Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 lây lan cùng với những diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Italy… thời gian qua và sắp tới khiến nhiều lịch thi đấu thể thao đảo lộn hoặc phải "chữa cháy tình huống".
Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 lây lan cùng với những diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Italy… thời gian qua và sắp tới khiến nhiều lịch thi đấu thể thao đảo lộn hoặc phải “chữa cháy tình huống”.
Đa số khán giả đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi xem Giải Rugby ở Tokyo, Nhật Bản ngày 22-2. Ảnh: Kyodo |
* Châu Á xoay xở “bở hơi tai”
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội tại Vũ Hán và nhiều tỉnh, thành khác, Trung Quốc đã phải hủy ngay lập tức và vô thời hạn tất cả mọi giải thể thao quốc tế dự kiến nước này đăng cai. Nổi cộm nhất có chặng đua F1 tại đường đua Thượng Hải diễn ra từ ngày 17 đến 19-4 tới được thông báo chính thức hoãn từ Ban tổ chức cuộc đua F1 thế giới nhằm bảo đảm sức khỏe cho khán giả, các đội đua, nhân viên, quan chức… Các đội tuyển Trung Quốc cũng phải tìm cách mượn sân “trung lập” từ các nước khu vực để thi đấu vì không thể tổ chức trên sân nhà. Thái Lan đồng ý cho Trung Quốc mượn sân Chang Arena (Buriram) để đá 2 trận đấu không khán giả với Maldives và Guam vào tháng 3 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022.
Tại Đông Nam Á, cả 3 đội bóng nằm ở bảng G vòng loại World Cup 2022 gồm đội tuyển Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều bị hủy các trận giao hữu để chuẩn bị cho vòng loại. Mới nhất là trận giao hữu giữa Malaysia và Bahrain ngày 21-3 bị hủy do lo ngại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Trong khi đó đội tuyển Việt Nam sau khi hủy đấu giao hữu với đội tuyển Iraq đã may mắn kiếm được “quân xanh” thay thế là Kyrgyzstan. Trận đấu với đội tuyển vùng Trung Á này dự kiến diễn ra trên sân Gò Đậu (Bình Dương) vào ngày 26-3 và bán vé cho các cổ động viên đến cổ vũ thầy trò HLV Park Hang-seo.
Bốn giải vô địch bóng đá quốc gia Trung Quốc (CSL), Việt Nam (V.League), Hàn Quốc (K.League), Nhật Bản (J.League) đều tạm hoãn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Các trận đấu trong khuôn khổ AFC Champions League diễn ra trên sân nhà các đội bóng Hàn Quốc được tổ chức nhưng không có khán giả. K.League hiện chưa thể “chốt” ngày khởi tranh mùa giải mới. Còn giải J.League hoãn đến ngày 15-3. Sau ngày đó dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì các trận đấu đỉnh cao ở Nhật tiếp tục hoãn. Tuyển U.23 Nam Phi cũng hủy trận giao hữu với tuyển U.23 Nhật Bản. Đáng chú ý là Giải Tokyo Marathon 2020 dự kiến diễn ra ngày 1-3 chỉ cho phép 167 VĐV chạy chuyên nghiệp và 30 VĐV xe lăn dự thi và từ chối 38 ngàn người “không chuyên” dù họ đã đăng ký đóng phí tham gia.
Trong bối cảnh chỉ còn 5 tháng nữa là Olympic Tokyo 2020 khai mạc, những lo âu và giải pháp phòng ngừa tối đa từ Nhật Bản là hoàn toàn dễ hiểu. Mới đây Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã hoãn buổi tập huấn cho các tình nguyện viên của sự kiện. Tính an toàn cho kỳ thế vận hội mùa hè tới là dấu hỏi lớn.
Ở tầm châu lục, Vòng chung kết giải futsal châu Á 2020 tại Turkmenistan có đội Việt Nam tham dự để tranh chiếc vé vào VCK futsal World Cup cũng hoãn vô thời hạn. CHDCND Triều Tiên cũng hủy Giải chạy marathon quốc tế Bình Nhưỡng 2020 vào đầu tháng 4.
* Châu Âu lo âu
Tại châu Âu, khi “ổ dịch” Covid-19 bắt đầu bùng lên tại vùng Lombardy, phía Bắc Italy với thủ phủ là TP.Milan, nền bóng đá xứ sở hình chiếc ủng lập tức gặp “hỗn loạn”. Liên đoàn Bóng đá Italy buộc phải hoãn 4 trận đấu ở Serie A và 42 trận đấu tại các giải trẻ, nghiệp dư để tuân thủ quy định của Chính phủ Ý trong việc phòng tránh dịch Covid-19 lây nhiễm mạnh hơn. Trận đấu khuôn khổ Europa League lượt về giữa Inter Milan với Ludogorets Razgrad ngày 28-2 cũng phải diễn ra mà không có khán giả.
Trong khi đó, khi CLB Barcelona đến Naples (miền Nam Italy) để đá với CLB Napoli ngày 26-2 trong khuôn khổ lượt đi vòng 1/8 Champions League đã phải trải qua buổi kiểm tra y tế bắt buộc ngay tại sân bay nhằm ngăn ngừa Covid-19 bởi chính quyền Italy buộc tất cả hành khách có chuyến bay đến và rời đi trên lãnh thổ nước này đều phải kiểm tra thân nhiệt.
Có 4 trong tổng số 2.500 người hâm mộ CLB Valencia đã tiến hành tự cách ly và làm thử nghiệm Covid-19 sau khi sang Milan (Italy) dự khán trận đấu Valencia - Atalanta trong khuôn khổ Champions League. Khi trở về Tây Ban Nha họ có một số triệu chứng sức khỏe khác thường.
Hiện bóng đá châu Âu “nín thở” mong dịch Covid-19 không lây lan mạnh trên toàn lục địa vì trong tình huống xấu nhất, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt giải thể thao lớn diễn ra trong mùa hè tới. Với bóng đá có trận chung kết Champions League ngày 31-5 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau đó là Vòng chung kết UEFA EURO 2020 diễn ra dàn trải trên 12 quốc gia mà trận khai mạc giải lại diễn ra tại Roma (Italy) ngày 12-6. Sẽ không gì tồi tệ hơn nếu EURO 2020 bị hoãn, dời lịch hoặc các đội phải chơi trong sân vận động không khán giả vắng lặng như tờ. Vì vậy, các tín đồ túc cầu giáo hiện chỉ còn biết cầu nguyện.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) lẫn Ban tổ chức nước chủ nhà Nhật Bản đều không đề cập đến chuyện hoãn Olympic (dự kiến khai mạc ngày 24-7 và kết thúc ngày 9-8, sau đó sẽ là sự kiện Paralympic từ ngày 25-8 đến 6-9). Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ “bảo đảm tiến trình chuẩn bị và an toàn sức khỏe cho các vận động viên, người tham dự Olympic”. |
B.L