Bữa cơm và bếp ăn gia đình không chỉ là không gian sinh hoạt chung, nơi các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức món ngon, chia sẻ gắn kết các thành viên trong gia đình mà còn thể hiện rõ truyền thống văn hóa đặc sắc của người Việt.
Bữa cơm và bếp ăn gia đình không chỉ là không gian sinh hoạt chung, nơi các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức món ngon, chia sẻ gắn kết các thành viên trong gia đình mà còn thể hiện rõ truyền thống văn hóa đặc sắc của người Việt.
Các thành viên thuộc 4 thế hệ của gia đình chị Thuý Hòa (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) quây quần bên bữa cơm tối. Ảnh: L.Viên |
* Món ngon mẹ nấu
Ngày nay trong xã hội hiện đại, vai trò của nam giới trong đời sống gia đình đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nam giới chia sẻ gánh nặng với phụ nữ trong việc nội trợ, cũng như chăm sóc con. Tuy vậy, phụ nữ vẫn là người đóng vai trò chính trong tổ chức các bữa cơm gia đình. Để có những bữa cơm ngon, giàu dinh dưỡng, hợp khẩu vị của các thành viên trong gia đình, người phụ nữ cũng phải dụng công trong việc lên thực đơn, mua nguyên liệu đảm bảo, chế biến và trình bày món ăn.
Bà Trần Chi (ngụ phường Hóa An, TP. Biên Hoà) cho hay: “Từ ngày lập gia đình tới nay khoảng 40 năm, gia đình tôi luôn có quy tắc là làm gì thì làm, nếu không có việc đột xuất thì mỗi ngày 2 bữa cơm trưa, chiều đều được nấu, bày biện lên bàn và các thành viên cùng nhau ăn. Muốn vậy cũng phải sắp xếp thời gian để đi chợ, nấu nướng, đảm bảo thời gian dùng bữa theo giờ làm của các con, giờ học của cháu”. Để có bữa ăn ngon, có khi bà Chi phải đi chợ sớm, đi siêu thị mua thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, suy nghĩ đổi khẩu vị cho các thành viên. Nay vợ chồng bà đều đã về hưu, có thời gian rảnh rỗi, nên tận dụng khoảnh đất trống sau nhà trồng rau xanh, tăng thêm nguồn rau sử dụng.
Bà Trần Chi cho hay, ngày nay các chương trình truyền hình về ẩm thực internet, mạng xã hội phát triển đã hỗ trợ cho bà và các con của bà rất nhiều trong việc nội trợ như: các kiến thức về dinh dưỡng, gợi ý thực đơn hằng ngày, thực đơn theo mùa, thực đơn cho từng đối tượng (cho trẻ ăn dặm, cho người muốn tăng cân, người bị bệnh cao huyết áp…). Ngoài ra, người nội trợ cũng không khó để có thể tìm được công thức, hướng dẫn nấu ăn cho bữa cơm gia đình phong phú.
Cơ cấu bữa ăn của người Việt thiên về thực vật |
Theo TS. Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học văn hóa TP. Hồ Chí Minh, cách thức tổ chức bữa ăn gia đình thể hiện rất rõ phân công lao động, vấn đề giới, với vai trò của người phụ nữ trong việc nấu món ăn ngon, phù hợp khẩu vị, kích thích vị giác của các thành viên trong gia đình. Qua đó, bữa ăn thể hiện sự tinh tế, quan tâm, chăm sóc chu đáo của người phụ nữ đối với các thành viên trong gia đình và được các thành viên trong gia đình ghi nhận. Nắm bắt tâm lý khách hàng, một số chương trình ẩm thực, quán ăn thường lấy slogan mang thông điệp như: Chuẩn cơm mẹ nấu, Ngon như mẹ nấu…
* Bữa cơm - Nếp nhà
Nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực gia đình, TS. Nguyễn Thị Nguyệt, nhận định thực trạng xã hội phát triển, lối sống đô thị hóa với các áp lực về thời gian trong lao động, học tập khiến các thành viên trong gia đình thường khó quây quần trong các bữa cơm gia đình thường xuyên như trước nữa. Chẳng hạn, các gia đình ở đô thị, buổi sáng cha mẹ thường tất bật mua đồ ăn sáng, hay chở con đi ăn sáng ở các quán ăn để trẻ đến trường, cha mẹ vào công sở, nhà máy. Buổi trưa, các thành viên cũng thường dùng bữa bên ngoài… Do vậy chỉ có buổi tối, khung thời gian từ 17-19 giờ khi cha mẹ tan ca, các con tan trường, chính là thời điểm thích hợp, là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, gắn kết các mối quan hệ trong gia đình. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đầy đủ các thành viên dùng bữa tối cùng nhau vì con tiếp tục ngược xuôi “chạy sô” các lớp học thêm, cha mẹ có khi bận tăng ca hoặc tiếp khách sau giờ làm…
Chị Thuý Hòa (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) cho biết chị làm kinh doanh, quỹ thời gian eo hẹp nên bữa ăn tối chính là cơ hội để các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ để trò chuyện, chia sẻ mọi việc trong ngày cùng nhau. Để giảm bớt phần nào công việc nội trợ của vợ, chồng chị Thúy Hòa không chỉ xắn tay cùng vợ làm bếp hoặc trông con nhỏ mà còn khuyến khích, hướng dẫn con trai phụ mẹ những việc vừa sức như: nhặt rau, chuẩn bị bữa cơm, rửa chén...
Tuy nhiên, chị Thúy Hòa cho hay: “Không phải nhất nhất là nấu nướng và dọn rửa. Để thay đổi khẩu vị và không khí, có khi gia đình tôi mua thức ăn bên ngoài về ăn, hoặc cuối tuần cả nhà cùng đi ăn bên ngoài. Tôi vẫn tính đó là bữa ăn gia đình vì có đầy đủ các thành viên trong gia đình, cùng nhau thưởng thức món ăn yêu thích cũng như chia sẻ với nhau nhiều điều”.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, điều kiện kinh tế khiến cho bữa cơm gia đình ngày nay có nhiều hình thức đa dạng hơn so với truyền thống. Với các gia đình ở đô thị, kinh tế khá giả, bữa ăn có thể linh động như có thể đi chơi, sử dụng các dịch vụ giải trí, sau đó ghé một nhà hàng dùng bữa. Điều này không chỉ góp phần thay đổi không khí gia đình mà còn giảm bớt áp lực cho người phụ nữ…
Lâm Viên
TS.Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh:
Bữa cơm gia đình hàm chứa nhiều giá trị văn hóa
Ăn uống là văn hóa - đó là văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên, nên cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam bộc lộ rất rõ dấu ấn của truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, thiên về thực vật.
Phạm trù bữa cơm gia đình dưới góc nhìn văn hóa hàm chứa nhiều giá trị. Chẳng hạn, giá trị vật chất thể hiện qua cách chế biến các nguyên liệu trong món ăn. Hầu hết các món ăn Việt Nam đều là sản phẩm của sự pha chế tổng hợp: rau này với rau khác, rau với các loại gia vị, rau quả với cá, tôm, thịt… Giá trị tinh thần toát ra từ cách trình bày món ăn bắt mắt, nâng lên tầm nghệ thuật. Giá trị dinh dưỡng; giá trị chăm sóc sức khỏe, ăn để trị bệnh …
Người Việt rất coi trọng bữa cơm và thường ăn chung cho nên các thành viên trong bữa ăn liên quan mật thiết với nhau, phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Khác với phương Tây, trong ăn uống, người Việt thường chuyện trò. Điều này đòi hỏi mọi người đều phải trang bị văn hóa trong ăn uống. Bài học đầu tiên mà người lớn trao truyền cho trẻ nhỏ chính là: Kính trên nhường dưới, Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, Liệu cơm gắp mắm… Các quy tắc lịch sự, mực thước khi ăn uống trong bữa cơm gia đình thể hiện rõ văn hóa ứng xử, trao truyền các giá trị đạo đức tốt đẹp.
Bữa ăn còn thể hiện địa văn hóa như: món ăn miền Bắc thường chặt to kho mặn, nhiều mỡ để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn và khí hậu lạnh; trong khi miền Trung món ăn thường có vị cay để điều hòa âm dương khi chế biến hải sản, còn món ăn miền Nam có vị ngọt vì thường có thêm vị ngọt của dừa trong chế biến món ăn, cộng với sự giao lưu văn hóa rõ nét, cũng như thể hiện điều kiện tự nhiên thuận lợi…