Vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm, tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra một lễ hội độc đáo: lễ hội Minh thề hay còn gọi là lễ hội Minh thệ (riêng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) nên tạm ngừng lễ hội).
Vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm, tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra một lễ hội độc đáo: lễ hội Minh thề hay còn gọi là lễ hội Minh thệ (riêng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) nên tạm ngừng lễ hội). Một điều đặc biệt của lễ hội này đó là thề không lấy của công làm của riêng, vì vậy, báo giới thường gọi lễ hội này là “hội thề không tham nhũng”.
Quang cảnh lễ hội Minh thề năm 2019 |
* Lễ hội độc đáo
Tương truyền, lễ hội này được sáng lập từ năm 1561 do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung của nhà Mạc đề xướng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế mở đầu triều đại nhà Mạc. Theo các sử liệu và các bài viết nghiên cứu gần đây, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã bỏ tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Ngoài ra, bà đã vận động hoàng thân quốc thích đóng góp và mua số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, chia cho dân cày và một phần làm ruộng công. Những người cấy ruộng công phải trả một phần hoa màu để làm quỹ giúp đỡ những người khó khăn, cứu đói. Thái hoàng Thái hậu cũng là người lập ra và dạy dân tổ chức lễ hội thề với nội dung chính là lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.
Lễ hội Minh thề đã được duy trì nghiêm cẩn suốt trong thời gian nhà Mạc trị vì. Ở các triều đại sau này, lễ hội vẫn diễn ra đều đặn và được truyền đến hôm nay. Vào thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh thề. Năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017, lễ hội Minh thề được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Chủ lễ là bậc cao niên có uy tín trong làng với sự tham dự của các chức sắc của làng dưới sự chứng kiến của các quan hàng tổng, hàng phủ. Nội dung của hịch văn thề: “Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”. “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt...”.
Đây thật sự là một lễ hội độc đáo, mang tính hướng thiện, tính giáo dục rất cao, nhất là đối với những người làm quan.
* Còn mãi giá trị
Trong lịch sử 65 năm trị vì ở kinh đô Thăng Long, nhà Mạc đã tạo dựng nên một xã hội thái hòa. Sử thần Lê Quý Đôn là sủng thần của nhà Lê trung hưng, nhà Lê và nhà Mạc vốn thù nghịch “không đội trời chung”. Thế nhưng khi viết Đại Việt Thông sử, Lê Quý Đôn đã không ngần ngại và thật công bình khi hạ bút về sự hưng thịnh những năm đầu trị vì của nhà Mạc: “Người đi đường không nhặt của rơi, cửa ngoài không đóng,... trâu bò thả chăn không phải đem về…”. Cũng trong 65 năm trị vì của nhà Mạc ở kinh đô, có một điều bất hạnh là các vua nhà Mạc đều mất sớm. Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã trở thành trụ cột đằng sau bức màn trướng của triều đình để điều hòa, sắp đặt mọi việc trong cấm cung. Vì vậy mà trong hậu cung nhà Mạc không hề xảy ra những biến loạn, những bi kịch như một số triều đại khác.
Gần 5 thế kỷ đã trôi qua, những lời thề thiêng liêng của lễ hội Minh thề vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Những nội dung của lời thề ở lễ hội độc đáo này vẫn còn giá trị cho hôm nay và mai sau.
Vũ Trung Kiên