Không ai hiểu được đặc trưng văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi vậy, vài năm trở lại đây nhiều người con "ưu tú" của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai vẫn ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình.
Không ai hiểu được đặc trưng văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi vậy, vài năm trở lại đây nhiều người con “ưu tú” của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai vẫn ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình.
Đội múa do chị Ka Ngọc Hương thành lập biểu diễn cùng cồng chiêng phục vụ khách du lịch tại Tà Lài, huyện Tân Phú. Ảnh: L.NA |
Tuy còn trẻ nhưng họ luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng về quảng bá hình ảnh của quê hương đến với hàng vạn trái tim du khách trong và ngoài nước.
* Những hướng dẫn viên “chân đất”
Tháng 2 là mùa lễ hội và là mùa cao điểm du lịch ở Đồng Nai. Mặc dù các hoạt động tham quan, trải nghiệm không còn nhộn nhịp vì ảnh hưởng của dịnh Covid-19 nhưng vẫn có vài nhóm khách thích khám phá tìm đến các khu du lịch sinh thái rừng ở Đồng Nai. “Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì mùa này du khách đến Vườn quốc gia Cát Tiên đông lắm” - Ka Tuyền, hướng dẫn viên “tay ngang” người Mạ (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) cho biết. Nói thì nói vậy nhưng Ka Tuyền vẫn luôn có lịch đón những đoàn khách đến Tà Lài vào cuối tuần, dẫu không đông lắm.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú Nguyễn Thanh Tâm cho biết: Trước đây, khi đến với huyện Tân Phú, du khách thường chỉ biết đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, du lịch Tân Phú đã có sự khởi sắc, thay đổi hoàn toàn, lượng khách đến ngày càng tăng nhanh và vượt bậc, nhất là vào dịp lễ, tết và cuối tuần. Huyện Tân Phú ngày nào còn lưa thưa hàng quán, nhà hàng, khách sạn nay bỗng chốc dày đặc các loại hình phục vụ du lịch (trong đó có hơn 68 cơ sở lưu trú gồm 836 phòng, hơn 50 quán ăn, 10 nhà hàng, 4 điểm du lịch, 13 cơ sở dịch vụ vận tải khách du lịch…). |
Với ước mơ phát triển du lịch trên chính quê hương, Ka Tuyền (sinh năm 1993) đã bắt đầu công việc của mình từ làm tạp vụ cho Công ty cổ phần du lịch Nam Cát Tiên. Cô mang trong mình dòng máu Mạ và S’tiêng, kết hôn sớm nhưng sau đó chấp nhận làm mẹ đơn thân. Chưa có kiến thức, chưa có kinh nghiệm trong du lịch, Ka Tuyền đành mày mò trên mạng, tích cực học tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi với khách mỗi khi rảnh rỗi. Số tiền lương ít ỏi cô dành nuôi con và một phần trích lại thi thoảng cùng con gái đi đến các khu du lịch ở miền Bắc, Tây nguyên, miền Tây vừa trải nghiệm vừa học tập kinh nghiệm.
Bởi sự tiến bộ trong giao tiếp và linh hoạt trong công việc mà chỉ 1 năm sau năm cô được điều chuyển lên vị trí lễ tân. Từ vị trí này, cô giao tiếp nhiều hơn với khách. Đặc biệt vào những ngày cao điểm hoặc những lúc rảnh rỗi, khách du lịch có yêu cầu người bản địa dẫn đoàn, cô trực tiếp làm hướng dẫn viên. Ka Tuyền chia sẻ, cơ duyên khiến cô gắn với công việc liên quan đến du lịch cũng rất tự nhiên.
“Ban đầu gặp khách mình cũng ngại, không dám bắt chuyện. Nhưng rồi mình thấy mọi người có nhiều thắc mắc về vùng đất này, mình dần mạnh dạn hơn, chẳng còn ngại hay sợ gì nữa. Mình thường đi tour vào cuối tuần, hay dịp lễ. Làm ít mà được nhiều, học và biết được nhiều thứ hay ho” - Ka Tuyền chia sẻ.
Cũng như Ka Tuyền, Ka Ngọc Hương - cô gái người Mạ ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú cũng có niềm đam mê du lịch từ nhỏ. Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên “không chuyên” và là nhóm trưởng nhóm múa của gần 30 thành viên đều là người Mạ ở xã Tà Lài, nhóm múa của Ngọc Hương thường xuyên biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, chương trình văn nghệ của xã, huyện và của tỉnh; giao lưu phục vụ khách du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Có lợi thế về ngoại ngữ, Ka Ngọc Hương giao tiếp tốt với người nước ngoài. Cô được nhận vào làm việc tại Nhà dài Tà Lài và thỉnh thoảng đi tour, hướng dẫn khách trải nghiệm rừng, cùng nhóm múa biểu diễn văn nghệ theo yêu cầu hoặc lời mời của du khách. “Còn nhớ lần đầu tiên nhận lời mời biểu diễn, nhóm múa của tôi còn vụng về, sợ khách không ưng bụng. Vậy nhưng kết quả ngược lại, chúng tôi được chào đón rất nhiệt tình. Hơn 10 năm nay, chúng tôi duy trì được hoạt động này, tạo được điểm nhấn, thu hút đông du khách hơn” - Ngọc Hương tâm sự.
Cũng theo Ka Ngọc Hương, hầu hết du khách khi đến Tà Lài đều rất thích tìm hiểu văn hóa truyền thống như tham quan nhà sàn, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm; sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc, ăn những món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, thưởng thức rượu cần… Đặc biệt, họ rất thích cùng bà con múa hát, biểu diễn cồng chiêng và đốt lửa trại. Chính nét văn hóa đặc sắc này đã tạo thêm sức hút mãnh liệt cho vùng đất Tân Phú giàu tiềm năng du lịch.
* Quảng bá hình ảnh quê hương
Không chỉ ở huyện Tân Phú mà tại các huyện như: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh… trong vùng đồng bào dân tộc cũng đã thành lập những nhóm múa, đội cồng chiêng chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Nổi bật là đội cồng chiêng dân tộc Chơro (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) do già làng Hùng Văn Xứng làm đội trưởng. Đội cũng thu hút 12 bạn trẻ là học sinh có độ tuổi từ 10-15 là con cháu của những thành viên trong đội tham gia múa phụ họa mỗi khi đi diễn.
Chị Ka Tuyền giới thiệu văn hóa của người Mạ đến du khách. Ảnh: L.NA |
Già Hùng Văn Xứng cho biết: Bản thân già rất vui mừng khi cồng chiêng của đồng bào dân tộc được các cấp chính quyền quan tâm. Hằng tuần cứ vào tối thứ bảy và chủ nhật, bà con tập hợp nhau lại tại Nhà văn hóa ấp để tập luyện. Người trẻ tham gia ngày càng đông. Thỉnh thoảng có những đoàn khách du lịch, bà con lại tham gia biểu diễn, du khách có hỏi gì, bà con trả lời nấy. Đó thực sự là cơ hội để bà con giới thiệu nét đặc trưng về cuộc sống, phong tục tập quán của mình. Từ đó cũng góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương.
Thomas - một du khách đến từ Đức cảm nhận: “Văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam rất đặc sắc. Ở đất nước của chúng tôi, âm nhạc cũng như các loại nhạc cụ cần rất nhiều thời gian để thẩm thấu. Tài nghệ đánh cồng chiêng của các cụ già, kỹ năng múa của các bạn trẻ hết sức đặc sắc và độc đáo. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với sự mến khách của các hướng dẫn viên địa phương, họ giúp chúng tôi hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam…”.
Ly Na