Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ngã ba, ngã tư ở Biên Hòa

10:02, 21/02/2020

Tại TP.Biên Hòa có tên gọi của những ngã ba, ngã tư đã tồn tại qua bao biến thiên của lịch sử. Mỗi tên gọi đều gắn liền với một đặc điểm riêng nhưng có một điểm chung là sự trường tồn mà chỉ cần thoáng nghe, mỗi người dân đã từng gắn bó với vùng đất này đều có thể dễ dàng xác nhận: "Đó là Biên Hòa".

Tại TP.Biên Hòa có tên gọi của những ngã ba, ngã tư đã tồn tại qua bao biến thiên của lịch sử. Mỗi tên gọi đều gắn liền với một đặc điểm riêng nhưng có một điểm chung là sự trường tồn mà chỉ cần thoáng nghe, mỗi người dân đã từng gắn bó với vùng đất này đều có thể dễ dàng xác nhận: “Đó là Biên Hòa”.

Ngã tư Vườn Mít hiện nay (tên gọi Vườn Mít được hình thành do ngày xưa nơi đây có những vườn trồng cây mít)      Ảnh: Q.NHI
Ngã tư Vườn Mít hiện nay (tên gọi Vườn Mít được hình thành do ngày xưa nơi đây có những vườn trồng cây mít). Ảnh: Q.NHI

* Nghe tên gọi, biết Biên Hòa

Biên Hòa - Đồng Nai có lịch sử hình thành và phát triển hơn 320 năm, trong suốt chiều dài lịch sử đó, nhiều địa danh đã hình thành và trở thành “biểu tượng” của vùng đất này. Cho đến ngày nay, rất nhiều địa danh, trong đó có tên gọi của những ngã ba, ngã tư dù đã ra đời từ rất lâu nhưng vẫn còn được lưu giữ. Để rồi, với mỗi người dân Biên Hòa dù đang gắn bó hay đã rời xa quê hương, chỉ cần nghe tên là ngay lập tức nhớ về Biên Hòa.

“Việc duy trì, phát triển và lưu giữ các địa danh cũ như lưu giữ một phần hồn cốt giá trị xưa tuy rất cần thiết, nhưng khó có thể áp đặt với một bộ phận khá đông những người thuộc thế hệ sau” - nhà văn Nguyễn Thái Hải nêu quan điểm.

Nói về tên gọi của các ngã ba, ngã tư tại Biên Hòa, nhà văn Nguyễn Thái Hải, người đã có hơn 60 năm cuộc đời gắn bó với mảnh đất này cho rằng, giống như nhiều nơi khác trên mảnh đất phương Nam, người Biên Hòa xưa cũng thường dựa vào những hình ảnh nổi bật tại khu vực đó để “định danh” tên gọi, trong đó có tên gọi của các ngã ba, ngã tư. “Tôi cho rằng đây là một nét văn hóa dân gian đặc biệt của phương Nam”- nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ.

Ví như tên gọi ngã ba Máy Cưa (nay là khu vực giao nhau giữa đường Phạm Văn Thuận và đường Nguyễn Văn Hoa). Theo ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, từ năm 1907, khu vực này là nơi đóng chân của một công ty lâm nghiệp và rừng của Biên Hòa. Đến năm 1912, thực dân Pháp khánh thành đưa vào hoạt động một nhà máy cưa xẻ gỗ để phục vụ cho việc khai thác gỗ xuất khẩu. Từ đó, hình ảnh nhà máy cưa trở thành hình ảnh đặc trưng của khu vực này. Cũng chính vì thế cư dân khu vực lúc bấy giờ cũng dùng luôn tên gọi “Máy Cưa” để đặt cho ngã ba đường tại đây. “Ngã ba Máy Cưa là ngã ba nơi có nhà máy cưa”- ông Trần Quang Toại cho hay.

Hay như ngã ba Thành (nay là đoạn giao nhau giữa đường Hưng Đạo Vương và đường Phan Đình Phùng) cũng được “định danh” với hình ảnh thành cổ Biên Hòa, hay còn gọi là thành Kèn.

Khi không có những công trình kiến trúc, những công xưởng làm hình ảnh tiêu biểu để định danh, người Biên Hòa xưa lại dựa vào một đặc điểm nổi bật nào đó để gọi tên.

Trường hợp tên gọi ngã tư Vườn Mít là một ví dụ tiêu biểu. Theo ông Trần Quang Toại, xưa khu vực ngã tư Vườn Mít (nút giao đường Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận và 30-4) trồng rất nhiều cây mít và cao su. Do đó, tên gọi ngã tư Vườn Mít xuất phát từ việc có nhiều cây mít được trồng tại khu vực này.

Tương tự, ngã ba Cây Chàm (hiện nay là nơi giao nhau giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Hồ Văn Đại) cũng được đặt tên bởi trước đây khu vực này có trồng loại cây chàm. Tên gọi “Cây Chàm” không chỉ được đặt tên cho ngã ba ở đây mà cũng trở thành tên của một khu chợ nhỏ cho đến nay vẫn còn hoạt động.

* Sức sống của những tên gọi

Hầu hết tên gọi của các ngã ba, ngã tư tại Biên Hòa hiện nay đều đã có “tuổi đời” từ hàng chục cho đến hàng trăm năm. Trải qua nhiều sự biến thiên của lịch sử và quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa, nhiều hình ảnh vốn là biểu tượng tạo ra tên gọi của các ngã ba, ngã tư đã không còn tồn tại.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho rằng, trong quá trình phát triển, các địa danh đương nhiên có sự thay đổi. Đây là điều khó tránh khỏi.

Nhà máy cưa vốn là khởi nguồn cho tên gọi ngã ba Máy Cưa hiện cũng đã không còn tồn tại. Hay như những vườn mít, cây chàm, những loại cây trồng đã hình thành nên tên gọi của những ngã ba, ngã tư này cũng đã không còn. Thay vào đó, những công trình xây dựng, nhà cửa đã hiện hữu để thay thế cho những vườn mít, cây chàm xưa. Dù nhiều công trình, không gian vốn là hình ảnh làm nên tên gọi của các ngã ba, ngã tư đã không còn qua quá trình phát triển đô thị nhưng những tên gọi xưa mà người Biên Hòa đã định vẫn có sức sống mãnh liệt.

Không chỉ những người Biên Hòa sống cùng thời với sự ra đời của những địa danh này mà ngay cả những người trẻ hiện nay cũng vẫn sử dụng những tên gọi đó trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, cũng có không ít những lo ngại về sự “mai một” của những tên gọi vốn được xem là một phần “hồn cốt” của Biên Hòa - Đồng Nai trong dòng phát triển ngày càng nhanh và mạnh hiện nay. Lo ngại về một ngày, những người trẻ về sau sẽ trở nên xa lạ với những tên gọi vốn quen thuộc này.

Cũng bởi vậy nên theo ông Trần Quang Toại, nên chăng cần cân nhắc để sử dụng những tên gọi “giàu giá trị” này để đặt tên cho những con đường tại các khu vực trên. Hay phương án khác là những người quản lý cần có những bảng thuyết minh nhỏ về những tên gọi của các ngã ba, ngã tư tại nơi nó vẫn đang hiện hữu. Đó cũng chính là cách đơn giản nhất để có thể gìn giữ, phát huy và tạo sức sống cho những tên gọi vốn đã trở thành thương hiệu của Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm tuổi.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều