Sau hơn 4 thập niên kể từ khi ra mắt lần đầu (tháng 7-1974), tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Đoàn Thạch Biền Ví dụ ta yêu nhau lại được tái bản (in lần thứ 10) do Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ và Công ty cổ phần văn hóa Huyền Đức ấn hành.
Sau hơn 4 thập niên kể từ khi ra mắt lần đầu (tháng 7-1974), tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Đoàn Thạch Biền Ví dụ ta yêu nhau lại được tái bản (in lần thứ 10) do Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ và Công ty cổ phần văn hóa Huyền Đức ấn hành.
Ví dụ ta yêu nhau là tuyển tập gồm 14 câu chuyện, được ghi tựa đồng nhất là “Ví dụ” và đánh số từ 1 đến 14. Đó là những chuyện tình yêu được kể lại với những cung bậc cảm xúc và trải nghiệm khác nhau, những chuyện tình chớm nở rồi chia xa, say nắng rồi lụi tàn hoặc chỉ còn mãi nhớ trong ký ức cả đời người... Phong cách viết giản dị, chân thành, với những câu đối đáp duyên dáng, ý nhị và không ít dí dỏm giữa hai nhân vật chính… là đặc trưng của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Tình yêu trong Ví dụ ta yêu nhau nhiều màu sắc, có hạnh phúc, có dở dang nhưng hầu hết đều mang đến sự nhẹ nhàng, ấm áp đối với người đọc và họ có thể tìm lại thanh xuân của mình. Đó chính là những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp mà dù kỷ niệm hay khổ đau, ai ai cũng từng trải qua, từng “nghe theo tiếng gọi tinh khiết nhất của con tim”.
Trong cuộc phỏng vấn đầu Xuân Canh Tý 2020 với nhà văn Đoàn Thạch Biền, ông cho rằng dù cho bối cảnh xã hội, đời sống giao tiếp, môi trường quan hệ, cách thức nói năng… thời đại ngày nay đã rất khác xưa, ông tin rằng những nhân vật, câu chuyện, tình tiết trong tác phẩm Ví dụ ta yêu nhau sáng tác từ 46 năm trước “vẫn được bạn đọc trẻ thế hệ hôm nay đồng cảm với những chuyện tình ngày xưa của tôi”. Nhà văn dẫn giải: “Bằng chứng tác phẩm đã tái bản nhiều lần. Nếu không có bạn đọc, các nhà xuất bản tái bản sách để làm gì? Ở thời trẻ của tôi, tôi vẫn “đồng cảm” được những chuyện tình kinh điển như Romeo - Juliet, Kim Trọng- Thúy Kiều, Lan - Điệp… dù chúng được viết từ rất lâu”.
14 Ví dụ ta yêu nhau là 14 câu chuyện tình yêu mang đầy đủ màu sắc của các đôi bạn “say nắng” rồi yêu nhau. Có vẻ tác giả rất giàu kinh nghiệm… yêu. Phải chăng ông viết những “ví dụ yêu” này là từ trải nghiệm của chính bản thân mình?
- Nói ví von là như thế này: tôi là người không uống được cà phê nguyên chất đậm đặc. Tôi chỉ thích uống “bạc xỉu”. Trong ly “bạc xỉu” sữa nhiều, cà phê ít. Trong tác phẩm của tôi, sữa là “tưởng tượng”, cà phê là “trải nghiệm bản thân”.
Theo ông, tình yêu có điểm chung nào vượt thời gian, thời đại không? Và điều mấu chốt cho một chàng trai chinh phục được một cô gái (hay ngược lại) là gì?
- Tôi thích quan điểm của nhà văn Saint Expéry: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Và tôi muốn thêm: “Thỉnh thoảng cũng nên nhìn vào mắt nhau, để giúp nhau lấy đi một hạt bụi”.
Vì sao trong các tác phẩm của mình, ông hay dùng ngôi “ông” và “tôi” cho hai nhân vật nam nữ trò chuyện với nhau mà không phải là “anh” và “em” quen thuộc chẳng hạn?
- Nhân vật nam của tôi thường đã lớn tuổi khi gặp nhân vật nữ. Nếu xưng hô: anh - em thì “thân mật” quá! Xưng hô: chú - cháu thì “họ hàng” quá! Tôi muốn họ xưng hô: ông - em cho “xa lạ”. Và rồi giữa hai người xa lạ đó, chuyện gì sẽ xảy ra?
Ông có rất nhiều tác phẩm trong sự nghiệp viết văn. Liệu có phải Ví dụ ta yêu nhau là tác phẩm thành công nhất, hoặc là tác phẩm ông tâm đắc nhất?
- Ví dụ ta yêu nhau là tác phẩm đầu tay của tôi. Nó giống như mối tình đầu: đẹp, vụng dại và nhiều luyến tiếc. Còn tác phẩm tôi tâm đắc là Tình nhỏ làm sao quên. Làm sao giúp hai người yêu nhau gặp được nhau “đúng lúc”, đừng quá sớm hoặc quá muộn để đổ vỡ, xa lìa không xảy ra? Đến nay, tôi vẫn loay hoay chưa trả lời được câu hỏi đó.
Được biết, ông đang viết tác phẩm mới Sắc như mắt Phượng. Vì sao sau nhiều năm ngừng viết văn, ông có cảm hứng quay trở lại sáng tác?
- Gần đây, tôi thích xem phim kinh dị dựa trên tác phẩm của nhà văn Stephen King, rồi tìm đọc tác phẩm của ông. Tôi muốn học tập ông, và viết Sắc như mắt Phượng như một truyện kinh dị. Vạn sự khởi đầu nan. Thể loại truyện kinh dị với tôi là một bắt đầu mới, nên tôi chưa biết bao giờ sẽ hoàn thành tác phẩm.
Nhiều năm qua, ông cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức khởi xướng Quỹ Mô tô học bổng được sự hưởng ứng của nhiều bạn hữu gần xa. Hoạt động này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
- Tôi thấy rằng các cháu sinh viên, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, nếu được giúp đỡ “đúng lúc”, các cháu sẽ vượt qua khó khăn để có cơ hội thành công khi vào đời. Tôi tâm đắc với cách làm của Quỹ Mô tô học bổng là chu cấp tiền cho các sinh viên học sinh nghèo định kỳ hằng tháng, lo cho đến khi các em tốt nghiệp (hiện Quỹ Mô tô học bổng đang lo cho 80 cháu như vậy). Quỹ được nhiều mạnh thường quân ủng hộ vì mục đích trên nên đã tồn tại được 8 năm (từ năm 2012). Mỗi lần đi đều có kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi đã tìm đến rất nhiều địa phương, thôn xã sâu xa trên địa bàn cả nước, trong đó có Đồng Nai. Các em tiểu học luôn vui khi nhận quà là tập vở và tiền may quần áo mới.
Tình thật, chúng tôi đã lớn tuổi, không còn năng động như trước nữa, nhưng cũng may vừa qua Ban điều hành quỹ đã bổ sung thêm các bạn trẻ cùng chí hướng tình nguyện. Nhờ sức trẻ, tin rằng quỹ sẽ hoạt động hiệu quả và năng động hơn.
Trước khi viết truyện ngắn, truyện dài, nhà văn Đoàn Thạch Biền học viết kịch bản do thầy Vũ Khắc Khoan dạy (cùng học còn có nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Lê Cung Bắc...). Ví dụ ta yêu nhau là tập truyện đầu tay của Đoàn Thạch Biền (với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh), ngay từ đó đã cho thấy “năng khiếu biên kịch” của ông được thể hiện khi viết truyện, có thể nhận thấy qua lời thoại của các nhân vật đã cuốn hút người đọc. Còn nhớ vào năm 1973 kịch bản văn học Một buổi tập kịch của Nguyễn Thanh Trịnh đoạt giải thưởng Văn học quốc gia rất uy tín về học thuật của miền Nam khi đó. Công ty văn hóa Huyền Đức chọn tái bản Ví dụ ta yêu nhau vì chúng tôi nghĩ rằng sau hơn 4 thập niên xuất hiện và được tái bản nhiều lần, tác phẩm này phần nào đã đủ độ lùi thời gian nhất định để minh chứng được chân giá trị. Thay vì in những cuốn sách chạy theo thị trường như truyện ngôn tình, chúng tôi chọn in những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ nhất định dù biết tái bản những tác phẩm đã qua sàng lọc của thời gian luôn là thách thức trong phát hành. Ví dụ ta yêu nhau viết về lứa tuổi đang yêu, mà tình yêu luôn là câu chuyện muôn đời chỉ khác nhau về hình thức biểu lộ của mỗi thời, còn bản chất luôn giống nhau. Chúng tôi hy vọng bạn đọc cảm nhận được “bản chất của tình yêu”, nhất là tình yêu của tuổi mới lớn trong tác phẩm hơn là vẻ bề ngoài của nó. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân (Phó giám đốc Công ty văn hóa Huyền Đức) |
Trung Nghĩa (thực hiện)