Từ lâu, hình ảnh những nữ cán bộ y tế ngày đêm ân cần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thương với người dân. Họ có mặt ở tất cả các khâu, không ngừng cống hiến công sức, trí tuệ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của ngành Y tế...
Từ lâu, hình ảnh những nữ cán bộ y tế ngày đêm ân cần khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thương với người dân. Họ có mặt ở tất cả các khâu, không ngừng cống hiến công sức, trí tuệ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Bác sĩ Bùi Thị Hòa, Trưởng trạm Y tế xã Phước Khánh khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: K.Ngọc |
* Trăn trở với công việc
Những năm gần đây, Bệnh viện da liễu Đồng Nai đã có nhiều thay đổi tích cực từ chất lượng khám chữa bệnh đến các kỹ thuật. Trong đó, Giám đốc bệnh viện Lê Thị Thái Hà là người có đóng góp không nhỏ trong những đổi thay tích cực này.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhận xét: Lực lượng nữ của ngành Y tế rất đông, chiếm tới 70% tổng số nhân viên. Sự phát triển của ngành có công lao rất lớn của những người phụ nữ. Họ phải thực sự yêu nghề mới gắn bó lâu dài. Vất vả, áp lực là thế song những nữ cán bộ y tế vẫn nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Những hy sinh thầm lặng của họ hằng ngày, hằng giờ góp phần mang đến niềm hạnh phúc, nụ cười cho bao gia đình người bệnh. Điều này mới thật sự ý nghĩa. |
Để đưa bệnh viện phát triển trong điều kiện còn những khó khăn là điều không hề dễ dàng. Đối với lãnh đạo là phụ nữ, lại càng phải phấn đấu nhiều vì cùng lúc thực hiện nhiều vai trò. Bác sĩ Thái Hà kể, những ngày mới về làm quản lý bệnh viện, nhiều đêm chị không thể ngủ vì áp lực trong công việc. Khi đó, cả lãnh đạo và nhân viên vẫn chưa hiểu nhau, phong cách làm việc cũng khác biệt. “Mình phải làm gương trước, nói được phải làm được. Trong công việc, nếu muốn triển khai kỹ thuật mới nào, mình phải là người hiểu và làm về nó trước” - bác sĩ Thái Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Thái Hà, khi muốn triển khai bất cứ kế hoạch gì cũng cần tìm được sự đồng thuận của nhân viên. Do vậy, mỗi khi chuẩn bị thực hiện sự đổi mới nào, bác sĩ Thái Hà đều phải kiên trì thuyết phục, vận động sự ủng hộ của mọi người. Nhờ đó, bệnh viện đã có nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng nhiều kỹ thuật mới, thu hút người bệnh.
Chị Huỳnh Tú Kim, ngụ TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho hay, nhiều năm nay, chị điều trị, chăm sóc thẩm mỹ tại bệnh viện này. “Ở đây, lãnh đạo bệnh viện cũng tham gia khám chữa bệnh. Đặc biệt, từ lãnh đạo đến nhân viên đều rất nhẹ nhàng, vui vẻ và tư vấn rất kỹ. Tôi rất thích đến bệnh viện vì hiệu quả chữa trị và cả thái độ phục vụ” - chị Kim nhận xét.
Từ năm 2014, Bệnh viện da liễu Đồng Nai đã được đầu tư thêm mảng chăm sóc thẩm mỹ với nhiều loại máy móc, kỹ thuật hiện đại như: máy laser vi điểm; trị sẹo mụn, sẹo phỏng, da lão hóa, xệ da, nhăn da, đồi mồi, tàn nhang...
30 năm gắn bó với ngành Y, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, ai làm ngành Y cũng vất vả nhưng với phụ nữ sẽ vất vả hơn nhiều lần. Trước đây, khi khám phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa, bác sĩ Thanh phải ăn, ở cùng người dân suốt nhiều ngày liền.
“Đường đến các xã xa xôi như Đắc Lua của huyện Tân Phú hoặc các xã của huyện Định Quán thường rất khó khăn. Mỗi lần đến đó làm việc, mình phải ở lại, có nhiều khi không có nhà tắm để tắm. Nhưng vui là bệnh nhân rất tin tưởng, lúc nào cũng vây quanh bác sĩ. Một ngày khám đến 200 trường hợp bệnh phụ khoa và thực hiện vài chục ca triệt sản là chuyện bình thường” - bác sĩ Thanh kể.
Đến nay, theo bác sĩ Thanh, tuy công việc không còn vất vả như trước nhưng chuyện nửa đêm phải chạy từ nhà đến nơi làm việc là chuyện thường.
* Được dân tin, yêu quý
Hằng ngày, Trạm y tế xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch luôn đông người đến khám. Người dân ở đây gọi bác sĩ Bùi Thị Hòa, Trưởng trạm y tế xã Phước Khánh bằng cái tên thân thương “cô Ba”. Học xong chuyên khoa I (sau đại học), nhưng “cô Ba” vẫn gắn bó với trạm vì không muốn người dân nơi đây phải đi xa khám, chữa bệnh. Bác sĩ Hòa kể, trước năm 1992, những con đường dẫn đến trạm đều là đất đỏ “nắng bụi, mưa lầy”. Còn người dân trong xã muốn đi lại phải dùng đến ghe xuồng. Mỗi ngày chỉ có một chuyến ghe nhưng phải canh nước lớn mới đi được.
Ông Lê Văn Sỹ, người dân xã Phước Khánh chia sẻ, Trạm y tế xã đang đổi thay từng ngày. Cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện và nâng cao. “Có bệnh gì, chúng tôi cũng đều đến trạm trước vì bác sĩ, nhân viên y tế ở đây rất nhiệt tình” - ông Sỹ nói. |
Lúc trạm mới thành lập, trụ sở chưa có, trạm được bố trí “ở nhờ” nhà cha xứ trong xã. Đến năm 1992, trạm rời cơ sở ra khu đất hiện nay và đến năm 2007, trạm y tế mới được xây mới. Ngày đó, trạm chỉ có y sĩ và điều dưỡng làm việc với công tác chủ yếu là phòng chống sốt rét, dịch bệnh. Muốn đi chích ngừa cho trẻ nhỏ trên địa bàn xã, nhân viên y tế phải xách từng thùng vaccine đến tận nhà dân để tiêm. Sau này, khi trạm có bác sĩ và được đầu tư trang thiết bị y tế, người dân mới đến khám, chữa bệnh.
Hiện trạm đã được đầu tư khá nhiều trang thiết bị như: máy siêu âm màu, xe cứu thương, máy điện tim… Trung bình, trạm khám, chữa bệnh cho 30-50 bệnh nhân/ngày. Người dân ở các xã bên cạnh, cứ có bệnh là đến trạm trước. Chỉ khi trạm không điều trị được, người bệnh mới đi lên tuyến trên.
* Sự hy sinh thầm lặng
Tại Bệnh viện phổi tỉnh, y sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa A (khoa điều trị lao cho nữ giới) trong nhiều năm làm việc chưa bao giờ bị bệnh nhân phàn nàn. Trong các đêm trực của y sĩ Mai, lúc nào bệnh nhân gọi, y sĩ Mai cũng dậy đi chăm sóc cho bệnh nhân ngay, không nề hà, chậm trễ.
Bác sĩ Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện da liễu tỉnh sử dụng máy điều trị vết bớt cho bệnh nhân |
Trước khi làm việc tại Bệnh viện phổi tỉnh, y sĩ Mai đã trải qua nhiều nơi công tác, năm 2002, chính thức làm việc tại bệnh viện này. Mỗi ca trực của nhân viên y tế kéo dài 24 giờ và việc thức trắng đêm là chuyện thường xuyên tại Bệnh viện phổi tỉnh. Riêng tại Khoa B, lượng bệnh nhân lúc nào cũng đông (gần 100 ca), bệnh trở nặng thất thường lại nhiều nên nhân viên y tế trực đêm vất vả hơn. Có nhiều ca bệnh trở nặng trong đêm, trong khả năng cho phép, họ sơ cấp cứu bệnh nhân trước rồi mới có thời gian báo cho bác sĩ.
Trong một đêm trực, người nhà bệnh nhân gọi cho y sĩ Mai với giọng rất khẩn cấp vì người thân của họ bỗng nhiên không thở được khi đang ngủ. Đến giường bệnh nhân, y sĩ Mai thấy mạch đập của bệnh nhân rất yếu. Quan sát kỹ, y sĩ Mai thấy miệng của bệnh nhân bị hóp lại một cách bất thường. “Thấy vậy, tôi phải bóp miệng bệnh nhân ra, hàm răng giả nằm ngay ở cổ họng của bệnh nhân. Đây chính là lý do mà bệnh nhân gần như không thở được khi đang ngủ. Tôi vội vàng gắp hàm răng giả, rồi xoa bóp lồng ngực cho bệnh nhân. Vài phút sau, bệnh nhân tỉnh lại. Sau đó, tôi đã dặn kỹ bệnh nhân trước khi đi ngủ phải tháo răng để tránh tình trạng trên” - y sĩ Mai kể.
Dù mỗi ngày trực khá vất vả, nhân viên y tế như y sĩ Mai có thời gian thù lao trực chỉ
5-7 ngàn đồng/ngày, rồi tăng lên 25 ngàn đồng. Hiện nay, thù lao đã tăng lên 105 ngàn đồng/ngày. Dù vất vả, nhưng chưa khi nào y sĩ Mai có ý nghĩ là sẽ nghỉ, hay chuyển nghề. Chị tâm sự: “Yêu nghề mới gắn bó với nghề được!”. Thật vậy, nhiều lúc đang chăm sóc, bệnh nhân bỗng ho ra máu và phun đầy lên người chị. Trong hoàn cảnh dễ lây nhiễm như vậy, chị vẫn thầm lặng bám trụ với nghề, nhiệt tình với bệnh nhân…
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế:
Chưa có chế độ riêng cho phụ nữ ngành Y
Những nữ cán bộ ngành Y tế không những gánh vác trên vai trách nhiệm công việc mà bên cạnh đó, họ còn là những người mẹ, người vợ phải chăm sóc cho mái ấm gia đình. Họ phải trực đêm trong môi trường đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bị bạo hành từ bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Họ không được hưởng thêm bất cứ chế độ ưu đãi đặc biệt nào ngoài các chế độ chung về thai sản, nghỉ sinh như các ngành nghề khác. Vất vả, áp lực là thế song các nữ cán bộ y tế vẫn nhiệt tình; tâm huyết với công việc. Họ luôn ý thức về trách nhiệm với công việc, về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai:
Tự học cách cân đối giữa công việc và gia đình
Cùng với vai trò là những điều dưỡng, bác sĩ, chúng tôi cũng là những người mẹ. Với các ngành nghề khác, dù công việc nhiều đến mấy thì buổi tối vẫn được quây quần bên gia đình, chăm sóc chồng con. Còn người làm nghề Y phải đi trực đêm thường xuyên. Các dịp nghỉ lễ, tết, chúng tôi không được đi chơi xa cùng gia đình mà còn phải làm vất vả hơn do yêu cầu của công việc. Vì sự tiến bộ của y khoa, phải nâng cao chuyên môn, chúng tôi cũng phải học tập liên tục mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vừa đi học, đi làm và chăm sóc con là điều không hề dễ dàng nên chúng tôi cần sự hỗ trợ từ gia đình. Dường như, khi chọn nghề này, chúng tôi buộc phải tự biết cách sắp xếp chuyện gia đình, công việc chu toàn.
Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh:
Nữ y, bác sĩ luôn biết chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân
Lực lượng nữ trong bệnh viện chiếm số đông, khoảng 3/4 nhân lực của toàn bệnh viện. Họ có mặt ở tất cả các khoa, phòng và trong đội ngũ lãnh đạo của bệnh viện. Nhất là đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện thì nữ giới chiếm đông nhất. Bản tính của họ khéo léo, nhẹ nhàng, tinh tế và biết chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân. Họ giúp bệnh nhân an tâm hơn khi đối mặt với bệnh tật. Thành công của một ca điều trị, người điều dưỡng chiếm đến hơn 50%. Chúng tôi luôn quan niệm, người bệnh có tin tưởng tiếp tục chữa trị tại bệnh viện hay không là dựa vào chính lực lượng điều dưỡng.
Khánh Ngọc