Ông Ngô Đắc Thuần (David Ngô) là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tại các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trên thế giới. Ông hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, chủ tịch Tập đoàn Ipplus.
Ông Ngô Đắc Thuần (David Ngô) là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tại các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trên thế giới. Ông hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, chủ tịch Tập đoàn Ipplus.
Theo chuyên gia David Ngô, DN, nhất là DN về công nghệ muốn tiến ra thế giới cần đặc biệt quan tâm đến sở hữu trí tuệ (SHTT). Đồng thời, để chương trình khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo mà Việt Nam đang đeo đuổi đạt được kết quả tốt, phải có sự thay đổi ngay từ khâu đào tạo và tổ chức các cuộc thi, dự án khởi nghiệp.
Nhiều DN vẫn… thờ ơ
* Thưa ông, SHTT là tài sản vô hình của DN nhưng lại có vai trò rất quan trọng, cụ thể về vấn đề này là gì?
- Mỗi DN, bất kể ở ngành nghề nào cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền SHTT. SHTT có thể hỗ trợ DN mọi khía cạnh, từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính, xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh… Khi sử dụng quyền SHTT của người khác, bạn phải xem xét việc mua chúng hoặc sử dụng các quyền đó thông qua chuyển nhượng, nếu không sẽ dẫn tới tranh chấp.
Tại Việt Nam, chúng ta vẫn thường đánh giá DN dựa trên tài sản hữu hình như: vốn, đất đai, tài sản… nhưng trên thế giới xu hướng đã thay đổi. Nhiều DN khởi nghiệp hàng đầu không đi lên bằng tài sản hữu hình như vậy mà bằng tài sản vô hình như: thương hiệu, phát minh sáng chế… Chính những tài sản vô hình này tạo nên sức sống, tương lai của DN.
David Ngô từng giành được học bổng Intel Scholarship sau khi tốt nghiệp Trường đại học bách khoa tại Việt Nam. Ông làm việc tại Intel và một số tập đoàn lớn khác tại Mỹ trước khi chính thức trở thành chuyên gia tư vấn, đào tạo về các giải pháp, sáng kiến và sáng chế như hiện nay. Lĩnh vực chuyên môn của ông tập trung vào tư vấn giải các bài toán liên quan đến sáng tạo, sáng chế, công nghệ lõi… Ông hiện đang tư vấn cho các DN lớn như: Vingroup/Vintech, Viettel, FPT, VNPT Technology, Vinamit, Merap, Dược Hậu Giang… Ngoài ra, David Ngô còn rất tích cực trong hoạt động đào tạo, tư vấn chiến lược kinh doanh cho các bạn trẻ trong các ngành công nghệ, đặc biệt trong khía cạnh đổi mới - sáng tạo. |
* Như vậy, nhiều DN ở Việt Nam vẫn chưa chú trọng những vấn đề này?
- Quả thực, những giá trị vô hình như vậy dường như chưa được DN quan tâm thỏa đáng. Một bằng chứng là chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển (R&D) của chúng ta thuộc nhóm thấp nhất khu vực, mà R&D lại là chỉ số cho sự sáng tạo của nền kinh tế.
Rất ít DN nhận thức rõ việc đăng ký quyền SHTT, nó sẽ bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình khỏi việc bị “đạo nhái”. Điều đáng buồn hơn nữa là nhiều cá nhân khởi nghiệp ở Việt Nam đang không có kinh nghiệm về đăng ký quyền SHTT. Tôi từng gặp gỡ, chấm thi cho nhiều bạn trẻ tại các cuộc thi khởi nghiệp. Nhưng rất, rất nhiều bạn khi giới thiệu ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp đều không hề đăng ký quyền sở hữu trước đó. Điều này khiến họ có nguy cơ đánh mất đi ý tưởng của mình vào tay các nhà đầu tư. Do vậy, các bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp cần hợp tác, tham khảo chuyên gia tư vấn về quyền SHTT để hỗ trợ vượt qua những khó khăn trên.
* Sự thiếu hiểu biết của DN vô hình trung đẩy họ đến rủi ro?
- Chính xác là như vậy, từ một ý tưởng, để triển khai nó không hề dễ dàng. Đặc biệt là khi DN của bạn đã bắt đầu gặt hái được các kết quả, khi đó bạn phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng như: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp bị sao chép, làm giả, làm nhái nhưng không có cách nào bảo vệ. Nặng nề có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản.
Hoặc bạn cũng có thể bị thưa kiện vì vi phạm sáng chế của người khác. Trong thế giới ngày càng phẳng và kinh tế hội nhập, nguy cơ này không còn xa rời mà hiển hiện ngay trước mắt. Ngoài ra, với một ý tưởng mới, công nghệ do mình phát triển, khi gọi vốn sẽ không thể định giá cao DN của mình do không có gì chứng minh ngoài đội ngũ tâm huyết…. Nếu có bằng sáng chế trong tay, giá trị khác hẳn.
* Để giải quyết nó, DN phải làm gì, thưa ông?
- Đơn giản là hãy biến cái vô hình thành hữu hình. Giải pháp “rẻ” nhất có lẽ là đăng ký các bằng sáng chế (invention/patent) được pháp luật quốc tế công nhận và bảo vệ. Trước khi bắt tay vào một dự án, hãy xem trước đó, nó đã được thế giới giải quyết như thế nào. Sau đó mới quyết định mua bản quyền sáng chế (licensing) và phát triển tiếp hay là tạo ra sáng chế mới dựa trên những sáng chế có sẵn rồi đăng ký bản quyền, biến nó thành tài sản hữu hình thuộc quyền sở hữu riêng của mình.
Một lời khuyên chân thành là nên xin bằng sáng chế của các nước phát triển, bởi nó sẽ là “giấy thông hành” cho sáng tạo Việt. Nếu có bằng sáng chế của Mỹ thì khả năng kinh doanh, kêu gọi vốn sẽ cao hơn, chuyện làm hàng nhái, hàng giả cũng khó xảy ra.
Một phần trình bày của thí sinh tại vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2019 |
Phải thay đổi ngay từ khi định hướng, đào tạo khởi nghiệp
* Có một thực tế là rất nhiều người trẻ và dự án khởi nghiệp của Việt Nam khá mơ hồ, hay thậm chí “ảo tưởng” với chính mình. Cá nhân ông và DN của mình có thể có những trợ giúp gì?
- Tất nhiên nếu các bạn có khó khăn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Chúng tôi có chương trình gửi sinh viên Việt Nam qua các công ty của các nước trên thế giới. Điều này giúp sinh viên không còn “cưỡi ngựa xem hoa” mà thực tập tại chính các DN Việt kiều và các hãng, các tập đoàn lớn. Từ đó, sinh viên sẽ nhận được đề tài từ chính các hãng đưa ra, sau đó có thể dùng nó để khởi nghiệp, thương mại hóa ý tưởng của mình, thay vì các đề tài lý thuyết suông. Tuy nhiên, đây là chương trình khắt khe vì phải lựa chọn.
Còn đối với người trẻ khởi nghiệp, hoặc đang xây dựng dự án mà còn khá mơ hồ về dự án của mình thì cũng hãy liên hệ với chúng tôi. Vì đã có thời gian làm việc ở một số tập đoàn về công nghệ, sáng tạo nên tôi cũng có sự am hiểu. Trong tay tôi có hàng trăm tài liệu về phát minh, sáng chế của nước ngoài nên có thể là một kênh tham khảo, đối chiếu để các bạn chọn lựa. Tránh đi vào những đề tài mà quốc tế đã rất thành công, chúng ta đi sau không đấu lại. Và cũng có những đề tài, dự án khởi nghiệp sáng tạo nhưng không thành công, các bạn tránh không phạm phải sai lầm.
* Làm thế nào để “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” không chỉ là phong trào, thưa ông?
- Theo tôi, khởi nghiệp sau phong trào là phải đi vào thực chất, đặc biệt đối với khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo. Mặc dù thế nào là khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo thì lại chưa được “mổ xẻ” nhiều. Ngay cả một số giảng viên, giám khảo tại các cuộc thi khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thiếu cả kiến thức về vấn đề này. Nhiều vị giám khảo tại các cuộc thi thường chấm điểm theo cảm tính và phần nhiều là kinh nghiệm, hoặc thấy na ná như những mô hình đã có kết quả thì được điểm cao. Sáng tạo nó phức tạp hơn thế nhiều, bởi đa phần các mô hình trên thế giới sở dĩ thành công là đã nghĩ ra những điều chưa ai nghĩ, làm những điều chưa ai làm. Nhưng để làm được điều đó là cả một sự tích lũy lâu dài.
Một điều nữa tôi muốn nói đến ở đây, đội ngũ giám khảo, giảng viên đào tạo, chấm thi các chương trình khởi nghiệp trước hết phải tự nâng cấp chính mình. Các cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới - sáng tạo cũng cần thực chất. Muốn được như vậy, ngay từ chính quyền phải có sự xác định rõ, đổi mới sáng tạo không phải là khởi nghiệp, lập nghiệp đơn thuần mà có tính sáng tạo, hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ rất cao. Do vậy, bất kỳ việc phát động một cuộc thi, chương trình nào, đã mang tên “đổi mới - sáng tạo” thì phải kỹ lưỡng ngay từ đầu.
* Xin cảm ơn ông!
Đào Lê (thực hiện)