗi niềm shipper
Điều kiện vào nghề khá đơn giản nhưng thực tế, các shipper, đặc biệt là đội ngũ shipper của các dịch vụ giao hàng trực tuyến chuyên nghiệp cũng phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc trong khi “hành nghề”. Trước khi trở thành shipper, họ phải trải qua một bài test cũng như được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản của shipper chuyên nghiệp về cách thức nhận hàng, giao hàng, thao tác với ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng như kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Với một số dịch vụ giao hàng trực tuyến đang thịnh hành hiện nay, shipper còn bị khách hàng “chấm điểm” sau mỗi đơn hàng.
Nữ shipper Thu Trân chuẩn bị đồ giao cho khách |
Đằng sau những đơn hàng được giao với tốc độ ngày càng nhanh, những món đồ ăn, thức uống nóng hổi dành cho các “thượng đế” là những nỗi niềm chỉ shipper mới hiểu. Với áp lực thời gian giao đúng hẹn, nhiều shipper vẫn lao mình đi trong cơn mưa lớn, giữa trời trưa nắng hay chạy lên cả vỉa hè khi tắc đường. Rong ruổi trên đường cả ngày, gánh trên xe bao nhiêu là hàng hóa, cùng với áp lực giao hàng đúng giờ, việc xảy ra tai nạn, sự cố giao thông là khó tránh khỏi.
Kỷ niệm ngày đầu đi làm shipper với Hoàng Phương cũng là câu chuyện “dở khóc, dở cười”: “Ngày đầu đi làm đợi mãi không có đơn, anh em tụm năm tụm bảy trò chuyện thì bỗng nhiên có đơn hàng trà sữa của khách. Mình vào cửa hàng mua 5 ly rồi hăm hở ra xe để đi giao nhưng chẳng may vấp té, trà sữa đổ văng tung tóe, nhóm bạn làm cùng vừa thương mình vừa không nhịn được cười. Thế là mình phải bỏ tiền mua 5 ly khác cho khách, coi như ngày đó đi làm không công”.
“Tai nạn” nghề nghiệp không chỉ đến từ các shipper mà còn từ chính khách hàng. Nhiều shipper cho biết, có những khách hàng đặt hàng qua mạng như một thú vui nhưng lại không nhận hàng. “Gọi hoài không nghe máy hoặc hẹn đi hẹn lại, bắt shipper dang nắng đợi là chuyện bình thường” - anh Nguyễn Hữu Hoài, một shipper có 2 năm kinh nghiệm cho hay.
Anh Hoài cho biết, shipper cũng là nghề đòi hỏi sự bình tĩnh vì bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, mọi thành phần xã hội và không phải ai cũng lịch sự. “Có lần trời mưa to nhưng có đơn tôi cũng phải tức tốc đi giao nhưng giữa đường xe lại hư, dắt bộ giữa trời mưa. Đến khi sửa được xe, gọi điện cho khách hàng thông cảm đợi thêm thì không ai nghe máy. Lấy hàng xong giao khách chưa kịp xin lỗi thì đã bị mắng te tua. Những ngày như vậy với shipper thật tệ” - anh Hoài kể.
Tạm gác lại những “tai nạn” nghề nghiệp, những câu chuyện không vui, nhóm các shipper trẻ lại tụ họp những lúc rảnh rỗi để kể cho nhau nghe những câu chuyện vui. Đó là khi được khách bồi dưỡng thêm tiền khi đặt món ăn, gặp được những vị khách vui tính, là khi được khách hàng tặng áo mưa vì thấy shipper ướt sũng hay có những shipper còn tìm được bạn gái thông qua trao đổi đặt hàng…
Thảo Nguyên