Để trào lưu "sống xanh" không rơi vào tình cảnh "sớm nở tối tàn", thực sự mang lại hiệu quả lâu dài thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, cần có thêm nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng sáng tạo, trực quan để giới trẻ dễ dàng cảm nhận và hình thành các thói quen thân thiện với môi trường.
Để trào lưu “sống xanh” không rơi vào tình cảnh “sớm nở tối tàn”, thực sự mang lại hiệu quả lâu dài thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, cần có thêm nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng sáng tạo, trực quan để giới trẻ dễ dàng cảm nhận và hình thành các thói quen thân thiện với môi trường.
Học sinh và giáo viên Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi (huyện Tân Phú) tự tay trồng và chăm sóc vườn cây, khóm hoa trong khuôn viên trường. Ảnh: Chí Tâm |
* Tạo sự hứng thú, gần gũi
Trên thực tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên đối với giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng đã được nhiều trường học, các đơn vị, tổ chức liên quan tích hợp, lồng ghép vào chương trình học, các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, để công tác này thực sự phát huy hiệu quả vẫn cần sự sáng tạo, trực quan hơn nữa.
Cô Nguyễn Thị Ngoan, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi (huyện Tân Phú) cho biết, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng việc hình thành thói quen “sống xanh”, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên cho học sinh. Với đặc thù là một trường ở huyện miền núi, nhà trường có những hoạt động, chương trình cụ thể, đặc thù để giúp các em từng khối lớp háo hức với các hoạt động bảo vệ môi trường như: xây dựng công trình măng non là các khu vườn “của nhà trồng được” với những khóm hoa, chậu cây do chính giáo viên và các em học sinh mang tới trường để trồng và chăm sóc; tổ chức cuộc thi vẽ tranh sáng tạo về môi trường thường niên; hình thành thói quen phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ cho học sinh…
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT chia sẻ, mỗi dự án về đổi mới, sáng tạo trong giáo dục cần được áp dụng ở mỗi trường, mỗi địa phương theo kế hoạch tổ chức, phương pháp, đối tượng học sinh khác nhau một cách phù hợp.
Đơn cử, có thể áp dụng các dự án về nông nghiệp sạch gắn liền với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, dự án tiết kiệm điện trong trường học, dự án xử lý rác làm phân xanh, phân loại rác… Các dự án cần gần gũi, thiết thực, không áp đặt, rập khuôn để học sinh cảm thấy thoải mái, háo hức, phát huy được tính sáng tạo, đam mê của bản thân.
* Cần sự chung tay…
Các trào lưu tiêu dùng xanh đang được giới trẻ nói riêng và người tiêu dùng nói chung quan tâm, hào hứng đón nhận, góp phần thay đổi dần thói quen tiêu dùng sử dụng bao bì ny-lông đang phổ biến hiện nay. Do đó, các cơ quan chức năng cần có thêm những trợ lực, chính sách để khuyến khích mô hình này.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các phương án, kế hoạch phát triển các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên…
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam nhận định, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh. Để nâng cao nhận thức và hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ ở tất cả thành phần tham gia du lịch, từ các cấp lãnh đạo, nhà quản trị doanh nghiệp cho đến cộng đồng làm du lịch và du khách. Trong đó, cần chú trọng các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức của giới trẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chia sẻ, để chủ động giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo các thói quen “sống xanh”, thân thiện với môi trường cần có sự chung tay của mọi tầng lớp trong xã hội. Mỗi hành động nhỏ vì môi trường của mỗi người sẽ mang lại một ý nghĩa, hiệu ứng thiết thực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và mỗi người dân trong thu gom, phân loại, tái chế, sử dụng chất thải...
Hoàng Hải