Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn văn hóa qua những tên đường

08:02, 14/02/2020

Biên Hòa - Đồng Nai, vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển với những con đường, ngõ phố đã đi vào thơ ca, huyền thoại. Tên đường và các công trình công cộng không chỉ mang nét đặc trưng lịch sử, văn hóa, văn minh đô thị mà còn rất quan trọng trong việc quản lý hành chính, quản lý đô thị và công tác địa chí.

Biên Hòa - Đồng Nai, vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển với những con đường, ngõ phố đã đi vào thơ ca, huyền thoại. Tên đường và các công trình công cộng không chỉ mang nét đặc trưng lịch sử, văn hóa, văn minh đô thị mà còn rất quan trọng trong việc quản lý hành chính, quản lý đô thị và công tác địa chí.

Một góc đường Nguyễn Ái Quốc  giao với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa)
Một góc đường Nguyễn Ái Quốc giao với đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Biên Hòa)

Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, ở Đồng Nai có rất nhiều đường phố được đặt theo tên các danh nhân, những người anh hùng có công lớn trong việc khai phá và bảo vệ vùng đất. Thế nhưng, không phải ai cũng am hiểu lịch sử, văn hóa để có thể dễ dàng nói vanh vách về những tên đường.

* Tên đường - một cách vinh danh

Theo các nhà nghiên cứu, Sài Gòn là đô thị đặt tên đường phố sớm hơn cả. Sau khi thực dân Pháp xác lập được sự cai trị của mình ở Nam Kỳ, Sài Gòn (cùng với Chợ Lớn) trở thành không gian đô thị phát triển mạnh mẽ nhất. Ban đầu, nhà cầm quyền giao cho một sĩ quan có trình độ trong đạo quân viễn chinh lập bản đồ quy hoạch đầu tiên của thành phố. Quy hoạch ấy mang tên tác giả (Flynn) đặt cho những con phố đầu tiên được thiết kế bằng chữ số. Sau Cách mạng Tháng Tám, các dấu tích thực dân được thay thế bằng những giá trị của dân tộc.

Theo TS.Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Đồng Nai), Đồng Nai là địa phương có bề dày văn hóa, lịch sử nên tên đường phố là một phương diện thể hiện bản sắc văn hóa đó. “Tôi cho rằng, việc đưa tên nhiều danh nhân có công trạng được ghi nhận vào tên đường sẽ giúp người dân, học sinh và giới trẻ nói chung tiếp nhận dễ dàng hơn. Đặc biệt là việc gắn bảng chú thích là việc làm cần thiết và nên nhân rộng để mỗi người dân hay du khách khi đến với Đồng Nai sẽ có được những thông tin bổ ích, hiểu thêm về lịch sử địa phương” - TS.Nguyễn Văn Quyết nói.

Ở Đồng Nai, việc đặt tên đường phố theo tên các danh nhân có công lớn đối với quê hương, đất nước hoặc những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước luôn được quan tâm hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên, những người có trách nhiệm lại lấy tên A (thay vì tên B) để đặt cho con đường mà bởi ngoài ý nghĩa quan trọng, tên đường còn mang sứ mệnh truyền tải thông tin đến người dân. Điều này đã được thể hiện thông qua việc sử dụng tên các danh nhân, anh hùng, văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa như: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Trần Công An, Huỳnh Văn Nghệ, Lê A...

Xét dưới khía cạnh tạo bản sắc thì tên đường ở Biên Hòa - Đồng Nai đã phần nào phản ánh được những nét đặc trưng riêng. Nếu không để ý, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, tên đường ở Đồng Nai được sắp xếp ngẫu nhiên song kỳ thực, nhiều đường được tuân theo những quy tắc, trong đó, mỗi cụm ứng với một giai đoạn lịch sử nhất định. Chẳng hạn, khu vực Công viên Biên Hùng gắn với các tên đường 30-4, Cách Mạng Tháng Tám, Hà Huy Giáp; khu vực Văn miếu Trấn Biên có đường Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Chu Văn An; hay như đường Nguyễn Thị Tồn giao nhau với đường Bùi Hữu Nghĩa… Dù kiến thức lịch sử, văn hóa chưa nhiều nhưng người dân cũng có thể đoán chừng được xuất xứ của danh nhân được đặt tên cho con đường đó.

Ông Trần Quang Toại, Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai cho rằng, việc đặt tên đường kèm những bảng tóm tắt là việc làm hay, có ý nghĩa rất thiết thực, là nét đẹp trong văn hóa của một vùng đất và của cả một dân tộc. Nó không chỉ gợi về quá khứ hào hùng của dân tộc gắn với những vị danh nhân mà còn có tác dụng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. “Tên đường, tên phố cũng là góc thể hiện lịch sử của một vùng đất hơn 320 tuổi, giàu truyền thống văn hóa. Đây cũng là cách học sử gần gũi, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người” - ông Toại nhận xét.

Thực tế, đã có rất nhiều tên đường không phải ai cũng biết, cũng tường tận. Tuy nhiên, nếu có dịp tìm hiểu ta sẽ có một cảm giác khám phá và thích thú, đồng cảm và tự hào về họ. Đây là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ học tập, noi theo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

* Cần nhân rộng…

Đồng Nai là một trong những tỉnh trên cả nước đi đầu trong việc gắn bảng tên đường giới thiệu tóm tắt ở điểm đầu tiên của mỗi con đường. Trên nhiều tuyến phố ở Biên Hòa, những biển ghi tên đường thường đính kèm theo thông tin tóm tắt về ngày sinh, ngày mất cùng thân thế, sự nghiệp, công trạng của các danh nhân, anh hùng dân tộc. Chẳng hạn: Dương Tử Giang, liệt sĩ cách mạng, nhà văn, nhà báo cách mạng ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; hy sinh trong cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp (2-12-1956).

Đường Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964) có chú thích là chiến sĩ biệt động cách mạng, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ; hay Hưng Đạo Vương (1230-1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn, Anh hùng dân tộc trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII… Cùng với quá trình đô thị hóa, việc đặt tên đường hiện nay dựa theo nhiều nguyên tắc, tiêu chí, quy trình được hình thành từ việc xây dựng quỹ tên, xây dựng nội dung xét định kỳ, hội đồng thẩm định... rất chặt chẽ, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa dân chủ khi có ý kiến của người dân nơi sử dụng địa danh đó.

Tất nhiên, trong quá trình đặt tên đường và lập bảng tóm tắt sẽ diễn ra nhiều vấn đề phát sinh. Chúng ta nhìn trường hợp đường Nguyễn Văn Hoa (TP.Biên Hòa) giao với đường Phạm Văn Thuận là một ví dụ. Thoạt đầu, nhiều người cho rằng tên đường rất xa lạ, khó tìm và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tên đường này. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn tên và bảng chú thích ngắn gọn với dòng chữ Anh hùng lực lượng vũ trang, dần dần tên đường đã được nhiều người biết đến và đi vào đời sống một cách tự nhiên.

Ly Na

 

Tin xem nhiều